Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Nữ cựu chiến binh viết tiếp câu chuyện thời bình
Thứ sáu: 09:45 ngày 02/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với cựu chiến binh Phạm Thị Xuân, 74 tuổi, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh, tinh thần bộ đội Cụ Hồ như bất diệt. Trong thời chiến hay thời bình, khi còn trẻ hay đã lớn tuổi, bà đều hết mình cống hiến để viết tiếp những câu chuyện đẹp.

Khát vọng hoà bình từ những câu chuyện kể

Tháng 8.1974, theo lệnh tổng động viên chi viện cho chiến trường miền Nam, bà Phạm Thị Xuân theo chân các anh, em trai mình đăng ký nhập ngũ.

Trong khí thế sục sôi ngày ấy, bà Xuân một lòng muốn vào chiến trường miền Nam làm công tác thông tin. Bà kể: “Khi ấy, bố mẹ tôi can ngăn nhiều lắm nhưng tôi vẫn quyết đi bởi khi địch còn bắn phá thì có hoà bình được không? Khi miền Nam chưa giải phóng thì hoà bình được không?”. Những lời tâm can ấy của nữ sinh vừa tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm làm ba mẹ động lòng. Vậy là bà tham gia quân ngũ làm chiến sĩ thông tin Đoàn 581 thuộc Quân khu 3 hoạt động tại tỉnh Hà Nam Ninh (cũ).

Cựu chiến binh Phạm Thị Xuân (thứ 3 từ phải sang) trong đợt trao quà cho cựu chiến binh tại địa phương

Thế nhưng, ý định vào chiến trường miền Nam của bà Xuân không thể thực hiện. Bà ở lại làm nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc thương binh từ chiến trường miền Nam chuyển ra. Lúc đó, bà được nghe động viên rằng cả hai chiến trường đều quan trọng như nhau. Bởi với những người chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh một phần xương máu đang mang trên mình những vết thương đau đớn, viên đạn còn chưa lấy ra khỏi cơ thể thì chăm sóc họ cũng giống như việc chiến đấu trên chiến trường. Nhiệm vụ nào cũng vinh quang như nhau.

Vậy là cô gái trẻ khi ấy ở lại làm công tác thông tin, hỗ trợ chăm sóc, tuyên truyền phục vụ các thương binh. Bà Xuân nói, ngày ấy bà rất yêu thích và luôn nỗ lực làm tốt nhất công việc của mình. Bà được công nhận chiến sĩ thi đua quyết thắng.

Ngày đó, người ta hay thấy cô chiến sĩ thông tin một vai đeo cuộn dây đồng, bên còn lại là hộp máy quay đạp xe hàng chục cây số từ trạm an dưỡng này sang trạm an dưỡng khác để làm nhiệm vụ, không để việc kết nối liên lạc bị đứt đoạn. Cũng cô chiến sĩ hoạt bát ấy thường xuyên cùng đồng đội kể chuyện cho thương binh nghe về những trận đánh lịch sử, những tấm gương anh hùng, những câu chuyện đời thường hay những tin chiến thắng từ miền Nam để giúp họ vơi cơn đau, vững niềm tin.

Bà Xuân dạy trẻ tại lớp học tình thương

Kể chuyện cho thương binh nghe, bà Xuân cũng được nghe họ kể lại những câu chuyện về tình đồng đội, sự khốc liệt của chiến trường miền Nam với những mất mát, hy sinh. Có những câu chuyện mà đến nay khi nhắc đến vẫn khiến bà nghẹn ngào như lúc được nghe người trong cuộc kể lại ngày nào. Đó là câu chuyện đầy bi hùng của gia đình anh thương binh quê Quảng Trị với 4 người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, chỉ còn mỗi anh. Là câu chuyện của một người anh quen biết đã trở thành anh hùng và mãi mãi ở lại chiến trường miền Nam khi tuổi vừa 28.

Từ những câu chuyện nghe được, bà có thể cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh. Bà tâm sự: “Lúc nghe những câu chuyện đó, cảm nhận được những mất mát to lớn, thì với tôi, không khao khát nào lớn hơn khao khát hoà bình, miền Nam được giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà”.

Đã qua nửa thế kỷ, ký ức những ngày gần cuối cuộc chiến vẫn in hằn trong trí nhớ người cựu chiến binh. Ngày có tin chiến thắng từ miền Nam chuyển về, người dân cùng nhau hò reo. Cả làng cùng vui, hô hào rất khí thế, hướng về miền Nam. Đó mãi mãi là ký ức đẹp.

Ngày 30.4 năm 1975, bà Xuân nhớ lại, tất cả người dân tập trung dưới những tán cây để nghe ngóng tin tức từ đài phát thanh. Đơn vị bà đóng quân ở nhà dân nên cũng cảm nhận được không khí lúc ấy. Ngay khoảnh khắc xe tăng ta húc đổ cổng dinh Độc Lập, niềm vui giải phóng được vỡ oà với những nụ cười và giọt nước mắt hạnh phúc. Nhưng trong niềm hạnh phúc đó cũng có chút bùi ngùi vì không còn Bác.

Hoà bình đẹp thật!

Cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh, bà Xuân một lòng biết ơn sâu sắc những người đã nằm xuống hoặc vẫn mang trong mình mảnh bom, đạn để đổi lấy hoà bình cho dân tộc. Bà luôn nỗ lực làm việc đóng góp cho xã hội. Năm 1977, bà phục viên với niềm tiếc nuối khi không thể học lên sĩ quan do căn bệnh tim.

Năm 1982, bà theo chồng vào Tây Ninh làm việc, xây dựng cuộc sống mới. Bà Xuân làm cán bộ quản lý giáo dục, rồi giáo viên tại Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Tây Ninh). Nghỉ hưu, bà tham gia công tác xã hội và được nhiều người biết đến trong công tác vận động làm thiện nguyện, chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn với hàng trăm suất quà mỗi năm. Bà còn được biết đến với việc mở và duy trì lớp học tình thương cho trẻ em bị tự kỷ hơn chục năm qua.

Dịp tết vừa qua, bà Xuân cùng một cựu chiến binh đóng góp tặng quà cho 20 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Bà cho biết mình muốn gửi tình cảm trân trọng, biết ơn nhất đến những người cựu chiến binh; mong muốn họ có thể cảm nhận được sự quan tâm của nhiều người, không ai bị bỏ lại phía sau. Bà cho biết sẽ tiếp tục duy trì phần việc ý nghĩa này.

Với những việc làm của mình, thời gian qua, bà Xuân 5 lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

“Tôi từng là một người lính Cụ Hồ nên luôn ghi nhớ lời dạy của Bác, quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Những việc làm này như một lời tri ân của tôi đến những chiến sĩ đã ngã xuống. Tôi may mắn còn được nhìn thấy hoà bình nên muốn thay họ làm những việc tốt có ý nghĩa với cuộc sống”- bà Xuân chia sẻ.

Trong không khí sôi nổi những ngày đất nước kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Xuân hạnh phúc khi được ngắm nhìn, cảm nhận niềm vui trọn vẹn của hoà bình. Hoà bình đẹp thật!

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục