Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Chuyện về các ấp, khu phố văn hoá:
Nhức nhối chuyện vệ sinh môi trường
Thứ tư: 02:27 ngày 11/11/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Năm 2014, toàn tỉnh có 16/80 xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, 532/542 ấp, khu phố giữ vững và đăng ký mới danh hiệu ấp, khu phố văn hoá (4 ấp đăng ký mới) và 1 thị trấn văn minh đô thị, đó là thị trấn Hoà Thành, huyện Hoà Thành. Hiện nay, các huyện đang tiến hành thẩm tra tái công nhận ấp văn hoá tại các ấp đã đạt chuẩn. Thực tế cho thấy, để đạt được danh hiệu ấp văn hoá, khu phố văn hoá đã khó, để phát huy đúng thực chất của một ấp văn hoá lại càng khó hơn.

Ngay phía trong cổng ấp văn hoá Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh là bãi phơi xác mì gây ô nhiễm môi trường.

CHỈ 1 TRONG 5 TIÊU CHUẨN ĐÃ KHÔNG DỄ LÀM

Theo Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 14.7.2012 của UBND tỉnh, ấp, khu phố văn hoá phải đạt được 5 tiêu chuẩn: đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh phong phú; môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Đối với tiêu chuẩn 3 “môi trường cảnh quan sạch đẹp”, thực tế không ít ấp, khu phố đã đạt chuẩn ấp, khu phố văn hoá không duy trì được môi trường cảnh quan sạch đẹp như khi mới được công nhận đạt chuẩn.

Không thể phủ nhận việc đẩy mạnh phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường đã góp phần xây dựng được ý thức thực hiện nếp sống văn minh trong cư dân ở từng ấp, khu phố, nhưng dường như điều quan trọng nhất là việc giữ vệ sinh chung để bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm vẫn còn nhiều hạn chế…

Tại không ít ấp, khu phố vẫn còn nạn chiếm dụng lề đường, hẻm để buôn bán, xả rác thải… nhưng từng năm vẫn được tiếp tục công nhận là khu phố văn hoá, ấp văn hoá.

Những năm qua, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá đã góp phần tạo nên diện mạo mới từ ấp, xã cho đến đô thị. Tuy nhiên, việc bình xét, công nhận khu phố, xã, ấp văn hoá vẫn còn dễ dãi và mang nặng tính hình thức.

Vì vậy, việc công nhận ấp, khu phố văn hoá cần phải được tiến hành thật khách quan, chặt chẽ, tạo động lực thi đua, phấn đấu giữ vững danh hiệu văn hoá trong từng gia đình, góp phần vào thành tích chung của ấp, khu phố. Cùng với đó, cần duy trì kiểm tra, kiên quyết tước danh hiệu ấp, khu phố văn hoá đối với những nơi không còn đáp ứng được các tiêu chí đề ra, nhất là tiêu chí vệ sinh môi trường.

MỖI NƠI MỘT VẺ... MẤT VỆ SINH

Đơn cử tại ấp văn hoá Long Thời, huyện Hoà Thành. Hiện nay, hẰng ngày người dân sống trên địa bàn ấp vẫn phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường do mặt đường hẻm thấp, nước không thoát được nên bị ứ đọng nhiều năm liền. Không chỉ có nước mưa, một số hộ dân ở các đầu hẻm lấn chiếm lề đường buôn bán xô bồ, thải nước sinh hoạt, nước rửa chén dĩa ra đường bốc mùi hôi, gây bức xúc cho người dân.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của bà con trong ấp. Bày tỏ thái độ về nơi mình đang sống, bà N.T.T bức xúc nói: “Ấp văn hoá kiểu gì mà người dân nơi đây luôn sống trong cảnh ô nhiễm môi trường.

Phải nói là, dân ấp này luôn phải sống chung với nước. Năm nào cũng vậy, mùa mưa là ai cũng ngán ngẩm vì đường ngập nước. Thậm chí nước tràn cả vào nhà. Những hôm nước ngập, cả nhà tôi không ngủ để thay phiên nhau tát nước vì mùi nước cống bốc lên hôi thối không thể chịu nổi, muốn ngủ cũng không ngủ được”.

Cũng theo bà T, cán bộ ấp cũng như các đoàn thể  nên vận động mọi người ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; đồng thời chính quyền cũng có biện pháp sửa chữa, nâng cấp đường sá thông thoáng để xứng đáng với danh hiệu.

Vậy mà, cho đến bây giờ đâu vẫn hoàn đấy, hễ mưa là ngập. Vì vậy, giải pháp tạm thời hiện nay là làm sao để nước thoát nhanh không gây ứ đọng khi có mưa lớn. Về lâu dài, việc nâng cấp các tuyến đường trong ấp là việc làm hết sức cần thiết.

Cặp hông văn phòng ấp văn hoá Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh là bãi phơi xác mì đang hoạt động.

Ông Trần Thủ Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thành Bắc cho biết, ấp Long Thời đã giữ vững danh hiệu văn hoá được 12 năm. Trước đây, khu vực này dân cư chưa đông, nhà cửa cũng ít, nước chảy thông thoáng nên không bị ngập.

Gần đây, dân cư đông đúc, nhiều nhà cửa được xây mới, nhưng không theo quy cách nào nên dòng chảy tự nhiên không còn, trong khi đó ý thức bảo vệ môi trường sống của người dân chưa cao nên khó tránh ngập nước trong những ngày mưa.

Còn vấn đề xả nước thải của các quán ăn, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư chính quyền cũng liên tục xử lý, nặng thì lập biên bản xử phạt hành chính, nhẹ thì nhắc nhở, tuy nhiên sau đó đâu lại vào đấy.

Đối với tình trạng ngập nước tại ấp Long Thời, UBND xã đã có kiến nghị với UBND huyện Hoà Thành, UBND huyện cũng đã thông qua phương án xử lý tình trạng ngập nước nơi đây, với kinh phí gần 15 tỷ đồng, đoạn mương thoát từ ấp Long Thời kéo dài đến cánh đồng Sân Cu sẽ tiến hành thi công vào năm 2016.

Trường hợp khác là ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh, một ấp đã đạt và giữ vững danh hiệu văn hoá 10 năm liền. Thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường xuất phát từ bãi phơi xác mì gây mùi hôi rất khó chịu vẫn tồn tại nhiều năm. Điều đáng nói là đường qua cổng chào ấp văn hoá lại chính là con đường dẫn vào bãi phơi xác mì; và cách đó chưa đầy 5m là nơi đặt… văn phòng ấp.

Nhiều năm qua, xe tải chở xác mì thường xuyên chạy vào, chạy ra khiến con đường bị “băm nát”, hư hỏng trầm trọng, gây lầy lội vào mùa mưa, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, tất nhiên cũng làm nhếch nhác cả văn phòng ấp.

Ông Bùi Công Thành, trưởng ấp Tân Hoà cho biết, tình trạng này đã tồn tại hơn 4 năm nay, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có phản ánh, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Ông Thành đề xuất:

“Trong thời gian tới cấp thẩm quyền nên có biện pháp xử lý rốt ráo, di dời hộ dân phơi xác mì ra khỏi khu dân cư, trả lại môi trường sạch và con đường thông thoáng cho người dân địa phương.

Để xứng đáng là một ấp văn hoá, tôi nghĩ ngoài việc thường xuyên vận động, tuyên truyền mọi người thực hiện nếp sống văn hoá thì kèm theo đó phải có những biện pháp chế tài cụ thể cho những hành vi vi phạm”.

KHI ẤP, KHU PHỐ TỰ CHẤM ĐIỂM

Cũng ở thành phố Tây Ninh, dọc theo đường Trần Phú (đoạn vừa qua Trường cao đẳng Sư phạm hướng về huyện Tân Châu) thuộc khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, suốt một đoạn đường dài hàng trăm mét, lề đường đã bị chiếm dụng để dựng sạp kinh doanh quần áo.

Đồng thời, cặp theo con đường Trần Phú, phía trước cổng khu phố văn hoá nước thải sinh hoạt chảy tràn lan rất hôi hám…

Tương tự như thế tại khu phố 5, phường 1, cũng là khu phố văn hoá, dân phố vứt rác tràn lan ra hẻm số 7 đường Trưng Nữ Vương, có gia đình còn đưa ống xả nước thải trực tiếp ra hẻm, nên dù trời mưa hay nắng, khu vực đầu hẻm vẫn đọng nước thường xuyên.

Chưa kể một số thanh niên nuôi gà đá nhốt gà ngay trên hẻm, và theo người dân nơi đây, thỉnh thoảng họ còn tổ chức đá gà tại chỗ (?!). Trao đổi về tình hình vệ sinh môi trường khu phố 5, lãnh đạo UBMTTQVN phường 1 cho biết, lãnh đạo khu phố đã “tự nguyện trừ điểm” đối với những tồn tại trên.

Cụ thể, bảng điểm quy định không xả nước thải ra môi trường và vứt rác ra đường là 4 điểm, nhưng khu phố 5 chỉ “tự nguyện” trừ… 1 điểm.

Đối với quy định về không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng; phòng chống tệ nạn xã hội núp bóng loại hình kinh doanh cà phê, rượu, bia “lều”, khu phố 5 cũng tự nguyện trừ 1 điểm trên số điểm tối đa là 5 điểm! Rõ ràng việc khu phố 5 “tự trừ điểm” chứng tỏ Ban quản lý khu phố cũng thừa nhận những tồn tại về vệ sinh môi trường và tệ nạn xã hội, nhưng với kiểu “trừ điểm tượng trưng” như thế, khu phố vẫn cứ đạt chuẩn khu phố văn hoá.

Nước thải của một quán nhậu và nước mưa phá nát con đường nông thôn tại ấp văn hoá Long Thời, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành.

CHỦ YẾU VẪN LÀ Ý THỨC CÔNG DÂN

Ông Nguyễn Văn Nhiếm- Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Tây Ninh cũng thừa nhận, hiện nay việc xét công nhận danh hiệu ấp văn hoá, khu phố văn hoá ở các huyện, thành phố thuộc tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường và cảnh quan.

Theo quy định, ấp, khu phố căn cứ vào bảng điểm để thực hiện tự chấm điểm, rồi xã, phường chấm điểm lại và cuối cùng Ban chỉ đạo cấp huyện thẩm tra công nhận, tái công nhận ấp văn hoá. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn những địa phương chạy theo thành tích, việc chấm điểm và xét công nhận ấp văn hoá, khu phố văn hoá còn qua loa, chưa sát thực tế dẫn đến nhiều ấp, khu phố đạt chuẩn văn hoá nhưng cảnh quan và vệ sinh môi trường vẫn còn nhếch nhác, ô nhiễm.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đề ra biện pháp chấn chỉnh trong thời gian tới. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nhiếm, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Thời gian tới, các địa phương cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống vệ sinh mới có thể bảo đảm môi trường, cảnh quan khu dân cư thật sự xanh, sạch, đẹp.

HUỲNH PHÁT - THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh