Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nghe nói ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông có cù lao Đá Hàng, trên đó có căn cứ kháng chiến nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từng hoạt động, ngày 31.5 vừa qua, nhân đoàn cán bộ Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát đi khảo sát để mở tuyến du lịch, tôi liền quảy gói đi theo để tìm hiểu thêm những điều thú vị.

Đáy cá của người dân vùng biên giới ở thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông.
Từ trụ sở Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát, đoàn chúng tôi xuất phát từ sáng sớm. Chiếc xe ô tô 7 chỗ chạy dọc theo bìa rừng qua hơn 10km là tới chốt bảo vệ rừng Lò Gò. Ở đây, có một số chiến sĩ biên phòng, trưởng công an xã Tân Bình và cán bộ kiểm lâm chờ sẵn để cùng đi. Chúng tôi được hướng dẫn mặc áo phao, xuống một chiếc vỏ lãi tại bến Lò Gò. Từ đây, đò rẽ sóng ngược về hướng thượng nguồn. Sau những cơn mưa đầu mùa, nước sông Vàm Cỏ Đông bắt đầu dâng lên, đổ mạnh về phía hạ lưu. Nắng sớm xuyên qua kẽ lá, làm nổi rõ những màng sương lãng đãng trên sông, khiến nhiều đoạn sông đẹp như tranh vẽ. Trên mặt nước, những đám mã đề, súng ma ngả nghiêng theo sóng nước như đang trình diễn một vũ điệu hoang dã. Những chú cồng cộc đen trũi, to tướng đang đậu trên cây ven bờ hoặc đang mải mê lặn hụp dưới nước bắt cá thấy chiếc đò lao tới liền lật đật vỗ cánh phành phạch bay lên. Hai bên bờ, cây rừng không còn héo rũ vì nắng nóng mà bắt đầu ra lá non, cành nhánh tươi xanh trở lại. Chốc chốc một vài chú chim chích choè, bìm bịp, gà rừng từ bìa rừng bên kia biên giới bay sang hoặc ngược lại.
Càng về thượng nguồn, lòng sông càng hẹp lại. Đoạn sông cũng là ranh giới giữa hai nước Việt Nam- Campuchia nên thỉnh thoảng, đoàn chúng tôi lại gặp một vài người dân bên nước bạn đang đi làm rẫy hoặc một tốp nhân viên bảo vệ Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát đi tuần tra. Gần đến thượng nguồn, chúng tôi gặp ở bờ phía bên kia hai chiếc thuyền độc mộc của người dân Campuchia. Thuyền được làm từ đoạn gốc của cây thốt nốt già đã được xẻ ra làm đôi, dài khoảng 3 mét. Một phần ruột cây được khoét rỗng, chỉ chừa lại hai đầu để nước không tràn vào. Thế là một phương tiện đi lại trên sông nước khá chắc chắn đã thành hình. Kích thước và tải trọng của chiếc thuyền này hơi nhỏ nhưng nó rất phù hợp cho việc luồn lách ở thượng nguồn sông và phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của người dân Campuchia.
Gần đến thượng nguồn, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng bốn đáy cá khổng lồ, do người dân Campuchia đặt ngang sông. Mỗi đáy cá gồm hàng chục cây gỗ cắm ngang hai bên bờ sông, làm thành một hàng rào kiên cố. Phía trước hàng rào gỗ, có một lớp đăng dày được bện từ nhiều nan tre. Chiếc đăng có tác dụng ngăn chặn lũ cá tôm chen qua hàng rào, buộc chúng phải bơi ra khoảng trống ở giữa lòng sông- nơi miệng lưới đang chờ sẵn. Phía sau hàng rào gỗ là cả trăm cây gỗ khác có nhiệm vụ chống đỡ cho hàng rào không bị ngã khi đóng đáy. Hai hàng rào gỗ khép lòng sông lại còn một khoảng trống khoảng 3 mét. Bên trên những hàng cọc, người dân Campuchia bắc ngang hai thân cây khác tạo thành một chiếc cầu gỗ để tiện qua lại. Ông Huỳnh Hữu Phương- Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát cho biết, vài ngày nữa, khi nước từ thượng nguồn chảy mạnh, người dân Campuchia sẽ trải lưới ngang đáy để bắt cá. Ban lãnh đạo Vườn quốc gia đã phối hợp với chính quyền địa phương bên nước bạn nhiều lần vận động người dân không làm như thế nhưng họ vẫn cứ lén lút làm. Nhìn từ góc độ an toàn giao thông đường thuỷ và an toàn môi trường thì những đáy cá như thế gây khó khăn cho việc đi lại, mặt khác còn làm chậm dòng chảy và tận diệt nhiều loài thuỷ sản trong mùa sinh sản.
Mải mê ngắm nhìn phong cảnh, đoàn chúng tôi đi hết đoạn sông dài 15km lúc nào không hay. Trước mũi đò, đoạn sông thu hẹp lại chỉ còn khoảng 4 mét. Nước sông chảy nhẹ. Lòng sông nơi sâu nhất chỉ hơn một mét. Một bên vẫn là nước bạn Campuchia, bên còn lại đã là cù lao Đá Hàng. Theo ông Phương, cù lao có diện tích rộng hàng chục ha, thuộc địa phận tiểu khu 27, xã Tân Bình, huyện Tân Biên.
Cột đò vào bờ, phân công một vài người ở lại trông coi, đoàn chúng tôi bắt đầu cuộc đi bộ vào rừng để “mục sở thị” cái nơi được gọi là căn cứ kháng chiến của bà Định. Do vị trí địa lý, cù lao Đá Hàng nằm biệt lập giữa hai dòng chảy ở khu vực thượng nguồn của sông Vàm Cỏ Đông, đường đến đây rất khó khăn; có lẽ nhờ vậy mà trên cù lao, rừng cây gần như còn nguyên vẹn, cây cối rậm rạp, nhiều tầng, dây leo chằng chịt. Trong rừng không có đường mòn, không có dấu hiệu của sự tác động từ con người. Đoàn chúng tôi phải vẹt lá rừng tìm lối đi. Được một đoạn chừng vài trăm mét, chúng tôi đến trước một hố đất rộng khoảng 32 mét vuông, sâu khoảng 2,5 mét. Dưới hố có nhiều khối bê tông xi măng dày từ 10 đến 30cm đã bị bể ra thành nhiều mảnh lớn, nhỏ, nằm nghiêng ngửa. Có thể trước đây, những khối bê tông này được dùng để tấn xung quanh vách hố để ngăn sạt lở. Dưới đáy hố, nhiều cây rừng đã mọc lên, có cây thân to bằng bắp chân người lớn. Điều đó chứng tỏ, nơi này đã bị bỏ hoang hàng chục năm qua. Từ hố đất này có giao thông hào dẫn xuống bến sông Vàm nhưng hiện tại, nó đã bị đất cát lấp đi, chỉ còn lại một lối đi trũng thấp, nếu không có sự chỉ dẫn thì khó mà nhận biết được.
Từ hố đất trên, ông Phương dẫn đoàn chúng tôi tiếp tục đi xuyên rừng thêm vài chục mét nữa, đến hố đất thứ hai. Hố này cũng có nhiều khối bê tông xi măng gãy đổ nhưng giao thông hào ở đây vẫn còn nhìn thấy rõ. Nó nối liền hai hố đất với nhau. Dưới lòng và hai bên vách giao thông hào có những tấm đan bê tông xi măng. Từ hố đất này cũng có lối mòn dẫn xuống bến sông. Ông Phương cho biết, trong quá trình đi tuần tra, bảo vệ rừng, các nhân viên của vườn quốc gia chỉ mới phát hiện hai hố đất ấy thôi, chưa có điều kiện khảo sát cặn kẽ trên toàn bộ cù lao. Sẵn dịp này, chúng tôi muốn vào sâu trong rừng để tìm hiểu thêm về những di tích có thể còn đâu đó nhưng trên bầu trời mây đen đã giăng kín, đành phải quay ra thôi.
Khảo sát di tích căn cứ kháng chiến nơi nữ tướng Nguyễn Thị Định từng hoạt động.
Trên đường trở về, tôi hỏi ông Phương lấy cơ sở nào để khẳng định những di tích trên cù lao từng là căn cứ kháng chiến của bà Nguyễn Thị Định năm xưa, vị Phó Giám đốc Vườn quốc gia chia sẻ: “Đọc trong các sách báo, tài liệu về lịch sử Tây Ninh và Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát thì không thấy tư liệu nào đề cập đến những di tích này. Nhưng 6-7 năm trước, nhân dịp khánh thành Khu di tích lịch sử Ban Tuyên giáo Trung ương ở Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên), trong số những đại biểu về tham dự có hai cán bộ cao tuổi đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, họ đã chỉ cho chúng tôi biết trên cù lao Đá Hàng còn có căn cứ kháng chiến của bà Định. Người dân địa phương đều gọi những di tích trên cù lao này là căn cứ bà Định”.
Những di tích trên cù lao Đá Hàng có phải là nơi từng là căn cứ kháng chiến của bà Nguyễn Thị Định hay không? Và ngoài bà Định ra, còn có bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã từng sống, chiến đấu trên cù lao hoang vắng ấy? Đó là những câu hỏi cần được các cơ quan chức năng tìm hiểu và đưa ra lời giải đáp. Trước mắt, cù lao Đá Hàng với vị trí địa lý khá độc đáo và ẩn chứa nhiều điều thú vị đã được lãnh đạo Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát quan tâm chú ý, khi quyết định đưa tuyến thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông- đoạn từ bến Lò Gò đến cù lao này vào phục vụ du lịch sinh thái. Năm 2014, các vị lãnh đạo tỉnh từng tổ chức một chuyến đi khảo sát trên đoạn sông này. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh cũng dự kiến sẽ đầu tư xây một cây cầu nối liền từ Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát qua cù lao Đá Hàng để khai thác du lịch. Theo dự án du lịch sinh thái của Vườn quốc gia, trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục như nhà nghỉ dọc suối Đa Ha, trung tâm đón tiếp khách, đường đi bộ trong rừng… Trong đó, cù lao Đá Hàng với những di tích lịch sử sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho những du khách có máu mê khám phá.
Đại Dương