Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Không có gì quý hơn độc lập, tự do
Thứ hai: 08:24 ngày 19/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ý nghĩa và giá trị to lớn của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không phải đến hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn luận, mà đã được nói đến rất nhiều ở Việt Nam và được đánh giá cao ở nhiều nơi trên thế giới trong suốt mấy thập kỷ qua.

Kể từ thời khắc lịch sử ngày 2.9.1945, dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng loà”; và hình ảnh “cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá” hoàn toàn thay đổi. Không ai khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ cổ vũ cho phong trào đấu tranh giành độc lập, và chính Người dẫn dắt dân tộc ta “xua tan những mây mù đen tối” trong đêm trường nô lệ.

Tám năm sau khi rời cảng Nhà Rồng, năm 1919, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trả lời phỏng vấn của một phóng viên người Mỹ. Nội dung trả lời phỏng vấn chứng minh rằng, ngay từ khi còn rất trẻ và cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, mục tiêu, lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không thay đổi: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

 Tại một hội thảo năm 2010 nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước thống nhất rằng, “không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một luận điểm mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là tư tưởng, mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Tư tưởng đó còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì cuộc sống và hạnh phúc của mình.

Ý nghĩa và giá trị to lớn của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không phải đến hôm nay chúng ta mới đưa ra bàn luận, mà đã được nói đến rất nhiều ở Việt Nam và được đánh giá cao ở nhiều nơi trên thế giới trong suốt mấy thập kỷ qua. Nó đã được khắc sâu, in đậm vào con tim, khối óc của mọi người dân Việt Nam, trở thành niềm tin, lẽ sống, mục tiêu và động lực phấn đấu của toàn thể nhân dân Việt Nam. Tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” có ý nghĩa thực tiễn lịch sử to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không đơn thuần là một tư tưởng mà đó là một chân lý được đúc kết, được rút ra từ chính lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ hiểu đó là tư tưởng của riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn cần phải hiểu đó là tư tưởng, là lẽ sống của cả dân tộc Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại biểu cho toàn thể nhân dân Việt Nam, toàn thể dân tộc Việt Nam đúc kết, khái quát và khẳng định. Mối quan hệ giữa đất nước và con người, giữa dân tộc, nhân dân và lãnh tụ đã hoà quyện chặt chẽ và thống nhất với nhau trong cùng khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, bắt đầu lập luận từ quyền con người, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với cả thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Trong các bức thư và điện văn gửi đến Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người cũng trịnh trọng tuyên bố: “Nhân dân chúng tôi rất thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho nước nhà”.

Luận điểm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 17.7.1966, một luận điểm được Người đưa ra giữa lúc nhân dân miền Bắc đang anh dũng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại là sự nối tiếp và phát triển logic tất nhiên của tinh thần và ý chí ấy trong Tuyên ngôn độc lập.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một mệnh đề đấu tranh, đấu tranh cho chân lý. Mệnh đề đấu tranh này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra bốn nội dung cơ bản có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc:

Có độc lập, tự do sẽ có tất cả. Đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể có cơm no, áo ấm và cuộc đời hạnh phúc nếu không có được độc lập, tự do. Không ai có thể tự cho mình cái quyền can thiệp, có quyền xâm phạm độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc khác, càng không thể có quyền thực hiện sự can thiệp đó bằng bom đạn.

Như vậy, độc lập, tự do là quyền dân tộc, quyền con người, là vấn đề đầu tiên và thiêng liêng, là xuất phát điểm đối với mọi dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trên con đường đi tới phồn vinh và hạnh phúc. Giá trị to lớn, ý nghĩa thời đại sâu sắc và lâu dài của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” chính là ở chỗ đó.

Muốn có độc lập, tự do, các dân tộc bị áp bức không thể ngồi yên chờ đợi, càng không thể trông chờ vào “sự ban ơn” của ai đó.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một mệnh đề hành động. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” chỉ ra rằng, tự ta phải cứu lấy mình, từng dân tộc phải đứng lên tự quyết định lấy vận mệnh của chính bản thân mình. Một dân tộc không thể có được độc lập, tự do, nếu dân tộc ấy không tự đứng lên để giải phóng cho mình, nếu dân tộc ấy không biết tự cứu lấy mình, không có con đường đấu tranh đúng. Độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc là một giá trị cao quý và thiêng liêng, “không có gì quý hơn”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ được xem xét với tư cách là một chân lý đấu tranh, một động lực dân tộc, mà còn cần phải được xem xét với tư cách là một mệnh đề cách mạng gắn với phạm trù cách mạng, gắn với cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Khi độc lập, tự do bị xâm phạm, cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ thể hiện trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, còn thể hiện rất sâu sắc trong quá trình tổ chức xây dựng xã hội mới. Trước những biến động phức tạp của tình hình, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nhắc nhở rằng, dân tộc Việt Nam phải tự quyết định con đường phát triển của dân tộc mình. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” nhắc nhở Đảng và Nhân dân Việt Nam rằng, những cái gì là “bất biến” phải kiên định, giữ vững để có thể “vạn biến” được với tình hình.

Việt Đông

Cách nay khoảng 7 năm, một cán bộ ngoại gia từng công tác tại Uỷ ban Ðối ngoại của Quốc hội kể lại trên báo VietNamNet câu chuyện, năm 1982, tức chỉ 7 năm sau khi đất nước thống nhất, một người Mỹ, vốn là sĩ quan tình báo đã xin lãnh đạo của nước ta lúc đó vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại thời điểm đó, chiến tranh kết thúc chưa lâu, quyết định để cho một cựu sĩ quan tình báo Mỹ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không đơn giản. Hoá ra, người cựu sĩ quan tình báo này, do cơ duyên của lịch sử, ông là người được chính Bác Hồ mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập tại Hà Nội, mùa thu năm 1945. Trước khi vào viếng Lăng Bác, người ta hỏi ông, lý do vì sao lại vào viếng và ông trả lời: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”. Khi đến trước lăng, thấy hàng chữ viết bằng tiếng Việt, người cựu sĩ quan không hiểu, vị cán bộ ngoại giao đã dịch cho ông biết hàng chữ đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nghe dịch xong, người cựu sĩ quan Mỹ nói rằng, câu nói của Bác Hồ là giá trị chung của nhân loại, tất nhiên, có cả nước Mỹ.

Tin cùng chuyên mục