Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xung quanh thông tin giải thể Công đoàn Giáo dục cấp huyện
Dư luận băn khoăn chuyện đi, ở...
Chủ nhật: 10:10 ngày 14/06/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo thông tin lan truyền thì chủ tịch Công đoàn giáo dục cấp huyện sẽ được cấp thẩm quyền điều động sang làm phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện; tất cả công đoàn cơ sở trước đây trực thuộc Công đoàn giáo dục huyện cũng sẽ chuyển sang trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện, thành phố. Một số cán bộ Công đoàn giáo dục cấp huyện cho biết, họ đã nghe thông tin này nhưng chưa thấy văn bản nào.

Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh trao nhà công vụ cho giáo viên ở xã Tân Thành, huyện Tân Châu (ảnh chỉ mang tính minh hoạ).

Theo một số thông tin, cách đây chưa lâu, Liên đoàn Lao động tỉnh có mời chủ tịch Liên đoàn Lao động các huyện về triển khai nội dung theo tinh thần trên. Sau đó, Liên đoàn Lao động huyện đã mời chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện để hỏi xem có đồng ý chuyển sang làm việc tại Liên đoàn Lao động hay không.

Nếu như đồng ý, các vị này sẽ rời khỏi Phòng Giáo dục - Đào tạo để sang làm phó chủ tịch Liên đoàn lao động huyện phụ trách lĩnh vực giáo dục. Theo quy định hiện hành, chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện nếu hưởng lương chuyên trách thì trực thuộc biên chế của Liên đoàn Lao động tỉnh.

BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?

 Theo ý kiến của một chủ tịch Công đoàn giáo dục cấp huyện có thâm niên công tác, thông tin về việc giải thể tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện không phải bây giờ mới được đề cập đến. Vị này cho biết, năm 2013, thời điểm chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI Công đoàn Việt Nam đã có ý kiến đề nghị xem xét có nên tồn tại tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện nữa hay không.

Trước Đại hội, trong bản dự thảo góp ý sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phần nói về Công đoàn giáo dục cấp huyện có đưa ra hai hướng liên quan đến tổ chức này. Phương án thứ nhất, công đoàn các trường học (tức công đoàn cơ sở) sẽ trực thuộc Liên đoàn Lao động huyện.

Phương án thứ hai, công đoàn trường học sẽ trực thuộc Công đoàn giáo dục tỉnh. Qua thăm dò ý kiến, đại diện nhiều công đoàn cơ sở không tán thành phương án 1 mà ủng hộ phương án 2, tức trực thuộc Công đoàn giáo dục cấp tỉnh. Như vậy, dù có chọn phương án nào trong hai phương án vừa nêu, tổ chức Công đoàn giáo dục huyện cũng coi như không còn tồn tại.

Tuy nhiên, tại Đại hội, đại diện Công đoàn giáo dục tỉnh và cả lãnh đạo Công đoàn giáo dục Việt Nam đều đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức công đoàn giáo dục cấp huyện, vì đây là tổ chức Công đoàn ngành nghề có tính đặc thù, không thể giải thể hoặc sáp nhập vào các tổ chức công đoàn khác.

Theo nhóm ý kiến này, Liên đoàn Lao động huyện không nắm được đặc điểm chuyên môn của ngành giáo dục nên không thể quản lý được. Cuối cùng, Đại hội đã quyết định giữ nguyên tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện. Mặc dù vậy, dư luận xung quanh chuyện giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện vẫn cư râm ran, âm ỉ cho đến hôm nay.

KHÔNG ÍT BĂN KHOĂN

Một số người trong cuộc nói rằng, nếu việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện được thực hiện e rằng không ổn. Băn khoăn của một số vị chủ tịch công đoàn giáo dục cấp huyện là một khi rời khỏi Phòng Giáo dục- Đào tạo, họ sẽ không nắm bắt sâu sát được hoạt động của ngành Giáo dục để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công đoàn viên. Khi công đoàn viên có tâm tư, nguyện vọng cần đến sự can thiệp, giúp đỡ của chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện thì họ biết phản ánh với ai.

Mặt khác, sự phối hợp giữa ban chấp hành Công đoàn giáo dục huyện với trưởng phòng giáo dục sẽ thiếu sự gắn kết giữa tổ chức Công đoàn đồng cấp với trưởng phòng. Khi công đoàn giáo dục huyện không còn tồn tại thì Công đoàn giáo dục tỉnh không còn quản lý chuyên môn ngành nghề của cấp dưới như lâu nay.

Theo lời một vị chủ tịch Công đoàn giáo dục cấp huyện, nếu phải chuyển sang Liên đoàn Lao động cấp huyện thì bản thân họ sẽ gặp những bất lợi vì lúc đó họ không chỉ phụ trách lĩnh vực giáo dục mà còn đảm nhiệm các lĩnh vực khác. Cho dù có được giao phụ trách lĩnh vực giáo dục thì họ cũng đã xa rời ngành Giáo dục cả về phương diện pháp lý, thực tiễn lẫn tinh thần.

Về mặt quyền lợi, khi đã chuyển sang  làm phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện thì phụ cấp thâm niên cũng bị cắt (loại phụ cấp này chỉ dành cho người của ngành Giáo dục). Vẫn theo lời vị này, trên phương diện pháp lý, không thể giải thể tổ chức Công đoàn giáo dục cấp huyện và cũng không thể buộc chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện sang làm phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện.

“Theo tôi, việc này chỉ có thể liên quan đến vấn đề sắp xếp biên chế, cấp trên muốn một người đảm nhiệm hai công việc ở hai cơ quan khác nhau, đồng thời củng cố bộ máy làm việc của Liên đoàn Lao động huyện, thành phố” - vị này nói thêm.

Nhiều vị chủ tịch Công đoàn giáo dục huyện cũng cho biết họ không muốn trở thành phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện. Bởi họ xuất thân là giáo viên, nếu vì một lý do nào đó không còn làm chủ tịch công đoàn nữa thì tốt nhất là trở về với bục giảng. Còn nếu chuyển sang Liên đoàn Lao động huyện thì cơ hội này không có được.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khi đến kỳ Đại hội theo định kỳ, nếu như chủ tịch công đoàn chuyên trách không trúng cử nhiệm kỳ mới, có nguyện vọng trở về ngành Giáo dục thì được bố trí lao động đúng theo ngành nghề đào tạo.

Một vị lãnh đạo công đoàn giáo dục cấp huyện cho biết, lâu nay, mỗi khi đến kỳ lãnh lương, cán bộ Phòng Giáo dục- Đào tạo qua Kho bạc làm thủ tục chuyển lương cho giáo viên thì sẽ trừ lại 2% tổng số lương để chuyển về Liên đoàn Lao động tỉnh. Sau đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cấp lại cho Công đoàn giáo dục cấp huyện 1%.

Công đoàn giáo dục huyện cấp lại cho công đoàn cơ sở (ở đây là công đoàn các trường học) để hoạt động, đây chính là kinh phí của công đoàn. Trước khi cấp kinh phí cho công đoàn cơ sở, Công đoàn giáo dục huyện có giữ lại một tỷ lệ nhất định để hoạt động.

Tuy nhiên từ tháng 1.2015 đến nay, cơ chế tài chính như vừa nêu không còn thực hiện nữa. Thay vào đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cấp kinh phí về cho Liên đoàn Lao động huyện. Liên đoàn Lao động huyện lại cấp thẳng cho công đoàn cơ sở. Kinh phí hoạt động của Công đoàn giáo dục huyện cũng do Liên đoàn Lao động huyện cấp.

Theo thông tin từ một số cán bộ Công đoàn giáo dục huyện, kinh phí do Liên đoàn Lao động huyện cấp cho họ thấp hơn rất nhiều so với trước kia. Ví dụ: trước thời điểm tháng 1.2015 trở về trước, mỗi năm Công đoàn giáo dục cấp huyện được cấp khoảng 300 triệu đồng thì nay, Liên đoàn Lao động huyện chỉ cấp khoảng 80 triệu đồng, huyện nào khá hơn cũng chỉ được 100 triệu đồng.

Do kinh phí hạn hẹp nên nhiều hoạt động của Công đoàn giáo dục huyện không còn phong phú như trước. Cũng theo một cán bộ Công đoàn giáo dục huyện, trước đây, cơ chế phân bổ kinh phí cho công đoàn cơ sở được thực hiện trên tinh thần chia đều, “trường giàu” hay “trường nghèo” cũng nhận gần ngang nhau.

Nay, việc cấp kinh phí do Liên đoàn Lao động huyện cấp cho các trường  theo hình thức: trường nào đông công đoàn viên thì cấp nhiều, trường nào ít công đoàn viên thì cấp ít. Cách thức này mới nghe qua thì hợp lý và công bằng. Tuy nhiên, những trường có quy mô nhỏ, ít giáo viên, không có nguồn thu thì kinh phí nhận được hầu như không đáng kể.

“Có trường hợp gia đình công đoàn viên có người thân trong nhà qua đời, công đoàn nhà trường chỉ đi phúng điếu được… một trăm nghìn đồng, vì trường nghèo, không có nguồn chi” - một cán bộ Công đoàn giáo dục huyện than thở.

Tiếng hát giáo viên- hội thi do Công đoàn ngành Giáo dục Tây Ninh tổ chức (ảnh mang tính minh hoạ).

Trong thực tế, ngay trong đội ngũ đang làm cán bộ Công đoàn giáo dục cấp huyện cũng có những ý kiến khác nhau. Có người cho rằng việc thay đổi cơ chế tài chính mà Liên đoàn Lao động tỉnh cho áp dụng từ đầu năm 2015 đến nay là không sai nguyên tắc tài chính.

Vì hiện nay đa số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đều đã thực hiện cơ chế tài chính tự chủ, khoán kinh phí. Ủng hộ cơ chế tài chính mới, song vị này cũng cho rằng do kinh phí hoạt động giảm quá nhiều nên các phong trào hoạt động do Công đoàn giáo dục cấp huyện phát động gần như cũng… giảm hẳn. Sắp tới các hoạt động thi đấu thể thao, tiếng hát giáo viên… có thể sẽ bị cắt hoặc chỉ tổ chức có lệ vì không có kinh phí.

CHỜ MỘT LỜI GIẢI ĐÁP

Qua các thông tin vừa nêu, có thể rút ra hai câu hỏi. Thứ nhất, thông tin về việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện có chính xác hay không? Nếu thực hiện thì sẽ dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn nào? Trong trường hợp chủ tịch Công đoàn giáo dục cấp huyện không đồng ý sang nhận công tác mới ở Liên đoàn Lao động mà muốn ở lại với ngành hoặc ra đứng lớp thì sẽ giải quyết ra sao? Thứ hai, việc điều chỉnh chế độ tài chính như đã nêu trên căn cứ vào đâu và tại sao phải làm như thế?

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh