Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Ngổn ngang sau lũ
Thứ sáu: 01:13 ngày 18/11/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Hơn một tuần nay không còn mưa. Mực nước trên sông, rạch đã rút xuống cả mét. Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn TP. Tây Ninh vẫn còn ngổn ngang sau trận “tai trời ách nước”.

Đào mương, nhưng nước ở khu phố 6 vẫn không thoát được bao nhiêu .

TRỞ LẠI NHỮNG VÙNG LŨ LỤT

Ở những vùng bị ngập lụt trên địa bàn TP. Tây Ninh, cuộc sống người dân đã ổn định trở lại. Trên các đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Đình Chiểu, Yết Kiêu (phường 2), nước đã rút cạn, tất cả các hộ dân đều đã mở cửa làm ăn, sinh sống bình thường và không có thiệt hại nào đáng kể.

Tuy nhiên, hẻm số 2, đường Trưng Nữ Vương (khu phố 1, phường 2) không được may mắn như vậy. Hậu quả để lại sau trận lụt khá nặng nề, mặt đường hư hỏng, nhiều nơi lún, sụp, gây khó khăn cho việc đi lại. Tình hình vệ sinh môi trường rất đáng lo ngại. Trên mặt đường, sình lầy ứ đọng rất nhiều, một số nơi nước từ chuồng heo, nước thải sinh hoạt gia đình chảy ra bốc mùi hôi thối. Chỉ một số ít đoạn trước cổng nhà dân được nạo vét sình lầy sạch sẽ.

Đoạn đường trước cửa nhà bà Son là một thí dụ. Bà kể: “Hôm qua, nhà tôi có hai chị em ở TP Hồ Chí Minh đến thăm. Thấy đoạn đường trước cửa nhà sình lầy nước đọng, mỗi lần vào ra khó khăn, gia đình tôi và hai người khách xúm nhau dùng thùng, xô, thau múc sình lầy đem đổ ra rạch Tây Ninh. Sau đó, xịt nước dội rửa lại toàn bộ đoạn đường này, nó mới sạch được như vậy”.

Bị thiệt hại nặng nề nhất ở khu vực này là gia đình ông Lo. Một ao cá với diện tích gần 500m2, trong đó nuôi rất nhiều cá tai tượng, cá trê sắp tới kỳ thu hoạch đã bị nước tràn ngập, cá trong ao theo dòng nước bơi ra rạch gần hết. Nhiều cây ăn trái trong vườn bị héo úa vì “ngộp nước”. Hiện tại, hơn 60 cây măng cụt 8 năm tuổi lá bị héo khô. Mấy ngày qua, ông phải cắt cành tỉa lá bỏ bớt để mong cứu vãn. Ngay trên mặt sân và mặt đường trước cổng nhà, ông đã hốt được mấy chục “xe rùa” bùn sình. Ông Lo đem mớ “hỗn hợp” này đổ vào gốc cây để làm phân bón và xịt nước cả ngày mới xong.

Ở hẻm số 3, đường Trưng Nữ Vương (cũng thuộc phường 2), cuộc sống của một số hộ dân ở đây chưa thật sự ổn định sau trận lũ lụt. Trưa 16.11, hai mẹ con bà Huệ nhễ nhại mồ hôi dùng búa đập vỡ mớ xà bần để chuẩn bị tráng xi măng lại nền nhà cho khô ráo. Bà Huệ, trạc 50 tuổi chia sẻ, quê bà ở Đồng Tháp, lên đây cất nhà ở tạm trên bờ rạch Tây Ninh để đi buôn bán bàn ghế kiếm sống.

Đợt lụt vừa qua, cả gia đình bà về quê, khi trở lên thấy nền nhà bị lún, nứt nẻ và muốn sạt xuống mé rạch. Hiện tại, hàng cột bên ngoài của căn nhà đã bị nghiêng ra phía rạch. Để nhà được khô ráo, bà mua xà bần về đổ trong nhà, hai mẹ con ra sức đập cho nhuyễn và tráng xi măng. Bên trong con hẻm này, có đoạn, nước còn ngập lắp xắp. Trên mặt đường, sình lầy trơn trượt dễ gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Gần đó, một phần đất trống đầy ắp nước, một người dân dùng cuốc móc mương để dẫn nước thoát ra ngoài cho mau khô ráo.

HẾT MƯA, VẪN NGẬP

Trong khi hầu hết những vùng trũng thấp gần sông rạch đã khô ráo thì ngược lại, một số khu dân cư ở giữa trung tâm thành phố Tây Ninh nước vẫn còn lênh láng.

Gia đình bà Hà ở hẻm số 3, đường 3.2, khu phố 6, phường 3 là một ví dụ. Đến thời điểm này, tại nhà bà nước vẫn còn ngập từ ngoài cổng đến tận thềm nhà sau sâu hơn 20cm. Trên mặt nước, bèo cám sinh sôi nảy nở. Dưới nước, từng đàn cá rô, cá sặc bơi tung tăng. Vườn cây ăn trái rộng 2,4 công đất của bà có rất nhiều cây mít bị chết vì ngập nước quá lâu. Nhiều trái mít non héo khô còn treo lủng lẳng trên cành. Gương mặt người chủ nhà 63 tuổi này cũng âu sầu, héo úa.

Bà tâm sự: “Tôi về đây sinh sống từ năm 1985 đến nay, nhưng chưa bao giờ bị ngập như thế này. Những ngày lụt cao điểm vừa qua, nước ngập trong nền nhà tôi tới hơn 20 cm, tôi phải bắc ván để đi lại trong nhà. Nước ngập kéo dài cả tháng, từ đó đến nay, tôi đã quét rửa nhà 5 lần. Lúc đầu nước rút nhanh, sau đó, cứ hễ mưa lớn là nước ngập trở lại. Để vậy hôi quá không ngủ được, nên có khi 11 giờ khuya phải thức dậy quét dọn”. Không chỉ riêng gia đình bà Hà, một số hộ dân trong khu vực này cũng cùng chung số phận.

Hai mẹ con bà Huệ đập xà bần để tráng xi măng lại nền nhà.

Ở hẻm 59, đường Cách Mạng Tháng Tám, khu phố 2, phường 3, nước lụt đã rút bớt, nhưng nhiều nơi, vẫn còn nước lắp xắp trên mặt đất. Giữa trưa nắng chang chang, vợ chồng ông Lê Văn Duyệt dang lưng cuốc đất dưới vườn cao su đắp lên lối vào cổng cho đỡ sình lầy. Ông Duyệt tâm sự, ông là cựu chiến binh về đây sinh sống từ năm 1990 đến nay.

Những năm trước, con đường nhựa trước xóm là đường đất đỏ, mưa lớn nước cũng ngập, nhưng sau đó ít ngày là nước rút hết. Những năm gần đây, con đường được nâng cấp lên bằng nhựa, nhưng lại không có cống thoát nước, vì thế nước mưa không thoát đi đâu được. Ông chỉ cho chúng tôi xem căn nhà tường đối diện và nói: “Nước ngập quá, gia đình nhà đó phải đóng cửa bỏ đi nơi khác sinh sống.

Giếng nước quay tay của họ bị sụp. Nhiều nhà bị ngập cầu tiêu, phân từ phía dưới hố xí xì lên, trôi ra ngoài vườn cao su, hôi thối không chịu nổi”. Ông cho biết thêm, trước tình hình đó, bà con sinh sống cặp theo mé vườn cao su, bị nước ngập, phải bỏ công, hùn tiền mua xà bần tự làm đường vào xóm. UBND phường 3 có cử dân quân đến phụ giúp bà con làm đường, nhờ vậy đến nay mới tạm thời đi lại được.

Người đóng góp chi phí nhiều nhất cho công trình này là chị Nhung- nguyên Chủ tịch Công đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ nhiều năm qua, chị mở một lớp học tình thương dạy Anh văn, tiếng Việt và toán cho những em học sinh nghèo.

Thấy đường vào lớp học bị ngập, chị xin tiền của người chị ở TP Hồ Chí Minh được hơn 20 triệu đồng mua xà bần và vận động hơn 50 ngày công làm đường suốt hơn một tuần lễ mới hoàn thành. Lớp học của chị cũng phải tạm ngưng hoạt động mấy tuần qua, đến nay học trò mới đến lớp trở lại. Vườn kiểng của chị- chuyên cung cấp hoa cho nhiều shop trong TP Tây Ninh- cũng bị thiệt hại, không có hoa bỏ mối. Ngước nhìn vườn cao su trước cổng còn đầy ắp nước, chị Nhung thở dài: “Bây giờ chỉ còn cách chờ nước bốc hơi. Mà nước bốc hơi cũng không biết đến bao giờ mới cạn”.

Dọc hai bên nhánh hẻm 59, đường Cách Mạng Tháng Tám (khu phố 2, phường 3), nhiều nhà dân vẫn đang ngày đêm chống chọi với nước. Đã xế chiều, nhưng ông Nguyễn Sĩ Đại- thương binh bậc 4/4 chưa cơm nước gì, vì ông bận ngồi canh hai chiếc mô-tơ đang bơm nước trước sân. Ông chia sẻ, trước đây, mỗi tháng, gia đình ông tốn cao nhất là 190.000 đồng tiền điện, còn tháng vừa qua, chi phí về điện của ông đã tăng lên 650.000 đồng- hơn gấp ba lần.

Nguyên do, ông phải thường xuyên đặt hai chiếc mô- tơ bơm nước ngập xung quanh căn nhà của ông và cả những nhà ở xóm trên ra đường cho chảy về phía Trảng Dài. “Mấy ngày cao điểm, tôi đặt máy bơm suốt ngày đêm. Bây giờ nước bớt rồi, nên bơm chừng 15-20 phút thì tắt máy nghỉ, chờ nước gom lại mới bơm tiếp”, ông Đại bộc bạch.

Ở cuối nhánh hẻm 59, phía bên phải, nước ngập nhiều đến nỗi, ông Phúc, 49 tuổi, không cần đi đâu xa mà ngồi tại hàng ba nhà mình buông cần cũng câu được cả chục con cá rô đồng. Ông nói, nước ngập như vầy cả tháng nay mà chỉ mới xuống chút ít, chứ chưa thể rút cạn. Lý do, con đường nhựa trước cửa nhà ông đã biến thành con đê kiên cố chắn giữa khu dân cư với vùng Trảng Dài, vì thế nước không thoát được.

Nước ngập, kéo theo vô số rác thải sinh hoạt trôi nổi bồng bềnh tấp vào sát nhà ông, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Phúc cho biết, tuần trước, họp khu phố, nhiều người đã phản ánh tình hình này với chính quyền địa phương, nhưng lãnh đạo phường cho biết, chờ nước cạn mới móc mương thoát nước được. Theo ông Phúc, phải khẩn cấp móc mương thoát nước ngang đầu đường này mới giải thoát được lượng nước tồn đọng, chứ cứ để như thế này chờ bốc hơi thì chắc tới tết nước cũng chưa cạn.

Nhà bà Hà nước vẫn còn ngập lênh láng.

CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NỖ LỰC

Ông Nguyễn Viết Phương- Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, trên địa bàn phường có 4/7 khu phố bị ngập úng cục bộ. Đất khu phố 4 đa số là đồng ruộng, trũng thấp, phường đã cho di dời 22/23 hộ dân lên nơi khô ráo tạm trú để tránh lụt.

Hiện nay, các hộ này đã trở lại cuộc sống bình thường. Ở khu phố 5 (gần sân vận động tỉnh) có khu đất trống trồng mì, nên lượng nước đổ về phía khu dân cư gây ngập úng. Phường đã cho khai thông cống rãnh để nước thoát ra cống thoát nước ven đường Đặng Ngọc Chinh.

Năm tới, phường sẽ đề xuất lên cấp trên cho nâng cấp đường giao thông vào khu dân cư này để ngăn nước mưa từ đám đất trống chảy sang. Nan giải nhất là tình hình ngập ở khu phố 6. Phường đã cho đào mương cặp theo đường Phạm Văn Xuyên nối dài để dẫn nước thoát ra phía suối Vườn Điều, nhưng có một số trở ngại.

Theo khảo sát, thiết kế, chỉ cần đào mương thoát nước sâu 1,5 mét là có thể thoát hết nước ở khu vực này, nhưng qua thực tế, sau khi đào mương, nước vẫn không rút được bao nhiêu. Mặt khác, đất cát hai bên bồi lắng nên nước không thoát hết được. “Đơn vị thi công đang tiến hành nạo vét lại mương thoát nước này”, ông Phương khẳng định.

Ở khu phố 2, phường 3, phường đang áp dụng phương án thoát nước ra Trảng Dài và từ đó đổ ra hệ thống cống trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Nước chảy được hai, ba ngày mặt đường khô ráo và nhiều hộ dân không còn ngập, nhưng một số hộ dân khác có nền nhà trũng thấp hoặc xây tường rào xung quanh khuôn viên nước không có lối thoát nên vẫn còn bị ngập. 

Mặc dù chính quyền phường 3 đã có nhiều nỗ lực, nhưng xem ra, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới mong ổn định lại cuộc sống cho người dân sau đợt lũ lụt năm nay.

Đại Dương

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh