Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Giá cả nông sản lên xuống thất thường, nhưng nông dân không bao giờ được biết trước mức giá cụ thể thế nào. Họ chỉ biết sau khi nông sản được thu hoạch xong, thương lái đến cân, chở đi rồi vài ngày sau mới đến báo giá và trả tiền. Cách làm như thế đương nhiên phần thiệt thòi rơi về phía nông dân và thương lái luôn là người có lợi.

|
Nông dân thu hoạch khoai môn.
Không thể phủ nhận vai trò của thương lái trong việc đưa sản phẩm nông sản ra thị trường, bởi hiện nay trong lĩnh vực lưu thông phân phối chưa có nhiều kênh chính thức để đưa sản phẩm hàng hoá nông sản từ cánh đồng đi thẳng ra chợ, mà phải qua nhiều trung gian. Nhưng cũng do phụ thuộc vào thương lái, nông dân phải bán nông sản với giá rất rẻ, trong khi giá đến tay người tiêu dùng thì đội lên gấp 4-5 lần. Còn có một thực tế là hiện nay, phần lớn thương lái thu mua nông sản của nông dân đều không đăng ký kinh doanh, và tất nhiên họ không phải chịu bất cứ khoản thuế nào…
Không dựa vào thương lái không được
Ông Minh nhà ở xã Phan, huyện Dương Minh Châu cho biết, nhà ông có 3 công đất quanh năm trồng hàng bông. Ông chỉ mong sau mỗi vụ cà, vụ bí thu được chút ít tiền lãi là đủ vui rồi. Có khi may mắn, gặp đúng hồi hàng nông sản lên giá, những người trồng hàng bông như ông cũng kiếm một khoản kha khá, nhưng những dịp như vậy rất hiếm trong khi chuyện lỗ lã do tình trạng mất mùa hoặc rớt giá thì phải đối mặt thường xuyên. Phải bỏ ra nhiều công sức để gieo trồng, chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch, những người nông dân trực tiếp sản xuất như ông lại không thể quyết định được giá cả của sản phẩm do mình làm ra; mọi việc sau thu hoạch hầu như đều phải phụ thuộc vào thương lái.
Nhìn ở một góc độ khác, đối với đa số bà con nông dân, thương lái rất quan trọng, bởi thương lái chính là cầu nối để đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng. Do thực tế hiện nay, như trên đã nói- có quá ít kênh phân phối để đưa sản phẩm của nông dân làm ra thẳng tới thị trường, có chăng chỉ những kênh tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, nhưng muốn đi bằng con đường này phải tuân thủ những đòi hỏi hết sức khắt khe (về chất lượng sản phẩm và quy trình chăm sóc). Và siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch cũng chỉ tiêu thụ số lượng nhỏ nông sản do nông dân thu hoạch hằng ngày. Trong khi đó, sản phẩm của bà con nếu đến thời điểm thì phải thu hoạch ngay, không thể tiếp tục đứng đồng.
Theo anh Sây- cũng là một nông dân trồng đồ hàng bông ở xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, trước thực trạng có quá ít kênh tiêu thụ trực tiếp nông sản, nông dân chẳng còn cách nào khác hơn là dựa vào thương lái. Khi nông dân cần vốn hay giống, phân bón phục vụ sản xuất, thương lái sẵn sàng hỗ trợ với điều kiện nông sản thu hoạch xong phải bán cho họ. Sự thật là nông dân không có nhiều lựa chọn vì nếu không bán cho thương lái này thì cũng phải bán cho thương lái khác. Các thương lái ở địa phương thường có mối quan hệ mật thiết với nhau, nên hiếm có chuyện nông sản bán cho thương lái này sẽ được giá hơn so với bán cho thương lái kia. Anh Sây chia sẻ thêm, có lẽ trước khi mua sản phẩm của nông dân, các thương lái đã thoả thuận với nhau về giá cả của từng loại. Vì thế, giá các thương lái đưa ra đều giống nhau.
Giá cả nông sản lên xuống thất thường, nhưng nông dân không bao giờ được biết trước mức giá cụ thể thế nào. Họ chỉ biết sau khi nông sản được thu hoạch xong, thương lái đến cân, chở đi rồi vài ngày sau mới đến báo giá và trả tiền. Cách làm như thế đương nhiên phần thiệt thòi rơi về phía nông dân và thương lái luôn là người có lợi. Biết thế, nhưng nông dân chẳng còn cách nào khác. Có lúc nông sản được mùa nhưng mất giá, nông dân có thắc mắc thì thương lái chỉ việc trả lời: giá cả do chợ đầu mối (tại thành phố Hồ Chí Minh) quyết định chứ họ cũng không biết được (?).
Chị Hà, một nông dân trồng hàng bông ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu cho biết, nhiều lúc thấy nông sản của mình bị trả mức giá quá rẻ, chị chạy ra chợ Long Hoa (huyện Hoà Thành) và chợ phường 3 (TP. Tây Ninh) xem thử, mới thấy các thứ đồ hàng bông cùng loại chị trồng được bán ở đây với mức giá cao gấp 3, 4 lần. Trước tình cảnh đó, chị Hà tủi thân lắm nhưng cũng chẳng biết làm sao, bởi với vài trăm ký dưa leo thu hoạch mỗi ngày, làm sao chị có thể đưa ra chợ trực tiếp ngồi bán cho hết được? Chưa kể có muốn ra chợ ngồi bán thì cũng chưa chắc đã có chỗ.
Theo chị Hà, trừ hết các khoản chi phí bỏ ra từ lúc gieo trồng cho đến khi thu hoạch, số tiền lãi nông dân thu được sau mỗi vụ mùa chẳng đáng là bao. Tính đúng ra, số tiền lãi đó cũng chỉ là “lấy công làm lời”- tương ứng với công sức mà những người nông dân như chị bỏ ra trong mỗi vụ mùa. Thu nhập ít, do đó nhiều gia đình- tiếng là nông dân nhưng không thể chỉ sống dựa vào nghề nông. Nhiều hộ, công việc ngoài đồng chỉ do một hoặc hai người trực tiếp làm, còn các thành viên khác tìm công việc khác. Gia đình chị Hà chẳng hạn, nhà có 4 công đất trồng hàng bông chỉ do hai vợ chồng chị trực tiếp canh tác, còn hai người con của anh chị thì đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Chà Là.
Nhiều nông dân cho rằng, chỉ cần sản phẩm của họ được bán với giá bằng phân nửa giá bán trên thị trường tiêu dùng là họ đã có thể sống khá hơn nhiều, thậm chí là làm giàu từ nghề nông. Tuy nhiên, điều ước ao khiêm nhường đó vẫn chỉ là ao ước, bởi hiện tại tình trạng thương lái chi phối giá cả, thao túng thị trường vẫn diễn ra.
Một thương lái thu mua nông sản phân trần: sản phẩm hàng bông của nông dân trước khi đến tay người tiêu dùng phải qua trung gian với ít nhất 2 thương lái. Bản thân anh không biết trước giá cả cụ thể như thế nào, vì anh- giống như thương lái 1- chỉ có nhiệm vụ đi thu gom sản phẩm do nông dân sản xuất, sau đó chở xuống chợ đầu mối nông sản để giao cho thương lái khác (thương lái 2) phân phối ra thị trường. Sau đó, thương lái 2 mới báo giá lại để thương lái 1 thanh toán tiền cho nông dân. Trả lời câu hỏi: vì sao chỉ có nông dân bị thiệt đơn thiệt kép, còn thương lái thì không bao giờ bị lỗ? Hơn nữa, vì thương lái hoạt động không có đăng ký kinh doanh, cũng không phải đóng thuế nên chắc hẳn lợi nhuận có được rất lớn? Anh này tiếp tục phân trần: người làm thương lái như anh chỉ bỏ công làm lời chứ lợi nhuận chẳng nhiều nhặn gì; nông sản là của nông dân, mình làm thương lái nếu không ra đúng giá thì họ sẽ bán cho người khác. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp tục “chất vấn” về chuyện các thương lái thường “bắt tay” nhau trong việc ép giá hàng nông sản của bà con nông dân thì anh này đã… không trả lời được.
|
Trước chợ đầu mối cầu K13, hằng ngày có nhiều xe tải chở hàng nông sản đi TP. Hồ Chí Minh.
Cần nhiều kênh tiêu thụ
Rõ ràng, người nông dân quanh năm cực khổ, vất vả lao động sản xuất trên đồng ruộng nhưng họ không thể làm giàu. Nghịch lý này chỉ được giải quyết khi người nông dân có nhiều kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường, không cần phải lệ thuộc vào thương lái. Đây là điều mà hầu như nông dân nào cũng đang mong mỏi.
Anh Châu- một thành viên của Hợp tác xã Rau an toàn xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) cho biết, thời gian qua, các xã viên nơi anh có được một kênh tiêu thụ rau an toàn đó là Công ty Nam Trạng. Tuy nhiên, theo anh, Công ty Nam Trạng cũng chỉ tiêu thụ được một phần nông sản của bà con nông dân, bởi số lượng nông sản thu hoạch hằng ngày rất nhiều nhưng khả năng thu mua của công ty có giới hạn. Điều thuận lợi mà anh ghi nhận là khi bán sản phẩm cho công ty, nông dân được biết trước giá cả, không giống như bán cho thương lái. Mặt khác, giá cả công ty thu mua luôn bằng hoặc cao hơn giá rau thông thường trên thị trường. Điều đó làm bà con nông dân rất phấn khởi. Thế nhưng, cũng do khối lượng tiêu thụ hằng ngày của công ty có giới hạn nên phần nông sản còn lại, người trồng vẫn phải chấp nhận bán cho thương lái và phải chấp nhận bán cùng giá với loại rau được sản xuất không theo quy trình an toàn.
Anh Bình- thành viên Hợp tác xã rau an toàn xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành) cũng cho biết tình hình tương tự: các xã viên nơi anh có kênh tiêu thụ là Công ty Nam Trạng và cũng chỉ bán được cho công ty này một khối lượng hàng nông sản nhất định, chứ không phải toàn bộ. Số còn lại dĩ nhiên vẫn phải bán cho thương lái. Bán nông sản cho công ty với các điều kiện thuận lợi, an toàn, nông dân nào không mê? Nhưng mê thì cũng đành chịu, bởi nông sản thu hoạch hằng ngày rất nhiều mà quá ít công ty thu mua!
Và thế nên số đông nông dân hiện vẫn phải chấp nhận cái nghịch lý: làm nhiều mà chẳng được bao nhiêu!
THẾ NHÂN