Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hiện nay, dịch sốt xuất huyết dengue (SXH) đang bùng phát tại nhiều nơi trên cả nước. Tây Ninh nằm trong những tỉnh trọng điểm về loại dịch bệnh này.

|
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tây Ninh, 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh có 638 ca nhiễm SXH- tăng 37 ca so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số ca bệnh nặng là 26 ca (bằng số ca năm trước). Số ca mắc thuộc nhóm đối tượng trẻ dưới 15 tuổi là 223 ca (tăng 38 ca).
Tính đến tuần thứ 38 của năm 2015, toàn tỉnh xuất hiện 156 ổ dịch (năm 2014 là 106 ổ), đã xử lý được 155 ổ. Hiện dịch bệnh SXH đã xuất hiện đều khắp địa bàn 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Số ca mắc cao rơi vào các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành và Gò Dầu. Tính đến thời điểm này Tây Ninh không có ca tử vong do SXH gây ra.
Mỗi ngày Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cập nhật thông tin bệnh nhân để kịp thời phản hồi cho các địa phương. Đối với các bệnh viện tư nhân, cơ sở nằm trên địa phương nào thì địa phương đó có trách nhiệm thực hiện việc cập nhật thông tin nói trên.
Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bác sĩ Ngô Tấn Khương cho biết, khoảng một tháng nay trung bình mỗi ngày khoa điều trị nội trú từ 14 đến 15 ca SXH (những tháng trước đó chỉ thưa thớt vài ca). Bệnh nhân điều trị tại đây được kịp thời cung cấp thuốc men.
Những trường hợp cần thiết, bệnh viện sẽ phối hợp với tuyến trên hội chẩn để có cách điều trị hiệu quả. Những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn để bệnh nhân chuyển về tuyến huyện điều trị cho thuận tiện.
Đa số trường hợp đến điều trị tại khoa Nhiễm đều tương đối nhẹ, ít có trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến trên. Cũng theo bác sĩ Khương, một người có thể bị mắc SXH vài lần, song thời gian qua số bệnh nhân trên địa bàn tỉnh mắc bệnh lần 2, 3 là khá hiếm.
Tân Châu nằm trong tốp các huyện có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh, ngành Y tế huyện này đang nỗ lực thực hiện công tác phòng, chống dịch SXH. Theo số liệu từ khoa Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế Tân Châu, trong 9 tháng đầu năm, toàn huyện ghi nhận 183 ca mắc SXH.
Riêng trong tháng 9 này đã có 57 ca mắc, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2014. Xã Tân Hội có 44 ca- cao nhất huyện. Theo bác sĩ Trần Thiện Hùng- Phó Giám đốc phụ trách mảng Dự phòng Trung tâm Y tế Tân Châu, so với các năm trước, tình hình SXH trên địa bàn huyện năm nay tăng đột biến ở một số xã, ngoài Tân Hội còn có Tân Đông, Tân Hiệp…
Ngành Y tế huyện đã tiến hành các biện pháp dập dịch như phun hoá chất, diệt lăng quăng, có nơi phải thực hiện trên diện rộng. Các điểm được xử lý, tình hình đã ổn định, không có hiện tượng gia tăng dịch bệnh. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được thực hiện thường xuyên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tố Nga- Phó Trưởng khoa Nhiễm, Trung tâm Y tế huyện cho biết, nếu như trong tháng 7 khoa chỉ tiếp nhận khoảng 20 ca mắc SXH thì đến tháng 9 con số đã tăng lên gấp hơn 2 lần. Đa số bệnh nhân khi đến bệnh viện đều trong tình trạng đã sốt kéo dài vài ngày.
Qua điều trị nội trú trung bình từ 4 đến 5 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà. Tính từ đầu năm đến nay, phần lớn các ca SXH đến điều trị tại khoa đều nhẹ, chỉ có 3 ca nặng (trong đó có một ca là trẻ em) phải chuyển lên tuyến trên.
Tại xã Tân Hội, y sĩ Nguyễn Văn Chiến- phụ trách chương trình phòng chống SXH của xã đánh giá, nhiều năm qua, trên địa bàn xã bệnh SXH chỉ xảy ra với số lượng ít, trung bình chưa tới 10 ca/năm. Nhưng kể từ đầu tháng 6.2015 đến nay đã có 42 ca mắc phải, trong đó có 21 ca là trẻ dưới 15 tuổi.
Hầu hết đều ở mức độ nhẹ và đã điều trị khỏi. Trung tuần tháng 7 và đầu tháng 8, y tế xã kết hợp với khoa Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện mở chiến dịch dập dịch SXH trên diện rộng, tổ chức phun hoá chất, diệt lăng quăng cho 2.340 hộ.
Vừa qua, xã có thực hiện đợt kiểm tra, khảo sát và nhận thấy tỷ lệ sạch lăng quăng đạt trên 70%. Y sĩ Chiến cho biết thêm, công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trong dân cư ở địa phương được ngành Y tế cùng với các đoàn thể, chính quyền tích cực thực hiện.
Tuy nhiên, địa phương vẫn còn có những khó khăn về nhiều mặt như hệ thống loa truyền thanh không đồng bộ dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao; ý thức người dân cũng còn hạn chế, có hộ còn chưa hợp tác khi nhân viên y tế tiến hành phun hoá chất hay vận động diệt lăng quăng.
Ông Chiến khẳng định: “Phun hoá chất chỉ là biện pháp tạm thời. Quan trọng hơn là phải thay đổi ý thức người dân để tạo môi trường sống thoáng đãng, sạch lăng quăng”.
Hiện nay, tình trạng dịch bệnh SXH đang ngày một lan rộng. Trong khi vẫn còn nhiều người chưa thật sự hiểu biết về bệnh SXH, chưa biết cách nhận ra triệu chứng bệnh.
SXH có những triệu chứng khiến người bệnh dễ lầm lẫn với các triệu chứng bệnh thông thường khác như ho, sốt, đau họng, đau nhức toàn thân. Nhưng khi bệnh chuyển nặng sẽ xuất hiện đốm đỏ trên da, bệnh nhân bị tiêu chảy, xuất huyết, nếu không điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Thông thường, hầu hết người mắc bệnh đều tự điều trị bằng cách uống thuốc hạ sốt, sau vài ngày thấy bệnh không thuyên giảm mới tìm đến cơ sở y tế. Có trường hợp khi đến bệnh viện thì bệnh đã chuyển sang cấp độ C (cấp độ nặng).
Anh Lê Văn Khôi, ngụ ấp Thạnh Quới, xã Thạnh Đông- bệnh nhân SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu cho biết, trước đó, anh bị cảm sốt, được gia đình mua thuốc cho uống, sau 5 ngày tình trạng bệnh không giảm, anh nhập viện trong tình trạng sốt cao, người mệt mỏi.
Qua 2 ngày điều trị tại Trung tâm Y tế huyện bệnh đã giảm nhiều. Anh nói: “Trước giờ tôi chưa từng mắc bệnh này. Vì vậy, khi bị sốt tôi chỉ nghĩ là cảm sốt thông thường nên tự mua thuốc điều trị. Sau lần này tôi đã có kinh nghiệm để nhận biết bệnh SXH”.
Chị Phạm Thị Thu Trúc, ngụ ấp Hiệp Long, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành đang nuôi con gái dưới 15 tuổi mắc bệnh SXH tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh kể rằng, thời gian trước, gần nhà chị có người bị bệnh SXH nhưng chị không chú ý lắm.
Đến khi con gái bị bệnh, chị cứ tưởng cháu bị nhiễm sốt siêu vi giống như chị vừa mới bị trước đó nên tự mua thuốc về cho cháu uống. Sau hai ngày, thấy con không khỏi bệnh, chị mới đưa đến bệnh viện.
Điều trị được 5 ngày, con gái chị nay đã khoẻ lại. Chị Trúc chia sẻ: “Tôi cũng có biết chút ít thông tin về dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, do bản thân chưa trải qua nên cũng không rành diễn biến bệnh như thế nào. Cũng may là tôi đã kịp thời đưa cháu nó đến bệnh viện”.
Trần Thị Kim Thoại, ngụ xã Long Chữ, huyện Bến Cầu là sinh viên trọ học trên địa bàn phường Ninh Sơn (thành phố Tây Ninh) đến điều trị bệnh SXH tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh được 3 ngày thừa nhận, do thấy phòng trọ thoáng đãng, sạch sẽ nên cô đã khá chủ quan, khi ngủ không mắc mùng.
Đến khi bị sốt liên tục mấy ngày không giảm, cuối cùng cô phải nhập viện vì SXH. Sau quá trình điều trị, cô sinh viên đã trở nên tươi tỉnh hơn, cô nói: “Lần này xuất viện, em sẽ làm vệ sinh phòng trọ và khi ngủ nhất định phải giăng mùng để tránh muỗi”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Tố Nga, khi người bệnh sốt cao liên tục 2 đến 3 ngày mà không thuyên giảm dù có uống thuốc hoặc thấy trên người nổi những đốm lạ, có tình trạng xuất huyết thì nên đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trước tình hình SXH diễn biến phức tạp như hiện nay, ngành Y tế dự tính trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống loại dịch bệnh nguy hiểm này và sẽ tiến hành xử lý sớm, triệt để 100% ổ dịch được phát hiện. Ngành cũng sẽ tập trung quan tâm dập dịch trên diện rộng- nhất là đối với những xã, phường có số ca SXH tăng đột biến.
NGÔ TUYẾT