Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Phản hồi về một bài báo:
Ông Trần Văn Te không phải thương binh giả
Thứ hai: 03:11 ngày 28/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Báo Tây Ninh số ra ngày 31.8.2015 có đăng bài: “Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã bị nghi ngờ là thương binh giả: Đâu là sự thật?” viết về trường hợp của ông Trần Văn Te- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Mới đây Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành đã có công văn phản hồi xung quanh sự việc được nêu trong bài báo. Để rộng đường dư luận, báo Tây Ninh lược đăng nội dung công văn như dưới đây.

Ông Trần Văn Te trong buổi làm việc với phóng viên báo Tây Ninh hồi tháng 8.2015

Bài báo ngày 31.8 bắt nguồn từ đợt tổng rà soát người có công với cách mạng (thực hiện trong 2 năm 2014 và 2015). Xin nhắc lại sự việc: trong quá trình diễn ra đợt tổng rà soát, ông Nguyễn Thu Định- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Biên Giới có làm đơn gửi các cơ quan chức năng và báo giới bày tỏ mối hoài nghi về trường hợp thương binh của ông Trần Văn Te. Bài báo nói trên có nêu ý kiến của nhiều nhân chứng liên quan. Ngay sau khi bài báo ra đời, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành đã gặp gỡ các nhân chứng để làm rõ tường hợp của ông Te.

Nhiều người khẳng định ông Te từng bị thương trong chiến đấu

Ông Trịnh Văn Thân (Lý Thái Sơn), cán bộ hưu trí cho biết, ông chính là người xác nhận trường hợp thương binh của ông Te. Ông Thân tham gia cách mạng năm 1947, giai đoạn 1974-1975 ông làm trợ lý dân quân Huyện đội Châu Thành, sau đó được cử làm Xã đội phó xã Biên Giới khoảng một năm. Ông khẳng định ông Te có tham gia du kích xã nhưng không nhớ rõ thời gian. Trong một trận đánh ở khu vực Mã Đá thuộc ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, ông Te bị thương ở ngón tay. Trận đánh có ba người tham gia gồm ông Thân, ông Te và ông Đực. Ông Đực là người đã dìu ông Te về trạm y tế xã để chữa vết thương.

Ngày 20.11.1993, ông Thân đã xác nhận để làm hồ sơ thương binh cho ông Te. Tuy nhiên, trong giấy xác nhận này, ông chỉ là người ký tên còn nội dung thì do người khác viết. Ông Đực, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đực, sinh năm 1955, ngụ ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước cũng khẳng định với đoàn xác minh rằng trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến 1979, ông có tham gia du kích tại xã Biên Giới dạng không tập trung, không thoát ly và ông Te  cũng có tham gia du kích nhưng không nhớ rõ năm nào. Ngày ấy, tại khu Mã Đá, ấp Bến Cầu xảy ra trận đánh giữa ta với bọn Pôn Pốt. Tham gia trận đánh có 6 người, chia làm 2 tổ- trong đó có ông Đực, ông Te và ông Thân. Trong trận đánh đó, ông Te bị thương vào ngón tay, ông Thân đã cử ông Đực dìu ông Te về phía sau.

Một nhân chứng khác cũng khẳng định ông Te có bị thương, đó là ông Lê Văn Du, sinh năm 1952, hiện ngụ ấp Trường, xã Hảo Đước. Ông Du từng tham gia công tác trong lực lượng vũ trang an ninh huyện Châu Thành. Từ tháng 4.1974 đến tháng 8.1976, ông công tác ở Xã đội Biên Giới và từ tháng 9.1976 đến năm 1979 ông phụ trách công an ấp Rạch Tre. Ông Du cho biết, thời gian từ năm 1974 đến 1976 ông có công tác chung với ông Te, lúc đó ông Te còn rất nhỏ nhưng đã là du kích xã (không thoát ly). Cũng theo ông Du thì ông Te đã bị thương hai lần, một lần trong đó có sự chứng kiến của ông Du.

 Một nhân chứng khác nữa tên Đặng Văn Hội, sinh năm 1953, hiện ngụ tại ấp Vịnh, xã An Cơ, năm xưa từng là du kích xã Biên Giới cũng xác nhận: ông Te bị thương hai lần; lần thứ nhất vào năm 1974 tại một địa điểm có tên là K20 (nay là đồn biên phòng) và lần thứ hai vào năm 1976 tại khu Mã Đá khi đánh nhau với quân Khmer đỏ. Ông Lâm Văn Trừ, sinh năm 1952, ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh trước kia cũng có thời gian tham gia du kích đã lên tiếng khẳng định điều tương tự.

Còn ông Nguyễn Quang Cảnh, sinh năm 1937, ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ thì kể rằng từ năm 1975 đến 1977 ông làm Xã đội trưởng xã Biên Giới, sau đó mới về huyện Châu Thành công tác. Ông còn nhớ thời ấy ở xã Biên Giới có những trận đánh nhỏ ở khu Mã Đá và có một người bị thương nhưng không nhớ cụ thể đó là ai. Về phần ông Te, ông Cảnh quả quyết ông này có tham gia du kích ấp và do xã điều động khi cần.

Một người khác- ông Trần Ngọc Hồi, sinh năm 1950, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh kể rằng: giai đoạn 1970 - 1974 ông làm Phó Bí thư, sau lên Bí thư Xã đoàn Biên Giới và phụ trách chính trị Xã đội Biên Giới. Vào thời điểm 1974, ông Te là du kích dạng không thoát ly, khi nào cần xã điều động (lúc đó ông Te khoảng 16-17 tuổi). Tháng 10.1974, giặc Pôn Pốt tràn xuống đánh khu Tà Cháp, ông Hồi được phân công lên hỗ trợ. Khi đến nơi, trận đánh đã kết thúc và quân Khmer đỏ đã bỏ chạy. Ông tìm hiểu thì được biết trong trận đánh này có hai người chết, ba người bị thương-trong đó có ông Te. Vào khoảng năm 1976 (không nhớ rõ tháng nào) tại ấp Bến Cầu lại xảy ra trận đánh nhau giữa ta và giặc Pôn Pốt, ông Te lần thứ hai bị thương.

Trong quá trình xác minh, đoàn kiểm tra của Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành cũng đã gặp những nhân chứng do bên tố cáo cung cấp thông tin. Một trong những người đó là ông Nguyễn Văn Đực, sinh năm 1953, ngụ ấp Bến Cầu, xã Biên Giới. Tiếp xúc với đoàn xác minh, ông Đực cho biết, năm 1976 - 1978, ông tham gia du kích xã Biên Giới, thời điểm này du kích dạng tập trung tại xã có khoảng trên 10 người, còn du kích ấp dạng không tập trung rất đông. Ông không biết ông Te có tham gia du kích ấp hay không và có bị thương hay không.

Ông Trần Văn Oai, sinh năm 1955, ngụ cùng ấp với ông Đực và ông Đinh Văn Núi, sinh năm 1947, ngụ ấp Tân Long, xã Biên Giới đều từng có thời gian tham gia du kích trước kia và đều đã trả lời đoàn xác minh cùng một nội dung như thế. Thông tin tương tự cũng được lặp lại ở các nhân chứng còn lại gồm các ông Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Văn Hết và Huỳnh Hào Quang.

Kết luận của cơ quan chức năng

Sau khi trực tiếp làm việc với những người có liên quan, đoàn kiểm tra, xác minh nhận thấy, đối với những người biết về ông Trần Văn Te (mời 9 người thì có 8 người tham gia), trong đó 7 người xác nhận ông Te có tham gia du kích và bị thương. Đối với những người do bên tố cáo cung cấp thông tin (mời 8 người nhưng làm việc được 6 người) trong đó cả 6 người đều không biết rõ về trường hợp ông Te và không người nào tham gia cùng trận đánh với ông Te.

Từ những căn cứ nêu trên, ngày 7.12.2015, UBND huyện Châu Thành, sau cuộc họp với đoàn xác minh, đã đi đến kết luận như sau: ông Trần Văn Te có tham gia du kích ấp dạng không tập trung, trực thuộc Xã đội Biên Giới. Thời gian tham gia du kích ông Te có bị thương trong khi chiến đấu với bọn Khmer đỏ. Hồ sơ thương binh của ông Te được thực hiện đúng theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật. Ông Te có thiếu sót là khi làm hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, ông đã khai gộp các vết thương ở lần bị thương thứ nhất (1974) vào chung với lần bị thương thứ hai (1976).

Liên quan đến năm sinh của mẹ ông Te, theo kết luận, năm sinh đúng của mẹ ông Te là 1939. Do thời chiến tranh mẹ của ông làm công tác mật cho Công an Tây Ninh, bị địch bắt tù đày, để dễ hoạt động, bà đã sửa năm sinh từ 1939 thành 1947. Do đó, lý lịch Đảng của ông Te và các giấy tờ của mẹ ông đều ghi năm sinh là 1947.

Trong ngày đầu đi xác minh, đoàn có làm việc với ông Nguyễn Thu Định tại UBND xã Biên Giới. Sau khi phân tích, thu thập thông tin, cuối buổi làm việc ông Định không đề nghị rút đơn mà chỉ nhận lại lá đơn và hứa với đoàn là sẽ làm lại lá đơn khác bổ sung. Tuy nhiên, cán bộ ngành chức năng chờ đợi khá lâu vẫn không thấy ông Định gửi đơn tiếp. Do vậy, trong báo cáo kết quả tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của ngành chức năng có nêu ông Định đã rút đơn; lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành tự nhận có thiếu sót về điều này.

VIỆT ĐÔNG

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh