Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí và kết nối, mà còn trở thành một phần không thể thiếu của giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích và trải nghiệm thú vị, các nền tảng này còn là nơi ẩn chứa nhiều cạm bẫy như lừa đảo trực tuyến để chiếm đoạt tài sản, tin giả, xâm phạm quyền riêng tư và bạo lực mạng…

.jpg)
Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Tây Ninh) phối hợp Công an tỉnh An Giang triệt phá thành công nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Theo đó, các đối tượng trong vụ lừa đảo gồm T.T.N (sinh năm 2000), T.T.N.G (sinh năm 2001) và T.Đ.T.C (sinh năm 1995), cả 3 đều ngụ huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Qua quá trình điều tra, nhóm này đã sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng, sim điện thoại, điện thoại di động và laptop để thực hiện hành vi lừa đảo hơn 800 nạn nhân trên toàn quốc, chủ yếu là học sinh, sinh viên đang tìm phòng trọ.
Bằng thủ đoạn yêu cầu chuyển tiền đặt cọc, mỗi nạn nhân bị lừa từ 2,5 - 70 triệu đồng, tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 5 tỷ đồng.
Lợi dụng xu hướng công nghệ và tâm lý tò mò của người dùng mạng xã hội, một số hình thức lừa đảo đang “nổi” lên gần đây là trào lưu “đóng vỉ chân dung”, “tạo ảnh chibi”, “tạo hình thẻ trò chơi”… khi người dùng tải ảnh khuôn mặt cá nhân lên các ứng dụng AI để tạo mô hình ảnh 3D (tương tự các trò chơi hành động).
Hình thức này gây nhiều tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu sinh trắc học, một dạng thông tin cực kỳ nhạy cảm, nếu người dùng sử dụng các ứng dụng không rõ nguồn gốc, có thể bị thu thập trái phép dữ liệu hoặc bị cài phần mềm độc hại vào thiết bị.

Một thủ đoạn lừa đảo khác là Quishing (lừa đảo qua mã QR độc hại). Theo cơ quan quan công an, các đối tượng sử dụng mã QR giả mạo để dụ dỗ người dùng truy cập vào các trang web giả mạo hoặc cài phần mềm độc hại vào thiết bị của nạn nhân.
Các thủ đoạn phổ biến bao gồm: dán mã QR giả tại các điểm thanh toán, gửi mã QR độc hại qua e-mail hay tin nhắn giả mạo yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện giao dịch, hoặc phát tán mã QR trên mạng xã hội, dẫn đến các trang web lừa đảo.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời cảnh báo nhiều hình thức, phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Nhưng thực tế, nhiều nạn nhân vẫn bị “mắc bẫy” bởi các chiêu thức “cũ”, quen thuộc.
Một phần do tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác, số khác chưa nhận thức đủ về những nguy cơ tiềm ẩn khi tham gia các trào lưu mạng xã hội. Số khác dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân, giấy tờ tuỳ thân và tham gia vào các hoạt động trực tuyến mà không kiểm chứng kỹ lưỡng, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao lợi dụng và lừa đảo.

Một trong những nguy cơ rõ nhất là việc chuyển tiền trực tuyến. Người dân, nhất là các bạn trẻ, thường xuyên tham gia vào các giao dịch trực tuyến mà không xác minh nguồn gốc hoặc tính hợp pháp của các yêu cầu chuyển tiền, khiến họ trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo qua mạng.
Khi bị chiếm đoạt tiền, dù có một số trường hợp chỉ mất vài trăm ngàn hay vài triệu đồng đã chọn cách im lặng, chấp nhận thiệt hại mà không báo cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, khi gộp những vụ việc nhỏ lẻ, tổng số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt lại lên đến hàng tỷ đồng.
Như vụ án vừa được Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá là minh chứng rõ ràng: hàng trăm nạn nhân đã bị lừa chuyển tiền, gây thiệt hại về tài sản và niềm tin. Còn rất nhiều thủ đoạn lừa đảo khác đang xuất hiện và ngày càng tinh vi, đòi hỏi người dùng mạng xã hội phải luôn thận trọng, bảo vệ mình và cộng đồng, nâng cao nhận thức và sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, tránh những cạm bẫy vô hình trên mạng xã hội.
Để tận dụng những lợi ích và hạn chế tác hại của mạng xã hội, cần có sự chung tay của các nhà quản lý, các nền tảng mạng xã hội và người dùng. Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo, người dân cần nâng cao cảnh giác khi tham gia các hoạt động trên mạng, không tham gia các trào lưu thiếu kiểm chứng, tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo và xâm phạm quyền riêng tư.
Làm thế nào để bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội? Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Tây Ninh), để bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh và riêng biệt cho từng tài khoản. Không chia sẻ thông tin tài chính, hình ảnh riêng tư… cho bất kỳ ai, đặc biệt là kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp để bảo vệ tài khoản tốt hơn. Khi sử dụng bất cứ nền tảng mạng xã hội nào, người dùng nên trang bị các kiến thức cần thiết, đồng thời kích hoạt các chức năng bảo mật sẵn có của nền tảng để tự bảo vệ chính mình. Đặc biệt, đối với các vấn đề liên quan đến thông tin, tài khoản ngân hàng… người dùng cần phải xác minh rõ ràng bằng cách gọi điện thoại trực tiếp, không nên tin tưởng chỉ qua vài dòng tin nhắn, cuộc gọi video… khi chưa được xác minh. |
Hoài Lâm- Tâm Giang