Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Ngày 15.7.2015, đoàn công tác của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc tại Tây Ninh về kết quả tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015), trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung. Kết quả tổng rà soát cho thấy, đa số người có công được hưởng đúng chính sách, tuy nhiên vẫn còn đó những vấn đề cần sớm được giải quyết, những thân phận cần được làm sáng tỏ.

Ông Nguyễn Thái Bình- Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh phát biểu trong buổi làm việc tại UBND tỉnh.
Châu Thành - Xuất hiện đơn thư tố cáo, khiếu nại
Theo báo cáo của UBND huyện Châu Thành, tổng số phiếu rà soát (phát cho đối tượng người có công) ở huyện là 2.545 phiếu. Kết quả có 2.393 phiếu (tương ứng với 2.393 trường hợp) xác nhận được hưởng đúng chính sách- tương đương hơn 94%.
Số phiếu thể hiện đối tượng chưa được hưởng đầy đủ chính sách là 152, chiếm tỷ lệ 5,97% (trong số này, chưa có bảo hiểm y tế: 151, thương binh lãnh trợ cấp chưa đầy đủ: 1). Trong quá trình rà soát, có 16 trường hợp đối tượng tự kê khai là người có công nhưng chưa được xác nhận và chưa được hưởng chính sách.
Trong quá trình làm việc, ban rà soát các cấp đã gặp phải một số khó khăn. Lãnh đạo một số địa phương chưa thật sự sâu sát về công tác điều tra, rà soát. Các cơ quan chức năng tham mưu chưa kịp thời, báo cáo còn chậm, trách nhiệm của công chức phụ trách mảng lao động, thương binh- xã hội có nơi chưa cao.
Cán bộ rà soát chưa nghiên cứu sâu về chế độ chính sách của 7 nhóm đối tượng được rà soát. Nhiều gia đình không còn lưu giữ được các giấy tờ hưởng chế độ nên cung cấp thông tin thiếu chính xác, ảnh hưởng đến quá trình nhận định kết quả việc thực hiện chính sách.
Về xử lý các tồn đọng phát sinh, đối với 151 trường hợp xác định đối tượng người có công chưa có thẻ bảo hiểm y tế, tính đến thời điểm 31.5 vừa qua, huyện Châu Thành đã giải quyết xong sự việc này. Đối với trường hợp thương binh Nguyễn Văn Khanh, ngụ ấp Cầu Trường, xã Hảo Đước, tỷ lệ 31% nhưng chỉ hưởng 21%, sau kết quả rà soát của địa phương, ngày 18.9.2014, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đã điều chỉnh mức trợ cấp của ông lên mức 31%, đồng thời giải quyết truy lãnh phần chênh lệch tỷ lệ trong thời gian trước đó.
Với nhóm đối tượng kê khai là người có công nhưng chưa được xác nhận, chưa được hưởng chính sách (tổng số 16 trường hợp), sau khi rà soát xong, UBND các xã đã có biên bản làm việc cụ thể đối với từng trường hợp. Những trường hợp có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ thì chuyển ngành chức năng xem xét giải quyết, những hồ sơ không có giấy tờ đầy đủ thì giải thích và trả lại cho đối tượng.
Cụ thể, đối với 10 trường hợp thương binh, địa phương đã chuyển cho ngành quân đội giải quyết 8 trường hợp, còn 2 trường hợp không đủ điều kiện xem xét giải quyết. Về việc 4 ngôi mộ liệt sĩ ở xã Biên Giới chưa được quy tập, Hội Cựu chiến binh xã đã tổng hợp danh sách và phiếu cung cấp thông tin chuyển cho Xã đội, để từ đó chuyển về trên.
Sau tổng rà soát, ở Châu Thành xuất hiện một số đơn khiếu nại liên quan đến chế độ chính sách. Cụ thể, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đã nhận được đơn của một số người dân khiếu nại 2 trường hợp đang hưởng chế độ thương binh ở xã Hảo Đước là không đúng.
Một là ông Nguyễn Văn Dưng, ngụ ấp Trường. Theo đơn, ông Dưng bị thương do đạp phải mìn trong lúc đi tát cá, chứ không phải bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Một trường hợp khác là ông Trần Văn Điệu, hiện cư ngụ ấp Bình Lợi. Đơn cho rằng ông Điệu hưởng chế độ thương binh do được xét tỷ lệ thương tật 2 lần bị thương là không chính xác, bởi một trong 2 vết thương của ông này, cụ thể là vết thương ở bụng vốn đã có từ hồi ông tham gia chế độ cũ.
Phòng LĐ-TB&XH cũng nhận được đơn thư phản ánh của người dân khu phố 3, thị trấn Châu Thành về trường hợp của ông Nguyễn Văn Mùi. Theo phản ánh, ông Mùi là lính chế độ cũ, sau 30.4.1975, ông đi thanh niên xung phong rồi đào ngũ về làm mướn cho một nhà máy chà.
Khoảng năm 1978, nhà máy bị trúng pháo kích của giặc Pôn Pốt, ông Mùi bị gãy chân nhưng về sau ông lại được hưởng chế độ thương binh. Phòng LĐ-TB&XH còn nhận được đơn của ông Nguyễn Thu Định- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Biên Giới phản ánh về trường hợp ông Trần Văn Te cư ngụ ấp Bến Cầu không phải là du kích trong chiến tranh và cũng không tham gia bất cứ trận đánh nào từ năm 1971 đến năm 1979, vì vậy không thể có chuyện ông bị thương và hưởng chế độ thương binh.
Sau khi nhận đơn thư phản ánh, Ban rà soát chính sách ưu đãi người có công huyện đã phân công các thành viên trong ban, kết hợp với Đảng uỷ, UBND các xã và thị trấn điều tra, xác minh, làm rõ để có cơ sở trả lời, tham mưu UBND huyện kết luận và xử lý. Kết quả xác minh cho thấy, đối với trường hợp ông Trần Văn Điệu, Ban rà soát khẳng định đơn khiếu nại nêu không đúng.
Thực tế ông Điệu đang hưởng chế độ thương binh có vết thương chân trái, chân phải, tay phải, không có vết thương ở bụng. Đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Dưng thì đơn thư khiếu nại đã nói đúng sự thật và ngày 13.10.2014, Phòng LĐ-TB&XH kết hợp với UBND xã Hảo Đước đã tổ chức họp công khai hoá hồ sơ của ông Dưng tại trụ sở UBND xã.
Ngày 17.10.2014, UBND huyện Châu Thành đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận bị thương đã cấp cho ông Dưng. Ngày 31.12.2014, Sở LĐ-TB&XH cũng đã ra quyết định thu hồi trợ cấp đối với ông này với tổng số tiền là hơn 76 triệu đồng.
Đối với trường hợp ông Nguyễn Văn Mùi, ban rà soát kết luận đơn thư khiếu nại không đúng sự thật. Bởi sau năm 1975, ông Mùi có tham gia thanh niên xung phong, không bỏ ngũ, khi nhà máy chà của ông Lâm Văn Xia (được Nhà nước trưng dụng) bị pháo kích, ông Mùi đã đến chữa cháy và bị thương.
Riêng trường hợp ông Trần Văn Te, Phòng LĐ-TB&XH kết hợp với UBND xã Biên Giới làm việc với ông Nguyễn Thu Định thì được biết ông Định không phải là người của địa phương và cũng không hiểu rõ về ông Te, mà chỉ nghe… người khác nói lại. Bản thân ông Te là đảng viên, căn cứ vào lý lịch Đảng thì ông Te có tham gia du kích xã. Qua phân tích, ông Định đồng ý rút lại đơn khiếu nại.
Vẫn phải tiếp tục rà soát
Chiều cùng ngày, đoàn công tác do bà Bùi Thị Thanh- Phó Chủ tịch UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong tổng số 13.666 người được điều tra, rà soát có 13.445 người được xác định hưởng đúng chế độ ưu đãi, tương đương 98,38%; số người đang hưởng chế độ chưa đầy đủ là 220 (tương đương 1,61%); còn số hưởng sai chế độ là 1 người (0,01%). 220 người được xác định hưởng chưa đầy đủ chế độ gồm có những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế và thanh niên xung phong chưa lập hồ sơ kịp thời.
Kết quả tổng điều tra, rà soát còn phát hiện 53 trường hợp chưa được xác nhận là người có công với cách mạng do chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định. Những người được xác định là có công với cách mạng trong số 53 người nêu trên thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau như thương binh, liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, tù đày và thanh niên xung phong.
Sau khi kết quả đợt tổng rà soát được công bố, ban rà soát các cấp đã bắt tay xử lý tồn đọng. Từ thời điểm tháng 11.2014 đến nay, các cơ quan có liên quan đã giải quyết được một phần công việc. Cụ thể, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 208 trường hợp, đang liên hệ để hướng dẫn lập thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định đối với 10 trường hợp là thân nhân liệt sĩ (do bận đi làm ăn xa).
Đối với 53 trường hợp chưa được xác nhận là người có công với cách mạng do chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định, hiện nay các địa phương đã xử lý. Trong đó có 14 trường hợp thương binh, các cơ quan chức năng đã phối hợp, hướng dẫn phía quân đội giải quyết 9/14 trường hợp. 5 trường hợp còn lại chưa giải quyết được vì không có giấy tờ hoặc tỷ lệ thương tật thấp. Đối với 4 người được coi là liệt sĩ, có một trường hợp được xác định chết vì việc riêng, 3 trường hợp còn lại không có giấy tờ (có nêu trên báo Tây Ninh số ra ngày 13.7.2015).
UBND tỉnh kiến nghị Trung ương cần bổ sung quy định: vợ liệt sĩ tái giá được hưởng quyền lợi như vợ liệt sĩ không tái giá.
Theo ông Nguyễn Thái Bình- Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, việc rà soát chế độ đối với người có công với cách mạng đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm cao của cơ quan chức năng, trong lực lượng thanh niên xung phong có trường hợp còn không biết chữ, nên rất khó đòi hỏi chuyện hồ sơ đối với họ.
Ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho biết, sắp tới sẽ kiểm tra, rà soát, xem xét những trường hợp thật sự có công nhưng chưa được hưởng chế độ.
Phát biểu trong cuộc làm việc với các cấp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh sau khi kiểm tra, bà Bùi Thị Thanh- trưởng đoàn công tác ghi nhận những nỗ lực của Tây Ninh trong quá trình thực hiện tổng rà soát. Đợt rà soát lần này đã thực hiện theo đúng kế hoạch, đúng tiến độ, đa số người có công được hưởng đúng và đủ chế độ theo quy định.
Theo bà, việc thực hiện chế độ đối với gia đình chính sách phải hết sức khẩn trương nhưng cũng cần phải thận trọng. Vì nếu xảy ra sai sót sẽ rất khó khắc phục. Bên cạnh trường hợp “thương binh giả”, lại có những thương binh thật nhưng họ chưa kịp hưởng chế độ thì đã qua đời.
Đoàn kiểm tra đề nghị tỉnh Tây Ninh rà soát xem còn có trường hợp nào thuộc diện người có công nhưng chưa có tên trong danh sách rà soát hay không. Sở dĩ có đề nghị này là do trong buổi làm việc tại UBND huyện Châu Thành, đại diện Phòng LĐ-TB&XH lần đầu tiên đã nêu lên trường hợp của quân nhân Ngô Văn Thể (báo Tây Ninh đã nhiều lần đề cập) và đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý kiến với Bộ Quốc phòng.
|
Năm 2011, Cục Chính trị Quân khu VII xác nhận quân nhân Lâm Văn Mạnh hy sinh ngày 1.6.1972 tại Campuchia, trong trường hợp chiến đấu.
Đôi điều đọng lại
Qua đợt kiểm tra nói trên, có thể thấy vẫn còn không ít trường hợp chưa giải quyết, khó giải quyết, thậm chí có thể không giải quyết được nếu như không sửa đổi các quy định hiện hành. Chẳng hạn như các trường hợp được coi là liệt sĩ, bị bắt, tù đày, thanh niên xung phong... nhưng lại không còn giấy tờ hoặc không có giấy tờ gốc.
Đặc biệt có trường hợp được xác định là người có công nhưng chưa được giải quyết xong chế độ thì đã chết. Và còn không ít số phận đang chờ xác minh, làm rõ như 3 quân nhân mất tin, mất tích, Ngô Văn Thể (Châu Thành), Lâm Văn Mạnh (Tân Biên) và Phạm Văn Sum (Tân Châu).
Cả ba người lính này ra đi đã ba, bốn chục năm, có người đã gần nửa thế kỷ nhưng đến nay vẫn vắng bặt tăm hơi và người thân của họ vẫn đang mỏi mòn chờ đợi một câu trả lời sáng tỏ từ phía các cơ quan có trách nhiệm.
VIỆT ĐÔNG