Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Mối quan tâm hàng đầu:
Nông nghiệp, nông dân và nông thôn
Thứ hai: 08:48 ngày 14/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá VIII, UBND tỉnh đã báo cáo về kết quả thực hiện trả lời chất vấn của đại biểu trong kỳ họp lần này và các kỳ họp trước đó. Có thể thấy kể từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay, nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn là một lĩnh vực được số đông đại biểu HĐND và cử tri tỉnh nhà đặc biệt quan tâm.

Nông dân tham quan cánh đồng lúa trong mô hình liên kết 4 nhà huyện Gò Dầu (ảnh: DH).

Trong kỳ họp thứ 8 hồi tháng 7.2013, HĐND tỉnh có đề nghị UBND tỉnh khẩn trương thực hiện đề án di dời các hộ dân đang sinh sống trong khu rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc (huyện Tân Biên).

Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, nhưng mãi đến năm 2013 việc quy hoạch vẫn đang trong giai đoạn chỉnh sửa, còn đề án thì… đang trình. HĐND tỉnh cũng đề nghị khi đề án được phê duyệt, việc thực hiện cần được tiến hành đồng bộ, khẩn trương, có chất lượng, để di dời các hộ dân ra khỏi khu rừng quy hoạch và có cuộc sống ổn định, tốt hơn nơi cũ.

Bảo vệ rừng- việc nhất thiết phải làm

Về vấn đề nêu trên, UBND tỉnh giải trình: theo mục tiêu của đề án, đến cuối năm 2015 phải di dời 33 hộ sinh sống trong khu rừng văn hoá lịch sử Chàng Riệc. Cụ thể là di dời 15 hộ vào cụm dân cư số 3, ấp Tân Khai  và 18 hộ vào cụm dân cư số 2, ấp Tân Đông 1 (đều thuộc xã Tân Lập).

Nhưng theo báo cáo của UBND huyện Tân Biên, đến tháng 11.2015 mới di dời được 11/33 hộ. Những hộ chưa di dời được là do đề án xây dựng chưa sát với thực tế, khiến khu dân cư không đủ diện tích để tiếp nhận; trong thực tế diện tích đất cần phải tăng từ 1,12 ha lên 1,66 ha (thêm 0,54 ha). Việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm dân cư số 2 cũng phát sinh các hạng mục công trình, gồm hệ thống điện và 2 tuyến đường lô cụm dân cư dài 300m.

Cũng tại kỳ họp thứ 8, tháng 7.2013, HĐND tỉnh đề nghị thực hiện nhanh việc di dời dân cư ở ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu (thường gọi phường 25, quận 10). Về vấn đề này, UBND tỉnh cho biết, theo đề án di dân ra khỏi đất lâm nghiệp, đây là cụm dân cư số 4.

Cụm dân cư này được bố trí vào khu vực đất thu hồi của Công ty TNHH MTV cao su 30.4 Tây Ninh (Công ty cao su 30.4) nằm cặp đường ĐH.244, đoạn ấp Suối Bà Chiêm; tổng số hộ phải di dời là 100. Báo cáo của UBND huyện Tân Châu cho biết, đến tháng 11.2015 vẫn chưa thực hiện được việc di dời dân cư ở khu vực phường 25, quận 10.

Nguyên nhân là do công tác thu hồi đất chậm. Hiện Công ty cao su 30.4 đang làm thủ tục bàn giao đất lại cho huyện. Mặt khác, việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm dân cư số 4 có phát sinh các hạng mục công trình, như hệ thống điện với đường dây điện hạ thế dài 754m và 3 tuyến đường lô cụm dân cư dài 769m.

Do việc thu hồi đất chậm và phát sinh một số hạng mục đầu tư kết cấu hạ tầng ở 2 khu vực trên nên huyện phải chờ xin chủ trương của UBND tỉnh. Đến nay, sau khi UBND tỉnh đã cho chủ trương giải quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với UBND huyện Tân Biên và UBND huyện Tân Châu để triển khai thực hiện trong năm 2016.

Tại kỳ họp thứ 10 tháng 12.2013 và kỳ họp thứ 12 tháng 7.2014, đại biểu HĐND tỉnh chất vấn các ngành chức năng về thực trạng một số hộ dân được giao trồng rừng nhưng lại tiếp tục tỉa thưa, chặt cành, khoanh gốc để trồng mì tại rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và một số nơi khác.

Theo lý giải của UBND tỉnh, trong thời gian qua, tình trạng phá rừng, nhất là việc chặt cành nhánh cây rừng để tạo không gian cho sản xuất cây nông nghiệp có diễn ra ở một vài nơi. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chấn chỉnh. Về mặt kỹ thuật, ngành đã cho thay đổi mẫu hợp đồng nhận khoán trồng rừng, chăm sóc rừng nhằm tăng cường trách nhiệm của các hộ nhận khoán.

Mẫu hợp đồng quy định thời gian được phép trồng cây nông nghiệp là 3 năm kể từ năm trồng rừng, sau thời gian này nếu có nhu cầu trồng cây dưới tán rừng thì phải xin phép ban quản lý rừng. Các cơ quan hữu quan đã xử lý nghiêm các đối tượng chặt cành nhánh cây rừng trồng trong 2 năm 2013, 2014 (đã xử lý hơn 40 trường hợp).

Năm 2015, chỉ có 2 trường hợp vi phạm ở mức độ nhỏ. Tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại cao, ngoài việc bố trí lực lượng bảo vệ rừng, có nơi đã tăng cường lực lượng kiểm lâm để phối hợp kiểm tra, truy quét các đối tượng có hành vi xâm hại rừng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong dân cũng được chú trọng hơn. Nhiều vụ phá rừng bị quần chúng nhân dân phát hiện, báo tin đến cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Đối với cơ chế, chính sách bảo đảm đời sống cán bộ và người dân bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu, tăng kinh phí khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay Bộ chưa đồng ý việc này.

Cũng theo UBND tỉnh, hiện tình trạng trộm cắp lâm sản, phá rừng, lấn rừng vẫn còn diễn ra rải rác ở một số khu vực gần dân cư. Việc chấm dứt các hợp đồng trồng rừng đối với các trường hợp vi phạm chưa được thực hiện một cách kiên quyết.

Do địa bàn rộng, lực lượng bảo vệ rừng không đủ sức bao quát để ngăn chặn triệt để. Chế độ hưởng lợi đối với người nhận khoán trồng rừng khi rừng khép tán chưa thoả đáng, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các hộ nhận khoán tìm cách… kìm hãm sự phát triển của cây rừng hầu thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp ngay trên đất rừng.

“Liên kết 4 nhà” chưa được như mong muốn

Chủ trương liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất là một chủ trương lớn của Chính phủ đã có từ nhiều năm về trước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, mối liên kết 4 nhà trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa thật sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Người dân vẫn loay hoay tìm đầu ra cho nông sản, điều đó thể hiện rất rõ qua việc trồng, tiêu thụ sản phẩm. Đề nghị ngành chủ trì đánh giá toàn diện xem trong mối liên kết này, điểm yếu nhất là thuộc về khâu nào để có giải pháp chấn chỉnh. Đó là ý kiến kết luận tại kỳ họp thứ 10 tháng 12.2013 của HĐND tỉnh.

Về vấn đề trên, trong phần báo cáo tại kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh khoá VIII, UBND tỉnh nêu nhận định: trong thời gian qua, việc liên kết 4 nhà đối với một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh theo xu hướng chung ngày càng tăng về quy mô và liên kết ngày càng chặt chẽ, góp phần ổn định sản xuất tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với cây mía, diện tích đầu tư gắn với hợp đồng tiêu thụ khoảng 95% diện tích, với cây cao su: khoảng 30% diện tích, với chăn nuôi heo thịt: khoảng 41% sản phẩm, gà thịt, trứng công nghiệp 54% sản phẩm; hợp đồng tiêu thụ bắp giống, thuốc lá 100% diện tích, sữa bò tươi 95% sản lượng.

Một số sản phẩm chủ lực khác chưa hoặc không thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà như lúa, rau quả, khoai mì, bò thịt... nhưng bước đầu cũng đã có triển khai thực hiện cánh đồng lớn trên cây lúa. Diện tích trồng lúa theo mô hình liên kết thực hiện hằng năm khoảng 7.000 ha, có sự gắn kết giữa người sản xuất, doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật.

Tuy nhiên, khâu tiêu thụ vẫn chưa tốt. Cây khoai mì tuy không có “liên kết 4 nhà” nhưng sản phẩm củ mì tươi sản xuất đều được các cơ sở chế biến thu mua. Với cây rau, đã có một số mô hình sản xuất, sơ chế và tiêu thụ; bước đầu đã có một cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn được thành lập trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Vẫn theo nhận định của UBND tỉnh, việc phát triển hợp tác, liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể là chưa tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, chưa xây dựng được cánh đồng lớn đúng thực chất nên một số sản phẩm có lợi thế chưa có cơ hội được phát triển bền vững và chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là chưa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhân viên bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát chữa cháy rừng (ảnh V.Đ).

Để từng bước khắc phục những hạn chế trong thực hiện liên kết cũng như đẩy mạnh liên kết trong sản xuất các ngành hàng, nâng cao hiệu quả liên kết trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp.

Theo đó, giao các ngành phối hợp các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nông dân, giúp nông dân thấy được vai trò của doanh nghiệp trong liên kết sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập tổ chức đại diện nông dân tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân, nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn; xác định mục tiêu, gắn kết mô hình giữa đầu tư, sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trong nội dung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để có giải pháp đồng bộ với quá trình phát triển nông nghiệp; mở rộng các hình thức hợp tác công tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội vv…vv…

Tái cơ cấu nông nghiệp- đề án dài hơi

Xung quanh các câu hỏi chất vấn về việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và vấn đề tiêu thụ nông sản được nêu tại kỳ họp HĐND tỉnh thứ 13 vào tháng 12.2014, UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện một số giải pháp.

Trước hết là triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển một số ngành hàng với cây trồng, vật nuôi chủ lực theo chuỗi giá trị, có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao (sẽ trình thông qua UBND tỉnh tháng 3.2016).

Các đề án phát triển nông nghiệp được xây dựng gồm có: đề án lai tạo nâng cao chất lượng bò thịt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao đến năm 2020; đề án phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn Tây Ninh theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường đến năm 2020 (sẽ trình thông qua UBND tỉnh tháng 1.2016).

Tây Ninh cũng sẽ xây dựng các dự án khuyến nông theo chuỗi giá trị để đầu tư và chuyển giao cho nông dân như: dự án sản xuất mãng cầu theo hướng VietGAP gắn với thương hiệu chỉ dẫn địa lý, dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất cây mì, dự án liên kết sản xuất tiêu thụ gà địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và an toàn sinh học.

Ngành chức năng xây dựng kế hoạch hỗ trợ thành lập cửa hàng kinh doanh rau an toàn năm 2015, phấn đấu mỗi huyện trong tỉnh có từ 1 đến 2 cửa hàng; hỗ trợ Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh thành lập 1 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Tây Ninh, giới thiệu 2 hợp tác xã sản xuất rau an toàn vào hệ thống siêu thị Co.opMart.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh