Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Thực trạng nhà ở trong khu di tích
Kỳ 2: Ngành chức năng... đau đầu.
Thứ sáu: 03:03 ngày 18/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Bài báo trước đã đề cập đến tình trạng một số hộ dân hiện đang sinh sống, trú ngụ trong các khu di tích lịch sử văn hoá được khoanh vùng bảo vệ của tỉnh. Hiện tượng này kéo dài đã nhiều năm mà chưa xử lý được do có những cái khó cả về phía người dân lẫn chính quyền địa phương. Trước những hành vi có hại cho cảnh quan, môi trường tại các khu di tích, những người có trách nhiệm đã có động thái ngăn chặn, xử lý, nhưng xem ra các biện pháp đã thực hiện chưa mấy tác dụng.

Đình Trường Đông- nơi thờ tự tôn nghiêm, nhưng nhiều năm nay có hai gia đình cất nhà trong khuôn viên di tích.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên không chỉ tìm gặp các hộ dân đang sống tại các khu di tích mà còn đến tham khảo ý kiến của ngành chức năng- những người có trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ di tích. Qua câu chuyện trao đổi, mới thấy trong sự việc này, phía người dân có cái khó của người dân nhưng phía Nhà nước cũng… đau đầu không kém.

Khó quản lý

Ông Phạm Văn Ram- Trưởng phòng Văn hoá Thể thao huyện Trảng Bàng tỏ ra bức xúc: đình Gia Lộc là một trong những ngôi đình lớn và cổ nhất ở Tây Ninh, thờ ông cả Đặng Văn Trước và các bậc tiền hiền có công khai hoang mở đất, chống giặc ngoại xâm.

Đình đã được vua Bảo Đại ban sắc phong “Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần” cho vị thành hoàng bổn cảnh. Hằng năm vào các ngày 14, 15, 16.3 âm lịch, đình Gia Lộc tổ chức lễ hội Kỳ yên thật long trọng. Đó là ngày hội lớn của nhân dân quanh vùng.

Việc gia đình bà Chất cất nhà ở trong khuôn viên đình đã khiến cho đến nay đình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi bà Chất cất thêm một căn nhà khác trong khuôn viên đình, UBND thị trấn Trảng Bàng đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Gia đình bà Chất làm đơn xin cứu xét.

Ngày 15.5.2014, UBND Thị trấn tổ chức cuộc họp lấy ý kiến khu phố và các ban, ngành, đoàn thể địa phương về việc xử lý vấn đề trên. Ngày 22.7.2014, UBND Thị trấn thành lập tổ vận động di dời nhà trên đất công. Tổ đã đến gia đình bà Chất vận động, yêu cầu bà tháo dỡ nhà nhưng cho đến nay bà Chất vẫn chưa thực hiện.

Cùng ngày, UBND Thị trấn tổ chức cuộc họp lấy ý kiến lần 2 để giải quyết trường hợp của bà Chất. Cuộc họp có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng nên để bà Chất trú ngụ trên đất đình đến hết đời. Một số ý kiến khác lại yêu cầu buộc bà Chất phải tháo dỡ ngay.

Ban khánh tiết đình Gia Lộc bày tỏ quan điểm: xét về tình, bà Chất đã lỡ xây nhà tốn rất nhiều chi phí, nếu giờ buộc phải đập bỏ đi thì không nỡ. Do đó, cứ tạm để cho bà Chất ở đến hết đời nhưng yêu cầu bà phải làm tờ cam kết, có đồng ký tên của các thành viên trong gia đình bà để sau này, khi bà Chất qua đời thì phần đất đang ở phải giao lại cho ngôi đình, gia đình không được khiếu nại.

Tương tự như thế, tình trạng nhiều hộ dân sinh sống ngay trong thành bảo Long Giang (huyện Bến Cầu) đang là một trở ngại cho công tác quản lý Nhà nước. Theo tư liệu của Bảo tàng Tây Ninh, thành bảo Long Giang là một công trình quân sự bằng đất đã tồn tại hơn 200 năm, với diện tích 12.330 mét vuông.

Thành gắn liền với công trạng của lãnh binh Két- người năm xưa được triều đình Huế cử vào trấn nhậm vùng này để chăm lo việc khai hoang lập ấp, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ dân. Ông đã cùng các nghĩa binh và nhân dân địa phương lập nên căn cứ chống Pháp tại đây.

Từ dinh luỹ này, lãnh binh Két cùng nghĩa binh hoạt động khắp địa bàn thuộc 3 huyện Bến Cầu, Gò Dầu và Trảng Bàng, gây cho giặc nhiều tổn thất. Sau khi lãnh binh Két qua đời, để tỏ lòng tưởng nhớ ông, nhân dân địa phương đã lập miếu, xây đình thờ phụng.

Quán cà phê trong khu di tích thành bảo Long Giang.

Khu di tích Bến Đình (ở xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu) lại là một địa điểm lưu lại phế tích của các công trình xây dựng đền tháp cổ. Tư liệu Bảo tàng cũng cho biết, trong quá trình điều tra, khảo sát và nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ít nhất 4 chân tháp cổ ở gò đất cao 5 mét. Cặp sông Vàm Cỏ Đông người ta còn phát hiện các hàng cọc gỗ trai có đường kính 0,6m, dài 1,2m, đầu nhọn được đóng sâu dưới đất.

Qua đánh giá ban đầu thì đây có thể là cọc nhà sàn hoặc cầu tàu của người xưa, chứng tỏ đây là khu dân cư đông đúc lâu đời. Ngoài giá trị lịch sử kiến trúc đền tháp, phương pháp chế tạo vật liệu, di tích còn giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu tập tục xưa của nền văn minh Óc Eo.

Nói về việc có nhiều hộ dân sinh sống trong khuôn viên hai khu di tích kể trên, ông Nguyễn Thành Thông- Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Bến Cầu tỏ ra không đồng tình: “Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành thống kê lại xem chính thức ở khu di tích có bao nhiêu hộ dân sinh sống và họ đã ở đó từ khi nào.

Năm 2004, chúng tôi cũng đã đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho tiến hành khai quật khu di tích Bến Đình để đánh giá, trên cơ sở đó khoanh vùng bảo vệ cụ thể. Vì hiện nay khu di tích được khoanh vùng rộng đến 7- 8 ha, rất khó cho công tác quản lý.

Ở thành bảo Long Giang cũng có 5- 6 hộ dân sinh sống. Đa số họ sống ở đây từ trước khi có quyết định khoanh vùng bảo vệ của tỉnh. Việc các hộ dân ở trong hai khu di tích trên gây khó khăn cho công tác quản lý”.

Về chuyện có 2 hộ dân cư ngụ trong khu di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh đình Trường Đông ở Hoà Thành, ông Hồ Minh Chống, 54 tuổi- Trưởng ban Quản lý di tích tại ngôi đình này cho biết: đình được xây dựng cách đây hơn 100 năm, thờ ông Huỳnh Văn Nhu và ông Nguyễn Văn Tiến- hai vị tiền hiền có công lập làng Trường Đông.

Đình cũng như một “chứng nhân lịch sử” trong thời kỳ mở đất và đấu tranh bảo vệ quê hương của ông cha ta. Việc hộ gia đình bà Mẻ trú ngụ trong khuôn viên đình đã gây nhiều điều phiền phức. Bà Mẻ nuôi vịt đàn, tiếng vịt kêu inh ỏi, mùi hôi từ đàn vịt xộc lên nồng nặc, phân vịt theo nước thải chảy tràn lan ra bên đình, làm ảnh hưởng môi trường và làm mất đi nét tôn nghiêm của một nơi thờ tự.

Anh trai của bà Mẻ là ông Rứt lại thường xuyên nhậu nhẹt say xỉn, nhiều lúc say rượu, ông nằm ngủ và phóng uế bừa bãi ngay trước sân đình. Tôi đã làm tờ trình về hai trường hợp này gửi về UBND xã Trường Đông, nhờ giải quyết”.

Chỉ đạo của UBND tỉnh

Trước đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành công văn số 372/UBND-VX (ngày 21.2.2014) về việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh.

Trong đó nêu rõ: tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 18.1.2007 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phân cấp quản lý di tích lịch sử- văn hoá, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về việc quản lý, chống xuống cấp, xâm hại di tích; tiếp tục vận động nhân dân trong việc trùng tu, phục hồi, chống xuống cấp di tích, góp phần gìn giữ giá trị lịch sử - văn hoá để giáo dục cho thế hệ trẻ.

Theo đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch kiểm tra hiện trạng từng di tích, phối hợp với các đơn vị có liên quan lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm hàng rào và có ghi tiểu sử cho từng di tích; tham mưu UBND tỉnh di dời các hộ dân đang sinh sống, sản xuất ra khỏi các di tích đã được quy hoạch. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố rà soát, tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích để thuận lợi trong công tác quản lý.

UBND các huyện, thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại địa phương; thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời đối với những hành vi xâm hại di tích; chỉ đạo UBND cấp xã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra nhằm giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ các khu di tích lịch sử văn hoá, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di tích.

Di tích cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh- nơi trước đây từng có một hộ dân sinh sống, nhưng hiện nay hộ này đã dời đi nhờ được tặng nhà đại đoàn kết.

Mặc dù UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo như thế, nhưng đến thời điểm đầu tháng 12.2015, ở các huyện Trảng Bàng, Bến Cầu và Hoà Thành vẫn tồn tại hiện trạng nhiều hộ dân cư ngụ trong khuôn viên các khu di tích lịch sử - văn hoá. Trên thực tế, ở một số nơi khác trước đây cũng từng có hiện tượng tương tự như vậy nhưng các vụ việc đều được giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, như ở khu di tích lịch sử - văn hoá Tua Hai (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) lúc trước từng có đến 6 hộ dân cư ngụ. Huyện Châu Thành đã giải quyết xong vấn đề và hiện nay tất cả các hộ trên đều đã nhận tiền đền bù cây trái, hoa màu, 5/6 hộ dân đã di dời ra khỏi khuôn viên khu di tích, hộ còn lại cũng đang chờ di dời sau khi được UBND xã xây cho nhà mới ở khu tái định cư.

Trong khu di tích cơ sở Tỉnh uỷ Tây Ninh (toạ lạc tại khu phố 4, phường 2, TP. Tây Ninh), những năm trước đây cũng có một hộ dân sinh sống nhưng hiện nay hộ này đã dọn ra ngoài ở do được UBND TP xây tặng một căn nhà đại đoàn kết. Người trong gia đình ấy cũng trở thành người trông nom, quét dọn, bảo vệ cho khu di tích.

Lời kết

Cho dù có bất cứ lý do gì và bất cứ khó khăn nào thì việc trả lại môi trường trong sạch, bầu không khí thanh tịnh, tôn nghiêm và vẻ mỹ quan cho các khu di tích lịch sử - văn hoá cũng là việc nhất thiết phải làm- đúng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Vấn đề là khi đưa ra các phương án giải quyết cũng cần xem xét thấu đáo từng trường hợp để có sự hỗ trợ (nếu xét thấy trường hợp chính đáng) hoặc giải thích, vận động người dân chấp hành việc di dời trên cơ sở thấu tình đạt lý.

 Đại Dương - Thái Hoà

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh