Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Người Việt ở nước ngoài
Khởi nghiệp từ món ăn xứ mình
Thứ sáu: 11:01 ngày 19/02/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Mê ẩm thực nước mình và cũng thích tìm hiểu về nền văn hoá ẩm thực của Nhật Bản, chị luôn mong muốn được góp phần quảng bá, kết nối mối giao lưu giữa hai nền văn hoá ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản. Và bước đầu khởi nghiệp, chị cũng đã tạo được dấu ấn của ẩm thực xứ mình trên đất nước Nhật Bản.

Đội ngũ nhân viên Quán Phở Việt tại Tokyo (ảnh do nhân vật cung cấp).

Từ năm lên 4, chị Quách Kim Yến theo gia đình từ miền Bắc vào Nam, đến Tây Ninh sinh sống. Năm 1994, lấy tấm bằng tốt nghiệp Trường đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chị tiếp tục thi đỗ vào Trường Takushoku University và quyết định sang Nhật du học.

Nhận thấy nhu cầu thưởng thức các món ăn thuần Việt trên đất nước Nhật Bản ngày càng lớn, sau 6 năm đi dạy tại một trung tâm giáo dục Tokyo, chị Yến cùng với chồng là anh Trần Văn Quang- một cựu du học sinh Việt Nam tại Nhật từ năm 1992 quyết định khởi tạo sự nghiệp bằng chính các món ăn của người Việt Nam. Với số vốn ban đầu gần 180.000 USD, hai anh chị đầu tư cho một quán phở mang cái tên đơn giản là Phở Việt khá quy mô nằm giữa trung tâm thủ đô Tokyo. Quán phở đã thu hút đông đảo người dân bản địa lẫn du khách trên xứ sở Phù Tang.

Ngoài món phở truyền thống được giới thiệu trên trang web http://www.phoviet.jp, vợ chồng chị Yến còn phục vụ hơn 70 món ăn thuần Việt như: chả giò, gỏi đu đủ, sắn hấp, canh khổ qua… Chỉ vài năm sau đó, nhận thấy nhu cầu của khách hàng vẫn còn khá lớn, vợ chồng chị Yến mở thêm một quán Phở Việt thứ hai cũng tại Tokyo. Theo chị Yến, nếu như thông tin về các món ăn Việt Nam được phổ biến nhiều hơn, chắc chắn ẩm thực Việt Nam sẽ có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Nhật Bản.

Khi được hỏi về lý do chọn hình thức kinh doanh các món ăn thuần Việt, chị Yến chia sẻ: “Tôi là người thiên về truyền thống và sự giản dị. Dù sống ở nơi đất khách quê người nhưng trong mỗi bữa cơm gia đình và những khi họp mặt bạn bè, tôi đều nấu món ăn Việt Nam, trong đó có món phở. Cũng may, tôi được chồng và bạn bè ủng hộ. Quán Phở Việt ban đầu chỉ nhằm phục vụ người Việt xa xứ nhưng chỉ trong một thời gian không lâu quán đã thuyết phục được người Nhật chịu ăn món ăn Việt Nam, rồi tiếp đến là người Pháp, người Mỹ, người Ý… và nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức.  Hầu hết nguyên liệu làm nên những món ăn đầy đủ hương vị của người Việt Nam đều được nhập khẩu từ Việt Nam”.

Theo lời kể, hiện nay ở Nhật, món ăn Việt Nam đang thu hút một lượng thực khách khá đông và số lượng nhà hàng Việt Nam ở Nhật cũng tăng lên khá nhiều. Hai quán phở Việt của gia đình chị Kim Yến đã truyền bá đến mọi người các món ăn Việt như gỏi bắp cải, chả giò, cá kho, canh khổ qua, canh rau muống, chè chuối... Sau thảm hoạ do trận động đất, sóng thần lịch sử đổ ập lên đất nước Nhật Bản hồi tháng 3.2011, anh Quang đã tham gia đoàn thiện nguyện ở Nhật thực hiện chuyến đi tới hai trung tâm tạm trú tại Watari-Cho thuộc tỉnh Miyagi để chuyển tới các nạn nhân của vụ thảm hoạ gần 900 tô phở Việt Nam- như một sự sẻ chia bằng tấm lòng của người với người trong lúc khó khăn.

Chị Quách Kim Yến (trái) và phóng viên.

Chị Yến cho biết, trong suy nghĩ của mình, chị luôn mong muốn góp phần giới thiệu, quảng bá nét văn hoá ẩm thực Việt Nam đến với mọi người dân trên thế giới, không riêng gì Nhật Bản.

Đưa ẩm thực Việt Nam đến với xứ người, chị Yến cũng muốn làm điều ngược lại: giới thiệu  văn hoá ẩm thực Nhật Bản với mọi người ở đất nước mình.

Sau thảm hoạ động đất, sóng thần ở Nhật, vợ chồng chị Yến quyết định trở về Việt Nam đầu tư kinh doanh, một trong các lý do chủ yếu là để hai đứa con nhỏ được tiếp cận và hiểu được tiếng mẹ đẻ, đồng thời được gần gũi với cội nguồn quê hương, họ hàng gia đình.

Nhà hàng Tanaka Tei chuyên phục vụ các món ăn Nhật Bản của anh chị nằm trên đường Bàu Bàng thuộc quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà hàng có không gian khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn 50m2 nhưng trông sang trọng, ấm cúng, sạch sẽ và rất Nhật với cách bài trí rất đơn giản, trong đó có một quầy bar dành cho khách muốn được tận mắt nhìn đầu bếp chế biến món ăn như thế nào và những chiếc bàn gỗ nhỏ xung quanh.

Hầu hết hàng hoá, dụng cụ và nguyên liệu để chế biến tại nhà hàng Tanaka Tei đều được nhập khẩu từ Nhật, chúng đều toát lên vẻ tinh tế và không kém phần hấp dẫn. Mặc dù nhà hàng mới thành lập vào tháng 4.2015 nhưng đến nay đã có một lượng khách ổn định cả người Việt lẫn người Nhật. Để các món ăn mang đậm hương vị và phong cách của đất nước mặt trời mọc, chị Yến đã mời hẳn anh Tanaka Yu- một đầu bếp Nhật vốn yêu mến Việt Nam về làm việc.

Trả lời câu hỏi: vì sao chị lại quyết định chọn kinh doanh nhà hàng Nhật để phục vụ khách hàng đại trà, bao gồm cả giới bình dân, chị Kim Yến bày tỏ suy nghĩ của mình: hiện nay, món ăn Nhật đang thu hút số đông thực khách và số lượng nhà hàng Nhật ở Việt Nam cũng tăng lên rất nhiều nhưng điều này không có nghĩa là ai ai cũng đều có thể thưởng thức nó. Chính vì vậy, chị đầu tư mở nhà hàng Nhật cũng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu cho số đông mọi người, kể cả lớp trẻ còn là học sinh, sinh viên. Với chị, đây là điều đáng để thực hiện. “Với mức giá từ 18.000 đồng trở lên, chúng tôi muốn quảng bá các món ăn tưởng chừng đơn giản nhưng rất tinh tuý bởi bàn tay của đầu bếp Nhật chính hiệu, chẳng hạn như: trứng cuộn, cơm nắm cá hồi, cơm cà ri, cari ba rọi chiên hay sashimi cá hồi…”- chị Yến chia sẻ.

Thời gian đầu, chị Yến đã phải đối mặt với không ít khó khăn khi chấp nhận mức doanh thu rơi vào con số âm do nhiều người còn chưa biết đến một thương hiệu lạ hoắc. Thế nhưng vợ chồng chị vẫn kiên trì nỗ lực, nỗ lực không ngừng. Chị Yến tâm sự: “Dẫu biết sẽ nhiều khó khăn khi trở về Việt Nam kinh doanh nhưng tôi không ngại, cũng nhờ có anh Quang luôn động viên, ủng hộ hết mình. Nhờ vậy, tôi luôn tin vào chính mình”.

Bằng việc tạo cho mình một phong cách phục vụ ân cần, tử tế, biết lắng nghe ý kiến từng khách hàng để cải tiến chất lượng, nhà hàng Tanaka Tei dần lấy được niềm tin của thực khách. Đội ngũ nhân viên hầu hết là người Nhật, riêng số nhân viên là người Việt thì phải đáp ứng điều kiện biết tiếng Nhật và biết phục vụ theo phong cách của người Nhật. Vợ chồng chị Yến luôn đặt chữ “tử tế” lên hàng đầu để đem lại cho thực khách cảm giác thoải mái khi đến nhà hàng thưởng thức những món ăn tinh tế có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào.

Có thể nói, bước khởi đầu thực hiện một ý tưởng kinh doanh sau 17 năm học tập, nghiên cứu và lập nghiệp trên đất nước Nhật Bản của đôi vợ chồng Quách Kim Yến và Trần Văn Quang cũng khá là táo bạo, bởi họ dám lựa chọn kinh doanh một nhà hàng Nhật để phục vụ nhu cầu ẩm thực của mọi lứa tuổi, mọi thành phần. Thế mà họ đã thành công. Anh chị thành công cả trong việc đưa các món ăn Việt Nam đến với người Nhật ở Nhật, đồng thời quảng bá nét văn hoá ẩm thực Nhật đến với người Việt trên đất Việt. Bên cạnh nhà hàng Nhật Bản ở Việt Nam, hiện tại anh chị vẫn duy trì 2 quán Phở Việt ở Nhật Bản.

Không gian nhà hàng Tanaka Tei trên đường Bàu Bàng, TP.HCM.

Bày tỏ về dự định của mình, hai anh chị cho biết: đang ấp ủ kế hoạch mở thêm nhà hàng theo phong cách Nhật tại một số tỉnh, thành phố để đáp ứng nhu cầu, sở thích của những người đam mê ẩm thực Nhật Bản.

“Phải có lòng đam mê với công việc và có cung cách phục vụ tốt nhất dành cho khách hàng, bên cạnh đó còn phải có sự quyết tâm, chăm chỉ, không ngại khổ, ngại khó; nếu như có khó khăn thì phải tìm mọi cách để vượt qua. Như vậy mới không sợ thất bại”- chị Kim Yến khẳng định bằng giọng tin tưởng.

Tâm Giang

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh