Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hiện nay, nhiều xã trong tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện các tiêu chí phấn đấu để trở thành xã nông thôn mới (ngoài các xã được thẩm định đã đạt 19 tiêu chí trong thời gian qua). Trong 19 tiêu chí, có tiêu chí 17.5 về thu gom và xử lý chất thải, nước thải theo quy định được xem là một tiêu chí nan giải đối với các địa phương. Điển hình như xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu, mặc dù nơi này đã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt nhưng nhiều người dân vẫn chưa có ý thức về việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Ông Bon đi thu gom rác thải sinh hoạt ở khu tái định cư ấp Bình Linh.
Xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu có diện tích tự nhiên 3.077 ha, dân số 8.600 người, với 2.323 hộ dân. Trước đây Chà Là là xã nông thôn thuần tuý nhưng từ khi có Khu công nghiệp Chà Là thì địa phương này đã có bước chuyển mình.
Nhiều hộ dân kéo đến khu công nghiệp mở quán tiệm buôn bán hoặc xây nhà trọ cho công nhân thuê… từ đó dịch vụ thương mại trên địa bàn xã phát triển. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ cũng làm nảy sinh vấn đề đáng lo ngại đó là rác thải, nhất là rác thải sinh hoạt ở khu vực dân cư gần khu công nghiệp.
Nhà nước “mặn”, dân còn “lơ”
Ông Nguyễn Tấn Sang- Chủ tịch UBND xã cho biết, từ cuối năm 2012, để xử lý rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, UBND xã đã ký hợp đồng với một nhân viên đi thu gom rác tại các hộ gia đình sinh sống ở 3 ấp có đông dân là Ninh Hưng 1, Ninh Hưng 2 và Bình Linh. Riêng đối với ấp Láng, do địa bàn rộng, dân cư thưa thớt nên có thể để người dân tự xử lý rác thải sinh hoạt.
UBND xã bỏ ngân sách chi trả tiền công cho người thu gom rác là 4 triệu đồng/tháng trong suốt 16 tháng như một cách làm “thí điểm” để cho người dân thấy được hiệu quả, lợi ích của việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt đúng theo quy định. Đến giữa năm 2014, UBND xã yêu cầu các hộ dân đăng ký thu gom rác thải với mức phí chỉ 8.000 đồng/hộ/tháng.
Tuy nhiên, nhiều hộ chưa hưởng ứng, bởi theo danh sách chỉ có 135 hộ đăng ký thu gom rác thải. Vì thế nên UBND xã vẫn phải tiếp tục bù lỗ để trả tiền công cho người đi thu gom rác. Hiện nay mức phí thu gom rác đã tăng lên là 15.000 đồng/hộ/tháng, nhưng khoản thu được vẫn không đủ để trả tiền công và UBND xã vẫn phải tiếp tục bù lỗ.
Theo ông Sang, cái khó khăn trong việc thực hiện thu gom xử lý rác thải theo quy định ở khu vực nông thôn chính là ý thức tự giác của người dân chưa cao. Dù số tiền phải đóng mỗi tháng của mỗi hộ chỉ là số tiền nhỏ nhưng không phải hộ nào cũng sẵn sàng bỏ ra.
Có hộ không đăng ký thu gom rác mà thường cứ chờ đêm tối lén mang rác thải sinh hoạt của nhà mình đi quăng bừa bãi. Một số tiểu thương thường tập trung vào buổi chiều để bán hàng cho công nhân ở khu công nghiệp, sau buổi chợ họ thu gom các thứ phế thải cho cả vào bọc ni lông, chờ lúc vắng người vứt đại bên lề đường. Những hành động vô ý thức đó làm cho bộ mặt nông thôn trở nên nhếch nhác.
Ở xã Chà Là hiện chỉ có 5 xe gom rác được Công ty Công trình đô thị cấp đặt ở 3 điểm. Hai trong 3 điểm nằm ở đường 784 (gần ngã ba Chà Là), điểm còn lại đặt tại khu tái định cư ở ấp Bình Linh. Hiện nay ngoài việc thu gom rác thải của các hộ gia đình, UBND xã Chà Là còn tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt của các khu nhà trọ công nhân tại khu tái định cư.
Lượng rác thải ở đây rất lớn do công nhân ở trọ ngày càng đông. Thế nhưng, theo hợp đồng giữa UBND huyện Dương Minh Châu và Công ty Công trình đô thị, thì mỗi tuần xe chở rác chỉ đi thu gom rác ở xã Chà Là 3 ngày (vào thứ 2,thứ 4, thứ 6). Do đó, lượng rác thải ở các điểm tập kết bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, UBND xã Chà Là cũng đã kiến nghị về việc cấp thêm xe gom rác cho xã, cũng như tăng thêm số lượt thu gom rác trong tuần nhưng yêu cầu này vẫn chưa được giải quyết. Theo ông Sang, thời gian tới xã Chà Là sẽ nỗ lực tuyên truyền việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong dân, để mọi người dân đều hiểu và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hợp tác cùng chính quyền trong việc xử lý rác thải sinh hoạt đúng như quy định, góp phần tích cực giúp địa phương đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng xã nông thôn mới.
Ông Hồ Văn Bon, người được UBND xã Chà Là ký hợp đồng đi thu gom rác tại các khu dân cư nhận xét, ở khu vực thành thị, người dân trong các hộ gia đình thường gom rác thải bỏ vào bọc ni lông, cột lại rồi mới để vào cần xé đựng rác trước nhà, chờ người đến thu gom. Nhờ vậy công việc của người đi lấy rác cũng khá thuận tiện, dễ dàng; chỉ cần nhặt lấy bọc rác bỏ vào xe đẩy rác là xong.
Còn ở vùng nông thôn, đa số người dân có thói quen vứt thẳng các thứ phế thải vào bao hoặc cần xé đựng rác trước nhà nên khi đến lấy rác, ông phải dùng tay thu lượm rất cực và rất mất thời gian. Bị tăm xỉa răng, miểng chai, miểng chén… và nhiều thứ linh tinh khác làm đứt tay chảy máu là chuyện thường ngày đối với ông Bon. Theo ông, đi thu gom rác ở nông thôn còn có thêm điều cực nhọc, vất vả khác. Đó là do địa bàn phân tán, mỗi xóm nhà cách nhau vài trăm mét, có khi cả cây số là thường, vì vậy hằng ngày đi gom rác ở 3 ấp trong xã, coi như ông Bon phải làm việc từ sáng đến chiều tối mới xong.
Tính ra khoản tiền công 4 triệu đồng/tháng không phải là cao so với công sức ông đã bỏ ra. Nói về ý thức của người dân nông thôn trong việc thu gom rác thải, ông Bon tỏ ra ngao ngán, bởi nhiều người vẫn chưa coi việc thu gom rác thải sinh hoạt đúng quy định là trách nhiệm của mình.
Có những hộ gia đình, thấy hộ bên cạnh đăng ký thu gom rác, bèn đem rác nhà mình sang bỏ “ké”! Có hộ không “ké” được, thì chờ đêm xuống, đem rác đến điểm đặt thùng rác vứt bừa dưới đất, thế là ông Bon lại phải mất công thu dọn lại. Tình trạng xe chở rác 3 ngày mới đến lấy rác cũng khiến ông Bon bị “vạ lây”, do các thùng rác ở các điểm tập kết quá tải nên ông phải trì hoãn việc đi thu gom rác ở các hộ gia đình. Vậy là bị bà con cự nự, trách móc. Cự thì đành chịu chứ đi gom rác về thì biết để ở đâu!
|
Dù có thùng rác trên đường 784 nhưng nhiều người vẫn lén vứt rác bừa bãi.
Phải làm cho dân hiểu
Theo lời ông Chủ tịch UBND xã Chà Là, hiện nay việc tuyên truyền vận động người dân ở nông thôn tự giác thực hiện việc thu gom rác thải sinh hoạt đúng quy định vẫn còn khó, cũng bởi phần lớn người dân nông thôn đã quen nếp sinh hoạt như trước đây (khi dân cư còn thưa thớt)- thường chỉ tự xử lý rác bằng cách đào hầm chứa hoặc đốt bỏ tại nhà.
Thế nhưng tình hình hiện nay đã khác, dân cư ngày càng đông, nhà ở san sát nhau nên việc xử lý rác thải sinh hoạt cần phải thực hiện đúng cách, đúng quy định mới bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người. Ông Sang hy vọng trong thời gian tới, qua công tác tuyên truyền, vận động củ chính quyền, bà con sẽ kết hợp tốt với địa phương trong việc xử lý rác thải sinh hoạt để Chà Là có thể đạt chuẩn xã nông thôn mới trong một tương lai không xa.
THẾ NHÂN