Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Cải cách thủ tục hành chính:
Người dân đã hài lòng hơn
Thứ hai: 03:53 ngày 15/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Từ khi ứng dụng hệ thống một cửa điện tử trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, các TTHC được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu chính, qua dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đỡ tốn kém công sức, thời gian đi lại nhiều lần.

Ngày 25.3.2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg (Quyết định 09) ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Ngày 13.6.2016, Bộ Nội vụ yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước báo cáo kết quả thực hiện quyết định nói trên.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Quyết định 09 không ngoài mục đích đơn giản hoá các thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo sự thuận lợi cho người dân và các tổ chức có nhu cầu giao dịch, giải quyết công việc. Đồng thời qua đó ngăn chặn tệ quan liêu, cửa quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC cho người dân nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. Tất cả nhằm hướng đến một nền hành chính hiện đại, trong sạch, hiệu lực và hiệu quả.

Tại Tây Ninh, sau khi Quyết định 09 được ban hành, ngày 2.6.2015, UBND tỉnh đã ra công văn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, địa phương nhằm triển khai thực hiện quyết định này. Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh các biểu mẫu, quy trình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, bố trí công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định. Các cơ quan Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các cơ quan, huyện, thành phố đã tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 09 để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh biết, thực hiện. Nhằm triển khai sâu rộng Quyết định số 09, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Nội vụ tổ chức lớp tập huấn, triển khai đến cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã. Sở Nội vụ phối hợp với Trường đại học Nội vụ Hà Nội tổ chức lớp tập huấn về xây dựng mô hình cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại cho 100 cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và công chức phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh.

Hồ sơ giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ cao

Để cụ thể hoá Quyết định số 09 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ngày 13.11.2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 56/2015/QĐ-UBND (Quyết định 56) quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính các cấp và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Sau khi ban hành Quyết định số 56, trong 2 tháng 11 và 12.2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức 9 lớp tập huấn triển khai Quyết định số 56 cho 575 cán bộ, công chức, viên chức của tất cả các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở Quyết định 56, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.

Về cơ chế một cửa, hiện nay có 123 cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh và 5 cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện.

Về cơ chế một cửa liên thông, hiện tại Sở Kế hoạch - Đầu tư và Cục Thuế tỉnh thực hiện cơ chế này đối với nhóm thủ tục hành chính về cấp giấy phép kinh doanh và đăng ký mã số thuế.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến ngày 30.6 vừa qua, toàn tỉnh có 1.685 thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trong đó cấp xã có 113, cấp huyện có 271 và cấp tỉnh có 1.301 TTHC. Kết quả thống kê cũng cho thấy,  chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được người dân đánh giá cao. Tổng số hồ sơ đã tiếp nhận (tính đến 30.6) là 1.422.564, trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn là 1.395.403, đạt tỷ lệ 98,10%. Riêng hồ sơ giải quyết quá hạn là 17.273, tỷ lệ 1,2%, còn lại là hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết.

Việc thu phí, lệ phí được các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo nhìn nhận của UBND tỉnh, phần lớn người dân và các tổ chức hài lòng với kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, riêng mảng giải quyết thủ tục về đất đai (thực hiện liên thông giữa ngành Tài nguyên - Môi trường và ngành Thuế) thì người dân và các doanh nghiệp còn chưa thật hài lòng.

Nhìn chung, quy trình thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông ở Tây Ninh được tiến hành khoa học, đúng với các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai TTHC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị theo quy định. Việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển hồ sơ, giải quyết hồ sơ và trả kết quả giải quyết hồ sơ đều được thực hiện đúng quy trình. Một số trường hợp trả kết quả giải quyết chậm trễ so với thời gian quy định đều được thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp theo thẩm quyền thông báo, xin lỗi người dân và tổ chức vì lý do chậm trễ. (Tuy vậy- theo ghi nhận của UBND tỉnh, vẫn còn có cơ quan, đơn vị chưa làm tốt việc này).

Còn phải tiếp tục nỗ lực

 Việc thực hiện chế độ hỗ trợ công tác phí, trang bị đồng phục đối với công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp, do ngân sách của cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn hẹp nên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được chế độ này (theo quy định: công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc cơ quan cấp tỉnh được chi hỗ trợ 400.000 đồng/tháng, cấp huyện 350.000 đồng/tháng và cấp xã 280.000 đồng/tháng). Riêng các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hiện đã trang bị đồng phục theo quy định của ngành cho công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Sau hơn một năm triển khai thực hiện Quyết định 09, Tây Ninh đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung quyết định này đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đội ngũ thực thi công vụ nắm rõ các nội dung mới để triển khai thực hiện và phục vụ người dân, tổ chức. Những quy định mới của Quyết định số 09 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Cụ thể, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp bố trí những công chức có năng lực, phẩm chất, nắm vững các yêu cầu về thành phần hồ sơ, góp phần hạn chế sai sót trong quá trình tiếp nhận và chuyển trả hồ sơ. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã mang lại hiệu quả cao trong tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ và trả kết quả. Từ khi ứng dụng hệ thống một cửa điện tử trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, các TTHC được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi. Một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu chính, qua dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đỡ tốn kém công sức, thời gian đi lại nhiều lần. Quy định về việc xin lỗi người dân, tổ chức trong Quyết định số 09 đã làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ của cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chất lượng giải quyết công việc cho nhân dân ngày một tốt hơn, nhiều hồ sơ được giải quyết sớm hơn thời gian quy định, tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm đáng kể (từ 5% năm 2015 giảm xuống còn 1,2% ở thời điểm 30.6.2016).

Tuy vậy, Tây Ninh cũng còn những mặt hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện Quyết định 09. Chẳng hạn như một số cơ quan, đơn vị vẫn còn lảng tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi việc giải quyết TTHC cho người dân bị chậm trễ, nhất là ở lĩnh vực đất đai- giữa ngành Tài nguyên - Môi trường và ngành Thuế. Một số công chức, viên chức chưa làm hết trách nhiệm hoặc bị hạn chế về năng lực chuyên môn trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ dẫn đến tình trạng người dân, tổ chức “bị hành”- phải đi lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ. Vẫn có một số cơ quan, đơn vị có tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn cao, trong đó “nổi cộm” là các cơ quan, đơn vị ngành Tài nguyên - Môi trường. Các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông còn ít, mới chỉ thực hiện ở 2 lĩnh vực: đầu tư và đăng ký kinh doanh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém nêu trên là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp tại địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Một số ngành có các lĩnh vực giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông (Tài nguyên - Môi trường, Thuế, Xây dựng, Tư pháp) chưa chủ động đề ra các giải pháp cũng như xây dựng quy chế phối hợp để tiếp nhận, xử lý và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy trình thực hiện. Kinh phí của ngành, địa phương còn hạn hẹp nên chưa đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, mua sắm các thiết bị làm việc để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (nhất là ở cấp xã).

UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị bộ, ngành Trung ương sớm ban hành quy định trong thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh với các cơ quan hành chính ở địa phương, như: Thuế, Hải quan, Công an, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước trong giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông. Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan quan tâm, xem xét hỗ trợ đầu tư về hạ tầng cho Tây Ninh để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn.

Cũng liên quan đến TTHC và cải cách hành chính, ngày 10.6.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg (Chỉ thị 13) về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác cải cách TTHC. Một trong những nội dung đáng chú ý của Chỉ thị 13 là định kỳ 6 tháng một lần, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải tổ chức đối thoại với cá nhân, tổ chức về TTHC, giải quyết TTHC và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Tuy nhiên, đến nay- theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị thì chưa có cuộc đối thoại nào về TTHC, giải quyết TTHC được tổ chức. Theo giải thích của các cơ quan, đơn vị liên quan thì đây là vấn đề mới, do vậy, còn phải nghiên cứu để tổ chức thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Từ cuối năm 2014, Tây Ninh đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức xung quanh các quy định hành chính, việc đơn giản hoá TTHC trên địa bàn tỉnh. Công tác này đã được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và liên tục. Tính từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 6.2016, tỉnh đã tiếp nhận 18 ý kiến phản ánh, kiến nghị, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh