Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Biển báo, đèn tín hiệu giao thông
Nơi thiếu, nơi thừa và không thống nhất
Thứ sáu: 03:29 ngày 11/03/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Khi tham gia giao thông trên một số tuyến đường ở Tây Ninh, nếu như để ý quan sát, người đi đường ắt không khỏi có lúc cảm thấy thật… lúng túng. Lúng túng vì hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông khá là “khó nghĩ”, bởi có nơi thừa, nơi thiếu và lắm khi không biết hiểu thế nào, làm theo thế nào cho đúng.

Trước dốc cầu Quan, biển báo rối rắm như thế này quả là khó cho tài xế.

“Rối” với biển báo phụ

Nơi thừa chẳng hạn như trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn trước công viên Thắng Lợi. Nơi đây là đoạn đường dốc, để bảo đảm an toàn giao thông, ngành chức năng có lắp đặt biển báo cấm các phương tiện giao thông đi ngược chiều. Đó là biển tròn, nền đỏ, có gạch trắng ngang ở giữa, buộc tất cả phương tiện giao thông khi đến đây đều rẽ phải đi vòng theo công viên Thắng Lợi để qua cầu Quan.

Vấn đề ở chỗ không hiểu vì sao người ta lại cho lắp thêm tại đầu dốc này một biển báo cấm khác có kích thước to hơn, cao hơn. Biển báo mới có hình tròn, viền ngoài màu đỏ, nền trong màu trắng, có gạch chéo màu đỏ từ trái qua phải. Giữa biển báo có hình một mũi tên màu đen, chỉ theo phương thẳng đứng. Cạnh biển báo mới, có một biển báo phụ hình chữ nhật, nền trắng, chữ màu đen với nội dung “Cấm đi thẳng”. Đem hình tấm biển báo mới này đối chiếu với hệ thống biển báo cấm theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không thấy giống cái biển báo nào cả.

Và theo Luật Giao thông đường bộ, biển báo phụ được lắp đặt ngay phía dưới biển báo chính, không thấy quy định nào cho lắp nó bên hông biển báo chính cả. Biển báo mới, biển báo cũ, biển báo chính, biển báo phụ cùng lắp đặt ngay một chỗ với nhiều nội dung, hình thức như thế, dễ làm cho người tham gia giao thông đâm… bối rối.

Trong khi người điều khiển các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện giao thông có tốc độ cao như các loại xe ô tô, mô tô khi lưu thông trên đường thường đòi hỏi phải có “tư duy nhanh”, chứ không thể dừng xe lại giữa đường để… suy nghĩ, phân tích về nội dung ghi trên biển báo. Vì thế, các biển báo giao thông đòi hỏi phải thật gọn, thật dễ hiểu và thống nhất từ hình thức đến nội dung, phải làm sao để các tài xế chỉ cần đưa mắt nhìn qua là hiểu và làm theo được ngay, tránh những lỗi vi phạm không đáng có.

Người điều khiển xe hai bánh vẫn đi thẳng khi đèn tín hiệu giao thông ở trước cửa Hoà Viện chuyển sang màu đỏ.

Có hướng dẫn lại thêm... “rối”!

Thời gian gần đây, trước cửa Hoà Viện của Toà thánh Tây Ninh có lắp đặt 3 trụ đèn tín hiệu giao thông. Hai trụ trên đường Cách Mạng Tháng Tám và một trụ đầu đường Điện Biên Phủ. Việc lắp các trụ đèn này vô tình làm cho tình hình giao thông nơi này càng… thêm rối! Về mặt lý thuyết, trước cửa Hoà Viện chỉ là một ngã ba (giao nhau giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Điện Biên Phủ).

Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một ngã tư. Vì cửa Hoà Viện là vị trí ở đầu đại lộ Phạm Hộ Pháp- một trong những đường giao thông chính của nội ô Toà thánh. Đại lộ này rộng tương đương đường Cách Mạng Tháng Tám hay đường Điện Biên Phủ. Vào những ngày cao điểm, như dịp lễ tết, hay khi có đám tang, hoặc lễ cúng trong Toà thánh thì lượng người và xe cộ trên con đường này đông hơn gấp nhiều lần so với hai con đường bên ngoài.

Nhưng trước cửa Hoà Viện lại không có đèn tín hiệu giao thông, nên khi đèn giao thông trên đường Điện Biên Phủ chuyển sang màu đỏ, vẫn có nhiều người điều khiển phương tiện giao thông phăm phăm băng qua đường Cách Mạng Tháng Tám hoặc rẽ trái, rẽ phải tạo cảnh xe cộ chạy đan xen, hỗn loạn. Từ hướng cửa Hoà Viện nhìn ra điểm giao lộ cũng khó nhìn thấy đèn tín hiệu giao thông. Bởi lẽ các trụ đèn tín hiệu trên đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Điện Biên Phủ đều đặt ở vị trí khá cao, khá xa và gần như quay lưng lại phía cửa Hoà Viện, vốn đã hạn chế tầm nhìn vì khuất cổng tam quan của cửa Hoà Viện chắn ngang đại lộ Phạm Hộ Pháp.

Một người đàn ông hành nghề chạy xe ôm ở đây cho biết, thời gian đầu, khi mới lắp các trụ đèn tín hiệu giao thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám và Điện Biên Phủ, nhiều người đi từ hướng cửa Hoà Viện ra, chưa quen thường hay vượt đèn đỏ. Hiện nay, hầu hết người dân địa phương đều đã biết ở đây có trụ đèn nên ít xảy ra tình trạng đó nữa, nhưng với dân du lịch từ các nơi khác tới thì chẳng mấy ai biết nên họ vẫn cứ đi thoải mái như thường”. Như vậy, nếu ngành chức năng cho lắp đặt thêm một trụ đèn tín hiệu giao thông bên ngoài cửa Hoà Viện, xem nơi đây như một ngã tư thì có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Ngã ba “Mũi Tàu” khá thuận chiều nên khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, nhiều người điều khiển xe hai bánh vẫn đi thẳng.

Theo Luật Giao thông đường bộ hiện hành, tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, trừ một số trường hợp được ưu tiên theo luật định. Để tránh ùn tắc giao thông, ở tỉnh ta tại hầu hết các ngã ba, ngã tư, ngành chức năng đều có cho lắp thêm biển phụ cho phép xe hai bánh được phép đi thẳng hoặc rẽ phải khi đèn đỏ.

Đó là sự linh động giải quyết tình hình giao thông rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh ở chỗ, việc lắp các biển báo phụ này không đồng bộ. Có ngã ba khá an toàn cho xe hai bánh đi thẳng khi đèn đỏ thì lại không cho phép. Ngược lại, có ngã ba rất dễ xảy ra tai nạn thì lại có bảng chỉ dẫn cho phép xe hai bánh được đi thẳng khi đèn đỏ.

Đơn cử, ở ngã ba Mũi Tàu- nơi giao cắt giữa đường 30.4 với đường Trần Hưng Đạo (thành phố Tây Ninh) có lắp đặt hai trụ đèn tín hiệu giao thông và không có biển báo phụ cho phép xe hai bánh được đi thẳng khi đèn đỏ. Vì thế, nhiều người điều khiển xe hai bánh khi đến ngã ba này rất lúng túng. Có người “chịu khó” chấp hành luật, dừng lại chờ hết đèn đỏ. Nhưng cũng có nhiều người, do thói quen ở các ngã ba khác, cứ  vô tư điều khiển phương tiện đi thẳng, mặc kệ đèn đỏ. Điều này dễ gây nguy hiểm cho những người chấp hành luật đi đường.

Hỏi một người phụ nữ vừa điều khiển xe hai bánh vượt đèn đỏ ở ngã ba Mũi Tàu, chị này trả lời tỉnh bơ: “Tôi thấy ở các ngã ba khác, xe hai bánh được phép đi thẳng khi đèn đỏ, nên tôi tưởng ở đây cũng vậy”. Chị nói như thế cũng có lý do, bởi ngay tại ngã ba này nhưng theo chiều giao thông ngược lại (từ hướng núi Bà về trung tâm thành phố Tây Ninh) có một biển báo phụ: “Xe hai bánh được phép đi thẳng khi đèn đỏ”.

Như vậy, tại cùng một ngã ba, nhưng bên thì cho bên lại không, dễ khiến người đi xe hai bánh bị nhầm lẫn và từ đó dễ gây nguy cơ tai nạn. Quan sát toàn cảnh khu vực ngã ba này có thể thấy, nơi đây hoàn toàn phù hợp với việc lắp thêm biển báo phụ “Xe hai bánh được phép đi thẳng khi đèn đỏ”, vì đường Trần Hưng Đạo tiếp giáp vào đường 30.4 theo hình góc nhọn, khoảng 45 độ. Đường Trần Hưng Đạo là con đường nhỏ, ít có phương tiện tham gia giao thông.

Vì thế, khi đèn tín hiệu giao thông trên đường 30.4 chuyển sang màu đỏ, các phương tiện tham gia giao thông trên đường Trần Hưng Đạo “đấu nối” vào đường 30.4 không nhiều và chỉ di chuyển theo một góc hẹp, nên gần như xuôi chiều với dòng xe cộ trên đường 30.4 từ hướng trung tâm thành phố đi núi Bà Đen. Từ thực tế đó cho thấy, nếu như tại trụ đèn tín hiệu giao thông trên đường 30.4 lắp thêm biển báo phụ “Xe hai bánh được phép đi thẳng khi đèn đỏ” thì cũng chẳng ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Cùng là ngã ba, nhưng ở ngã ba Mít Một, xe hai bánh được đi thẳng khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ.

Nơi cần cấm sao không cấm?

Trong khi đó, ở ngã ba Mít Một (thuộc địa bàn xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) con đường 30.4 nối dài giao với quốc lộ 22B theo một góc vuông. Trên quốc lộ, ngoài xe hai bánh còn có rất nhiều xe ô tô tham gia giao thông, bao gồm cả các loại xe lớn như ô tô tải, container, xe trộn bê tông… Khi đèn tín hiệu trên quốc lộ 22B chuyển sang màu đỏ, tất cả xe hai bánh theo hướng từ thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Ninh vẫn đi thẳng vào đường 30.4 nối dài.

Cùng lúc, nhiều phương tiện- cả xe hai bánh lẫn ô tô các loại từ phía Trường Chính trị tỉnh đổ ra, rẽ trái vào đường 30.4. Hai dòng xe giao nhau ở một góc vuông trước khi vào thành phố Tây Ninh. Đáng ngại hơn là trên quốc lộ 22B, đoạn đường từ ngã ba Mít Một xuống Trường Chính trị tỉnh là đoạn đường dốc, các phương tiện giao thông từ phía Trường Chính trị đổ ra thường phải tăng ga và cài số mạnh, khi giao với dòng xe hai bánh được phép đi thẳng khi đèn đỏ rất dễ gây ra tai nạn giao thông.

Thật ra, trên đây chỉ là vài nhận định có tính chủ quan của người viết, có thể còn vài đều chưa thật chính xác. Mong rằng cơ quan chức năng tiến hành rà soát, xem xét thực tế xung quanh những vấn đề nêu trên, để nếu thấy cần thì có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những điều chưa hợp lý, nhằm giúp người dân cảm thấy an tâm và an toàn hơn khi tham gia giao thông trên đường.

Trường Sơn

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh