Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Du lịch cộng đồng-hướng đi mới cho làng nghề bánh tráng phơi sương
Thứ sáu: 03:23 ngày 22/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã trở thành thương hiệu đặc sản của tỉnh Tây Ninh. Dù ở bất cứ nơi đâu, khi nhìn thấy hoặc nghe ai đó nhắc đến món bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, người ta đều biết rằng đó là một món ăn truyền thống đã và đang tồn tại, phát triển trên vùng đất Tây Ninh. Thật ra, xung quanh chiếc bánh tráng phơi sương còn có biết bao điều trăn trở…

Phơi bánh tráng ở Trảng Bàng.

Các sản phẩm làm từ bánh tráng rất đa dạng, phong phú với đủ thứ tên gọi như: bánh tráng me, bánh tráng muối dạng xâu, bánh tráng nem, bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt và đặc biệt là bánh tráng phơi sương. Món bánh tráng phơi sương ăn kèm với thịt heo luộc và hàng chục loại rau đặc trưng của huyện Trảng Bàng là món ăn được các nhà hàng lớn tại Tây Ninh như Hoàng Minh (1, 2, 3), Năm Dung (1, 2), Út Huệ, Cô Ba... chọn làm món ăn chính bán cho khách địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm đất Tây Ninh. Sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng hiện đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và còn được xuất sang thị trường các nước: Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ở Trảng Bàng hiện nay có nhiều làng nghề làm tráng bánh nổi tiếng như ở khu phố Lộc Du, Gia Huỳnh, Lộc An, Lộc Thành (thị trấn Trảng Bàng), ấp Lộc Trát (xã Gia Lộc), ấp An Thành (xã An Tịnh)… Tuy nhiên, thu nhập từ nghề làm bánh tráng phơi sương tương đối thấp, giới trẻ ít muốn theo nghề, một phần cũng vì thao tác nghề này phải qua nhiều công đoạn khá công phu và tốn kém thời gian. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của nghề làm bánh tráng phơi sương đang gặp khó khăn, rất cần một hướng đi đúng để phát triển.

Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống đang trở thành một xu thế, một hướng đi hiệu quả không chỉ ở nước ta mà còn ở một số quốc gia trên thế giới có ngành nông nghiệp phát triển. Du lịch cộng đồng là một trong những mô hình mới đã và đang được ngành du lịch quan tâm, đầu tư phát triển nhằm từng bước làm phong phú thêm các loại hình du lịch của địa phương, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thu hút khách du lịch đến với địa phương ngày càng đông hơn. Hiện tại, phần đông khách du lịch đều có khuynh hướng quay về với tự nhiên, gần gũi với thiên nhiên, thích tìm hiểu các phong tục tập quán đặc trưng và ngành nghề truyền thống của từng vùng, từng địa phương, đặc biệt là xu hướng du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn, du lịch sông nước cùng các loại hình vui chơi giải trí mới, lạ, hấp dẫn có chứa đựng yếu tố dân gian. Đây có thể được xem là một giải pháp hữu hiệu để áp dụng cho nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Bản chất của loại hình du lịch cộng đồng được xây dựng trên cơ sở các làng nghề truyền thống của địa phương. Khách du lịch khi tham gia loại hình du lịch cộng đồng tại làng nghề bánh tráng phơi sương sẽ ngủ nhà dân và trải nghiệm các quy trình để làm ra một chiếc bánh tráng phơi sương từ khâu chọn nguyên liệu, làm bột, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh, phơi bánh, hái rau sông; sau đó bánh tráng phơi sương được “xuất khẩu tại chỗ” cho du khách mang về nước. Nhưng có một yêu cầu đặc thù của loại hình du lịch cộng đồng mà hiện nay làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng chưa cung ứng được, đó là dịch vụ homestay (nhà ở có phòng cho du khách thuê) để du khách có thể ăn, ngủ và sinh hoạt tại chỗ với người dân địa phương. Mặc dù ở Trảng Bàng hiện có rất nhiều loại hình cơ sở lưu trú như khách sạn 1-2 sao, nhà trọ, nhà nghỉ đạt chuẩn song chưa có cơ sở nào đáp ứng được theo tiêu chuẩn homestay như quy định.

Một vấn đề khác cũng cần phải quan tâm là để phát triển du lịch cộng đồng thì nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng. Mặt khác, cần phải có sự nghiên cứu, phối hợp của các sở, ban, ngành địa phương và các đơn vị tư vấn về du lịch cộng đồng nhằm hướng dẫn người dân bản địa hiểu rõ hơn về bản sắc của địa phương cũng như vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên, để từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, không trùng lặp. Đồng thời, để thu hút được du khách tham gia du lịch cộng đồng thì người dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống như xay gạo, làm bột, tráng bánh... bằng phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng máy móc. Du lịch cộng đồng tuyệt đối không nên phát triển ồ ạt, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch- cả làng làm du lịch, người người làm dịch vụ! Vì như vậy sẽ làm mất “gốc” tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho vùng đất Trảng Bàng nguồn tài nguyên phong phú để làm nên chiếc bánh phơi sương. Ưu thế đó cộng với sự lao động cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây đã biến bánh tráng phơi sương thành một món ăn nổi tiếng. Từ sự phát triển không ngừng của chiếc bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về bảo hộ địa danh dưới hình thức nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể theo Quyết định số 47623/QĐ-SHTT ngày 21.11.2011 và ngày 13.10.2015, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

Trong những năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tây Ninh đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về sản phẩm bánh tráng phơi sương để thu hút du khách đến với các làng nghề làm bánh tráng phơi sương thông qua các hoạt động như: kết hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh thực hiện phim tư liệu “Làng nghề bánh tráng phơi sương Trảng Bàng”, giới thiệu trên sóng các đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam bộ; phối hợp với UBND huyện Trảng Bàng tham mưu tỉnh đưa bánh tráng phơi sương Trảng Bàng tham gia các cuộc hội chợ triển lãm thương mại trong nước và quốc tế; xây dựng quảng bá thương hiệu, để bánh tráng phơi sương trở thành một sản phẩm thu hút khách du lịch đến Tây Ninh.

Nhân dịp lễ kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển, sẽ được tổ chức vào năm 2016, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh kết hợp tổ chức lễ hội bánh tráng phơi sương tại huyện Trảng Bàng nhằm tôn vinh một loại hình di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia và sự cần cù, nhẫn nại chịu thương chịu khó của những nghệ nhân làm nên chiếc bánh. Hiện nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang xúc tiến xây dựng đề án du lịch cộng đồng làng nghề bánh tráng phơi sương để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch. Du khách khi đến đây không chỉ được thưởng thức các món ăn ngon, truyền thống của người dân huyện Trảng Bàng mà còn có cơ hội trải nghiệm công việc của người thợ làm bánh tráng phơi sương, như một nghệ nhân tráng bánh thực thụ.

Những gì mà ngành du lịch Tây Ninh đã và đang làm có thể xem như tạo một bước phát triển mới cho ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống nói riêng. Nói vậy, nhưng việc áp dụng mô hình du lịch cộng đồng cho làng nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng- Tây Ninh như thế nào và phải làm ra sao thì vẫn còn là một vấn đề cần phải tính toán.

Trần Anh Kiệt

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh