Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Thị trấn Châu Thành:
Nghịch lý: Mùa mưa vẫn thiếu nước sinh hoạt
Thứ hai: 03:52 ngày 31/10/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Trong khi nhiều nơi trong huyện Châu Thành người dân đang hết sức vất vả, khó khăn vì phải “sống chung với lũ”, thì tại thị trấn Châu Thành, người dân khu phố 4 phải buông lời than thở: “Mười mấy năm rồi, người dân nơi đây thiếu cả nước để ăn uống, sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi”.

 

Nước thải chưa xử lý chảy qua cống Kiểu (xã Trí Bình).

Tình trạng thiếu nước ở khu phố 4 đã tồn tại hơn chục năm nay, chính quyền các cấp đều biết chuyện đó. Nơi đây, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nghiêm trọng do hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến nông sản. Nước ăn, uống, sinh hoạt… người dân đều phải mua với giá 4.000 đồng/khối tại một trạm cấp nước gần nhà, nhưng nguồn nước này cũng không đảm bảo vệ sinh.

Nước giếng khoan cũng ô nhiễm

Gia đình bà Nguyễn Thị Chiến có ba người, mỗi tháng tiền mua nước tốn hơn hai trăm ngàn đồng. Bà nói: “Nhà tôi đã khoan đến mấy cái giếng, giếng nào cũng có nước nhưng không dùng được vì rất hôi, nặng mùi”. Theo lời người phụ nữ này, tại khu phố 4, người dân không chỉ khổ vì thiếu nước mà còn khổ vì ngày ngày phải hít bầu không khí ô nhiễm do mùi hôi toả ra từ các nhà máy chế biến nông sản.

“Cách nay chừng vài tháng, UBND thị trấn Châu Thành tổ chức họp khu phố để bàn chuyện cung cấp nguồn nước cho dân. Trong đó, chính quyền vận động mỗi hộ đóng một khoản tiền cùng với Nhà nước lắp đường ống dẫn nước. Tôi được biết, tại khu phố 4 còn khoảng 20% số hộ dân khó khăn nên chưa đóng tiền. Không biết có phải vì thế mà cho đến nay nguồn nước chưa về đây hay không. Theo tôi, nếu chỉ có một số hộ chưa đóng thì Nhà nước cứ đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước cho dân dùng, sau đó thu tiền cũng vẫn chưa muộn”- bà Chiến đề xuất.

Bà Huỳnh Thị Trúc Mai cho biết, nhà bà cũng đã khoan đến 6 cái giếng nhưng đều không dùng được vì nước bơm lên rất nặng mùi. “Người dân chúng tôi cần chăn nuôi, trồng trọt trong vườn để cải thiện mức sống nhưng không có nước thì làm sao đây? Chẳng lẽ đi mua nước về để chăn nuôi và tưới cây?”- bà Mai bức xúc nêu vấn đề. Theo lời bà kể, nhà chỉ có hai mẹ con, mỗi tháng phải tốn khoảng 150.000 đồng tiền mua nước để ăn uống, nấu nướng.

“Đúng ra, doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước phải có trách nhiệm đền tiền cho người dân mua nước. Họp hành, kiến nghị qua các lần tiếp xúc cử tri bao năm nay, nghe hứa hẹn đã nhiều rồi, giờ chúng tôi chỉ còn chờ chính quyền hành động”- bà Mai nói. Cũng theo bà Mai, gia đình bà định cư tại đây đã lâu. Theo bà, cả chục năm nay khu phố 4 của thị trấn Châu Thành gần như không có thêm một hộ mới nào. Cũng có một số người từng tìm đến khu vực này mua đất ở nhưng sau khi tìm hiểu, biết nguồn nước ngầm nơi đây bị ô nhiễm, họ đã lẳng lặng bỏ đi.

Cư trú tại khu phố 4 cũng đã lâu, ông Trần Văn Phục- một cán bộ hưu trí cho biết, chuyện nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm là cả một câu chuyện dài. Từ khi Nhà nước cho phép đặt nhà máy chế biến nông sản trong khu vực, người dân đã bày tỏ sự không đồng tình. Nhưng rồi nhà máy vẫn cứ mọc lên. Trong nhiều cuộc tiếp xúc giữa cử tri với các vị đại biểu dân cử, bản thân ông Phục đã từng phát biểu xung quanh vấn đề này nhưng tình hình về sau vẫn không thấy có gì thay đổi. Ông Phục kể tiếp: do hoạt động của nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng, cùng với một số nguyên nhân khác, ông chủ người nước ngoài đã chuyển nhượng cho một doanh nghiệp trong nước. Hiện tại, lò mì này vẫn hoạt động bình thường, chỉ có cuộc sống của người dân là bị ảnh hưởng xấu vì không có nước sạch.

“Lúc đầu, một số người có trách nhiệm chưa thừa nhận mùi hôi thối là do hoạt động của nhà máy. Họ cho rằng mùi hôi là do một bãi rác trong khu vực. Người dân chúng tôi bác bỏ hoàn toàn điều đó. Chúng tôi thừa biết, mùi hôi của nước và không khí ô nhiễm là hậu quả của sản xuất công nghiệp. Sau đó, cơ quan có liên quan mới thừa nhận nguồn nước bị ô nhiễm là hệ quả của hoạt động chế biến nông sản”- ông Phục cho biết thêm.

Khu phố 4 có gần 100 hộ dân, chính quyền đã mời dân họp nhiều lần để tìm giải pháp khắc phục tình trạng nói trên. Gần đây nhất, UBND thị trấn Châu Thành có mời bà con họp và thống nhất cách giải quyết vấn đề như sau: mỗi hộ dân đóng một triệu đồng để lắp đường ống dẫn nước vào khu phố 4, thời gian lắp đặt dự kiến trong tháng 10. Thế nhưng- theo như thắc mắc của ông Phục: “Tôi đóng tiền rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy nước”. Và ông đặt vấn đề: “Một ngày, bình quân một người dùng hết 60 lít nước cho ăn uống, sinh hoạt, tắm rửa. Một năm có 365 ngày, vậy trong mười mấy năm nay tổng cộng là bao nhiêu ngày, người dân đã tốn bao nhiêu tiền?”.

Cũng theo ông Phục, việc yêu cầu người dân bỏ tiền ra để lắp ống dẫn nước theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” là không thoả đáng, bởi vì doanh nghiệp gây hậu quả thì doanh nghiệp phải tự khắc phục. Nhà nước và nhân dân cùng làm là khi nào cần thực hiện một công trình phúc lợi nào đó, người dân sẵn sàng tham gia để chia sẻ khó khăn với chính quyền, còn chuyện nguồn nước bị ô nhiễm ở đây là hoàn toàn khác. Ông nói thêm, nguồn nước ngầm ở khu phố 4, thị trấn Châu Thành không chỉ hôi thối mà còn rất độc, bởi: “Trong quá trình chế biến tinh bột mì, người ta phải dùng đến chất hoá học. Lượng hoá chất độc hại này đi đâu, nếu không theo nước thải rồi từ đó ngấm xuống mạch nước ngầm?”.

Xung quanh câu chuyện nước sinh hoạt cho người dân tại khu phố 4, một vị lãnh đạo UBND thị trấn Châu Thành cho biết, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh đã có công văn gửi UBND huyện Châu Thành về việc lắp đường ống cung cấp nước cho khu dân cư nói trên. Theo nội dung công văn này, Công ty Cấp thoát nước đã hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định. Trong tháng 10.2016, công ty tổ chức thi công đường ống cấp nước tại ấp Suối Dộp, xã Thái Bình và khu phố 4, thị trấn Châu Thành. Vị lãnh đạo UBND thị trấn Châu Thành cũng cho biết, tổng kinh phí để dẫn nước vào khu phố 4 chiếm khoảng 1,1 tỷ đồng, trong đó, công lắp đặt, thi công khoảng 300 triệu đồng. Mỗi hộ dân tại khu phố 4 đóng 1 triệu đồng.

Nhà ông Phục từng khoan đến 8 cái giếng, giếng nào cũng có nước nhưng... không dùng được.

Cử tri đã nhiều lần phản ánh

Trong khi người dân tại khu phố 4 đang thiếu nước sạch, nước hợp vệ sinh để dùng thì cũng trên địa bàn thị trấn Châu Thành lại đang tồn tại tình trạng dồn ứ nước bẩn. Đó là nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất bún, hủ tiếu, miến và một số loại thực phẩm khác.  Theo một vị lãnh đạo huyện, hiện nay khu vực thị trấn Châu Thành chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải sinh hoạt và nước thải từ các cơ sở sản xuất  của nhiều hộ dân ở khu vực Thị trấn đều được thải trực tiếp (chưa qua xử lý) ra hệ thống thoát nước đường Hoàng Lê Kha. Sau đó, nguồn nước thải này đổ xuống cống Kiểu thuộc địa phận xã Trí Bình rồi chảy ra sông Vàm Cỏ Đông.

Nguồn nước thải nói trên được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm nặng nề. Trong các lần tiếp xúc với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội, cử tri xã Trí Bình từng nhiều lần phản ánh về tình trạng nước sông bị ô nhiễm. Để giải quyết tình trạng nước thải chưa qua xử lý chảy tự do ra môi trường, ngày 11.8, UBND huyện Châu Thành đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị cho chủ trương đầu tư và hỗ trợ vốn để triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nếu được đồng ý, hệ thống này sẽ đặt ở thị trấn Châu Thành. Tổng kinh phí khái toán (giai đoạn 1) của công trình khoảng 55 tỷ đồng.

Câu chuyện nước sạch, nước hợp vệ sinh và cả vấn đề nước thải đã được nói đến nhiều. Các dự án, đề án, quy hoạch, kế hoạch, nghị quyết, chỉ tiêu... liên quan đến nước sạch, nước thải cũng đã được ban hành không ít. Nhưng có một thực tế vẫn diễn ra: hoạt động sản xuất công nghiệp đã và đang gây ô nhiễm môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng.  Đã có nhiều ý kiến bình luận: với mức xử phạt như hiện nay, theo tính toán, các doanh nghiệp vi phạm “thà” chấp nhận bị phạt vẫn có lợi hơn là tốn kém tiền bạc để  xử lý nước thải. Thật trớ trêu, đang giữa mùa mưa (năm nay lại mưa rất nhiều) mà người dân vẫn thiếu nước sạch để dùng.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh