Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Bên cạnh mặt tích cực, mặt tiêu cực cũng vô cùng phức tạp, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá chạy theo lợi nhuận, bất chấp thủ đoạn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của người dân, nhất là thanh thiếu niên trong tỉnh.

Một cơ sở dịch vụ internet hoạt động quá giờ quy định.
Hiện nay, hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng, phong phú; đặc biệt là các loại hình kinh doanh dịch vụ như: karaoke, internet, băng đĩa, quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật... từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.
Bên cạnh mặt tích cực, mặt tiêu cực cũng vô cùng phức tạp, một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá chạy theo lợi nhuận, bất chấp thủ đoạn gây ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần của người dân, nhất là thanh thiếu niên trong tỉnh.
Theo Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin, Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội huyện Hoà Thành Nguyễn Văn Tánh, toàn huyện hiện có 42 cơ sở lưu hành, kinh doanh băng đĩa phim, băng đĩa ca nhạc, sân khấu; 41 cơ sở kinh doanh karaoke, 110 cơ sở internet, trong đó có 6 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử (máy bắn cá); 43 cơ sở lưu trú du lịch...
Trong sáu tháng đầu năm 2015, Đội kiểm tra huyện và xã tổ chức kiểm tra gần 200 cơ sở nhưng chỉ xử phạt vi phạm hành chính 13 cơ sở, với số tiền phạt chưa đến 25 triệu đồng. “Có thể là do các cơ sở hoạt động tuân thủ theo quy định pháp luật nên số lượng vi phạm bị xử phạt hành chính ít”, theo ông Tánh nhận định:
“Nhưng các chủ cơ sở rất tinh vi trong việc đối phó với đoàn kiểm tra, mặc dù kiểm tra ở đâu, giờ nào kiểm tra là do Đội trưởng phổ biến khi tập trung các thành viên trong đội chứ không báo trước, nhưng ngoại trừ những buổi kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra khi có nguồn tin báo của người dân là có phát hiện vi phạm đến mức xử phạt, còn việc kiểm tra theo kế hoạch thường chỉ nhắc nhở các cơ sở vì vi phạm chưa đến mức xử phạt”.
Những vi phạm thường gặp là việc bán rượu trong phòng ca, hát quá giờ quy định của các cơ sở karaoke. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang phát triển trò chơi điện tử máy bắn cá, đây là loại hình dễ dẫn đến hoạt động cờ bạc trá hình, Đội kiểm tra đã mời cơ sở đến sinh hoạt, cam kết hoạt động đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, một số hoạt động văn hoá khác cũng rất khó quản lý, như việc bán băng đĩa dạo, cho thuê đĩa không dán tem, nhân bản trái phép, lưu hành sản phẩm kém chất lượng; việc chấp hành quy định pháp luật ở một số đại lý internet chưa nghiêm, thường xuyên mở cửa trước giờ quy định nhằm lôi kéo học sinh vào chơi game trước khi vào học; hoạt động biểu diễn nghệ thuật không đúng nội dung cho phép...
Ngay cả việc kiểm tra hoạt động karaoke sau 24 giờ theo quy định cũng là một trong những khó khăn của Đội kiểm tra, vì các thành viên trong đội thuộc các cơ quan khác nhau và đều hoạt động kiêm nhiệm, nên sau 24 giờ tập trung được các thành viên đi kiểm tra là điều rất khó.
Còn ở Châu Thành, 6 tháng đầu năm 2015, Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội huyện và cơ sở tổ chức kiểm tra 128 cuộc, 340 cơ sở nhưng chỉ xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở, nhắc nhở 35 cơ sở. Riêng cấp xã, thị trấn không “xử” được ai.
Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin, Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội huyện Phạm Văn Sĩ chia sẻ, Châu Thành là huyện nông thôn nên hoạt động văn hoá không phát triển nhiều như các địa phương khác, vẫn chỉ hoạt động karaoke, internet, hát với nhau...
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Sĩ băn khoăn, hiện nay, trò chơi điện tử máy bắn cá phát triển nhanh về vùng nông thôn, huyện Châu Thành có 50 máy. Đây là loại hình kinh doanh không có điều kiện, chỉ cần giấy phép kinh doanh là được hoạt động, văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù biết trò chơi điện tử máy bắn cá có tổ chức đánh bạc nhưng bắt quả tang là điều không phải dễ. Đội kiểm tra chỉ xử phạt hành chính cơ sở khi không có giấy phép kinh doanh, máy có nguồn gốc không rõ ràng, cơ sở cách trường học dưới 200 mét, hoạt động quá 22 giờ.
Chánh Thanh tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đội trưởng Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội tỉnh Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, Đội kiểm tra hoạt động theo quy chế do UBND tỉnh ban hành, có quy định nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, Đội kiểm tra thường chỉ nhắc nhở, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật, những cơ sở được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm mới bị xử phạt hành chính.
6 tháng đầu năm 2015, đội kiểm tra 15 đợt, 37 lượt cơ sở, lập 31 biên bản kiểm tra hành chính và 10 biên bản vi phạm hành chính, Thanh tra Sở ra 7 quyết định xử phạt hành chính, với số tiền là 25,5 triệu đồng và nhắc nhở tại chỗ 17 cơ sở.
Bà Nguyệt cho biết thêm, hiện nay các dịch vụ như internet, karaoke, hát với nhau... đã bão hoà, không phát triển nhiều như trước đây, các cơ sở có ý thức chấp hành quy định của pháp luật nên ít xảy ra vi phạm nghiêm trọng. Bà Nguyệt băn khoăn nhất là loại hình biểu diễn nghệ thuật có kèm theo trò chơi dân gian (người dân thường gọi loại hình này là hội chợ), đơn vị biểu diễn hoạt động không đúng nội dung đăng ký.
Giấy phép cho biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian không mang tính cờ bạc, thời gian biểu diễn được gia hạn 2 lần, có khi mỗi địa phương đơn vị phục vụ hằng tháng. Trong giấy phép, danh mục đăng ký bài hát chỉ 15 bài, 15 bài mà hát cả tháng trời là không hợp lý; còn trò chơi dân gian không mang tính cờ bạc chỉ là ghi trên giấy phép, thực tế ai đến nơi đây đều biết, người đi xem hát thì ít, người tham gia trò chơi thì nhiều, tất cả đều phải tốn tiền, có người chơi khoảng 30 phút đã thua bạc triệu, chính trò chơi này nuôi sống cả đơn vị chứ không phải biểu diễn nghệ thuật.
Được biết, các tỉnh miền Tây Nam bộ, như tỉnh Bến Tre, rất kiên quyết với loại hình này, tỉnh chỉ cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật, không kèm trò chơi dân gian, đơn vị tổ chức hoạt động không thuận lợi sẽ tự động giải tán.
Tại Tây Ninh, có 20 đơn vị biểu diễn nghệ thuật hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hiện nay 5 đơn vị đã ngưng hoạt động, 6 tháng đầu năm 2015, Đội tổ chức kiểm tra 5 đơn vị, lập 3 biên bản vi phạm hành chính, ra 3 quyết định xử phạt với số tiền là 68 triệu đồng.
|
Cờ bạc trá hình trong một khu hội chợ.
Ngoài ra, còn những quy định chưa hợp lý như cơ sở sử dụng âm thanh vượt quá mức cho phép, Đội kiểm tra lập biên bản cơ sở vi phạm nhưng không thể xử phạt, vì quy định xử phạt lĩnh vực này thuộc về ngành Tài nguyên - Môi trường, nhưng ngành này không có thành viên trong Đội kiểm tra liên ngành.
Do vậy, biên bản vi phạm phải gửi về ngành Tài nguyên - Môi trường để nơi đây ra quyết định xử phạt, mà như vậy thì rất mất thời gian. Hay như loại hình quán bar, beerclub đến nay chưa có văn bản hướng dẫn hoạt động, nên khi kiểm tra chỉ nhắc nhở về ánh sáng, âm thanh, rượu, an ninh trật tự, nhân viên phục vụ...
DUY ĐỨC
Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội được thành lập nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực xảy ra trong hoạt động dịch vụ văn hoá - xã hội. Đội hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của UBND cùng cấp, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác, cơ chế phối hợp và kinh phí hoạt động; thành viên trong đội là các cơ quan Công an, Văn hoá, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quản lý thị trường, Viễn thông. Theo quy chế tổ chức và hoạt động, Đội kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội có chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động văn hoá - xã hội; phát hiện, ngăn chặn và lập hồ sơ vi phạm pháp luật, đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá - xã hội. Nhiệm vụ của Đội kiểm tra là thường xuyên theo dõi, khảo sát nắm tình hình, tổ chức kiểm tra việc thực thi các quy định pháp luật về văn hoá; an ninh trật tự; thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn để tham mưu đề xuất UBND, cơ quan có thẩm quyền tăng cường biện pháp quản lý, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về văn hoá - xã hội, phòng, chống mại dâm. Đội kiểm tra có quyền lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện vi phạm của cơ sở kinh doanh dịch vụ; thực hiện các quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; niêm phong tang vật và đình chỉ hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Chuyển hồ sơ vi phạm hành chính cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách theo quy định pháp luật hiện hành. |