Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - “Toà soạn đa phương tiện” không chỉ đòi hỏi phải hiện đại hoá về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật mà còn đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao – những phóng viên, nhà báo đa năng - vừa có thể viết tin, bài, vừa có thể chụp ảnh, quay phim, làm các audio phát thanh, video clip ngắn…

Trong những năm gần đây, những người làm báo Việt Nam bắt đầu thảo luận đến mô hình “Toà soạn đa phương tiện”, “Toà soạn hội tụ”, lấy báo điện tử làm trung tâm mà báo chí phương Tây đã làm từ những năm cuối thế kỷ trước.
Có thể giải thích đặc điểm của loại hình “Toà soạn đa phương tiện” một cách đơn giản: Tất cả các phòng, ban chuyên môn của toà soạn, kể cả báo in và báo điện tử (hoặc các loại hình phát thanh, truyền hình) đều tập trung làm việc trong một hội trường lớn, xoay quanh hạt nhân là trung tâm sản xuất và phân phối tin tức đa phương tiện.
Trung tâm này giúp lãnh đạo toà soạn đưa ra chỉ thị nhanh nhất và thống nhất về nội dung tin, bài đến các phòng ban và phóng viên. Tuy nhiên, để hình thành mô hình “Toà soạn đa phương tiện” không chỉ đòi hỏi phải hiện đại hoá về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật mà còn đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ cao – những phóng viên, nhà báo đa năng - vừa có thể viết tin, bài, vừa có thể chụp ảnh, quay phim, làm các audio phát thanh, video clip ngắn.
Cho đến nay, tại Việt Nam, số tờ báo có thể thực hiện được mô hình này rất hiếm hoi. Vì thế, việc triển khai mô hình “Toà soạn đa phương tiện” ở một tờ báo Đảng địa phương như Báo Tây Ninh là điều hết sức khó khăn.
Tây Ninh có thể được xem là một trong những tờ báo ra đời sớm nhất ở miền Đông Nam bộ - ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp.
Đồng thời, Báo Tây Ninh cũng là một trong những tờ báo sớm tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng tin học hoá các công nghệ làm báo hiện đại, số hoá công tác phóng viên, biên tập, kỹ thuật dàn trang, chế bản điện tử trên máy vi tính… từ năm 1994 của thế kỷ trước, và kết nối internet cũng khá sớm – ngay từ năm đầu Việt Nam mở cổng internet 1997, với việc bắt đầu thực hiện các bản tin thế giới thông qua việc biên dịch tin, bài của các hãng tin nước ngoài, sau đó là truyền gói dữ liệu maquette báo đến nhà in.
Đến nay, Báo Tây Ninh phát hành 4 kỳ/tuần, mỗi kỳ 16 trang, số lượng in trung bình 15.000 bản/kỳ đến tất cả các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện ấn bản trên internet có chậm hơn, Báo Tây Ninh điện tử (BTNO) mới chính thức hoạt động từ đầu tháng 4.2009, đánh dấu một bước chuyển mới trong quá trình xây dựng và phát triển Báo Tây Ninh.
Trong bất kỳ môi trường nào, cơ sở vật chất của các cơ quan báo chí đều có ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của toà soạn.
Tại Tây Ninh, trụ sở toà soạn Báo được khánh thành vào năm 1999, với một tầng trệt và 2 tầng lầu, trong đó có một hội trường lớn với sức chứa khoảng 150 người.
Nếu tổ chức lại theo mô hình toà soạn hội tụ, hoàn toàn không đủ cho 7 phòng chuyên môn (kể cả Báo Tây Ninh điện tử - BTNO). Hệ thống máy tính, đường truyền cáp quang, server (máy chủ) được trang bị theo từng giai đoạn, không đồng bộ; BTNO thiếu máy quay phim chuyên dụng, không có phòng thu…
Để khắc phục những khó khăn trên và hướng tới việc xây dựng mô hình toà soạn đa phương tiện, toà soạn hội tụ, thời gian qua, Ban biên tập Báo Tây Ninh xây dựng quy trình làm báo mới, trong đó quy định, phóng viên tập trung cho báo in, trong vòng hai giờ sau khi sự kiện (hoặc hội nghị) kết thúc, phóng viên phải gởi ngay tin nhanh cho BTNO, sau đó mở rộng ra, làm tin sâu gởi cho báo in.
Bên cạnh đó, được sự khuyến khích của Ban biên tập, một số phóng viên tự học, tự đào tạo đã có thể vừa viết tin, bài cho báo in, báo điện tử - vừa thực hiện những video clip minh hoạ, có đọc lời bình hoặc không lời bình bằng máy ảnh kỹ thuật số, smartphone.
Ban biên tập Báo Tây Ninh cũng đang nghiên cứu việc thay đổi quy trình làm báo. Theo đó, tất cả các nguồn tin, bài “đầu vào” từ các phòng, ban chuyên môn báo in lẫn báo điện tử, sau khi được lãnh đạo phòng phóng viên biên tập bước một sẽ được chuyển về phòng Thư ký toà soạn để các biên tập viên phân loại, điều phối và đưa ra quyết định nên sử dụng tin, bài đó cho báo in hay báo điện tử.
Tất cả các công đoạn toà soạn đều thực hiện số hoá trên mạng nội bộ, chỉ có công đoạn trình duyệt bản in thử (maquette) thực hiện in trên giấy A3 để Thư ký toà soạn, Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung, Tổng Biên tập ký duyệt, lưu hồ sơ.
Về lâu dài, để xây dựng mô hình toà soạn đa phương tiện, toà soạn hội tụ, Báo Tây Ninh rất cần Bộ Thông tin – Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhiều hơn nữa những lớp bồi dưỡng, đào tạo trang bị kiến thức nghiệp vụ về biên tập và tổ chức nội dung cho mô hình toà soạn hội tụ; tổ chức những lớp bồi dưỡng về kỹ năng, cách thức biên tập cho các loại hình báo chí, về tổ chức bộ máy cũng như sự thay đổi về nhân sự trong toà soạn báo đa phương tiện...
Có thể nói, hiện nay báo in đang rất vất vả để tồn tại trong môi trường cạnh tranh rất gay gắt. Thực tế, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, độc giả chỉ cần có một cái smartphone trong tay là có thể cùng lúc đọc nhiều tờ báo khác nhau, nắm bắt được thông tin từ rất nhiều nguồn.
Đó là chưa kể sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội… Nhưng không có nghĩa là báo in sẽ chết. Nó sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn nếu báo in tìm được một lối đi riêng, xây dựng được uy tín, “thương hiệu” của mình đối với độc giả, và phải thừa nhận rằng trong tình hình hiện nay, mô hình toà soạn hội tụ, toà soạn đa phương tiện là phương thức hữu hiệu để duy trì sự tồn tại và phát triển của một tờ báo, nhất là báo Đảng địa phương.
LÊ CÔNG