Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Năm 2015, trong tình hình thời tiết thay đổi bất thường, ngành thuỷ lợi đã cố gắng cung cấp đầy đủ nguồn nước phục vụ vụ sản xuất Đông Xuân, Hè Thu. Hiện nay, vụ mùa sắp kết thúc và đang còn mùa mưa, nhưng theo thông tin phóng viên nắm được thì mực nước trong hồ Dầu Tiếng đang thấp hơn so với thời điểm cùng kỳ nhiều năm trước. Vì thế, không chỉ vụ mùa này có khả năng thiếu nước mà những vụ mùa tiếp theo cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng.

|
Một góc hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ - TK).
Sau 30 năm đưa vào khai thác, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã cung cấp nước phục vụ sản xuất trên hầu khắp các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh Tây Ninh. Thuỷ lợi đã trở thành yếu tố căn bản làm thay đổi tập quán canh tác lâu đời của nông dân Tây Ninh; việc thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn Tây Ninh không ngừng đổi mới, đời sống nông dân được nâng lên cả vật chất lẫn tinh thần, số hộ nghèo mỗi năm mỗi giảm, số người khá giàu ngày càng nhiều thêm.
Thế nhưng hiện nay, một hồ chứa nước có dung tích 1,5 tỷ mét khối lại không đủ nước để phục vụ sản xuất dù rằng đang trong mùa mưa. Vì sao?
Quy trình mới: Lợi nhỏ, thiệt lớn
Trả lời câu hỏi trên, ông Lê Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh (gọi tắt là Công ty Thuỷ lợi) cho biết: vụ mùa này và cả vụ mùa năm tới (2016) hồ Dầu Tiếng đều thiếu nước là do 3 nguyên nhân:
Một là quy trình vận hành mới của hồ Dầu Tiếng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hai là do hiện tượng Elnino (một hiện tượng thời tiết bất thường gây ra những thiên tai nặng nề và gây thiệt hại lớn cho con người, đặc biệt là những thiệt hại không thể khắc phục về môi trường). Ba là do năm 2015 hồ bắt đầu cung cấp nước cho các tuyến kênh huyện Tân Biên của tỉnh nhà và cả huyện Đức Hoà của tỉnh Long An.
Phân tích từng nguyên nhân kể trên, ông Công cho biết thêm: ngày 18.12.2000, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Quyết định số 137/2000/QĐ-BNN-QLN, ban hành quy trình vận hành điều tiết tạm thời hồ chứa nước Dầu Tiếng (gọi tắt là quy trình tạm thời).
Suốt 15 năm qua, mặc dù thời tiết có năm thuận lợi, có năm khó khăn, nhưng nhìn chung quy trình tạm thời được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, ổn định và đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước của nông dân. Cũng suốt 15 năm đó chưa bao giờ xảy ra hiện tượng hồ Dầu Tiếng thiếu nước nghiêm trọng.
Đến ngày 20.10.2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1892/QĐ-TTg về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai trong mùa lũ hằng năm (trong đó có hồ Dầu Tiếng), quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2015. Như vậy, kể từ ngày 1.1.2015, việc vận hành điều tiết nước hồ Dầu Tiếng đã có quy trình mới, chính thức, nhưng những điều bất cập cũng phát sinh từ đây.
Theo ông Công, trước đây, quy trình vận hành điều tiết nước hồ Dầu Tiếng tuy chỉ là tạm thời, nhưng được xây dựng để áp dụng riêng cho hồ thuỷ lợi này, dựa trên những căn cứ thực tế trong điều kiện cụ thể về khí tượng, thuỷ văn tại chỗ nên rất phù hợp.
Dù có năm hồ thiếu nước, nhưng chưa từng thiếu đến mức trầm trọng và khi đó đơn vị quản lý, vận hành, khai thác cũng có giải pháp khắc phục, sử dụng nước hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đối với sản xuất trong vùng tưới. Từ khi thực hiện vận hành, điều tiết theo quy trình mới, mực nước chứa trong hồ Dầu Tiếng chưa bao giờ bằng mực nước cùng kỳ các năm trước.
Theo tính toán của ngành thuỷ lợi, mực nước trong hồ 21,72m (ngày 26.10.2015) tương đương 1,055 tỷ m3; so với ngày này năm trước là 24,22m tương đương 1,534 tỷ m3, như vậy có thể thấy sau khi quy trình vận hành mới được áp dụng, mực nước hồ đã mất đi hơn 500 triệu m3 so với trước đó.
Ông Công cho rằng, việc vận hành, điều tiết nước trong hồ theo quy trình mới có được cái lợi trước mắt cho vùng hạ lưu (thành phố Hồ Chí Minh), vì nước được xả từ từ, tránh được tình trạng ngập úng cục bộ, hồ nước được bảo đảm an toàn không sợ vỡ đập.
Nhưng điều bất lợi thấy rõ nhất là vùng hạ lưu cũng sẽ chịu ảnh hưởng bởi việc thiếu nước. Hồ chứa nước được xem là hoàn thành nhiệm vụ khi đáp ứng 2 yêu cầu: an toàn vùng hạ lưu và tích đủ nước để tưới. Thực tế 15 năm áp dụng quy trình tạm thời, hồ Dầu Tiếng đã đáp ứng được cả 2 yêu cầu đó.
Nghĩa là cả khi hồ chứa nước ở mức cao nhất theo thiết kế hay khi có bão lũ, hồ vẫn bảo đảm an toàn, không xảy ra sự cố nguy hiểm. Còn hiện nay, khi đã áp dụng quy trình chính thức, hồ Dầu Tiếng chỉ mới đáp ứng được an toàn vùng hạ lưu mà chưa tích đủ nước tưới, nghĩa là không bảo đảm được nhiệm vụ phục vụ sản xuất, nói cách khác là chưa phát huy hết hiệu ích công trình.
Nhận thấy tuy vào mùa mưa nhưng hồ chứa nước chưa đúng theo quy trình mới (mực nước hồ ngày 7.9.2015 ở cao trình 19,41m), đối chiếu với quy trình mới vận hành liên hồ (20,3m) đã thấp hơn 0,89m; nên ngày 18.9.2015, Công ty Thuỷ lợi đã gởi văn bản đến Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà (Công ty Dầu Tiếng- Phước Hoà) đề nghị tích nước theo quy trình cũ- đến cao trình tương đương cùng kỳ năm 2014 để bảo đảm phục vụ tưới chống hạn vụ mùa năm 2015 và vụ Đông Xuân 2015 - 2016 trong điều kiện ảnh hưởng Elnino.
Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà đã linh động chuyển nước từ hồ Phước Hoà sang, bổ sung lượng nước thiếu hụt của hồ Dầu Tiếng, thời gian bắt đầu từ sáng ngày 9.9.2015, lưu lượng nước 50m3/s (cũng cần nói thêm, Công ty Dầu Tiếng - Phước Hoà chỉ bổ sung nước cho hồ Dầu Tiếng vào mùa khô).
Với lưu lượng nước được bổ sung như thế, đến ngày 26.10.2015 mực nước hồ chỉ đạt 21,72m. Theo ông Công, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nông dân Tây Ninh đang sử dụng nước lòng hồ. Nếu như không có biện pháp khắc phục kịp thời, nhiều khả năng nông dân sẽ phải bỏ tưới 1 vụ (tương đương 50.000 ha trong vùng tưới), thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Về lý do thứ hai khiến hồ Dầu Tiếng không tích đủ nước; theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, Elnino 2015 sẽ đạt cường độ mạnh kỷ lục kể từ năm 1997- 1998. Ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng Elnino 2015 - 2016 sẽ trở thành một trong những Elnino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua.
Tác động của Elnino mạnh và kéo dài, làm cho mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến từ tháng 9.2015 đến tháng 2.2016 có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20 - 50% ở khu vực Trung bộ, Nam bộ và Tây Nguyên.
Lý do cuối cùng góp phần khiến hồ Dầu Tiếng tích không đủ nước là do năm 2015 hồ Dầu Tiếng phải tưới thêm 17.000 ha, bao gồm 6.000 ha cho huyện Tân Biên và 11.000 ha cho huyện Đức Hoà (Long An). Nước hồ hiện tại cung cấp cho các vùng trước đây đã thiếu, nay phải “cõng” thêm một diện tích khá lớn như thế tất nhiên là càng thiếu trầm trọng hơn.
|
Vệ sinh, bảo dưỡng, nâng cấp các tuyến kênh trong vùng tưới huyện Hoà Thành.
Cần một quy trình phù hợp hơn
Nhằm giải quyết tình thế trước mắt, ngoài những việc làm thường niên như vệ sinh bờ kênh, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ... Công ty Thuỷ lợi Tây Ninh còn đề ra nhiều giải pháp để khắc phục như: sắp xếp lịch tưới luân phiên giữa Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh và Long An, chỉ mở nước từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, không mở nước vào ban đêm (ban đêm sẽ phân công trực), nước được cung cấp vừa đủ để giảm lượng nước ra sông Vàm Cỏ;
Đắp chặn kênh tiêu không cho ra sông để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế việc nước thẩm thấu qua đất; khuyến cáo nông dân hạn chế trồng lúa xa kênh, trồng lúa trên vùng đất cao, nên chuyển đổi cây trồng khác phù hợp với thời tiết.
Các biện pháp kể trên thật ra cũng chỉ mang tính đối phó với tình hình trước mắt. Về lâu dài, thiết nghĩ đơn vị quản lý hệ thống thuỷ lợi cần đề xuất cấp trên ban hành một quy trình vận hành riêng, phù hợp hơn với tình hình, điều kiện thực tế của hồ Dầu Tiếng để giảm bớt những nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất như đã nói ở phần trên.
DUY ĐỨC
So sánh mực nước trong 4 tháng gần đây nhất với cùng kỳ như sau (theo quy trình mới từ ngày 1.1.2015): So sánh với khoảng thời gian dài hơn, sẽ thấy tình hình thiếu nước hồ Dầu Tiếng hiện nay càng thể hiện tính chất nguy cấp hơn. Bản tổng hợp mực nước hồ Dầu Tiếng từ năm 2013 đến nay cho thấy: so với các năm trước mực nước trong hồ năm nay (2015) rất đáng báo động. Ngày 24.10, mực nước hồ là 21,68m, cùng ngày này năm trước là 24,08m, cùng ngày này năm 2013 là 23,87m. Ngày 25.10.2015 mực nước hồ là 21,70m, cùng ngày này năm trước là 24,15m, cùng ngày này năm 2013 là 23,87m. Ngày 26.10.2015 mực nước hồ là 21,72m, cùng ngày này năm trước là 24,22m, cùng ngày này năm 2013 là 23,87m. Theo tính toán của ngành thuỷ lợi, mực nước trong hồ 21,72m (ngày 26.10.2015) tương đương 1,055 tỷ m3; So với ngày này năm trước là 24,22m tương đương 1,534 tỷ m3, như vậy có thể thấy sau khi quy trình vận hành mới được áp dụng, mực nước hồ đã mất đi hơn 500 triệu m3 so với trước đó. |