Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Chuyện ở 4 xã của huyện Châu Thành:
Loay hoay dự án chợ
Thứ hai: 06:56 ngày 08/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Theo số liệu cập nhật, huyện Châu Thành có 34.745 hộ với 131.330 nhân khẩu. Trong số 15 xã và thị trấn trong huyện, hiện có 4 xã đang có nhu cầu xây chợ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay việc xây chợ vẫn chưa thực hiện được ở 4 xã này.

Nhà lồng chợ Hoà Bình nay đã bị bỏ hoang.

4 xã đang có nhu cầu xây chợ để phát triển kinh doanh, thương mại và dịch vụ gồm có Thành Long, Thanh Điền, Thái Bình và Đồng Khởi.

Ông Nguyễn Văn Chủng- Chủ tịch UBND xã Thành Long- nơi có chợ Hoà Bình cho biết, chợ Hoà Bình được xây từ những năm 80 của thế kỷ XX. “Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào khoảng năm 1986, diện tích chợ khoảng 9.000m2” - ông Chủng nói. Cũng theo người đứng đầu UBND xã Thành Long, chợ Hoà Bình giữ vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Thành Long là xã biên giới nên ngôi chợ không chỉ phục vụ dân địa phương mà còn phục vụ cho cả người dân Campuchia qua lại buôn bán. Thế nhưng, do chợ được đưa vào sử dụng đã lâu nên phần hạ tầng nay đã xuống cấp rất nghiêm trọng. Những năm gần đây, khi mùa mưa đến, cả khu chợ trở nên rất mất vệ sinh, vì đường xung quanh đã qua nâng cấp giờ cao hơn mặt bằng chợ, vì thế nước từ ngoài đường cứ tràn vào. Nhà lồng chợ cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, có chỗ tường nứt toác đến mức hai người ở hai bên có thể cùng thò tay qua khe nứt. Bà con tiểu thương trong những lần tiếp xúc cử tri đã kiến nghị lãnh đạo các cấp xem xét về việc nâng cấp ngôi chợ này.

“Tôi được biết, chủ trương xây mới chợ Hoà Bình đã và đang được các cấp có thẩm quyền xem xét nhưng còn vướng rất nhiều thứ nên chưa thực hiện được. Lãnh đạo huyện có chủ trương mời gọi nhà đầu tư xây mới chợ nhưng hình như chưa có nhà đầu tư nào vào cuộc. Với dân số 12.000 người, Thành Long cần có ngôi chợ khang trang để phát triển thương mại”– ông Chủng nói.

Mặc dù kế hoạch xây mới chợ chưa thực hiện được nhưng tháng tư vừa qua, do hiện trạng ngôi chợ, đặc biệt là khu nhà lồng đã xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền địa phương đã cho di dời toàn bộ gần 200 hộ tiểu thương đang kinh doanh tại đây ra ngoài. Những hộ kinh doanh này được bố trí tại khu chợ tạm (xung quanh vị trí cũ). Vì mặt bằng khu chợ tạm chật hẹp trong khi đó số hộ kinh doanh thì đông nên diện tích mỗi ki-ốt chỉ vỏn vẹn… 2,5 mét vuông.

Chị Ngọc- một tiểu thương đang kinh doanh tại chợ tạm cho biết, mong muốn lớn nhất của chị và nhiều tiểu thương khác là sớm có ngôi chợ mới, khang trang, sạch sẽ để được dễ dàng, thuận lợi cho việc buôn bán. Cũng đang kinh doanh tại khu chợ tạm, chị Lê Kim Yến nói, việc tiểu thương di dời ra chợ tạm đã được chính quyền hỗ trợ và bố trí chỗ buôn bán khá hợp lý, chỉ có điều mặt bằng ở đây chật quá. Vậy nếu như chợ mới ra đời, chị có vào thuê ki-ốt để kinh doanh không? Về câu hỏi này, chị Yến đáp: điều đó còn phải phụ thuộc vào giá cả cho thuê mặt bằng.

 Ông Trương Phan Anh- cũng là một tiểu thương tại chợ tạm chia sẻ, tình hình kinh doanh buôn bán cũng ổn, hàng hoá bán chạy, chỉ ngặt nỗi diện tích mặt bằng hẹp quá. Để bố trí được nhiều mặt hàng khác nhau, ông đã phải thuê thêm mặt bằng, thế mà vẫn không đủ chỗ. “Một số mặt hàng phải để ở nhà, chừng nào có ai hỏi mua thì mới chạy về chở ra cho khách. Nếu chợ mới được xây, tôi sẽ thuê ki-ốt để hoạt động buôn bán được tiện lợi, thoải mái hơn” – ông Anh nói.

Tương tự như ở Thành Long, tại 3 xã Thanh Điền, Thái Bình và Đồng Khởi, nhiều hộ tiểu thương cũng đang rất mong đợi có được ngôi chợ khang trang ở xã để dễ làm ăn, buôn bán. Cả ba xã này tiếng là cũng đang có chợ nhưng chợ đã xuống cấp, thực chất không khác gì chợ tự phát.

Việc xây mới chợ ở 4 xã nói trên còn “vướng” ở khâu nào?

nơi có NHÀ ĐẦU TƯ thì vướng

Theo lời ông Đặng Thanh Hải– Chủ tịch UBND huyện Châu Thành và ông Ngô Ngọc Thành– Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện, việc đầu tư xây chợ ở địa bàn hành chính cấp xã (chợ hạng 3) do cấp huyện thực hiện, tuy nhiên, vì nguồn ngân sách của huyện còn eo hẹp nên chưa thực hiện được. Để giải bài toán ngân sách, lãnh đạo UBND huyện quyết định kêu gọi đầu tư xây chợ tại 4 xã nêu trên. Cũng theo thông tin từ lãnh đạo huyện, chợ Hoà Bình của xã Thành Long đã trải qua 5 lần bị cháy, trong đó có những vụ gây thiệt hại nặng nề. Năm 2014, Quỹ Đầu tư phát triển Tây Ninh đã có tờ trình xin chủ trương đầu tư xây mới ngôi chợ vùng biên ấy. Thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án, UBND huyện Châu Thành đã cho công bố quy hoạch chợ mới, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cắm mốc và di dời toàn bộ các hộ kinh doanh đến chợ tạm nhằm tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cuối tháng 3.2016, sau khi UBND huyện tổ chức họp với các sở, ban, ngành có liên quan và cả nhà đầu tư để chuẩn bị triển khai dự án thì nhà đầu tư đã… xin rút lui, không tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để xây chợ nữa. Lý do mà nhà đầu tư nêu ra là tại góc chợ Hoà Bình hiện đang có một cây xăng án ngữ, đó là Cửa hàng xăng dầu số 47 (gọi tắt là cây xăng số 47) tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Liên quan đến vị trí cây xăng 47 nói trên, trên cơ sở các quy định hiện hành, ngày 16.4.2015, UBND huyện Châu Thành đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền và đơn vị liên quan đề nghị xem xét di dời cửa hàng xăng dầu này. Chỉ ít ngày sau, Công ty Xăng dầu Tây Ninh có văn bản gửi UBND huyện Châu Thành với nội dung chính: mong muốn cây xăng số 47 được… tiếp tục tồn tại ở góc chợ và sẽ cho nâng cấp kỹ thuật, trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, đồng thời mở rộng thêm đất cho cây xăng. Tháng 9.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2216 “cho phép các cửa hàng kinh doanh xăng dầu chưa đáp ứng đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành phải cải tạo, nâng cấp để được tiếp tục kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”. Trong danh sách các cửa hàng xăng dầu thuộc diện vừa nêu có cây xăng số 47 tại góc chợ Hoà Bình, xã Thành Long. Theo lãnh đạo huyện Châu Thành, xét về mọi phương diện, từ việc nâng cấp kỹ thuật cho đến việc mở rộng diện tích đất đối với cây xăng số 47 đều không khả thi. Bởi vì, cây xăng này nằm ở vị trí vừa sát chợ lại vừa sát đường. Nếu thực hiện đúng quy hoạch giao thông thì cây xăng này không thể tồn tại được. Nhận định của lãnh đạo huyện là nếu như cây xăng số 47 vẫn tiếp tục tồn tại thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư xây mới cũng như hướng phát triển của chợ Hoà Bình.

Thông tin thêm về dự án chợ Hoà Bình, lãnh đạo huyện Châu Thành cho biết, hiện tại, cũng có một nhà đầu tư đang muốn vào cuộc xây mới ngôi chợ này. Thế nhưng trong khi chuyện “đi hay ở” của cây xăng còn chưa được giải quyết rõ ràng thì lại nảy sinh vấn đề vướng mắc về đất đai. Đó là việc xác định: vị trí khu đất công để xây chợ Hoà Bình có phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hay không? Các bên liên quan đang có những cách hiểu khác nhau. Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh cho rằng phải tổ chức đấu giá mới đúng luật định. Còn theo quan điểm của lãnh đạo UBND huyện: Châu Thành thuộc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên chiếu theo Điều 110 và Điều 118 Luật Đất đai thì khi thực hiện dự án xây chợ không phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Thay cho việc tổ chức đấu giá, có thể cho nhà đầu tư thuê đất để họ xây hạ tầng- một hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

“Sau khi Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang về làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Châu Thành hôm 1.8 vừa qua, chúng tôi đã có văn bản báo cáo lãnh đạo tỉnh, trong đó đề xuất cho nhà đầu tư thuê đất để triển khai dự án này. Trường hợp không có nhà đầu tư thì kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách để xây chợ và hạ tầng, tổng mức đầu tư là 6 tỷ đồng” – ông Đặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cung cấp thông tin như thế. “Việc giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong nhưng dự án xây mới chợ chưa thực hiện được khiến bà con tiểu thương vô cùng bức xúc” – ông Hải nói thêm.

NƠI CHẬT VẬT TÌM NHÀ ĐẦU TƯ

Tại Thanh Điền, ngôi chợ xã nằm trên diện tích đất gần 21.000m2. Để thực hiện dự án xây mới chợ, khu đất này đã được tổ chức đấu giá quyền sử dụng lần 1 vào tháng 1.2016 nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia. Theo lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, cuối tháng 5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp lấy ý kiến điều chỉnh tiêu chí mời gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất dự án chợ Thanh Điền. Cuộc họp đi đến thống nhất đề xuất lên tỉnh phương án: đất dành để xây nhà phố tại chợ được thực hiện theo phương thức giao đất thu tiền một lần; đất xây dựng chợ cho thuê thu tiền hằng năm. Nếu hết thời gian đấu giá, dự án tách ra làm hai: dự án chợ và dự án nhà phố chợ. Hiện nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tây Ninh đang hoàn thiện để trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt tiêu chí đấu giá lần 2. “Thanh Điền đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 nhưng tiêu chí chợ vẫn chưa đạt” – Chủ tịch UBND huyện Đặng Thanh Hải cho biết. Để Thanh Điền sớm có chợ,  UBND huyện Châu Thành kiến nghị: tách riêng dự án chợ với diện tích gần 4.000m2 và cho thuê đất (không qua đấu giá quyền sử dụng đất) để xây chợ trước. Riêng phần dự án nhà phố chợ sẽ thực hiện sau.

Ở xã Thái Bình, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã 3 lần tổ chức đấu giá khu đất thuộc dự án xây chợ (hơn 21.000m2) nhưng không có nhà đầu tư nào tham gia. Theo lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, một trong những điều cần xem xét là khu đất dự định xây chợ có giá khởi điểm cao hơn giá thị trường chung. Trong đó có 2 lần đề ra 2 mức giá khác nhau: một lần hơn 20 tỷ đồng và một lần hạ xuống còn hơn 15 tỷ đồng nhưng vẫn “ế”. Thái Bình là một trong 3 xã của Châu Thành được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nhưng lại chưa đạt tiêu chí số 7 (tiêu chí về chợ).

Còn ở xã Đồng Khởi, từ khi dự án xây chợ mới (có quy mô hơn 12.000m2) được công bố, đến nay đã có 2 nhà đầu tư bày tỏ ý định tham gia. Tuy nhiên, qua xem xét mới biết cả hai nhà đầu tư này đều không đủ năng lực triển khai dự án. UBND huyện hiện vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư dự án này.

BÁN HAY THUÊ?

Theo lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, nhu cầu xây chợ để kinh doanh, phát triển thương mại ở 4 xã Thành Long, Thái Bình, Thanh Điền và Đồng Khởi là có cơ sở, không phải lo chuyện chợ xây xong không có người vào mua bán. Nhu cầu xây chợ đặc biệt bức thiết ở Hoà Bình và Thanh Điền. “Chợ Thanh Điền hiện nay quá nhỏ, xuống cấp và quá tải. Khu công nghiệp Thanh Điền rất đông công nhân, người mua kẻ bán tràn ra cả hai bên đường vì trong chợ quá hẹp”– ông Ngô Ngọc Thành, Trưởng  Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành nhận định. Cách nay chỉ vài ngày, lãnh đạo huyện Châu Thành đã có văn bản gửi UBND tỉnh, trong đó đề xuất: với những huyện nghèo như Châu Thành, việc thu hút đầu tư rất khó thì cần phải có cơ chế riêng, ví dụ như chỉ định nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng phương thức đấu giá, cần thông tin đầy đủ những ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng để việc thu hút đầu tư khả thi hơn.

Cả 4 khu đất mà huyện Châu Thành chọn làm địa điểm xây chợ đều là đất công, tức đất sạch không hề liên quan đến chuyện giải toả đền bù. Thông thường, đây là nơi dễ thu hút nhà đầu tư nhưng thực tế cho thấy, điều đó lại không đơn giản. UBND huyện Châu Thành cho biết, có nhà đầu tư đã đến mấy lần ngỏ ý thực hiện dự án nhưng sự việc không thành và họ đã bỏ đi. 4 khu đất công hiện vẫn đang bỏ hoang. Theo phân tích của giới chuyên môn cũng như người trong cuộc, có nhiều nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư ngần ngại việc xây chợ. Trong đó phải kể đến các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư; thái độ của chính quyền, khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư... Theo một nhà đầu tư, đối với chợ hạng 3 (chợ thuộc xã) thì thông thường phải mất 5 năm kể từ ngày dự án đi vào hoạt động mới có thể thu hồi vốn. Trường hợp phải vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án, còn phải đối mặt với khả năng rủi ro, thua lỗ. Do đó, việc chi một khoản tiền lớn để mua đất rồi sau đó còn phải bỏ vốn xây hạ tầng là thách thức không nhỏ đối với nhà đầu tư. Nếu dự án được thực hiện bằng cơ chế thuê đất thì có nhiều ưu đãi hơn, tính khả thi dự án cao hơn.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh