Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin dịch bệnh virus Ebola- loại dịch bệnh nguy hiểm chết người đang lan truyền đến châu Á. Những thông tin đó khiến cho tình hình kiểm soát dịch bệnh Ebola ở các cửa khẩu càng thêm khẩn trương. Ở Tây Ninh cũng không ngoại lệ.

|
Máy soi thân nhiệt trực tiếp được bố trí ngay trước lối đi của du khách ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
“NÓNG” Ở CỬA KHẨU QUỐC TẾ
Sáng ngày 13.8.2014, cũng như bao nhiêu ngày bình thường khác, khách du lịch nước ngoài vẫn nườm nượp qua lại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu). Phần lớn trong số họ đi theo xe buýt tuyến TP. Hồ Chí Minh sang thủ đô Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) và ngược lại. Cứ khoảng 30 phút lại có một chuyến xe buýt qua cửa khẩu. Mỗi chuyến có khoảng 50 hành khách. Trước khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, mỗi người đều được cán bộ kiểm dịch y tế dùng máy soi thân nhiệt. Tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có 2 máy soi thân nhiệt hoạt động cùng một lúc.
Một máy được bố trí ngay trước lối đi của du khách. Một máy thuộc loại mới được bố trí trong phòng kính (Tây Ninh được phép của Bộ Y tế mua 2 máy mới, nhưng hiện chỉ có một). Loại máy mới có ưu điểm là có thể quét thân nhiệt cùng một lúc cho nhiều người và có thể phát hiện thân nhiệt 380C từ khoảng cách xa 20 mét. Máy có màn ảnh rộng 32 inches, chia thành 4 phần để người điều khiển có thể quan sát nhiều góc độ.
Các nhân viên kiểm dịch y tế làm việc khá căng thẳng. Mỗi lần có đoàn du khách nhập cảnh, họ lại phải căng mắt chú mục vào màn ảnh, quan sát từng người để còn kịp phát hiện những người có thân nhiệt vượt mức bình thường. Anh Nguyễn Thành Cao- kiểm dịch viên Trạm Kiểm dịch y tế tại đây cho biết: “Trung bình mỗi ngày có từ 4.500- 5.500 người qua lại cửa khẩu. Tính đến thời điểm này, chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu mắc virus Ebola”.
Anh Cao cho biết thêm, khách qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài chủ yếu đến từ các nước châu Âu, châu Á, rất ít người đến từ Tây Phi. Anh nói: “Nếu phát hiện du khách nào có thân nhiệt từ 380C trở lên, chúng tôi sẽ mời qua phòng cách ly, tiến hành khám sàng lọc, phân loại, kiểm tra xem du khách này có đi qua vùng dịch, có tiếp xúc với bệnh nhân Ebola hay không. Nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, sẽ đưa bệnh nhân vào Trung tâm Y tế địa bàn gần nhất để tiếp tục theo dõi, cách ly và điều trị”.
Ở cửa khẩu quốc tế Xa Mát (huyện Tân Biên) tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng khá “nóng”. Sáng ngày 16.8, khi chúng tôi đến đây đã thấy có 3 nhân viên y tế đang túc trực trước quầy làm thủ tục nhập cảnh. So với cửa khẩu Mộc Bài thì cửa khẩu Xa Mát có lượng khách qua lại ít hơn.
Mỗi hành khách từ Campuchia vào Việt Nam đều được máy soi thân nhiệt kiểm tra cẩn thận. Anh Lê Hồng Sương- nhân viên y tế tại đây cho biết: “Đa số khách qua lại cửa khẩu này là cư dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Thỉnh thoảng mới có một vài khách là người Đài Loan, Trung Quốc. Còn khách châu Âu, đặc biệt là du khách đến từ các nước Tây Phi thì hầu như không có”. Được biết, trung bình mỗi ngày, có từ 500 - 700 người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Xa Mát.
“NGUỘI” Ở CỬA KHẨU PHỤ
Tuy không “nóng” như ở 2 cửa khẩu quốc tế nhưng tình hình kiểm dịch y tế ở ba cửa khẩu phụ Chàng Riệc (Tân Biên), Kà Tum và Tống Lê Chân (Tân Châu) cũng được tăng cường. Trưa ngày 16.8, chúng tôi đến cửa khẩu Chàng Riệc. Tại đây, 2 nhân viên y tế đang ngồi bên bàn làm việc để theo dõi tình hình qua lại của người dân Campuchia. Anh Tô Đình Hậu- một trong hai nhân viên nói với chúng tôi: “Thấy người nào có dấu hiệu mệt mỏi, nghi ngờ có khả năng bị bệnh, chúng tôi sẽ mời vào đo thân nhiệt”.
Trước tình hình dịch bệnh Ebola bùng phát ở các nước Tây Phi, Sở Y tế Tây Ninh đã có văn bản chỉ đạo: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị y tế tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng tại các cửa khẩu giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và các đơn vị y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết do virus Ebola và có tiền sử đi vùng có dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện ngay việc cách ly và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định. Đồng thời lập danh sách theo dõi sức khoẻ những hành khách nhập cảnh từ vùng dịch trong vòng 21 ngày. |
Ở cửa khẩu Kà Tum, có vẻ như công tác kiểm dịch y tế có phần “nguội” hơn. Vào lúc 11 giờ 17 phút cùng ngày, khi chúng tôi đến cửa khẩu này, không thấy bóng nhân viên y tế nào. Hỏi thăm các chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ ở đây được biết- nhân viên y tế đã… về nhà ăn cơm. Theo quan sát của chúng tôi, vào thời điểm này có một số người cả Việt Nam và Campuchia qua lại cửa khẩu. Lỡ như trong số họ có người đã nhiễm bệnh thì sao nhỉ?
Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi đến cửa khẩu Tống Lê Chân chứng kiến tình hình tương tự- nghĩa là không thấy bóng dáng nhân viên y tế nào có mặt làm nhiệm vụ tại đây. Vào Đồn biên phòng Tống Lê Chân hỏi thăm, chúng tôi được Trung tá Hoàng Công Hương- Phó đồn trưởng cho biết: “21 giờ hôm qua, nhận được chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về tình hình kiểm soát xuất nhập cảnh, sáng nay chúng tôi bố trí các chiến sĩ chốt chặn tất cả các đường mòn qua lại biên giới, nhằm tập trung việc qua lại của người dân hai nước tại cửa khẩu, để tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng về dịch bệnh Ebola”.
Xung quanh công tác kiểm dịch y tế ở ba cửa khẩu phụ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế giải thích, quy định ở các cửa khẩu phụ là không cho du khách nước thứ ba xuất nhập cảnh, mà chỉ có cư dân hai nước Việt Nam, Campuchia qua lại nên ở các cửa khẩu này chỉ tăng cường kiểm tra y tế thông thường, không thực hiện kiểm dịch Ebola.
Riêng ở cửa khẩu Tống Lê Chân có lượng khách qua lại ít, nên không bố trí nhân viên y tế trực thường xuyên, chỉ khi nào có lực lượng Hải quan đến kiểm tra hàng hoá thì nhân viên y tế mới kết hợp kiểm tra y tế. Cũng theo lời bác sĩ Cường, công tác kiểm dịch Ebola ở hai cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát đã được triển khai từ ngày 1.8.2014.
Bộ Y tế chỉ đạo từ 0 giờ ngày 15.8.2014, các cửa khẩu quốc tế phải lấy lời khai của du khách trong 21 ngày qua nhưng riêng Tây Ninh đã áp dụng biện pháp này từ trước đó (ngày 12.8). Tính từ ngày 20.7 đến 13.8.2014, ở cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã ghi nhận có 7 du khách từ các nước Tây Phi qua đây. Chỉ đạo mới nhất của Bộ Y tế hiện nay là du khách đến từ tất cả các nước có dịch bệnh Ebola, ngoài việc khai báo y tế trong 21 ngày qua, còn được nhân viên y tế nắm danh sách, địa điểm đến, số điện thoại; những thông tin này sẽ được thông báo cho chính quyền địa phương để tiếp tục theo dõi.
PHẢI CẢNH GIÁC
Bệnh Ebola hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola là một loại bệnh nhiễm trùng vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong đặc biệt cao. Những người nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS còn có thể kéo dài cuộc sống nhiều năm nếu như được điều trị tốt, nhưng người mắc bệnh Ebola thì rất dễ nhận “bản án tử hình”, vì thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Cách tốt nhất có thể làm chỉ là cố gắng giảm nhẹ bệnh. Điều quái ác là bệnh Ebola rất khó nhận biết, bởi triệu chứng của nó gần giống với các bệnh thông thường khác như sốt rét, sốt xuất huyết, sốt thương hàn... Vì vậy, người dân cần được tuyên truyền để hiểu biết cách phòng ngừa dịch bệnh lây lan, và việc kiểm soát du khách tại các cửa khẩu cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Trường Sơn - Thái Hoà