Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Công nghiệp khai khoáng:
Không được tàn phá môi trường
Thứ hai: 10:53 ngày 01/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản quản lý Nhà nước về khoáng sản. Các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm đã góp phần phục vụ các nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương và giữ gìn cảnh quan môi trường.

Những hồ nước hình thành sau khai thác đất ở huyện Trảng Bàng.

Cuối tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh tổ chức đợt giám sát về tình hình khai thác khoáng sản ở một số địa phương trong tỉnh. Đợt giám sát này nhằm phục vụ cho việc sơ kết 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25.4.2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Nghị quyết 02). Sau đó, Ban Tuyên giáo đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xung quanh vấn đề trên để từ đó báo cáo về Trung ương.

Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho biết, Tây Ninh đã ban hành các văn bản liên quan việc thực hiện Nghị quyết 02, đồng thời triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 30.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Sau 5 năm triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết 02, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể đã quán triệt đầy đủ các nội dung, tinh thần của Nghị quyết. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ khoáng sản, tài nguyên cho cán bộ, đảng viên và cộng đồng. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường quản lý và thực thi pháp luật, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Các tổ chức chính trị- xã hội triển khai, tuyên truyền Luật Khoáng sản và nghị định hướng dẫn thi hành bằng nhiều hình thức thích hợp như: kết hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải nội dung Luật Khoáng sản và nghị định hướng dẫn thi hành phổ biến; quán triệt rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Ngành Tài nguyên- Môi trường sử dụng các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép vào hoạt động thanh kiểm tra, tổ chức các cuộc hội nghị, tập huấn về môi trường, khoáng sản cho cán bộ ngành cấp huyện, thành phố, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về khoáng sản.

ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Về cơ chế chính sách, thực hiện Nghị quyết số 02, Tây Ninh đã đầu tư kinh phí cho công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020; cấp kinh phí khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện cơ chế đấu giá quyền khai thác khoáng sản (các giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh được cấp trong năm 2014 đều thuộc trường hợp không phải đấu giá). Công tác thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện đúng theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, ngày 28.11.2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Đến nay, UBND tỉnh ban hành 97 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với tổng số tiền hơn 52 tỷ đồng, các đơn vị đã nộp được hơn 42,6 tỷ đồng, số còn lại sẽ nộp trong những năm tiếp theo.

Liên quan chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử văn hoá và môi trường, UBND tỉnh phê duyệt 35 đề án đóng cửa mỏ. Việc thực hiện đóng cửa các mỏ đá ở núi Bà Đen được thực hiện nghiêm túc. Các tổ chức, cá nhân thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường, thành lập hội đồng thẩm định, nghiệm thu báo cáo kết quả thực hiện đóng cửa mỏ, phát hiện kịp thời và xử lý ngay việc khai thác trong khu vực đóng cửa mỏ, từng bước trả lại môi trường, cảnh quan cho Khu di tích lịch sử văn hoá núi Bà Đen.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, 5 năm qua, UBND tỉnh cấp 152 giấy phép hoạt động khoáng sản các loại, thu hồi 15 giấy phép khai thác tận thu khoáng sản theo kết luận của đoàn thanh tra Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, đình chỉ hoạt động 13 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, ban hành 25 quyết định đóng cửa mỏ…

Công tác cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được quan tâm thường xuyên và từng bước đi vào nền nếp. Các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mới và gia hạn đã thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là 100%, thực hiện nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được thực hiện tốt. Các cơ quan liên quan đã triển khai 124 cuộc thanh tra, kiểm tra 527 lượt đối với tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 99 đơn vị vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng.

Việc kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giải quyết khiếu nại của người dân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện sâu sát. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời kiểm tra, xử lý, giải quyết các vụ việc được phản ánh. Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt 160 vụ với tổng số tiền phạt hơn 2,3 tỷ đồng, chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 49 vụ.

Hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đều tổ chức tập huấn các văn bản về nghiệp vụ chuyên môn, văn bản liên quan hoạt động khai thác khoáng sản, Luật Khoáng sản 2010, các văn bản pháp lý liên quan đến vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản cho gần 200 lượt cán bộ của cấp huyện, cấp xã và các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh tham dự.

CÒN NHIỀU ĐIỀU CẦN KHẮC PHỤC

Đánh giá chung về việc thực hiện Nghị quyết 02, Tỉnh uỷ Tây Ninh nhìn nhận: các cấp uỷ đã chủ động xây dựng chương trình hành động, tổ chức hướng dẫn triển khai, quán triệt đúng thời gian quy định, phổ biến rộng rãi ra quần chúng nhân dân, giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm thực hiện thường xuyên thông qua báo, đài, hệ thống truyền thanh các địa phương.

Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm pháp luật về khoáng sản và việc khai thác hợp lý tài nguyên khoáng sản trong sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản quản lý Nhà nước về khoáng sản. Các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, hợp lý, tiết kiệm đã góp phần phục vụ các nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội của địa phương và giữ gìn cảnh quan môi trường.

Công tác kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản được thực hiện thường xuyên. Nhiều hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển và bảo vệ môi trường trong các hoạt động khoáng sản được ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc, công khai. Đa số các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng theo quy định; việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường được quan tâm thường xuyên hơn và từng bước đưa công tác ký quỹ đi vào nền nếp. Công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và phát triển theo đúng định hướng.

Mặc dù vậy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 02, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Tỉnh uỷ cho rằng, một bộ phận tổ chức, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản và các luật khác liên quan dẫn đến khai thác vượt công suất, vượt chiều sâu cho phép. Hoạt động khai thác đất san lấp chưa đúng thiết kế, vận chuyển tiêu thụ đất san lấp không đúng theo quy định. Hoạt động khai thác khoáng sản tuy đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương nhưng hiệu quả chưa cao.

Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có quy mô nhỏ, trung bình, chưa đủ sức đầu tư công nghệ mới- tiên tiến, thân thiện với môi trường, chưa giải quyết triệt để được mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp với nhân dân nơi có khoáng sản được khai thác. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về báo cáo định kỳ tình hình khai thác và lập bản đồ đánh giá hiện trạng khu vực mỏ khai thác khoáng sản của các đơn vị đôi khi chưa nghiêm túc.

Quy trình, thủ tục thẩm định các hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản (đối với đất san lấp) vẫn còn rườm rà, phức tạp; phải lấy ý kiến nhiều ngành, kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội của địa phương (nhất là đất san lấp phục vụ cho các công trình nông thôn mới). Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và UBND các cấp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản ở địa phương từng thời điểm thiếu chặt chẽ, còn nhiều khó khăn, bất cập…

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trước hết, một số cấp uỷ, chính quyền có lúc, có nơi chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 02 của Trung ương và chương trình hành động của tỉnh. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về Luật Khoáng sản, các văn bản thi hành pháp luật về tài nguyên, khoáng sản chưa thường xuyên, chưa sâu, hình thức chưa đa dạng. Một bộ phận tổ chức, cá nhân chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận kinh tế, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản mới chỉ có ở cấp tỉnh. Cán bộ quản lý về tài nguyên, khoáng sản cấp huyện thường kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên.

Tỉnh uỷ yêu cầu: trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội và các ngành tiếp tục triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xung quanh vấn đề trên đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đ.V.T

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh