Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Lược ghi phiên họp trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương:
Không đánh đổi môi trường vì kinh tế
Chủ nhật: 11:17 ngày 03/07/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thủ tướng khẳng định quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Ông nói: “Không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài mà bỏ qua môi trường. Chúng ta tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng không vì đó mà không xử lý nghiêm. Họ đã cam kết không tái diễn, nếu tái diễn phải đóng cửa”.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tham dự phiên họp trực tuyến với Chính phủ.

Chiều 30.6, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành về tình hình kinh tế - xã hội trong cả nước 6 tháng đầu năm 2016. Tại điểm cầu Tây Ninh, tham dự phiên họp có Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cùng các Phó Chủ tịch và đại diện các sở, ngành liên quan.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu lên một loạt vấn đề khó khăn, thách thức mà đất nước phải đối mặt: tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung, tai nạn máy bay… Thủ tướng đề nghị làm rõ xem Chính phủ và hệ thống chính quyền địa phương đã thật sự là nơi kiến tạo phát triển hay chưa? Bên cạnh đó là vấn đề tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, đặc biệt là nông, lâm, thuỷ, hải sản tăng trưởng âm... 

Một trong những nội dung được quan tâm đặc biệt tại phiên họp là sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế). Sau khi nhà đầu tư (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh) thừa nhận đã gây ra vụ cá chết và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng kế hoạch sử dụng khoản bồi thường ấy. Các bộ có liên quan tính toán để đề xuất hỗ trợ sinh kế lâu dài cho người dân, giảm lãi suất cho vay với người dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ, đề xuất khôi phục, tái tạo môi trường bị ô nhiễm và bồi thường trực tiếp cho những người bị thiệt hại. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tính toán, đề xuất kinh phí cho từng phần việc, hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu... cần công bố cụ thể, minh bạch. Thủ tướng giao hai Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng phối hợp chỉ đạo để cuối tháng 7 xây dựng được phương án xử lý khoản tiền bồi thường 11.500 tỷ đồng của Công ty Formosa. Theo Thủ tướng, có được kết quả cuối cùng về việc công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết miền Trung là nhờ quá trình đấu tranh kiên quyết của các cơ quan chức năng với một thái độ bình tĩnh, khách quan, có cơ sở khoa học, qua thảo luận và xem xét rất kỹ lưỡng. Thủ tướng khẳng định quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Ông nói: “Không vì kinh tế, vì phát triển, vì đầu tư nước ngoài mà bỏ qua môi trường. Chúng ta tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhưng không vì đó mà không xử lý nghiêm. Họ đã cam kết không tái diễn, nếu tái diễn phải đóng cửa”.

Theo phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày bản báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong cả nước 6 tháng đầu năm. Một trong những thông tin đáng chú ý là 6 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong cả nước thấp hơn so cùng kỳ năm 2015. Trong đó nổi lên tình hình sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều thách thức, tại đồng bằng sông Cửu Long, nước biển xâm nhập mặn đã làm thiệt hại khoảng 3 triệu tấn lúa.

Tại Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế cơ bản ổn định, tổng sản phẩm trong tỉnh thực hiện đạt 19.226 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ, trong đó có một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt khá so với kế hoạch. Theo đánh giá của UBND tỉnh, kinh tế cơ bản ổn định với mức tăng trưởng 7,3%. Tổng diện tích gieo trồng các cây hằng năm ước đạt 167.534 ha, bằng 66% so với kế hoạch vụ, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng tăng ở cây mì, bắp, rau, đậu các loại; giảm ở cây lúa, mía (trồng mới) và đậu phộng. Thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” thâm canh lúa theo hướng VietGAP và cánh đồng lớn tại 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh, kết quả vụ Đông Xuân 2015 – 2016, các cơ quan liên quan đã chủ động mời gọi doanh nghiệp tham gia cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân với tổng diện tích 1.708,4 ha, có 1.036 hộ tham gia. Vụ Hè Thu, nông dân đăng ký 1.708,15 ha (trên 1.810 ha), đạt 94,4%. Các loại cây trồng phát triển tốt, tình hình sâu bệnh phát sinh giảm so với cùng kỳ, chủ yếu gây hại ở mức độ nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng cây trồng. Giá cả sản phẩm gia súc, gia cầm và giá thức ăn chăn nuôi ổn định, dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra nên chăn nuôi gia súc, gia cầm có nhiều thuận lợi, các hộ chăn nuôi an tâm sản xuất. Giá trị ngành Chăn nuôi đạt 1.529 tỷ đồng, chiếm 13,4% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình sản xuất công nghiệp và kinh doanh, thương mại duy trì ổn định, một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh tăng trưởng tốt. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại được quan tâm đẩy mạnh; hàng hoá phong phú, giá cả ổn định. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt kết quả khá tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh. Tỉnh đã chủ động nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, duy trì ổn định diện tích gieo trồng và năng suất các loại cây trồng. Riêng ngành mía đường, công tác kiểm tra chữ đường đã có tác động tích cực, chữ đường bình quân niên vụ 2015-2016 cao nhất so với các năm, niềm tin của nông dân đối với nhà máy được nâng lên.

Nhìn nhận những mặt hạn chế, yếu kém trong nửa đầu năm 2016, UBND tỉnh cho rằng, tăng trưởng kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực bởi diễn biến bất lợi của thời tiết nắng nóng kéo dài; giá cả nông sản còn ở mức thấp; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; thu nội địa và thuế xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt thấp so với dự toán đã ảnh hưởng đến tổng thu trên địa bàn. Kết quả giải ngân vốn xây dựng cơ bản liên quan tới các dự án mới cũng còn chậm (6 tháng đầu năm đạt 15,9%). Công tác chuẩn bị đầu tư của các chủ đầu tư chưa tốt, còn nhiều nguồn vốn chưa được phân khai chi tiết...

Công nhân Tây Ninh trong giờ làm việc.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải thực hiện cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Ông yêu cầu 5 tỉnh Tây Nguyên thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng cửa rừng tự nhiên; đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại của năm 2016 mà Trung ương và Quốc hội đã giao. Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, liêm chính, chống tham nhũng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương trên tinh thần cải cách thể chế, tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa tiến tới xoá bỏ cơ chế xin - cho, tránh cục bộ, lợi ích nhóm trong hành động và chính sách. Thời gian tới cần đẩy mạnh xã hội hoá. Theo lời Thủ tướng, nền kinh tế đang tồn tại nhiều điểm yếu, sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có yếu tố khách quan nhưng cũng có cả chủ quan do chỉ đạo điều hành, dẫn tới tình trạng tăng trưởng chậm, thể hiện ở mức giải ngân thấp. Quyết tâm của Chính phủ là phải hành động quyết liệt, ưu tiên xử lý các điểm “nghẽn”... Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan đơn vị coi đây là nhiệm vụ quan trọng; cần chấn chỉnh những vi phạm, nhất là vi phạm trong mua sắm và sử dụng tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên trái phép.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng phát triển bền vững. Các tỉnh, thành phố phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần các nghị quyết của Chính phủ; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, tập trung hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác an sinh xã hội, ổn định xã hội.

Việt Đông

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh