Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Nhiều người vừa mới “thở phào” nhẹ nhõm trước chủ trương huỷ thực hiện dự án BOT quốc lộ 22B thì giờ đây họ lại phải băn khoăn khi nghe tin về dự án nâng cấp 2 tuyến đường khác- cũng bằng hình thức BOT…

|
Trạm thu phí (đã được tháo dỡ) trên đường 785.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông- Vận tải Tây Ninh, tuyến giao thông thứ nhất đang được xúc tiến đầu tư nâng cấp theo hình thức BOT là đường 782-784 đoạn từ ngã ba tuyến tránh Xuyên Á (huyện Trảng Bàng) đến ngã tư Tân Bình (thành phố Tây Ninh); tuyến thứ hai là đường 785 đoạn từ ngã tư Tân Bình đến ngã ba Kà Tum (Tân Châu). Hiện có một nhà thầu đăng ký và nhiều khả năng dự án sẽ được sớm triển khai thực hiện trong năm nay.
Cần hơn 1.600 tỷ đồng
Cũng theo Sở Giao thông- Vận tải, mục tiêu thực hiện dự án nâng cấp đường 782-784 đoạn từ ngã ba tuyến tránh Xuyên Á đến ngã tư Tân Bình là nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, bảo đảm giao thông thông suốt trong khu vực, nối Khu công nghiệp Trảng Bàng- Phước Đông và các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, thành phố Tây Ninh; tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh. Toàn tuyến đường được nâng cấp dài 46,1km.
Cách đây hơn 1 năm, đoạn từ đường tránh Xuyên Á đến ngã ba Bàu Đồn (dài 15,6km) đã được thi công theo tiêu chuẩn đường cấp 2, mặt đường rộng 21,5m. Đoạn này cần được thảm thêm lớp bê tông nhựa dày 5cm để bảo đảm thời gian khai thác sử dụng lâu dài. Còn đoạn từ ngã ba Bàu Đồn đến ngã tư Tân Bình (dài 30,5km), mặt đường bê tông nhựa sẽ được nâng cấp, mở rộng từ 11m thành 14m. Mặt đường cũ được thảm thêm lớp bê tông nhựa để sử dụng được lâu hơn. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng hơn 921 tỷ đồng (không phải bỏ chi phí bồi thường về đất). Hiện dự án đang trong quá trình sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Nếu đúng kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thi công ngay trong năm nay (2016) để đến năm 2018 là hoàn thành. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án khoảng gần 20 năm.
Đối với đường 785 đoạn từ ngã tư Tân Bình đến ngã ba Kà Tum, mục tiêu thực hiện dự án này là đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá, bảo đảm giao thông thông suốt trong khu vực, nối liền thành phố Tây Ninh - thị trấn Tân Châu - ngã ba Kà Tum. Đây là đoạn đường chính đi qua các vùng nguyên liệu mía, mì, nông sản... quan trọng của tỉnh để vận chuyển về các nhà máy chế biến như nhà máy đường Biên Hoà, nhà máy mì Thái Lan, nhà máy đường Thành Thành Công, nhà máy đường Nước Trong... Việc thi công nâng cấp tuyến đường trên còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng- an ninh khu vực huyện biên giới.
Theo hồ sơ thiết kế, toàn tuyến đường 785 dự kiến đầu tư theo hình thức BOT dài xấp xỉ 37km. Trong đó, đoạn ngã tư Tân Bình - ngã tư Đồng Pan - thị trấn Tân Châu dài 22,5km, mặt đường bê tông nhựa hiện hữu là 13,5m sẽ được mở rộng thành 15,5m. Mặt đường cũ sẽ thảm thêm lớp bê tông nhựa. Đường này sẽ được lắp dải phân cách giữa rộng 0,5m, mở lề đường mỗi bên rộng 1m (tổng chiều rộng nền đường là 17,5m). Đoạn ngã tư Đồng Pan - thị trấn Tân Châu - ngã ba Kà Tum dài 14,4km, mặt đường bê tông nhựa hiện hữu là 7,5m sẽ được nâng cấp mở rộng thành 15,5m thảm bê tông nhựa, dải phân cách giữa rộng 0,5m, lề đường mỗi bên 1m. Tổng chiều rộng nền đường đoạn này cũng là 17,5m. Hiện toàn tuyến đã được giải phóng mặt bằng theo lộ giới 31m. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 744 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Thời gian thi công dự kiến khoảng 3 năm (2016 – 2018). Thời gian nhà đầu tư thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm.
Sẽ có 4 trạm thu phí
Về lý thuyết, hợp đồng BOT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại hoặc chính quyền địa phương nơi triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc chuyển giao không phải là “cho không, biếu không”. Bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ phải dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và hưởng lợi nhuận. Trong thực tế, hầu hết các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đều có thời gian thu hồi vốn (thu phí) lẫn lãi từ khoảng trên 15 đến trên 25 năm. Trong thực tế có không ít dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT đang trong quá trình thu phí, chưa chuyển giao cho Nhà nước thì đã xuống cấp, hư hỏng. Thời gian gần đây, thực trạng bất minh, bất cập của nhiều dự án BOT trong lĩnh vực giao thông đã khiến cử tri và dư luận cả nước bức xúc. Trong đó, việc nhà đầu tư “ém” thông tin sự thật về mức thu phí thực tế để kéo dài thời gian “kiếm chác” là điều khiến các cơ quan có liên quan phải ra công tìm hiểu, để có biện pháp chấn chỉnh.
Ở Tây Ninh, vấn đề BOT vốn đã được Chính phủ, Bộ Giao thông- Vận tải lên kế hoạch và dự kiến thực hiện đối với dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 22B. Tuy nhiên, trước những điều bất cập, bất lợi đã được các cơ quan, đơn vị có liên quan phân tích, Bộ Giao thông- Vận tải và chính quyền tỉnh Tây Ninh đã thống nhất: không thực hiện dự án trên theo hình thức BOT. Vấn đề này, Báo Tây Ninh đã có bài phản ánh ở các số báo đầu tháng 8 vừa qua. Nhiều người vừa mới “thở phào” nhẹ nhõm trước chủ trương huỷ thực hiện dự án BOT quốc lộ 22B thì giờ đây họ lại phải băn khoăn khi nghe tin về dự án nâng cấp 2 tuyến đường khác cũng bằng hình thức BOT.
Nếu vẫn thực hiện dự án nâng cấp 2 tuyến đường trên theo hình thức BOT, thì đa phần các phương tiện lưu thông muốn đi nhanh từ hướng Trảng Bàng về Tân Châu và ngược lại đều phải qua các trạm thu phí. Còn nếu như muốn “né” các trạm thu phí, các phương tiện phải đi lòng vòng mất thêm nhiều thời gian lưu thông, kéo theo chi phí nhiên liệu tốn kém sẽ không ít hơn tiền mua vé qua trạm. Cũng may là dự án nâng cấp quốc lộ 22B theo BOT đã bị huỷ bỏ, nếu không, sắp tới hầu như các trục đường chính hướng Nam – Bắc đều bị các trạm thu phí “bao vây”. Đây thực sự là một gánh lo cho các doanh nghiệp vận tải nói riêng và người dân nói chung.
Một vấn đề khác được đặt ra xung quanh chủ trương đầu tư 2 dự án giao thông theo phương thức BOT. Hiện tuyến đường 782 từ điểm giao với đường tránh Xuyên Á đến ngã ba Bàu Đồn vừa được nâng cấp hoàn thiện vào năm 2014. Đoạn từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu kênh Tây K13 thì đã được thi công nâng cấp cách đó vài năm. Có thể thấy, hiện tuyến đường này cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận tải, chưa phải là tuyến đường gây bức xúc về hạ tầng giao thông. Tuyến đường 785 được đầu tư sớm hơn đường 782-784 nhiều năm nhưng hiện vẫn rộng thoáng, mặt đường chưa bị xuống cấp, tương đối bảo đảm lưu thông thông suốt. Vậy thì, liệu có cần thiết phải triển khai nâng cấp 2 tuyến đường này theo phương thức BOT ngay thời điểm hiện tại?
|
Đường 785 đoạn qua Nhà máy đường Biên Hoà - Tây Ninh.
Ý kiến của ngành chức năng
Ông Đặng Hoàng Chương– Giám đốc Ban Quản lý dự án (thuộc Sở Giao thông- Vận tải Tây Ninh) cho biết, đúng là hiện nay, cả hai tuyến đường trên đều chưa xuống cấp đến mức phải gấp rút cải tạo nâng cấp. Tuy nhiên, hiện cả hai tuyến đường đều chưa được đầu tư đồng bộ, có một số hạng mục cần được thi công hoàn chỉnh. Do ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nên việc triển khai thi công hoàn chỉnh hai tuyến đường này cần phải được thực hiện theo phương thức BOT. Chủ trương đầu tư 2 dự án đã được thông qua các sở, ngành có liên quan và UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư; quyết định phê duyệt đề xuất dự án đầu tư. Nói chung là tỉnh đã cân nhắc, đánh giá nhiều góc độ và nhận thấy việc nâng cấp, cải tạo hai tuyến đường trên bằng phương thức BOT là có lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên quyết làm.
“Trước mắt, hai tuyến đường trên chưa xuống cấp, đồng thời lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông, vận tải chưa đến mức quá tải. Tuy nhiên, dự báo trong khoảng 5 năm tới, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường này sẽ tăng mạnh. Hiện tại tuy mặt đường chưa xuống cấp nhưng vài năm tới, đường sẽ hư hỏng dần. Đoạn đường từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu K13 hiện chỉ rộng 11m, còn đoạn từ cầu K13 đến ngã tư Tân Bình chỉ rộng 6m và hiện đang xuống cấp, nhiều chỗ khó lưu thông... Nếu bây giờ tỉnh kêu gọi đầu tư BOT vài trăm tỷ vào mỗi tuyến đường để hoàn thiện các hạng mục còn lại và thảm thêm lớp nhựa mặt đường thì chúng ta có thể sử dụng đường được hơn 10 năm nữa với mức đầu tư vừa phải. Nhưng nếu để đến khi đường xuống cấp nặng, hư hỏng nhiều mới tiến hành đầu tư nâng cấp thì lại phải bỏ ra số kinh phí gấp ba – bốn lần hiện nay”- ông Chương nói.
HOÀNG ANH