Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Nhà triển lãm- một thời thương nhớ
Chủ nhật: 03:19 ngày 04/09/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Dẫu mai này, khu đất Bảo tàng có mọc lên một công trình mới mẻ và hiện đại, thì chắc người Tây Ninh vẫn còn gọi đấy là khu Bảo tàng như đã từng gọi một nơi khác- gần đó là vòng xoay Bách Hoá. Và dẫu có đi đâu thì Bảo tàng vẫn giữ trong mình một gia tài lịch sử. Một gia tài giàu có nhất nhưng không thể bán, mua, chỉ có thể trầm trồ ngưỡng mộ mà thôi!

Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 2012 tặng hoa cho Hội Mỹ thuật Việt Nam nhân triển lãm khu vực.

Chiều ngày 18.8.2016, sân nhà triển lãm- Bảo tàng chộn rộn hẳn lên. Bên trong, những xe cẩu đang hì hục vật đổ cái nhà to vật vã. Thì đã hì hục cả tuần rồi, nên cái nhà chỉ còn là một bộ khung xương bê tông khô khốc vẽ lên nền trời những khối hình kỳ dị. Nhưng cái mặt tiền nhà với trang trí các tấm xi măng đúc hình bông lúa và chim Lạc kia vẫn còn nấn ná đến phút cuối cùng, trong khi phần lớn xương cốt của nhà đã được các gàu múc lên xe tải chuyển đi. Để đến ngày 30.8 có một mặt bằng sạch sẽ giao cho nhà đầu tư mới.

Ở bên ngoài sân, nơi có một “bảo tàng mở” toàn các vũ khí và phương tiện chiến tranh. Những xe cẩu, xe đa trường, đa trọng của Công ty Phúc Hưng cũng đang “đánh vật” với đủ loại súng ống cùng phương tiện chiến tranh, từng là niềm tự hào cho cả hai phía- xâm lăng và chống xâm lăng.

Junction City bị chủ lực Miền và quân dân Tây Ninh vây đánh, đến nỗi các cỗ pháo vua chiến trường cũng phải bỏ lại mà tháo chạy thì đã đành! Nhưng đến xe bọc thép khi tiến vào một làng quê hẻo lánh hiền hoà mà vẫn bị du kích bắn cho tan xác mới thật là chuyện lạ! Đấy là trận đánh vào khu địa đạo của làng quê Lợi Thuận (Bến Cầu). Những chứng tích chiến công còn nằm kia, trên các bệ đã xanh rêu.

Chiếc máy bay U17.1H đã được chuyển đi, giờ nằm chễm chệ trên bệ mới xây trước Trung tâm Văn hoá tỉnh. Tấm biển ghi trọng lượng chỉ 2.140kg. Bên kia vẫn còn chiếc phản lực A- 37A từng gây mưa bom bão đạn trên các chiến trường. Nó cũng chỉ nặng có 2.767kg, không là gì với các phương tiện vận chuyển thời nay. Cỗ pháo nòng dài 175 ly vừa được bốc lên xe. Tranh thủ đo xem, nguyên cái nòng thôi đã dài 10 mét.

Từ Junction City đến nay đã suýt soát nửa thế kỷ rồi mà nòng vẫn xanh ngời, bên trong các gờ rãnh xoắn vẫn còn sắc nét. Vất vả nhất, có lẽ là khẩu súng thần công của Pháp thời tàu chiến và đại bác công phá thành Gia Định và thành Chí Hoà trong các năm 1859 và 1861. Khẩu này nặng tới 14 tấn, nòng có thể nuốt chửng ngay một trái banh da. Đường kính miệng nòng súng tới 25cm.

Khách tham quan triển lãm Mỹ thuật.

Xin trở lại với toà nhà đang phá dỡ. Đấy là toà nhà triển lãm thành tựu kinh tế 10 năm sau ngày giải phóng miền Nam, được khánh thành ngày 30.4.1985. Có lẽ đây là toà nhà đầu tiên được chính quyền mới xây dựng trên thị xã Tây Ninh. Hơn 2.000m2, ngang 56, dọc 40m, mặt bằng chữ nhật. Giữa là một cái sân trời gần vuông 18 x 20m. Tha hồ nắng gió tràn vào từ cái sân trời rộng thoáng này đây. Để cho hàng ngàn người đi xem triển lãm thoải mái đi lại, ngắm nhìn những thành tựu của cả tỉnh sau chưa tới 10 năm xây dựng lại trên miền đất đã xác xơ vì bom đạn giặc. Mì, mía, cao su đã lại mọc xanh trên những rẫy, ruộng, nông trường.

Có cả những cái “che” mía lớn khủng khiếp dùng nấu mật mía thành đường. Và vô số những hình ảnh, hiện vật khiến người xem ngưỡng mộ. Tôi vừa mới gặp lại một hiện vật trưng bày trong cuộc triển lãm đáng nhớ này đây, thưa bạn! Đấy là bức chân dung ba vị lãnh tụ trên một bức tranh. Nhìn thẳng từ trước sẽ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn từ góc lệch một bên sẽ là bác Tôn Đức Thắng, còn nhìn từ góc lệch ngược lại sẽ là bác Lê Duẩn.

Hoàn thành nhiệm vụ của mình sau cuộc triển lãm hoành tráng, toà nhà được sử dụng làm Bảo tàng và Trung tâm Văn hoá tỉnh. Đa năng mà! Nên tầng dưới tầng trên đều trống, không có tường ngăn. Khi cần đặt thêm sân khấu, ghế ngồi là có thể thoả mãn một yêu cầu riêng nào đó. Các nghệ sĩ từ Sài Gòn lên cũng phải hài lòng. Như đêm nhạc của nhóm du ca Trần Tiến. Tôi nhớ có cái thùng từ thiện đặt ngay trước sân khấu. Để khán giả Tây Ninh chen nhau háo hức đến góp tiền. Đấy là một trong nhiều đêm diễn đáng nhớ của Nhà Văn hoá.

Cũng chính nơi này diễn ra cuộc thi hoa hậu của tỉnh đầu tiên, mà danh nghĩa chính thức thì tôi quên mất, hình như gọi là “người đẹp đêm trắng” thì phải. Đấy lại là một đêm vất vả, phải ra sức chen nhau mới ngắm được “các nàng”. Nhưng người đẹp “đăng quang” thì tôi nhớ. Cô ấy là học sinh Trường Hoàng Lê Kha, cao chưa tới 1 mét 60. Bảo tàng tỉnh cũng được rút về dãy nhà cấp 4 ở bên cạnh ngôi nhà lớn. Đến khoảng năm 1995, khi Nhà Văn hoá trên đường Hoàng Lê Kha được xây xong, Bảo tàng mới được giao toàn bộ khu nhà. Nhưng than ôi! Chức năng trưng bày của Bảo tàng cũng đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe về không gian kiến trúc lẫn các yếu tố thẩm mỹ, an toàn… Nên những cuộc trưng bày tiếp theo chỉ là tạm thời, không thể trưng bày lâu dài ổn định. Vậy nên nó cũng chỉ đáp ứng các mục đích tạm thời, như triển lãm chuyên đề nhân dịp các ngày kỷ niệm.

Triển lãm Mỹ thuật khu vực 2012.

Cũng có hai cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực 8 tỉnh miền Đông được tổ chức tại đây vào các năm 2000 và 2012… Chỉ riêng cái khoản mục này thì trăm phần trăm văn nghệ sĩ các tỉnh về đều bị “choáng”. Ai cũng công nhận chỉ có triển lãm mỹ thuật ở Tây Ninh mới có không gian trưng bày đẹp thế. Thì, mục đích ban đầu của nhà là triển lãm mà. Ánh sáng tràn đầy làm tôn vinh biết bao tác phẩm được “ngồi” đây. Và không chỉ thế! Chỉ vài cuộc trưng bày hiện vật bảo tàng ngắn hạn thôi, cũng khiến người Tây Ninh ta bị “choáng” y như các hoạ sĩ. Là choáng vì số lượng và giá trị các hiện vật trưng bày. Cổ vật thì có từ văn hoá Đồng Nai trên dưới 3.000 năm trước cho đến hậu Óc Eo trên dưới 1.000 năm. Các vị thần Visnu, Surya, Laksmi... bằng đá, bằng đồng vẫn trầm tĩnh nhìn người thời nay với ánh mắt đá, đồng xuyên qua thiên niên kỷ.

Người ta còn tò mò xem con thuyền độc mộc mới đào được bên bờ Rạch Rễ ở Trường Đông. Trong lần ra tiễn biệt hình bóng ngôi bảo tàng này vào ngày 19.8, tôi thật dễ tìm ra con thuyền ấy nhờ vóc dáng kềnh càng của nó. Thuyền đã được chuyển ra nằm tạm dưới mái ngôi nhà mát bên cạnh nơi trưng bày hiện vật chiến tranh. Nghe nói thuyền đã có 3.000 năm tuổi. Vậy mà thớ gỗ vẫn sẫm đen và cứng cáp. Ngay bên cạnh là khẩu thần công 14 tấn vẫn chễm chệ trên bệ súng chờ được đem đi. Mò vào kho đang đóng gói, tôi còn kịp chụp được ảnh mấy pho tượng Phật vàng son rực rỡ.

Bên cạnh là một dãy tượng đồng các vị Phật theo phong cách Khmer. Xin thưa, đấy là hiện vật của các vùng miền khác do Hải quan, Biên phòng bắt được khi chúng bị vận chuyển lậu qua biên giới. Cùng với đó là công lao tìm kiếm sưu tầm của nhiều thế hệ cán bộ Bảo tàng. Họ đã như cả một bầy ong cần mẫn bay đi khắp các vùng miền, tìm về những kỷ vật của lịch sử hàng ngàn năm trên miền quê núi Điện, sông Vàm. Nhờ vậy, nay Bảo tàng tỉnh đã có các bộ sưu tập của khoảng 3.000 năm trên đất Tây Ninh với hơn 15.000 tài liệu và hiện vật.

Chuyển hiện vật đi.

31 năm! Chẳng làm sao nhớ hết chuyện vui, buồn dưới mái nhà từng là triển lãm, bảo tàng ấy. Chỉ nhớ nhất một ngày khai mạc triển lãm vào cuối năm 2007, cái không gian thênh thang ngập tràn ánh sáng này từng chật ních người xem. Người ta tò mò ngắm nghía cặp kỳ lân bằng đồng đang nhe nanh, múa vuốt; ngắm cái chuông có từ thời vua Minh Mạng… Rồi vô số bạn trẻ vây quanh con thuyền độc mộc thẫm thượt dài tới 12 mét, đục ra từ nguyên một thân cây của đại ngàn Quang Hoá thời xưa. Dẫu mai này, khu đất Bảo tàng có mọc lên một công trình mới mẻ và hiện đại, thì chắc người Tây Ninh vẫn còn gọi đấy là khu Bảo tàng như đã từng gọi một nơi khác- gần đó là vòng xoay Bách Hoá. Và dẫu có đi đâu thì Bảo tàng vẫn giữ trong mình một gia tài lịch sử. Một gia tài giàu có nhất nhưng không thể bán, mua, chỉ có thể trầm trồ ngưỡng mộ mà thôi! 

Nhớ! Rồi mong. Chỉ có mong thêm một điều. Rằng khi xây Bảo tàng mới thì nên có luôn không gian trưng bày lâu dài, ổn định. Để những tài sản vô giá ấy đến được với đông đảo mọi người- điều mà ngôi nhà cũ mới chỉ làm được một phần trong 31 năm quá khứ.

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh