Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Nước thải sinh hoạt, nuôi trồng thuỷ sản gây ô nhiễm nguồn nước
Kỳ 1: Con kênh không xanh xanh
Thứ sáu: 09:57 ngày 23/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm qua, hệ thống thuỷ lợi của tỉnh được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất.

Bức tranh nông nghiệp những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với công trình thuỷ lợi, nhất là tình trạng vứt rác và xả nước thải ra các tuyến kênh thuỷ lợi ngày càng gia tăng, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng đến việc điều tiết nước cho sản xuất.

Kênh thuỷ lợi ngập rác

Trong thời gian qua, công tác vận hành các tuyến kênh thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh chủ yếu giao cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý thông qua các xí nghiệp thuỷ lợi tại các địa phương. Ngoài việc rà soát, điều tiết nguồn nước tưới, tiêu phù hơp với nhu cầu loại cây trồng của từng vùng, từng khu, các cán bộ ngành thuỷ nông còn... “vớt rác” để bảo đảm dòng chảy các tuyến kênh thông thoáng, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nước trong kênh Gò Kén bị ô nhiễm quanh năm.

Bà Trần Thị Thu Minh, người dân ngụ xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết, trước đây kênh rất sạch, người dân thường sử dụng nguồn nước kênh để giặt giũ và sinh hoạt. Khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng nước kênh ô nhiễm ngày càng tăng.

Bà Nguyễn Thị Kim Huyền, nhà gần kênh TN08, ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu chia sẻ, dòng nước kênh xanh nhưng có nhiều túi nylon, rác thải sinh hoạt nổi lềnh bềnh, thậm chí có lúc có xác heo, gà nổi trên mặt nước, bốc mùi hôi khiến người dân không dám sử dụng nước để tưới cây. Bà Kim Huyền đề nghị cơ quan chức năng phải xử lý những người vi phạm mới mong chấm dứt được tình trạng này.

Xí nghiệp thuỷ lợi Dương Minh Châu tổ chức vớt rác, thu gom cỏ dại tại lòng kênh thuỷ lợi.

Cùng đoàn của Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu khảo sát các tuyến kênh trọng điểm, chúng tôi chứng kiến nhiều đoạn kênh đầy rác thải, dòng chảy bị nghẽn, nhất là tại các miệng cống.

Tại tuyến kênh T08 (xã Phước Minh), dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, bọt trắng nổi lên từng mảng, trong khi xác động vật phân huỷ trôi nổi lẫn với rác sinh hoạt. Ông Phan Thành Mãi- Tổ trưởng Tổ thuỷ nông xã Phước Minh cho hay, Tổ quản lý hai tuyến kênh chính cùng hàng chục cống và mương nhỏ. Dù  nhiều lần vớt rác, nạo vét, nhưng nước kênh vẫn ô nhiễm.

Nước thải chăn nuôi xả thẳng vào kênh thuỷ lợi

Huyện Dương Minh Châu có diện tích nuôi trồng thuỷ sản 148 ha, sản lượng trung bình 230 tấn/năm. Trong đó, xã Phước Minh có điều kiện thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản do gần hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm việc nuôi trồng thuỷ sản phát triển ồ ạt, địa phương này đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải từ các ao nuôi cá và ba ba đang được xả trực tiếp ra các kênh thuỷ lợi nội đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bà N.T.K.H, một người dân sống cạnh kênh thuỷ lợi T08 nói: “Trước đây nước trong kênh trong xanh, có nhiều loại cá nhỏ sinh sống. Trẻ con xuống tắm, bắt cá vào những ngày nắng nóng. Thế nhưng, hiện nay nguồn nước ô nhiễm do nước thải từ những ao cá đầu nguồn”.

Ông N.V.T, hộ chăn nuôi cá tại ấp B4, xã Phước Minh, người có hơn 10 năm nuôi cá tại khu vực này cho hay, tận dụng nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Dầu Tiếng, ông và nhiều người dân trên địa bàn ấp lập ao nuôi cá ven kênh, vừa thuận lợi lấy nước và thay nước. Khoảng từ 5 -7 ngày, người nuôi xả bỏ khoảng 1/3 lượng nước trong ao để lấy nước sạch vào.

Ông T thừa nhận việc lấy nước vào ao nuôi có thể cho qua bể lắng trước khi cho vào ao nuôi nhưng nước cũ trong ao khi thay xả thẳng vào kênh. Ông cho biết việc xả thải như vậy là không đúng, nhưng do thiếu đất xây dựng hệ thống xử lý nên đành làm như vậy. Ông T mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi vừa có thể sản xuất vừa bảo vệ môi trường.

Theo ghi nhận, tuyến kênh thuỷ lợi T08 chạy từ xã Phước Ninh sang xã Phước Minh đang bị ô nhiễm do nước thải từ hàng chục ao cá lóc và trại nuôi ba ba, mỗi ao rộng từ 2. 000m2 đến 5.000m2. Các hộ nuôi sử dụng nước từ kênh, sau chu kỳ nuôi lại xả ngược trở ra. Hầu hết các cơ sở đều không có hệ thống xử lý nước thải, khiến chất thải hữu cơ, dư lượng thức ăn, phân cá và kháng sinh qua những ống nhựa lớn dẫn nước thải đổ thẳng xuống kênh, tạo thành dòng nước đen, sủi bọt và bốc mùi hôi.

Theo các chuyên gia thuỷ sản, mô hình nuôi cá lóc và ba ba với mật độ dày và sử dụng thức ăn tươi sống hoặc cám công nghiệp tạo ra lượng chất thải lớn. Nếu không xử lý nước thải sẽ gây phú dưỡng, làm giảm oxy, khiến cá chết, nước ao bốc mùi và môi trường bị huỷ hoại.

Thiếu nước tưới dù ở cạnh kênh

Nhiều năm nay, dòng nước trong kênh Gò Kén thuộc phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành bị ô nhiễm, đặc biệt là những hộ canh tác lúa dọc theo hai bên bờ kênh. Được biết, tuyến kênh này tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư của thành phố Tây Ninh và thị xã Hoà Thành. Nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông Vàm Cỏ Đông thường có màu đen, bốc mùi hôi.

Theo người dân địa phương, trong quá trình trồng lúa phải sử dụng nước để tưới. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều tận dụng nước mưa và nguồn nước ngầm từ giếng khoan, rất ít người lấy nước từ kênh Gò Kén tưới lúa.

Có đất canh tác lúa liền kề với kênh Gò Kén, ông Lê Văn Phong- ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết, gia đình có gần 1 ha đất trồng lúa. Trước đây, ông thường sử dụng nguồn nước từ con rạch nhỏ phía sau khu quán ăn Long Trung. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nước trong cống rạch này bị ô nhiễm nặng, màu nước luôn trong tình trạng đen như nhớt thải, bốc mùi hôi thối. Khi dẫn nguồn nước này vào ruộng, cây lúa thường có biểu hiện ngưng phát triển, một số lá bên ngoài chuyển sang màu vàng và khô đến tận thân cây. Dù ông đã tăng cường bón thêm vôi nhưng năng suất lúa sau thu hoạch giảm khá nhiều.

Theo ông Phong, trước tình trạng ô nhiễm của nguồn nước trong rạch và kênh Gò Kén, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục.

“Tôi nghe nói thị xã Hoà Thành đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng không biết khi nào mới hết tình trạng ô nhiễm. Tôi và nhiều người dân nơi đây rất mong các cơ quan chức năng có giải pháp để cải thiện chất lượng nguồn nước, chứ tình trạng nước như thế này không thể trồng trọt gì được” - ông Phong nói thêm.

Ông N.M.T, ngụ tại phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành cho biết, nước trong rạch Gò Kén nhiều năm nay bị ô nhiễm nặng, lúc nào cũng có màu đen bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây cảm giác khó chịu, buồn nôn... Điều đáng nói là con kênh này dẫn toàn bộ nước thải chưa qua xử lý đổ ra sông Vàm Cỏ Đông.

Nguyên An

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục