Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Xây dựng nông thôn mới:
Mục tiêu cuối năm: 22 xã đạt chuẩn
Thứ hai: 09:21 ngày 04/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Công tác xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh đang có những chuyển biến tích cực trên các phương diện đời sống xã hội. Để làm rõ hơn về những thành tựu nổi bật của tỉnh nhà qua 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới và những vấn đề đáng chú ý trong thời gian tới, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Nguyễn Duy Ân– Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT)- cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh).

 

Phóng viên: Thưa ông, chương trình xây dựng thôn mới đang có những chuyển biến tích cực, làm thay đổi diện mạo các vùng quê. Ông có thể nêu những thành tựu nổi bật qua 5 năm thực hiện chương trình này ?

Ông Nguyễn Duy Ân: So với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh có tiềm lực kinh tế thấp với 5 huyện biên giới và trên 240km đường biên giáp với Campuchia. Chương trình mục tiêu qxây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện từ năm 2011, với xuất phát điểm khá thấp. Năm 2010, có 64 xã đạt dưới 5 tiêu chí và bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,3 tiêu chí. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được Đảng bộ, chính quyền, Ban Chỉ đạo các cấp chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là việc chỉ đạo trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở. Từ đó, công tác xây dựng nông thôn mới đã tạo ra được sự chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2015, có 16 xã (chiếm 20%) cơ bản đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đạt mục tiêu đề ra gồm: 6 xã được công nhân đạt chuẩn năm 2014 và 10 xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2015 (các xã này đã hoàn tất công tác thẩm định để thông qua Ban Chỉ đạo tỉnh, trình UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận). Riêng 64 xã còn lại cơ bản đạt mục tiêu đề ra (mỗi xã tăng từ 1-3 tiêu chí), bình quân mỗi xã đạt 10,5 tiêu chí, tăng thêm 1,47 tiêu chí so với năm 2014. Bình quân chung mỗi xã trong tỉnh đạt 12 tiêu chí, tăng 1,5 tiêu chí so với năm 2014. Theo đó, số xã đạt 19 tiêu chí là 16/80, chiếm 20%, số xã đạt 15 - 18 tiêu chí là 4/80, chiếm 5%, số xã đạt 10 - 14 tiêu chí là 36/80, chiếm 45%; số xã đạt 5 - 9 tiêu chí là 24/80, chiếm 30%.

Phóng viên: Người dân và doanh nghiệp ngày càng đóng góp tích cực vào  việc xây dựng nông thôn mới. Vậy kết quả đạt được có bảo đảm tỷ lệ đối ứng như quy định? Giải pháp của Ban Chỉ đạo tỉnh thời gian tới là gì?

Ông Nguyễn Duy Ân: Trong 5 năm qua, nguồn lực huy động từ doanh nghiệp và nhân dân là khá đáng kể. Huy động từ doanh nghiệp là 542 tỷ đồng để hỗ trợ công tác an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã, đầu tư nâng cấp lưới điện nông thôn… Huy động từ cộng đồng dân cư là 1.253 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cấp, sửa chữa nhà ở; xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình… Đối với việc vận động đối ứng những dự án cơ sở hạ tầng, các địa phương không quy định mức thu cụ thể, tuỳ theo điều kiện để cân đối ngân sách từng xã; việc vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp dưới nhiều hình thức như tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, di dời vật kiến trúc, hoa màu, nguyên vật liệu làm đường giao thông…

Một tuyến đường giao thông nông thôn đang được cứng hoá.

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn huy động từ doanh nghiệp, nhân dân cho xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt theo quy định. Công tác vận động đối ứng của các xã (nhất là các xã phấn đấu đạt chuẩn) trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do công tác tuyên truyền chưa sâu, một số người dân chưa tích cực hưởng ứng. Đối với các công trình giao thông chỉ vận động được các hộ dân ở dọc trên tuyến đường có kế hoạch thi công, chưa huy động được hết các hộ dân khác trong ấp, xã nên chưa tạo được sức lan toả ra toàn xã. Mặt khác, giá cả nông sản chủ lực của tỉnh (cao su, mía, mì) xuống thấp nên tình hình sản xuất của doanh nghiệp, thu nhập của người dân đều giảm sút. Các doanh nghiệp thường ít tập trung ở khu vực nông thôn, biên giới nên việc vận động huy động nguồn vốn cũng khó.

Trong thời gian tới, công tác triển khai chương trình sẽ được đổi mới phù hợp với tiến trình phát triển; tăng cường sự tham gia của người dân theo phương châm “dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra quản lý và hưởng thụ”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân dưới nhiều hình thức, phù hợp từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện; ban hành các chính sách về huy động nguồn lực; huy động tối đa nguồn lực của xã hội bảo đảm cơ cấu nguồn vốn theo quy định; tăng cường phân cấp cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cộng đồng thực hiện. Cần tập trung chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để hình thành, nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phóng viên: Thưa ông, việc thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02:2009/BYT của Bộ Y tế… được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp phản ánh là những chỉ tiêu, tiêu chí khó thực hiện. Vậy thời gian qua, việc này được khắc phục như thế nào, kết quả ra sao?

Ông Nguyễn Duy Ân:   Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất, thu nhập, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế… Trong năm 2015, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; huy động tối đa nguồn lực của xã hội; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên địa bàn từng xã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bao hiểm y tế; quan tâm công tác quản lý, vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước, tập trung công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và nước sạch theo Quy chuẩn 02:2009/BYT của Bộ Y tế.

Đến cuối năm 2015, có 16/80 xã đạt các tiêu chí về cơ sở hạ tầng có nguồn lực đầu tư lớn (như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hoá), 33/80 xã đạt tiêu chí thu nhập, 43/80 xã đạt chỉ tiêu tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề, 27 xã đạt chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; 97,5% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 47% hộ được sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn 02:2009/BYT.

Mô hình nuôi ba ba ở huyện Dương Minh Châu  mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phóng viên: Mục tiêu và giải pháp trong xây dựng nông thôn mới năm 2016 là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Ân:  Năm 2016, Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra nhiệm vụ giữ vững 16 xã đạt chuẩn, đến cuối năm 2016 có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tân Phong (huyện Tân Biên), Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), Long Thành Nam (huyện Hoà Thành), Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), Long Thuận (huyện Bến Cầu) và Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng). Luỹ kế đến cuối năm 2016 sẽ có 22 xã, chiếm 27,5%. Các xã còn lại tăng từ 1 – 3 tiêu chí/xã, bình quân toàn tỉnh đạt 13,5 tiêu chí/xã.

Bên cạnh các mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng chú trọng đến một số giải pháp trọng tâm, như: ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho các dự án giao thông, thuỷ lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hoá. Đối với các dự án có tỷ lệ đối ứng của cấp huyện, phải có vốn đối ứng mới được bố trí vốn. Đối với vốn sự nghiệp, ưu tiên hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển sản xuất và bảo vệ môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, tích cực huy động vốn ngoài ngân sách. Điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 53 ngày 26.11.2012 của UBND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ từ ngân sách cho đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội xã nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Triển khai áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù, danh mục các công trình được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 498 ngày 21.3.2013 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03 ngày 7.8.2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực hiện.

UBND các huyện và từng xã phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; xây dựng kế hoạch thực hiện, giải pháp huy động nguồn lực cụ thể, phù hợp từng đối tượng để bảo đảm khả năng đối ứng, thực hiện đồng bộ các tiêu chí, chỉ tiêu cần vốn xã hội hoá.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát. Ban Chỉ đạo các cấp sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

VŨ ĐÌNH LIỆU

(thực hiện)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh