Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp:
Khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện
Thứ tư: 03:00 ngày 20/01/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, thời gian qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu nông nghiệp luôn được Tây Ninh chú trọng. Được sự quan tâm đầu tư ở cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngành Nông nghiệp Tây Ninh cũng đã có những bước phát triển. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

Mô hình trồng lan cắt cành ở Trảng Bàng - ảnh minh hoạ D.H

Nỗ lực cho cuộc chuyển đổi

Theo ông Võ Đức Trong- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp được xem là hai mũi tiến công trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn nhằm tạo ra sự đổi mới về chất lượng theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng lâu dài là sẽ giải quyết vấn đề lao động đi ra từ nông thôn, việc làm, thu nhập và nhất là cơ hội để đa số người dân nông thôn có thể dựa trên chính sức mình tiến vào xã hội tương lai, hiện đại, văn minh.

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm; bước đầu triển khai còn lúng túng, chưa đồng bộ. Kế hoạch triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp chỉ dựa vào các nhiệm vụ, công việc theo chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chưa đánh giá sát thực trạng nông nghiệp cũng như định hướng tái cơ cấu trong thời gian tới, do vậy quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng NTM trong 5 năm qua trên địa bàn Tây Ninh, xét ở lĩnh vực xây dựng kinh tế hạ tầng xã hội, có thể nói đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị tại các cơ sở có sự thay đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp, tập trung xác định những sản phẩm chính, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Phát triển hệ thống giao thông được xác định là khâu đột phá, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân. Đến nay, Tây Ninh đã xây dựng và nâng cấp hơn 720km đường giao thông nông thôn.

 Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực (mía, mì, cao su, rau các loại); xác định lại quy mô từng loại cây nhằm phát huy lợi thế tốt nhất của từng vùng, từng địa phương. Qua 2 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã tập trung định hướng, xây dựng mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực, theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường.

Đối với cây mía, tỉnh tập trung thâm canh, chuyển đổi giống, giảm giá thành sản xuất. Nhưng do giá mía giảm, lợi nhuận thấp, không có lợi thế cạnh tranh ở một số vùng nên diện tích đã giảm 8.090 ha, chỉ còn 14.245 ha. Riêng cây mì có lợi thế mạnh về đất đai, công nghiệp chế biến nên năng suất tăng liên tục, sản lượng đạt 1,87 triệu tấn với diện tích 57.608 ha. Về cây cao su, do giá mủ tiếp tục giảm nên diện tích cũng ngày một giảm (đến nay còn lại 95.354 ha).

Ông Trịnh Ngọc Phương, quyền Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.

Hiệu quả chưa như mong đợi

Sáng ngày 14.1.2016, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh có buổi làm việc tại UBND tỉnh xung quanh vấn đề liên quan đến những nội dung đề cập ở phần trên. Các thành viên trong đoàn giám sát cho rằng: dù tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh vẫn được tiếp tục duy trì ở mức ổn định nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa đi vào chiều sâu.

Một bộ phận người dân ở các địa phương chưa an tâm và luôn cảm thấy cuộc sống khó khăn; nguyên nhân chính là do chưa tìm được việc làm ổn định, giá cả nông sản thấp. Việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp chưa được tiến hành đồng bộ, hãy còn chậm và còn lúng túng. Kết quả đạt được chỉ là bước đầu so với mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch đã đề ra. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn mang tính tự phát, chưa bền vững. Một số sản phẩm không theo định hướng, quy hoạch, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của từng vùng và chưa đủ sức cạnh tranh.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tuy được chú trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa mở rộng một cách toàn diện. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa có đội ngũ xây dựng NTM chuyên nghiệp. Trình độ, năng lực cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

Ông Trong nhận định: trong tái cơ cấu nông nghiệp, công tác thực hiện bước đầu còn nhiều lúng túng; các chính sách tái cơ cấu gần như chưa áp dụng được. Mặc dù có tổ chức liên kết cánh đồng mẫu lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Một số chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn như tổ chức thực hiện cánh đồng mẫu lớn; giảm tổn thất sau thu hoạch; phát triển chăn nuôi nông hộ vv… tuy được ban hành khá đồng bộ, kịp thời nhưng lại chậm được triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện còn thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến tính hiệu quả chưa cao.

Việc phát triển hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn còn nhiều khó khăn như: chưa tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với nông sản nên giá thành còn cao, chưa đủ sức  chuyển biến nhanh thu nhập cho người dân. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được cánh đồng mẫu lớn đúng thực chất, nên một số sản phẩm có lợi thế chưa được phát triển bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là chưa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Ông Trong cho biết thêm, đối với cây lúa, Tây Ninh có xu hướng chuyển dần diện tích lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây rau màu, sử dụng giống mới đạt tiêu chuẩn nên chất lượng sản phẩm từng bước được nâng lên. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên lúa với diện tích khoảng 7.000 ha/năm. Tuy nhiên, hiện tại do chưa có doanh nghiệp tham gia bao tiêu, nên sản phẩm rất khó tiêu thụ và khâu này chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân theo từng năm.

Việc thực hiện quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội xã NTM giai đoạn 2011- 2015 cũng còn nhiều trở ngại do khó khăn trong vận động doanh nghiệp, nhân dân thực hiện vốn đối ứng. Ngân sách cấp huyện, xã rất khó bảo đảm nguồn vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phân khai vốn.

Đoàn giám sát tham quan cánh đồng mẫu lớn tại xã An Bình, huyện Châu Thành.

Cũng theo ông Trong, xây dựng NTM chưa gắn được với quy hoạch. Quy hoạch NTM vào năm 2012 nhưng tái cơ cấu nông nghiệp lại đi sau (vào năm 2014), dẫn đến một thực tế là công tác xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp không đạt được hiệu quả mang tính đột phá.

Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh rà soát lại các quy hoạch NTM. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tập trung các biện pháp, các đề án thực hiện xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao năng suất, từng bước tăng thu nhập cho người dân. 

Ông Trịnh Ngọc Phương- quyền Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục đầu tư thâm canh cây lúa, nhằm một mặt bảo đảm an ninh lương thực, mặt khác tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung chất lượng cao, giá thành hạ, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; xây dựng dự án chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có quả để gia tăng lợi ích kinh tế cho người dân, chú trọng công tác phát triển giống thông qua việc ứng dụng các tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nhằm tạo ra những bước đột phá đối với công tác giống cây trồng; vật nuôi, hướng người dân sản xuất theo mô hình VietGAP.

Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành Nông nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện đạt chỉ tiêu (10 và 11) trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Một vấn đề cần quan tâm nữa là tổ chức việc theo dõi, nghiên cứu thị trường để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp và nông dân.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân địa phương. 

THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh