Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015:
Người lãnh đạo cần chủ động hơn trong công việc
Chủ nhật: 10:32 ngày 20/09/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá, trong vấn đề cải cách hành chính, quan trọng nhất là con người chứ không phải cơ sở vật chất. Theo ông Dũng, hiện nay có một tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức không đạt yêu cầu về nhiều phương diện nhưng vẫn đang tồn tại trong bộ máy.

Trong hai ngày 15 và 16.9, Ban Pháp chế HĐND tỉnh do ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Ban làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát, phúc tra về tình hình cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2015 tại hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu. Sau đó, đoàn làm việc với Sở Nội vụ và Sở Tư pháp xung quanh công tác cải cách hành chính - một trong 3 chương trình đột phá của tỉnh.

Đợt khảo sát, phúc tra nhằm làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính giai đoạn 2010 - 2015. Hoạt động khảo sát, phúc tra lần này còn là cơ sở để đánh giá về năng lực, tinh thần trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Có mặt cùng đoàn khảo sát, phóng viên báo Tây Ninh ghi nhận được một số thông tin như dưới đây.

Công chức văn phòng UBND thành phố Tây Ninh hướng dẫn người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa Thành phố (ảnh minh hoạ - QN).

PHỤC VỤ CHỨ KHÔNG PHẢI BAN PHÁT

Chiều 15.9, đoàn làm việc với UBND huyện Châu Thành. Theo báo cáo của UBND huyện, thực hiện các quy định của Chính phủ và UBND tỉnh về việc tổ chức lại các cơ quan chuyên môn cấp huyện và thị xã, hiện nay Châu Thành còn 12 cơ quan chuyên môn và 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện; UBND huyện cũng đã ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị này.

Trong thời gian qua, UBND huyện tập trung chỉ đạo, rà soát các thủ tục hành chính theo Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Theo UBND huyện Châu Thành, việc thực hiện công khai niêm yết bộ thủ tục hành chính chung cấp huyện, xã đã và đang được thực hiện tốt, mức độ hài lòng của người dân đối với công tác cải cách thủ tục hành chính được nâng cao.

Đầu năm 2013, UBND huyện phê duyệt đề án thí điểm thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” đối với các xã Thanh Điền, Thái Bình và thị trấn Châu Thành.

Theo UBND huyện Châu Thành, quy định tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 hằng tuần có mặt thuận lợi nhưng không phải không có khó khăn. Cụ thể là, việc tổ chức thực hiện làm việc ngày thứ 7 được người dân ủng hộ vì đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết công việc.

Mặc dù vậy, ở các xã biên giới, tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 hằng tuần tỏ ra kém hiệu quả và lãng phí thời gian bởi vì vào ngày cuối tuần, người dân ít liên hệ để giải quyết công việc. Ở một số đơn vị, kinh phí hoạt động hạn chế nên gặp khó khăn cho việc chi trả chế độ dành cho cán bộ công chức. Để đáp ứng nhu cầu công việc, trong mấy năm gần đây, UBND huyện cử một số chuyên viên đi đào tạo thạc sĩ, đại học và tham gia các lớp bồi dưỡng, nghiệp vụ chuyên môn khác.

Hiện nay, Châu Thành đã xây dựng xong đề án xác định vị trí việc làm. Theo tinh thần của đề án thì chỉ tiêu, số lượng công chức cấp xã đạt chuẩn chuyên môn là 95%; tỷ lệ cán bộ cấp xã đạt chuẩn chuyên môn là hơn 76%.

Về việc thực hiện chế độ tuyển dụng, UBND huyện Châu Thành cho biết, công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch được thực hiện theo đúng quy định, hiện nay huyện chưa thực hiện thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Tại buổi làm việc, một số thành viên đoàn khảo sát góp ý vào bản báo cáo dự thảo của UBND huyện Châu Thành. Có ý kiến cho rằng nội dung báo cáo còn chung chung,  nhất là việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân cũng như công tác đào tạo cán bộ.

Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt đề nghị, Châu Thành cần đánh giá kết quả cải cách hành chính một cách sát thực tế hơn, thuyết phục hơn. Theo ông Mai Văn Hải, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, đội ngũ cán bộ công chức cần suy nghĩ để thay đổi nhận thức, trách nhiệm của mình là phục vụ nhân dân chứ không phải ban phát cho dân.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên đoàn khảo sát, lãnh đạo huyện Châu Thành thẳng thắn thừa nhận là chưa yên tâm về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, bởi vì trình độ của cán bộ cơ sở còn hạn chế. “Có trường hợp cán bộ làm việc ở xã còn chưa biết sử dụng máy vi tính” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thanh Lam nói.

Kết thúc buổi làm việc tại UBND huyện Châu Thành, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Ban Pháp chế đề nghị UBND huyện tập trung giải quyết các tồn tại, yếu kém, trong đó năng lực, trách nhiệm cán bộ là điều cần được lưu tâm.

Thái độ phục vụ nhân dân, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức cũng cần được xem xét vì vấn đề cán bộ, chất lượng cán bộ là rất quan trọng. “Một quy định, một cơ chế dù có hoàn hảo đến đâu cũng không thể phát huy hiệu quả nếu giao công việc đó cho những người thiếu trách nhiệm” - ông Dũng nói.

ĐÃ LÀ LÃNH ĐẠO THÌ PHẢI CHỦ ĐỘNG

Sáng 16.9, đoàn làm việc với UBND huyện Dương Minh Châu. Theo báo cáo của UBND huyện Dương Minh Châu, huyện có 12 cơ quan chuyên môn, 6 đơn vị sự nghiệp, 11 UBND xã, thị trấn thực hiện chức năng tham mưu giúp UBND huyện quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.

Từ năm 2011 đến nay đã thành lập hai đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Quản lý đầu tư và Trung tâm Văn hoá - Thể thao. Năm 2015, UBND huyện bàn giao Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh, bàn giao Trung tâm phát triển quỹ đất huyện cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phần lớn hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Cũng như ở Châu Thành, huyện Dương Minh Châu cho rằng tổ chức làm việc vào ngày thứ 7 không hiệu quả. Riêng xã Bến Củi đã nhiều lần xin ý kiến không làm việc trong ngày thứ 7.

Phát biểu ý kiến trong buổi làm việc ở huyện Dương Minh Châu, ông Mai Văn Hải, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện xem lại số liệu trong báo cáo, trong đó có số liệu hồ sơ được giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ rất cao, “quá lý tưởng”.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đề nghị UBND huyện Dương Minh Châu làm rõ mức độ hài lòng của người dân đối với các loại dịch vụ công; làm rõ vấn đề huyện chưa bố trí được 10 trường hợp đã học xong lớp đào tạo chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã, trong khi việc cử ai đi học, cử bao nhiêu người là do huyện đưa lên.

Giải trình những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Vui, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Dương Minh Châu cho biết, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân được tiến hành theo điều tra xã hội học ở một số xã. Trong đó, tại xã Bàu Năng, người dân chưa hài lòng về thái độ phục vụ, giải quyết công việc của UBND xã trong lĩnh vực đăng ký kết hôn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng Phòng Tư pháp nêu ý kiến cấp tỉnh nên trực tiếp thực hiện việc điều tra, khảo sát mức độ hài lòng của người dân, vì việc này để cho cấp xã, cấp ấp làm thì khó bảo đảm tính khách quan cũng như độ tin cậy.

Phát biểu giải trình thêm, ông Trần Văn To, Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, hiện nay vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, vẫn còn để cho người dân phàn nàn.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Dũng, đề nghị đối với việc bố trí chức danh bí thư, chủ tịch sau khi đã học xong, UBND huyện cần chủ động bố trí, sắp xếp, không trông chờ UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu trong buổi làm việc tại huyện Dương Minh Châu.

CÁI GỐC CỦA VẤN ĐỀ VẪN LÀ CÁN BỘ

Sau khi làm việc với lãnh đạo huyện Châu Thành và Dương Minh Châu, chiều 16.9, đoàn khảo sát làm việc với Sở Nội vụ và Sở Tư pháp về tình hình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ xem lại kỷ cương kỷ luật hành chính ở các cấp cơ sở. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó Bí thư Thành uỷ Tây Ninh, thành viên đoàn khảo sát, bày tỏ lo ngại về chuyện nhiều cán bộ xã không biết sử dụng máy tính, như thế thì không thể tin học hoá các hoạt động quản lý Nhà nước được.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt, cần nghiên cứu sắp xếp, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để phát huy hiệu quả cao hơn. Người dân chưa thể hài lòng về dịch vụ y tế như con số trong các báo cáo của cơ quan chức năng.

Liên quan đến đề án đào tạo nguồn chức danh bí thư, chủ tịch UBND xã, ông Võ Hùng Việt đề nghị lãnh đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn đến việc này, vì hiện có một số người đã đào tạo xong nhưng chưa bố trí được.

Kết thúc đợt khảo sát, ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá, trong vấn đề cải cách hành chính, quan trọng nhất là con người chứ không phải cơ sở vật chất. Theo ông Dũng, hiện nay có một tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức không đạt yêu cầu về nhiều phương diện nhưng vẫn đang tồn tại trong bộ máy.

“Làm lãnh đạo mà cả năm không đưa ra được đề xuất nào, chỉ răm rắp thực hiện những gì cấp trên hướng dẫn thì không xứng đáng nắm giữ cương vị đó”. Đối với vấn đề đội ngũ ở cấp cơ sở, theo ông Dũng, đang có tình trạng học hành để “lên đời”: “Một xã có cả chục cán bộ, công chức, viên chức đi học luật chỉ để hợp thức hoá”.

Trưởng Ban Pháp chế cũng không quên cảnh báo tình trạng thi đua, khen thưởng theo cảm tính, chủ quan, đánh giá cán bộ không chính xác, nhiều đối tượng được khen “oan” do cấp trên đôi khi không nắm chắc tình hình cấp dưới.

“Khen thưởng cho người ta rồi, nếu thu hồi thì có hay ho gì đâu”. Về công tác tham mưu, ông Dũng đề nghị các cơ quan, cụ thể là Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh về cải cách hành chính cũng như các vấn đề khác có liên quan đến thể chế, đội ngũ con người một cách kịp thời hơn.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh