Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Nguy cơ dịch bệnh tại các xóm Việt kiều
Thứ sáu: 11:15 ngày 19/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Sống trong những căn nhà tạm bợ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vệ sinh kém, bản thân lại thiếu kiến thức chăm sóc sức khoẻ... số đông người dân cư ngụ tại các xóm Việt kiều Campuchia trong tỉnh đang phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh nguy hiểm.

Trẻ em xóm Việt kiều chơi đùa bên thau củi hun khói.

Trong vài năm trở lại đây, tình trạng Việt kiều từ Campuchia trở về nước, sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ngày càng tăng. Hầu hết họ sống tập trung thành cụm nhỏ lẻ ở những khu vực thuận tiện cho việc hành nghề đánh bắt cá, chủ yếu là vùng ven hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn 2 huyện Tân Châu và Dương Minh Châu.

Mối lo từ môi trường sống

Hầu hết Việt kiều từ Campuchia về đều nghèo, nhiều người trở về quê hương chỉ với hai bàn tay trắng, điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống bấp bênh, nhà ở tạm bợ kèm theo môi trường sống không sạch sẽ, vệ sinh tại các xóm Việt kiều là điều kiện thuận lợi để bùng phát các loại dịch bệnh truyền nhiễm.

Đến các xóm Việt kiều Campuchia, ta dễ bắt gặp hình ảnh những căn nhà sàn chừng 9-10m2 xiêu vẹo, không cửa, chỉ có mỗi mái che, xung quanh đầy rác thải các loại và nước thì bốc mùi.

Tại xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tính đến tháng 7 vừa qua có 352 hộ Việt kiều với khoảng 1.700 nhân khẩu cư ngụ trên địa bàn. Trong xã có 7/9 ấp có người Việt kiều sinh sống và con số này vẫn tăng dần theo thời gian, hiện tại đông nhất là ở ấp Tà Dơ với 183 hộ. Trung bình, mỗi tháng xã Tân Thành có thêm vài ba chục hộ đến định cư. Những xóm Việt kiều nhỏ lẻ cũng dần hình thành ở những khu gần bờ hồ Dầu Tiếng. Tại đây mọc lên khá nhiều căn nhà nhỏ hẹp nhưng phải chứa khá nhiều người.

Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu có khoảng 62 hộ Việt kiều đang sinh sống tập trung tại 2 tổ 8 và 9 của ấp Phước An.

Cảnh thường thấy tại các hộ gia đình Việt kiều Campuchia nói trên là do không gian sống chật hẹp nên hầu như mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra trên sàn nhà với đủ thứ lỉnh kỉnh nào bếp ăn, chăn mền, nào quần áo, vật dụng linh tinh... Mọi ngóc ngách trong nhà đều được tận dụng triệt để. Mùa nắng ráo còn đỡ, vào mùa mưa, hầu hết các ngôi nhà do chỉ được che chắn sơ sài nên thường xuyên bị tạt ướt cả bên ngoài lẫn bên trong. Không gian tù túng, ẩm thấp là điều kiện thuận lợi cho muỗi mòng sinh sôi, phát triển và gây dịch bệnh cho người, trong đó có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản...

Môi trường sống xung quanh những căn nhà (đúng ra là chòi) nơi xóm Việt kiều thường ngập rác do ý thức vệ sinh của người dân kém. Nhiều đống rác nhỏ, to mọc khắp nơi trong xóm. Không chỉ xung quanh mà ngay bên dưới những căn nhà sàn cũng đầy ứ các loại rác sinh hoạt do gia chủ thải ra. Nói về tình trạng kém vệ sinh tại khu vực ở, nhiều người biện bạch rằng họ không có thời gian dọn dẹp vì còn bận đi làm thuê, làm mướn để kiếm cái ăn hằng ngày, trong nhà chỉ có lũ trẻ còn quá nhỏ chưa biết vệ sinh nhà cửa.

Vào mùa mưa, các xóm Việt kiều hầu như không lúc nào ngớt muỗi; nhất là xóm nhà trong cánh rừng cao su tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành. Tại đây, chúng tôi có dịp ghé thăm hộ gia đình bà Nguyễn Thị Chi (64 tuổi). Giữa trưa nắng, bà vẫn phải hun củi để xua muỗi bởi căn nhà của bà nằm sâu trong rừng cao su. Bà Chi là Việt kiều Campuchia hồi hương đã hơn chục năm nay. Nơi ở của bà- ngoài gian nhà lớn chung còn có 3 căn nhà nhỏ khác cận kề. Tại cụm nhà này bà sống cùng với 5 gia đình nhỏ bao gồm các thế hệ con, cháu… cả cháu ruột lẫn cháu họ tổng cộng gần 30 người, trong đó có 12 đứa trẻ là cháu nội, ngoại, cháu cố... của bà, đứa lớn nhất mới 11 tuổi, đứa nhỏ nhất non 9 tháng tuổi. Bao năm qua rồi, cuộc sống gia đình bà Chi vẫn không thể khá hơn. Những căn nhà chòi ọp ẹp tại đây, hầu như nhà nào cũng chỉ đủ sức chứa mỗi cái giường ngủ. Vật dụng sinh hoạt được treo la liệt khắp nơi. Nền đất ướt mưa càng làm tăng thêm bầu không khí ẩm thấp cho căn nhà. Liền kề ngôi nhà là nơi chứa nước sinh hoạt, nấu ăn hằng ngày. Nước sinh hoạt thải trực tiếp ra đất. Cụm nhà nằm ở đoạn cuối của con đường vào xóm, bao bọc xung quanh là rừng cao su rậm rạp. Trước nhà bà Chi là một con mương nồng nặc mùi hôi thối vì rác bẩn ứ đọng. Theo bà Chi, con mương này là nơi thải rác của các gia đình lười nhác vệ sinh trong xóm. Dòng chảy của con mương không đủ sức tống rác đi xa nên ngày càng gây ô nhiễm môi trường. Đối với xóm nhà ở đây, không chỉ cái ăn, mà nguồn nước sạch và điện sinh hoạt cũng là những thách thức trong cuộc sống của họ.

Mương ngập rác trước cửa nhà bà Chi.

Ở xóm Việt kiều thuộc tổ 9, ấp Phước An, xã Phước Ninh, tình trạng cũng tương tự. Vào xóm, người ta dễ dàng bắt gặp rác thải có mặt khắp nơi, nhất là dưới sàn nhà. Trong xóm có một con mương rộng khoảng 3 mét kéo dài nối 2 xã Phước Ninh và Phước Minh. Từ khi Việt kiều Campuchia về khu này sinh sống, con mương không lúc nào ngớt rác. Rác ngày càng nhiều khiến mương bị đọng nước và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chị Nguyễn Thị Lắm, một người dân trong tổ 9 phàn nàn: “Một người có ý thức dọn dẹp thì có đến 9 người không ý thức, cứ xả rác bừa bãi ra các kênh nước hay quanh nhà”.  Ông Trần Văn Lơn– tổ trưởng tổ 9 cho biết, nhiều người dân không đốt rác thải mà có thói quen vứt xuống mương. Cách đây vài ngày, chính quyền địa phương đã vận động Doanh nghiệp Trà Hoàn Ngọc 7 Nga Tây Ninh hỗ trợ vét mương, làm thông thoáng dòng nước. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau con mương trở về tình trạng cũ- nghĩa là cũng ngập rác. Ông Đào Ngọc Thanh – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Ninh nhận định, với điều kiện sống kém vệ sinh như thế, xóm Việt kiều ở địa phương có nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, chính quyền địa phương vẫn thường xuyên phối hợp với Trạm Y tế cử cán bộ vào xóm tuyên truyền, nhắc nhở người dân về việc giữ gìn vệ sinh chung.

Sức khoẻ coi như... chuyện nhỏ

Bên cạnh môi trường sống kém vệ sinh, việc thiếu kiến thức chăm sóc sức khoẻ và nuôi con cũng là thực trạng đáng lo ngại tại các xóm Việt kiều Campuchia. Đối với họ, có được cái ăn, cái mặc hằng ngày là xong, còn những vấn đề khác… không quan trọng, việc chăm sóc sức khoẻ lại càng không. Thông thường, những khi bị bệnh như sốt, nhức đầu... bà con Việt kiều thường không đi khám mà chỉ tự đến quán, tiệm mua thuốc tây về uống. Nhà nào có điều kiện thì ra Trạm Y tế xã xin thuốc, còn không thì… phó mặc cho trời. Những người mẹ có con nhỏ tại xóm Việt kiều cũng khá chủ quan khi con cái có dấu hiệu cảm, sốt. Chị Nguyễn Thị Út Nhỏ ngụ ấp Tân Đông, xã Tân Thành cho biết, chị có hai con nhỏ, đứa lớn hai tuổi, đứa nhỏ chín tháng. Chị có cho con chích ngừa, nhưng cũng có lúc con bệnh nên bỏ qua luôn. Các con chị hay bệnh vặt khiến bà mẹ trẻ cũng cảm thấy lo lắng, nhưng lo để mà… lo thôi, chứ chị không biết làm gì. Khi con bệnh, mua thuốc về uống là xong.

Một vấn đề đáng nói là những đứa trẻ sinh ra trong xóm Việt kiều thường không được gia đình quan tâm, tiêm ngừa đầy đủ các mũi tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí cho trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Trước đó, thực hiện Quyết định số 1118/QĐ-UBND ngày 8.6.2012 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện giải quyết vấn đề quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu đối với đồng bào là Việt kiều từ Campuchia trở về Việt Nam hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, nhiều đứa trẻ con của các cặp vợ chồng Việt kiều trên địa bàn tỉnh sinh ra từ khoảng cuối năm 2012 đến nay đều được cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT trẻ em.

Theo cán bộ Trạm Y tế xã Phước Ninh, những đứa trẻ Việt kiều đều được tiêm ngừa miễn phí theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nếu được người thân đưa đến đúng ngày tiêm.

Trước ngày tiêm chủng, cán bộ trạm y tế ở những xã có Việt kiều sinh sống vào tận các xóm tuyên truyền, vận động bà con đưa con em mình đi tiêm ngừa đúng lịch. Thế nhưng rất ít người dân thực hiện việc này đúng ngày, đúng lịch. Nguyên do được các bà mẹ đưa ra là thiếu phương tiện di chuyển nên không đưa con đi được. Sau khi đã “lỡ quên” 1, 2 tháng các chị em có tâm lý… bỏ qua luôn. Chị Nguyễn Thị Hằng (25 tuổi)- một Việt kiều Campuchia hồi hương theo mẹ được khoảng 5 tháng nay có 2 con trai, đứa lớn được 4 tuổi, đứa nhỏ mới 12 tháng. Cả 2 đứa đều không được tiêm ngừa bất cứ mũi tiêm nào. Khi được hỏi tại sao không đưa con đi tiêm, chị cười vô tư bảo: Lúc sinh con ra thấy nó “khoẻ mạnh như trâu” nên không cần tiêm ngừa gì cả. Thực ra, nhìn bên ngoài, hai đứa con của chị Hằng trông ốm yếu, còi cọc hơn những đứa trẻ cùng lứa, không có vẻ gì là khoẻ mạnh như lời mẹ chúng nói.

Tại xã Tân Thành, từ năm 2012 đến nay đã có 80 trẻ Việt kiều được cấp khai sinh. Các em cũng được hưởng BHYT như những trẻ em khác. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đến kỳ tiêm chủng, mặc dù nhân viên y tế có đến tận nơi vận động gia đình mang trẻ đến trạm chích ngừa, nhưng đi hay không thì còn tuỳ gia đình. Hộ bà Chi đã kể trên có rất nhiều đứa trẻ trong độ tuổi dưới 5 vẫn chưa được tiêm ngừa đầy đủ.

Cuối tháng 6 vừa qua, bé Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 2014- cháu ngoại của bà Chi mắc bệnh viêm não Nhật Bản nhưng may mắn qua khỏi. Ca bệnh của bé Hiếu là 1 trong 2 ca viêm não Nhật Bản xảy ra tại tỉnh Tây Ninh trong mùa dịch bệnh năm nay. Bé Hiếu hiện đã khỏi bệnh, chưa phát hiện di chứng nhưng theo lời chị Nguyễn Thị Lâm- mẹ của bé, sau khi rời bệnh viện về nhà, hằng ngày bé thường bị nóng trong người. Những lúc bé hơi nóng, chị Lâm cho con uống thuốc hạ sốt thì bé hết nóng nhưng chỉ một lúc sau là nóng trở lại. Tình trạng ấy kéo dài hơn tháng nay.

Khu chăn nuôi liền kề nơi ăn ở, sinh hoạt của một gia đình trong xóm Việt kiều.

Chia tay gia đình bà Chi, hình ảnh bé Hiếu đang chập chờn giấc ngủ trên chiếc võng mắc trong góc nhà tăm tối, muỗi mòng vây quanh vẫn cứ hiện hữu trong tâm trí chúng tôi. Không chỉ bé Hiếu mà tất cả những đứa trẻ trong các xóm Việt kiều đều có nguy cơ vướng vào các thứ dịch bệnh do muỗi gây ra và nhiều loại bệnh tật tiềm ẩn khác.

Phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Vấn đề vệ sinh môi trường, nơi ăn chốn ở, của Việt kiều Campuchia là điều đáng quan ngại. Các xóm Việt kiều thường là cụm dân cư riêng lẻ, dễ bùng phát dịch bệnh nếu như các ngành chức năng không thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống, kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân nơi đây, từ đó giúp mỗi người tự giác bảo vệ bản thân và gia đình, nhất là trẻ nhỏ. Qua khảo sát thực tế, trong số bà con Việt kiều cũng có những người hiểu được giữ gìn môi trường sống là việc cần thiết, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên họ chỉ tập trung lo cái ăn cái mặc là chính.

Chính quyền các địa phương có Việt kiều cư ngụ cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo đánh giá, mức độ chuyển biến vẫn còn rất thấp.

Ông Nguyễn Tiến Sĩ – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, bên cạnh việc nâng cao nhận thức vệ sinh môi trường cho người dân xóm Việt kiều tại địa phương, UBND xã đã đề xuất kế hoạch di dời xóm Việt kiều ở ấp Tà Dơ về khu đất công ở ấp Đồng Kèn 2 nhằm giúp cho bà con có điều kiện sống tốt hơn, từ đó an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, quỹ đất công này cũng rất hạn hẹp, nên nếu di dời cũng chỉ đáp ứng được một phần so với nhu cầu.

Thuỳ Dương – Trúc Sương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh