Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày thương binh liệt sỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
An toàn vệ sinh thực phẩm:
Phải bảo đảm từ “gốc”
Thứ ba: 09:45 ngày 01/12/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) liên quan trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, thực phẩm “bẩn” vẫn hằng ngày hiện diện trong bữa ăn của nhiều gia đình như một thách thức với nhà quản lý. Thực tế cho thấy, muốn có chuỗi thực phẩm an toàn, phải bắt đầu từ khâu sản xuất và chế biến.

Nông dân ấp Bình Quới, xã Bình Thạnh thu hoạch rau.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, hiện tại trên địa bàn tỉnh có khoảng 162 trang trại, gia trại chăn nuôi heo với quy mô 50 con trở lên; 5 triệu con gà, trong đó 2,6 triệu con được chăn nuôi tại 43 trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung theo mô hình trại lạnh, khép kín; 50 cơ sở giết mổ; 23 cơ sở sản xuất rau an toàn; 254 cơ sở chế biến thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và rất nhiều điểm bán rau, thịt tại các chợ huyện, xã.

Trong quá trình sản xuất, chế biến, nhiều đơn vị không tuân thủ quy trình đúng theo quy định. Đáng chú ý, hiện nay đang xuất hiện tình trạng sử dụng chất tạo nạc Sabutanol trong chăn nuôi heo, chất vàng O (một loại phẩm màu dùng trong công nghiệp) trong chăn nuôi gà gây hoang mang cho người tiêu dùng. Việc sử dụng vô tội vạ thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt rau, củ, quả như thói quen của nhiều người đang tạo ra mối lo cho sức khoẻ cộng đồng.

Người tiêu dùng biết đâu mà lần

Bà Trần Thị Mai, ngụ ấp Trường Lưu, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết, bà thường mua thức ăn ở chợ, sau vài lần chế biến bà nhận thấy thịt heo mua về thường có mùi hôi, còn cá sau khi rửa sạch lại có màu óng ánh, giống như bị ướp thuốc.

Sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ, bà nghĩ ra cách đối phó: thịt cá mua ở chợ về phải trụng qua nước sôi rồi mới chế biến cho yên tâm hơn. Chị Thu Trang người cùng ấp Trường Lưu cũng chia sẻ mối băn khoăn: “Tôi không biết mua thực phẩm ở đâu mới sạch.

Hằng ngày, tôi thường mua chúng từ những người bán dạo. Nghe họ nói rau do nhà trồng rồi đem bán, còn cá thì bắt dưới ruộng, không ướp thuốc nên tôi cũng đỡ lo”. Tuy nhiên, cũng như cách đối phó của bà Mai, đó chỉ là sự tự trấn an của chị Trang, còn sự thật các loại thực phẩm sử dụng có an toàn hay không thì chẳng ai dám chắc.

 Bà Võ Thị Ánh Hồng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục QLCL nông lâm sản và thuỷ sản) cho biết, kết quả kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy: tình hình thực phẩm không sạch được bán ngoài thị trường còn diễn biến khá phức tạp.

Ngoài việc kinh doanh tại chợ, người dân còn mua bán tự do, nhỏ lẻ nên tình trạng gian lận thương mại còn phổ biến khiến ngành chức năng khó kiểm soát.

Trong đợt thanh tra chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm sản trên địa bàn tỉnh năm 2015- đợt 3, Chi cục QLCL nông lâm sản và thuỷ sản đã kiểm tra 106 cơ sở, lấy 30 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm. Kết quả, có 75 cơ sở vi phạm và 10/30 mẫu thực phẩm không đạt chất lượng.

Khi tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có dấu hiệu bùng phát trở lại, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi và xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm.

Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức ngay các đoàn công tác kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Salbutanol (chất tạo nạc) trên địa bàn.

Ai cũng biết, để có chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” thì khâu sản xuất, lưu thông, bảo quản, chế biến phải bảo đảm chất lượng. Song, nếu thực phẩm mất an toàn từ “gốc” thì việc làm tốt ở các công đoạn sau cũng bằng thừa.

 Bà Hiếu- tiểu thương bán thịt tươi sống tại Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành nói: “Tôi bán thực phẩm tươi sống hơn 10 năm nay nhưng có lúc còn không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm không sạch. Với các loại thực phẩm nhập từ tỉnh khác về, tiểu thương như chúng tôi không thể biết được người cung cấp có trà trộn hàng mất an toàn hay không”.

Theo Chi cục QLCL nông lâm sản và thuỷ sản, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền cho người dân những nội dung về thực phẩm an toàn.

Riêng công tác tuyên truyền về việc nuôi, trồng bảo đảm chất lượng thực phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng hoá chất gây ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng (phần lớn do ngành nông nghiệp triển khai), do kinh phí thực hiện còn hạn chế nên việc tuyên truyền chưa làm sâu sát đến dân.

Gần đây, người tiêu dùng hết sức hoang mang trước thông tin về chất tạo nạc trong thịt heo gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. Heo được nuôi bằng hoá chất tạo nạc da sẽ mỏng, da có độ căng bất thường giống như bị ứ nước bên trong. Kinh nghiệm là khi chọn thịt heo, người tiêu cùng cần tránh loại thịt có lớp mỡ dưới da rất mỏng, độ dày chưa đến 1cm (lớp mỡ của heo nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). 

Để chọn được thịt an toàn, nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh loại thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen không bóng, màng ngoài nhớt.

Thịt tươi, ngon phải có lớp mỡ màu sáng bóng, phần nạc có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Theo lời bà Hồng, việc quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trong quá trình sản xuất là giải pháp tích cực để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông sản nói riêng, thực phẩm nói chung. Để làm được điều này, công tác quản lý chất lượng thực phẩm phải được thực hiện theo chuỗi, tức là quản lý từ khâu sản xuất đến lưu thông, sơ chế, chế biến thực phẩm, đóng gói để chuyển đến tay người tiêu dùng.

Đây là giải pháp hữu hiệu để truy xuất tận gốc, bảo đảm tính an toàn cho sản phẩm. Để bảo đảm từng khâu, từng công đoạn của chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm được quản lý, giám sát chặt chẽ, nhất thiết phải phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng đơn vị phụ trách.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Tây Ninh có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm soát. Nhiều người sản xuất, kinh doanh vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc quản lý thực phẩm theo chuỗi cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; cùng triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, quản lý các khâu trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, từng bước hình thành trong cộng đồng dân cư ý thức xây dựng một nền sản xuất an toàn, bền vững từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Muốn cho nông sản đến tay người tiêu dùng đạt chỉ số an toàn cao, ngoài giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cần phổ biến kiến thức khoa học trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp nông dân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, nuôi trồng thực phẩm an toàn.

Một cơ sở chế biến bì lợn tại TP. Tây Ninh.

Hướng đến thực phẩm sạch

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc hình thành các cửa hàng rau sạch trong thời điểm hiện tại là thật sự cần thiết để người tiêu dùng có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm sạch.

Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tạo điều kiện mở thêm 4 cửa hàng rau sạch tại các huyện Hoà Thành, Tân Châu, Gò Dầu và Trảng Bàng, đồng thời nhân rộng ra tất cả các huyện, chợ đầu mối để cung cấp trực tiếp cho người dân có nhu cầu và các bếp ăn tập thể như trường học, công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phê duyệt hồ sơ xin cấp phép cung ứng trái cây sạch trên địa bàn Tây Ninh của cửa hàng Trái Cây Ngon Số 1 và cửa hàng Trái Cây Bốn Mùa tại khu phố 4, phường 3, TP. Tây Ninh.

Tại phiên họp thường kỳ vào tháng 11 vừa qua, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên gà, hướng tới, xuất khẩu trên địa bàn Tây Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, sẽ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

Đối với các hộ chăn nuôi ở nông thôn, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ góp phần bảo vệ sức khoẻ con người, bảo đảm nguồn dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái. Trong xu hướng hội nhập hiện nay, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, và mức độ cạnh tranh giữa sản phẩm nội địa với sản phẩm nhập khẩu sẽ ngày càng khốc liệt hơn.

Để phát triển bền vững, yêu cầu ngành chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo nên những sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.

THANH NHI

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh