Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Người dân luôn mong chờ những con đường chất lượng, an toàn
Chủ nhật: 10:30 ngày 08/11/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Giao thông vận tải bức thiết như cơm ăn nước uống hằng ngày, không ai không liên quan. Người dân đóng thuế để xây dựng các công trình giao thông nên họ có quyền đòi hỏi những con đường hoặc những cây cầu bảo đảm chất lượng và an toàn.

Xe chở quá tải làm sập cầu ở Tân Biên.

Trong phát triển kinh tế xã hội, giao thông vận tải được coi là một vấn đề đặc biệt quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng số một. Chỉ cần nhìn vào hạ tầng giao thông, có thể biết được trình độ phát triển của một quốc gia hoặc một tỉnh, thành nào đó của quốc gia ấy.

Cùng với môi trường, giao thông vận tải luôn là “thời sự nóng”. Trong 5 năm qua- tính từ 2011 đến 2015, ngành Giao thông Vận tải Tây Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nhưng những mặt hạn chế trong ngành vẫn còn.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành đã đưa vào khai thác một số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh chất lượng cao như Tân Châu - An Sương, Tân Biên - An Sương, Tân Biên - Cà Mau, Tân Châu - Ea Súp, Tây Ninh - Năm Căn…

Tổng số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đang được quản lý là 65. Nhằm đáp ứng nhu cầu đăng ký rơ-moóc máy kéo phục vụ vận chuyển nông sản trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông Vận tải (Sở GT-VT) đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT về việc đăng kiểm rơ-moóc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và kiến nghị này đã được Bộ đồng ý.

Về công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, lãnh đạo Sở GT-VT cho biết: các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đều bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất. Từ tháng 7.2013, các đơn vị đã trang bị bổ sung xe tập lái có số tự động.

Qua theo dõi, kiểm tra việc dạy và học lái xe ô tô, có thể thấy các cơ sở dạy lái xe đều có giáo án phân chia thời gian học theo quy định. Quá trình giảng dạy đều có minh hoạ bằng dụng cụ trực quan, tranh ảnh… giúp học viên tiếp thu bài một cách dễ dàng. Các cơ sở giáo dục đào tạo đã thực hiện dạy lái xe đúng theo chương trình đào tạo Bộ GT-VT ban hành.

Các kỳ sát hạch được thực hiện nghiêm túc, công khai, đúng quy trình, kịp thời giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của thí sinh trong quá trình sát hạch. Từ năm 2012 đến nay, Sở GT-VT đã triển khai áp dụng phần mềm quản lý giấy phép lái xe để tổ chức tiếp nhận và trả giấy phép lái xe theo cơ chế một cửa tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ.

Công tác cấp mới, đổi giấy phép lái xe được kiểm tra chặt chẽ, chính xác, nhanh chóng. Từ đầu tháng 7.2015 đến nay, việc đổi giấy phép lái xe được cải tiến thêm một bước bằng cách cho phép người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe đăng ký qua mạng internet.

Cách làm này nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân vì tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Thực hiện tiêu chí về giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay có 7 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông nông thôn, gồm Thạnh Đông (Tân Châu), Thạnh Bình (Tân Biên) Bình Minh (TP. Tây Ninh), Bến Củi (Dương Minh Châu), Long Thành Trung (Hoà Thành), Phước Trạch (Gò Dầu) và An Tịnh (Trảng Bàng). Hiện đã có 16 xã đạt chỉ tiêu 100% số tuyến đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ GT-VT.

VẪN CÒN TÌNH TRẠNG XE CHỞ QUÁ TẢI

Đánh giá về tình hình phát triển của ngành trong 5 năm qua, Sở GT-VT cho rằng công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải được chú trọng đúng mức, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm trên tất cả các lĩnh vực được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong đầu tư xây dựng cơ bản, các công trình đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 kết nối với hệ thống giao thông hiện có như đường Xuyên Á, quốc lộ 22B, đường 785… bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân.

Các dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh quốc phòng, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông do kết cấu hạ tầng giao thông yếu kém gây ra. Theo đánh giá, công tác chuẩn bị đầu tư dự án và tiến độ công trình luôn được chú trọng, do vậy các công trình xây dựng cơ bản của ngành giao thông trong 5 năm qua được nhìn nhận là có chất lượng và đạt kế hoạch đề ra.

Về công tác quản lý vận tải, thực hiện chủ trương “siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, ngành giao thông có nhiều biện pháp để quản lý kinh doanh vận tải, quản lý người lái xe và các phương tiện.

Sở GT-VT tổ chức hội nghị ký cam kết không xếp hàng hoá vượt quá tải trọng cho phép đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khoẻ cho lái xe (có xét nghiệm về sử dụng ma tuý)…

Trong thời gian qua, lãnh đạo Sở GT-VT đã giải quyết kịp thời phản ánh của người dân, kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp của HĐND tỉnh. Ngành đã cho rà soát, điều chỉnh và trang bị hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường.

Từ tháng 6.2014, Sở GT-VT đưa vào hoạt động trạm cân xe lưu động theo đề án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhằm xử lý các trường hợp phương tiện chở hàng quá trọng tải cho phép. Theo nhận định của Sở GT-VT, việc tổ chức kiểm soát trọng tải của xe đã phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tai nạn giao thông.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, lãnh đạo Sở GT-VT cho rằng, giai đoạn 2011 - 2015, ngành cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát (Nghị quyết 11 năm 2011 của Chính phủ) nên một số dự án trong giai đoạn này triển khai chậm, có dự án phải điều chỉnh quy mô thực hiện.

Một số giải pháp về huy động vốn chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa đạt, chẳng hạn như huy động vốn từ quỹ đất, khai thác các nguồn thu, đổi đất lấy hạ tầng. Do đó, không có nguồn lực để bố trí thực hiện hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2011 - 2015.

Theo kế hoạch, có 8 dự án trọng điểm cần thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015, nhưng đến tháng 9.2015 vẫn còn hai dự án đang thực hiện và một dự án chưa ghi vốn đầu tư. Một số dự án khác đã tạm ngưng do nhà thầu không đủ năng lực, khó khăn về vốn như dự án đường 787 A, dự án đường 781 (đoạn từ cầu K13 đến ngã ba Suối Đá).

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn chậm (đường Bình Dương, đường 782 - 784 giai đoạn 2). Liên quan đến tiến độ dự án, Sở GT-VT cho biết có một số gói thầu thực hiện chậm so với hợp đồng đã đăng ký, đã có 3 trường hợp bị xử phạt với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Tình trạng phương tiện chở quá tải vẫn diễn ra ở hầu hết trên các tuyến đường, các cây cầu, điều đó chắc chắn sẽ làm giảm tuổi thọ của công trình giao thông. Theo thống kê, trong thời gian qua đã có ba vụ xe tải chở hàng hoá quá trọng tải làm sập, gãy cầu.

GIAO THÔNG PHẢI ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC

Cuối tháng 9 vừa qua, HĐND tỉnh thực hiện đợt giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ 2016 - 2020 đối với các sở, ban, ngành- trong đó có Sở GT-VT.

Đóng góp ý kiến cho ngành GT-VT, có ý kiến cho rằng: việc duy tu bảo trì đường bộ cần được phân cấp, không nên để chỉ một cấp thực hiện. Ý kiến khác đề xuất Sở GT-VT cần nghiên cứu để làm đường tránh cho xe vận tải lớn, không nên để các loại xe này lưu thông trên đường 30.4.

Một ý kiến đóng góp khác, ngành Giao thông Vận tải cần đánh giá kỹ công tác sửa chữa bảo trì đường bộ, vì trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường xuống cấp, khiến cho các “ổ gà” biến thành “ổ voi”. Dẫn ý kiến của cử tri, một vị lãnh đạo HĐND tỉnh nêu phản ánh: đoạn đường từ xã Đồng Khởi (đối diện khu di tích Tua Hai - Đồng Khởi) đi huyện Châu Thành chất lượng kém, nhanh xuống cấp.

Đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn gần chợ Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) cứ mưa là ngập.

Trong các đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri nhiều huyện, thành phố trong tỉnh Tây Ninh có ý kiến về nhiều vấn đề có liên quan đến giao thông vận tải. Một cử tri huyện Tân Châu từng phát biểu với các vị đại biểu Quốc hội rằng: hiện nay người dân phải đóng góp nhiều loại phí, quỹ nhưng đường giao thông vẫn còn xấu, dễ gây rủi ro cho người đi đường.

Cũng tại Tân Châu, có cử tri đề xuất: cho phép người dân được quyền tạm giữ xe quá tải để bảo vệ các tuyến đường. Đề xuất này không đáp ứng được nhưng nó cũng biểu thị: xe quá tải đang góp phần tàn phá đường giao thông và có dấu hiệu thách thức pháp luật khiến người dân bất bình.

Một vị đại biểu Quốc hội cung cấp thông tin rằng: phần lớn đường giao thông ở Tây Ninh được thực hiện bằng ngân sách Nhà nước, hầu như không có nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp như một số địa phương khác. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình cũng như các kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông nói chung. Lý do đơn giản: có tiền thì mới làm được nhưng ngân sách có giới hạn mà còn phải chi cho nhiều lĩnh vực khác.

Theo báo cáo của Sở GT-VT, một trong những khó khăn của ngành là thiếu vốn để thực hiện các công trình giao thông. Trong đó, đối với giao thông nông thôn, cũng vì ngân sách hạn chế nên nhiều tuyến đường chỉ được đầu tư phần nền, mặt đường không được cứng hoá theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT.

Giao thông vận tải bức thiết như cơm ăn nước uống hằng ngày, không ai là không liên quan. Người dân đóng thuế để xây dựng các công trình giao thông nên họ có quyền đòi hỏi những con đường hoặc những cây cầu bảo đảm chất lượng và an toàn.

Đ.V.T

Từ năm 2011 đến tháng 9.2015, lực lượng thanh tra giao thông vận tải đã tuần tra 18.117 lượt, xử phạt 8.851 trường hợp vi phạm, thu hơn 13 tỷ đồng. Tính từ tháng 6.2014 đến tháng 9.2015, sau khi đưa trạm cân xe tải vào hoạt động đã xử phạt 690 phương tiện vi phạm, thu hơn 5,7 tỷ đồng.

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh