Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Lẽ thường ai cũng muốn làm giàu để có cuộc sống sung túc ấm no cho bản thân và gia đình. Đó là ước muốn chính đáng, nhưng trước khi làm gì phải cân nhắc thật thấu đáo, bởi việc lựa chọn sai ngành nghề kinh doanh có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ đau lòng. Đằng sau thất bại về kinh tế thường là… nợ nần réo gọi, là mâu thuẫn phát sinh trong gia đình có thể dẫn đến cảnh tan đàn xẻ nghé vv…vv…

|
Về lý, người dân được phép kinh doanh tất cả các ngành nghề không bị pháp luật cấm. Thế nhưng, để sống được với ngành nghề kinh doanh không hề là chuyện đơn giản với bất cứ ai. Không ít người cứ thấy người khác thành công trong lĩnh vực kinh doanh nào là “nhắm mắt” chạy theo mà không có sự cân nhắc thận trọng về điều kiện, thực lực của mình. Hậu quả dẫn đến nhiều khi là… phá sản, bởi người kinh doanh theo phong trào không lường trước được những khó khăn có thể gặp phải.
Mở quán ra rồi... đóng cửa
Sau thời gian dành dụm được chút vốn liếng, anh H- nhà ở huyện Hoà Thành thấy nhiều người ăn nên làm ra bằng việc kinh doanh quán cà phê, anh quyết định cùng với 2 người bạn hùn vốn để kinh doanh loại hình này. Họ thuê một quán cà phê ở thành phố Tây Ninh để nuôi mộng làm giàu. Sau khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư, sửa sang lại quán, cả ba chủ quán hào hứng tổ chức khai trương.
Quán hoạt động được một thời gian ngắn thì những vấn đề khó khăn, phức tạp trong quá trình kinh doanh bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là lượng khách đến quán ngày càng sụt giảm, kế đến là tiếp viên của quán “trở chứng” đòi tăng lương, nếu không được giải quyết thì nghỉ việc, sang quán khác.
Chỉ riêng việc tìm kiếm tiếp viên đã khiến các vị chủ quán muốn… hụt hơi, chưa kể đến tình trạng do thiếu kinh nghiệm nên việc mua sắm các thứ cho quán cũng tạo ra sự lãng phí, chẳng hạn các loại trái cây để xay sinh tố lúc thì thiếu để phục vụ khách, lúc thì thừa sinh hư phải vứt bỏ.
Việc tính toán chi phí ăn uống hằng ngày cho nhân viên quán cũng khiến cả ba người chủ phải đau đầu. Điều quan trọng nhất là từ khi quán đi vào hoạt động, chỉ trừ tháng đầu tiên huề vốn, các tháng kế tiếp toàn là chủ quán phải bỏ tiền ra để… bù lỗ.
Cầm cự được đúng 4 tháng, cả 3 người hùn vốn quyết định đóng cửa, treo biển sang quán, chấp nhận trả tiền thuê mặt bằng hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Rất may, một thời gian sau đó cũng có người đến sang lại quán, sau khi trừ đi hết chi phí, mỗi người còn gỡ gạc lại được chút vốn. Anh H than thở: người ta mở quán cà phê làm giàu thấy ham, vậy mà đến lượt mình thì suýt đổ nợ ! Anh Hoà chỉ là một trong rất nhiều người kinh doanh kiểu “chạy theo phong trào”.
Trước đây, có thể nói khu vực ven đường Nguyễn Văn Rốp ở phường IV, TP. Tây Ninh là nơi xuất hiện các quán xiên que đầu tiên ở Tây Ninh. Còn hiện nay, đi dọc theo đường này, nếu ai chịu khó để ý hẳn sẽ nhận ra rằng số lượng quán xiên que còn hoạt động khá ít ỏi.
Trong số các quán còn lại cũng chỉ có một vài quán là lượng khách tương đối đông, các quán khác mỗi đêm chỉ có vài bàn. Trong khi đó, ở huyện Hoà Thành, các quán xiên que hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, dù lúc mới rộ, các quán loại hình này mọc lên như nấm.
Một phụ nữ từng thuê mặt bằng mở quán xiên que trên đường Tôn Đức Thắng (hiện đã đóng cửa) cho biết, trước đó, chứng kiến cảnh khách hàng trẻ tuổi có mặt đông đúc tại các quán xiên que vào những buổi tối, chị cứ nghĩ công việc kinh doanh lĩnh vực này không khó lắm vì giá cả rất bình dân mà các cô cậu tuổi teen lại rất ưa chuộng.
Vậy là vay mượn người thân, cộng với số tiền dành dụm được hơn 50 triệu đồng, chị đi thuê mặt bằng để mở quán. Thế nhưng, quán mở chỉ được hơn 3 tháng rồi phải đóng cửa do khách hàng không nhiều như chị nghĩ. Hiện thời, chị chủ quán xiên que hôm nào phải đi làm công nhân để mưu sinh, còn chồng chị vẫn tiếp tục lái xe thuê dành dụm tiền trả nợ.
Xích lô mi ni cũng “chết”
Không chỉ các quán ăn, quán nhậu bình dân gặp thất bại sau một thời gian kinh doanh ngắn, một số điểm kinh doanh dịch vụ khác cũng rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười do việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió.
Còn nhớ cách đây gần năm, khi chị chủ quán cà phê Ban Mê ở thành phố Tây Ninh đưa về gần chục chiếc xe xích lô mini để phục vụ trẻ em vui chơi thì chỉ vài tháng sau, đồng loạt các quán cà phê sân vườn khác cũng tậu xích lô mini phục vụ khách hàng nhí bằng hình thức cho thuê. Nhiều người khác tuy không kinh doanh cà phê sân vườn nhưng cũng bỏ tiền sắm xích lô mini về cho trẻ em thuê, rộ nhất là thời điểm cuối năm 2014.
Ở các công viên, các tuyến đường lớn tại thành phố Tây Ninh, huyện Hoà Thành cứ đêm đến là trẻ em thuê xích lô mini chạy rộn rịp. Tuy nhiên, phong trào cho thuê xích lô mini chỉ nở rộ được vài tháng, hiện nay các quán cà phê chỉ dùng chúng cho trẻ em mượn chạy miễn phí.
Dịch vụ cho thuê xích lô mini chỉ còn “sống được” tại các công viên nhưng lượng trẻ em tham gia trò chơi này đã giảm khoảng 50% so với trước đây. Điểm cho thuê xích lô mini ở cửa số 2 Toà thánh đã dẹp từ vài tháng nay, sau khoảng 2 tháng hoạt động. Các điểm cho thuê xích lô ở khu vực chợ Long Hoa cũng rơi vào tình cảnh như thế. Một anh cho thuê xích lô mini (nay đã nghỉ) ở khu vực chợ Long Hoa ngao ngán nói về sai lầm của mình khi chọn loại hình kinh doanh này mà không suy nghĩ cặn kẽ, tìm hiểu trước cho kỹ đến nỗi phải bị lỗ nặng.
Theo lời kể, khi thấy nhiều trẻ em được cha mẹ dẫn đến các quán cà phê sân vườn đã phải chờ đợi, giành giật nhau thuê xe xích lô mini để chạy, anh không ngần ngại bỏ ra hơn 70 triệu đồng để mua 20 chiếc xích lô, xe lôi đạp mini (mỗi chiếc có giá trên dưới 3 triệu đồng) từ thành phố Hồ Chí Minh về mở dịch vụ cho thuê.
Tuy nhiên, khi vừa bắt tay vào công việc, anh đã cảm nhận được sự thất bại bởi lượng trẻ em đến thuê chỉ đông vào các tối thứ 6, thứ 7 trong tuần, các ngày còn lại các em không đi chơi vì còn phải ở nhà học bài. Đó là chưa kể khách hàng toàn là trẻ em, tâm lý thường dễ thay đổi theo kiểu “cả thèm, chóng chán” nên chỉ một vài lần đạp xích lô mini là đã hết hứng thú.
Mặt khác, các em đều còn nhỏ nên muốn có tiền thuê xe chạy chơi đều phải xin cha mẹ. Một lý do quan trọng khác là nhiều bậc cha mẹ khi thấy nhiều trẻ em điều khiển phương tiện chạy loạn xị ngoài đường quá nguy hiểm nên từ đó cấm con em mình tham gia! Kinh doanh thất bại nên khi có người quen giới thiệu, anh liền bán lại cả dàn xích lô mini, chấp nhận lỗ khoảng 50%.
Kinh nghiệm “xương máu”
Một ông chủ quán cà phê có tiếng, từng có thâm niên kinh doanh quán cà phê gần 30 năm ở huyện Hoà Thành chia sẻ: không phải ai kinh doanh quán cà phê cũng đều thành công. Không hiếm quán cà phê ra đời theo kiểu “sớm mở tối tàn” cũng vì không lường trước mọi khó khăn trước khi bằt tay vào cuộc.
Theo đánh giá của ông, chỉ có các quán lớn, sân vườn rộng, không gian đẹp mới có thể thu hút khách. Không thì là các quán cà phê bình dân (thường gọi là quán cà phê cóc) mới có thể sống được, còn các quán thuộc loại “dở dở ương ương”, lớn không ra lớn, nhỏ không ra nhỏ thì rất dễ “chết”.
Hiện nay nhu cầu của khách uống cà phê đã nâng lên. Quán đẹp, ngồi thoải mái, tiếp viên chu đáo, lịch sự (không nhất thiết phải là tiếp viên nữ), cà phê chất lượng… thì mới có khả năng thu hút khách. Ai đó cho rằng mở quán cà phê chỉ cần có tiếp viên nữ ngoại hình đẹp là hoàn toàn sai lầm.
Cứ nhìn vào các quán ở làng cà phê khu vực cửa 7, Toà thánh là biết. Những quán có tiếp viên nữ đẹp nhưng cơ ngơi xập xệ, thiết kế không gian sơ sài nay đều ế ẩm, chỉ một vài quán chịu đầu tư nâng cấp, mở rộng là còn sống được.
Riêng về các quán cà phê cóc, loại quán này thường tập trung phục vụ đối tượng lao động bình dân… nên thường mở cửa vào các giờ giấc phù hợp (sáng sớm, buổi trưa); tuy giá bình dân nhưng chất lượng cà phê cũng không được quá tệ.
Cũng theo lời ông chủ quán kể trên, kinh doanh quán cà phê đòi hỏi nguồn vốn không phải ít, trong khi thu nhập đem lại không phải lúc nào cũng ổn định. Vào những ngày mưa, số lượng khách đến quán giảm hẳn trong khi các khoản chi phí như tiền điện, tiền ăn, tiền lương nhân viên lại không thể giảm.
Vì thế nhiều người thuê mặt bằng để mở quán hay kinh doanh bằng nguồn vốn vay mượn rất dễ “đuối” giữa chừng và dễ… đổ nợ. Thực tế đã có nhiều quán cà phê, quán ăn, quán nhậu… cứ đổi chủ xoành xoạch cũng vì nguyên nhân ấy.
Vẫn theo lời ông chủ quán, việc kinh doanh nhất là kinh doanh ở lĩnh vực ăn uống, giải trí cần phải “có duyên” và phải gặp “thời”, chứ không phải người ta làm được thì mình chắc chắn cũng làm được. Điều này càng không thể đối với những người kinh doanh kiểu “tay ngang” không có chút am hiểu về ngành nghề mình muốn tham gia.
Trong vai người đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để mở quán bán hải sản, chúng tôi được người trong cuộc- là chủ một quán ốc đêm hiện còn tồn tại trong khi nhiều quán khác cùng loại phải dẹp tiệm- đã cho lời khuyên: trong kinh doanh không phải lúc nào cũng… có gan là làm giàu được, kinh doanh theo phong trào thì cơ hội làm giàu lại càng khó có.
THẾ NHÂN