Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Cách nay ít ngày, Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là chương trình tổng thể) nhằm lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận để hoàn thiện, chỉnh sửa trước khi bắt tay thực hiện “cuộc cách mạng” trong giáo dục. Trên tinh thần đó, xin đóng góp một số ý kiến xung quanh bản dự thảo được coi như cương lĩnh của ngành Giáo dục.

Học sinh làm bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 (ảnh minh hoạ).
TỪ TRUYỀN THỤ KIẾN THỨC SANG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC
Theo tinh thần của bản dự thảo chương trình tổng thể, chương trình giáo dục mới sau năm 2018 sẽ có sự thay đổi đột phá trong tư duy giáo dục: chuyển từ việc truyền thụ kiến thức thuần tuý sang phát triển năng lực của người học trên cơ sở giáo dục toàn diện và hài hoà đức, trí, thể, mỹ. Theo đó, giáo dục phổ thông vẫn là 12 năm, gồm hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông- 3 năm).
Nội dung giáo dục phổ thông bảo đảm tinh giản, hiện đại, thiết thực, thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi học sinh; giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hoá pháp luật và ý thức công dân; tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hoá, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;
Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hoá, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của học sinh; giáo dục nghệ thuật và giáo dục thể chất coi trọng việc định hướng thẩm mỹ và bồi dưỡng hứng thú rèn luyện sức khoẻ, hoạt động nghệ thuật.
Theo bản dự thảo, chương trình giáo dục mới sau 2018 sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học phù hợp ở cả 3 cấp học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tập trung dạy cách học và rèn luyện năng lực tự học, tạo cơ sở để học tập suốt đời, tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực;
Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với mục tiêu, nội dung giáo dục, đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của mỗi cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương trình sẽ đa dạng hoá hình thức tổ chức học tập, coi trọng cả dạy học trên lớp và các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo, tập dượt nghiên cứu khoa học. Nguyên lý giáo dục gia đình - nhà trường và xã hội sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ. Bộ GD-ĐT cho biết là tiếp tục đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, góp phần hướng dẫn, điều chỉnh cách học và cách dạy.
Phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được đổi mới theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018 hy vọng sẽ có sự thay đổi mang tính “bước ngoặt”: chuyển từ việc truyền thụ kiến thức một chiều nặng tính khoa bảng sang phương châm giáo dục học để biết làm, học để biết sống. Đây có thể coi là một sự thay đổi nhận thức về giáo dục - điều đó rất đáng được ủng hộ.
DỒN CÁC MÔN HỌC THEO KIỂU CƠ HỌC
Theo tinh thần của bản dự thảo, chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2018 sẽ không còn ôm đồm, trải rộng như chương trình hiện nay. Theo đó, cấp trung học cơ sở chỉ còn từ 6 - 7 môn học bắt buộc, cấp trung học phổ thông chỉ còn bốn môn bắt buộc.
Ngoài các môn học có tính chất bắt buộc, cố định, học sinh sẽ tuỳ theo nguyện vọng đăng ký học các môn học, chuyên đề tự chọn. Chương trình giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục, gồm: Ngôn ngữ và Văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.
Theo chương trình mới, cấp tiểu học mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ. Cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học, mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.
Căn cứ vào nội dung về chương trình học như vừa nêu thì dễ dàng nhận thấy, tổng số các môn học trong chương trình phổ thông đã giảm nhiều so với hiện nay. Nhiều môn học như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ… sẽ không còn tồn tại độc lập mà được dồn lại vào hai môn mới có tên gọi là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Đây chính là điều đang gây băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi. Trước hết, việc dồn các môn học theo kiểu cơ học, ví dụ như ba môn Vật lý, Hoá học và Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên, cơ quan soạn thảo không giải thích việc dồn ghép ấy được thực hiện trên cơ sở nào.
Tương tự như vậy, các môn Lịch sử, Địa lý cũng sẽ được sáp nhập thành môn Khoa học xã hội. Liên quan đến điều này có một điều cần phải nói ngay, so với chương trình giáo dục trước năm 2000 thì chương trình hiện hành có số môn học nhiều hơn từ hai đến bốn môn. Xa hơn nữa, chương trình phổ thông những năm 80 - 90 của thế kỷ XX chỉ có 7 - 9 môn học.
Như vậy, có thể thấy, chương trình giáo dục sau 2018 sẽ có một số điểm gần giống với chương trình của mấy chục năm trước. Song, xét đến cùng thì số môn học cũng chưa hẳn đã giảm, vì một số môn được sáp nhập để tạo thành môn học mới chứ không bỏ hẳn. Chính việc dồn ghép này làm nảy sinh nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
BÀI TOÁN GIÁO VIÊN
Theo bản dự thảo thì trên danh nghĩa, một số môn học sẽ không còn tồn tại như Lịch sử, Địa lý, Hoá học, Vật lý, Sinh học. Những môn học này - như đã đề cập ở phần trên, sẽ là một phần của hai môn học mới: Môn khoa học tự nhiên và môn Khoa học xã hội. Vấn đề đặt ra là: một giáo viên có thể dạy tốt được cả hai hoặc ba môn học vừa nêu hay không? Những ai ở trong ngành đều biết, câu trả lời chắc chắn là không.
Trong quá trình theo học ngành sư phạm, sinh viên hệ cao đẳng, đại học, về cơ bản chỉ được đào tạo một ngành chính để sau này đi dạy, các ngành, môn học khác chỉ học có tính phụ trợ. Ngay cả bậc cao đẳng, vốn dạy theo tỷ lệ 70/30 thì giáo viên cũng không thể dạy tốt nếu như phải nhận nhiệm vụ đứng lớp cho môn học mà họ chỉ được học có 30% tổng thời lượng học trong chương trình sư phạm.
Xin lấy một ví dụ minh hoạ: Một sinh viên học khoa Toán - Lý chẳng hạn, trong thời gian đào tạo, sinh viên này được học 70% ngành Toán và 30% ngành Lý. Trên lý thuyết, khi ra trường, sinh viên này có thể dạy được cả hai môn học nêu trên.
Nhưng thực tế cho thấy, các giáo viên trẻ nếu như dạy tốt được môn chính (môn Toán) đã là may mắn! Cách nay chỉ mấy hôm, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam, khi được hỏi, ba môn học ghép thành một, vậy có mấy giáo viên dạy môn học này? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết là sẽ chỉ có một giáo viên dạy.
Hỏi tiếp: Liệu một giáo viên có dạy được ba môn không? Trả lời: “Được chứ, vì các môn học trên, giáo viên cũng đã học ở phổ thông cả rồi”. Không biết Thứ trưởng có chủ quan quá không? Muốn biết giáo viên có dạy được môn học “ba trong một” hay không, chỉ cần đến trường phổ thông, cử một người dạy thử là biết.
Có thể chắc chắn rằng, không ai đủ trình độ để dạy một môn học dưới dạng tích hợp như thế. Một môn của mình còn lo chưa xong, làm sao có thể dạy được 2 - 3 môn với kiến thức, tri thức có sự khác biệt nhất định?
Trong trường hợp một môn học tích hợp được phân công cho ba giáo viên cùng dạy học thì quả là rắc rối, vì chẳng lẽ ba giáo viên chịu trách nhiệm chung của một môn học? Còn nếu như không làm như vậy, tức chỉ quy định một giáo viên dạy, vậy số giáo viên của những môn học bị “thâu tóm” sẽ làm gì, chẳng lẽ giảm biên chế? Giải quyết vấn đề này không đơn giản, vì liên quan đến luật pháp, con người.
Không chỉ giáo viên đang dạy, hiện nay, những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường sư phạm cũng đang được đào tạo theo nội dung, phương pháp dạy học của hàng chục năm nay. Nói ngắn gọn, nội dung, chương trình học của sinh viên không khác gì những giáo viên đã ra trường và đang đứng lớp.
Có ý kiến cho rằng, năm học 2018 - 2019 bắt đầu thực hiện chương trình mới thì hơi sớm, đề nghị xem xét lại để chờ đào tạo thế hệ giáo viên mới nhằm bảo đảm chất lượng dạy học. Thật ra, sẽ không có lớp giáo viên mới nào đủ sức dạy môn học tích hợp - nếu như môn học ấy được thực hiện đúng như thông tin trong bản dự thảo của chương trình tổng thể. Vả lại, nếu có đào tạo được lớp giáo viên mới thì cũng không thể đáp ứng được số lượng, chưa nói chất lượng. Mà giả dụ có đủ số giáo viên mới thì “bỏ” giáo viên hiện nay đi đâu?
Theo tinh thần của bản dự thảo, cấp THPT chỉ còn có 4 môn bắt buộc, còn lại học sinh được quyền học các môn tự chọn. Ý tưởng này có thể hay nhưng cần thận trọng, nếu không sẽ nảy sinh nhiều rắc rối bởi vì giáo viên sẽ vừa thiếu vừa thừa.
Môn học nào được học sinh chọn nhiều thì thiếu giáo viên và ngược lại. Vậy những môn học mà học sinh ít chọn hoặc không chọn để học thì giáo viên những môn học ấy sẽ làm gì? Chưa kể, xu hướng chọn học các môn tự chọn của học sinh cũng không giống nhau qua từng năm học.
Cần lưu ý một điều, việc dạy và học môn tự chọn đã được đưa vào cấp THCS từ rất lâu và thực tiễn cho thấy, những gì diễn ra không giống như nhà quản lý tính toán. Do điều kiện con người, cơ sở vật chất không đáp ứng được nên học sinh không được quyền chọn môn học mình ưa thích mà thay đó nhà trường chọn, tức là bị chọn chứ không phải tự chọn.
ĐỔI MỚI - RẤT CẦN THIẾT nhưng cần bài bản
Có một điều hơi lạ, là mặc dù nói đây là chương trình đổi mới tổng thể nhưng lại chỉ đề cập đến giáo dục phổ thông. Giáo dục mầm non, chuyên nghiệp, dạy nghề, đại học không thấy đề cập đến. Theo ý kiến của một số trí thức người Việt đang sinh sống ở nước ngoài thì giáo dục phổ thông của Việt Nam hiện “không đến nỗi nào, thậm chí có mặt còn hơn nhiều nước” song giáo dục đại học thì thất bại hoàn toàn.
Văn bằng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam gần như không được công nhận, kỹ năng làm việc của sinh viên sau khi ra trường rất yếu. Còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, xem xét, góp ý cho bản dự thảo dài 57 trang mà Bộ vừa ban hành để lấy ý kiến của xã hội, từ chuyên môn thuần tuý cho đến chính sách, cơ sở vật chất, đội ngũ…
Ngoài ra, đọc phần quan điểm, mục tiêu của chương trình mới nghe hao hao như các nghị quyết, nó chứa đựng ý chí chủ quan nhiều hơn tính khoa học, tính thực tiễn. Đừng quên rằng, nền giáo dục yếu kém như hiện nay phần lớn bắt nguồn từ những quyết định duy ý chí, thiếu thực tiễn.
Do vậy, việc xây mới ngôi nhà giáo dục là cần thiết nhưng có thành công hay không, thành công ở mức độ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu không có sự chuẩn bị bài bản, có tính chiến lược thì sẽ lại thất bại như chương trình phân ban THPT - một chương trình mà trước khi triển khai, Bộ khẳng định sẽ thành công.
VIỆT ĐÔNG
Theo ý kiến của một số cán bộ, giáo viên ở Tây Ninh, việc dồn ghép một số môn học thành hai môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ có nhiều điểm giống với chương trình của mô hình trường học mới (VNEN), mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đang cho triển khai. Một số cán bộ quản lý và giáo viên cho biết, những môn học mới hình thành sẽ vẫn cho từng giáo viên dạy chứ không chỉ có một người, đến phân môn của ai thì người đó dạy. Có những bài chung thì giáo viên nào dạy cũng được. |