Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo kế hoạch, huyện Hoà Thành cùng với huyện Trảng Bàng sẽ trở thành thị xã vào năm 2017. Tuy nhiên, để thực sự là một đô thị xứng tầm vào năm 2017 và hướng tới thành lập thành phố thuộc tỉnh vào năm 2025, huyện Hoà Thành sẽ còn nhiều việc phải làm, nhất là xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị để đưa thị trấn Hoà Thành đạt chuẩn đô thị loại IV vào cuối năm nay.

Khu trung tâm thị trấn Hoà Thành.
Dáng dấp đô thị đã có từ lâu
Theo đánh giá mới đây của UBND huyện Hoà Thành về Chương trình phát triển đô thị thị trấn Hoà Thành đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thị trấn Hoà Thành so với các tiêu chuẩn đô thị loại IV đã đạt chuẩn.
Trong đó, tiêu chuẩn chức năng đô thị như vị trí, tính chất đô thị và đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện vào năm 2013 đạt 50,19 triệu đồng, so với cả nước trên 1,22 lần. Mức độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm (từ 2012 đến 2014) đạt từ 17,53% đến 17,92%.
Tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm từ (2012 đến 2014) giảm từ 1,87% xuống còn 0,44%. Đây là những chỉ tiêu mà thị trấn Hoà Thành đạt chuẩn tối đa. Riêng chỉ tiêu mức tăng dân số hằng năm trong 3 năm gần đây trên địa bàn thị trấn (từ 0,85% đến 0,87%) là chưa đạt. Dân số đô thị thị trấn Hoà Thành hiện nay vào khoảng 15.860 người, so với tiêu chuẩn đô thị loại IV (50.000-150.000 người) thì chỉ tiêu này cũng chưa đạt.
Về tỷ lệ đô thị hoá, hiện thị trấn Hoà Thành đang là đô thị loại V nên không phân chia nội, ngoại thị. Do đó, toàn bộ dân số thị trấn Hoà Thành thuộc khu vực nội thị. Mật độ dân số hiện nay là 7.286 người/km2 đã vượt qua tiêu chuẩn quy định của đô thị loại IV là từ 4.000 đến 6.000 người/km2.
Tính đến cuối năm 2014, toàn thị trấn Hoà Thành có 4.083 căn nhà, trong đó toàn bộ là nhà kiên cố, bán kiên cố đạt tỷ lệ 100%, cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quy định của đô thị loại IV là từ 50% đến 60%.
Diện tích tự nhiên của huyện hiện là 8.311,84 ha, đơn vị hành chính gồm thị trấn Hoà Thành và 7 xã (Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung, Long Thành Nam, Trường Đông, Trường Hoà, Trường Tây). Dân số toàn huyện năm 2014 hơn 144.000 người.
Dự kiến khi huyện Hoà Thành trở thành thị xã, nằm liền kề thành phố Tây Ninh, sẽ là trung tâm dịch vụ thương mại của tỉnh với lợi thế hệ thống giao thông được quy hoạch phân lô “bàn cờ” gồm nhiều trục đường đan nhau một cách mạch lạc, thuận lợi.
Theo UBND huyện, hiện nay, các tiêu chuẩn công trình công cộng, chỉ tiêu về giao thông, tiêu chuẩn lao động phi nông nghiệp, chỉ tiêu về hệ thống hạ tầng đô thị của thị trấn Hoà Thành đều đạt so với tiêu chuẩn quy định về đô thị loại IV.
Thực tế, nếu nhìn “bên ngoài” thị trấn Hoà Thành và một số khu vực giáp ranh, chúng ta cũng nhận thấy được dáng dấp của đô thị có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh trong tương lai, với nhiều dãy phố khang trang, sầm uất xung quanh Trung tâm thương mại Long Hoa.
Song song đó, hoạt động thương mại của cư dân thị trấn Hoà Thành ngày càng nhộn nhịp, sung túc, phát triển đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Bên cạnh đó, thời gian qua, do xã Long Thành Trung là xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh nên hạ tầng kỹ thuật, trong đó có đường giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh.
Thị trấn Hoà Thành và một số vùng của các xã lân cận như Hiệp Tân, Long Thành Bắc… từ lâu đã hình thành dáng dấp của một đô thị phát triển theo hướng dịch vụ, thương mại, đời sống cư dân được nâng cao, dần hình thành nếp sống đô thị.
“Đường quê” giữa đô thị
Thế nhưng, hiện vẫn còn những “góc khuất” là hệ thống đường giao thông ở khu phố 4, thị trấn Hoà Thành. Hiện nay, các con đường giao thông tại khu phố 4 đã xuống cấp, đường đất, đường sỏi đá do lâu ngày không được nâng cấp, thiếu hệ thống thoát nước nên cứ mỗi khi mưa đến là nhiều nơi bị ngập úng cục bộ, gây mất mỹ quan đô thị.
Do đó, người dân cho rằng, nếu thị trấn Hoà Thành trở thành đô thị loại IV vào cuối năm 2015 thì chính quyền huyện cần tập trung nâng cấp hệ thống đường giao thông theo hướng bê tông hoá, nhựa hoá, lắp đặt hệ thống thoát nước, hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng đô thị… khi đó thị trấn Hoà Thành sẽ thật sự có diện mạo mới và rất thiết thực trong tiến trình xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Tại các tuyến đường Nguyễn Huệ, An Dương Vương, Nguyễn Văn Linh hiện tồn tại những con đường cắt ngang bởi hệ thống cống nổi, khiến đường thành mương thoát nước, cỏ dại mọc um tùm, nhếch nhác.
Đáng quan tâm nhất là hai con đường chính của huyện là Nguyễn Chí Thanh (người dân thường gọi là Cao Thượng Phẩm) và Trần Phú (lộ Bình Dương) là đường nối giữa quốc lộ 22B với thị trấn Hoà Thành. Nếu hai con đường trên được nâng cấp thì bộ mặt cả huyện sẽ thay đổi rõ rệt. Thế nhưng hiện tại, hai tuyến đường này đang hư hỏng nặng, kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Hoà Thành vẫn còn những con đường lầy lội như thế này.
Còn tại xã Hiệp Tân hiện nay, những con đường giao thông nhỏ tại các xóm ở các ấp Hiệp Long, ấp Hiệp Trường đã cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng nếu đúng theo dự kiến, xã Hiệp Tân cũng tiến lên thành phường vào năm 2017 thì không thể để tồn tại những con đường đất trong khu dân cư.
Song song đó, Hoà Thành cũng phải tính toán đến việc quy hoạch phát triển giao thông khu vực ngoại thị ở các xã khác như Trường Hoà, Trường Tây, Trường Đông và Long Thành Nam để từng bước phát triển theo đô thị- thị xã Hoà Thành trong tương lai.
Một hình ảnh đáng buồn tồn tại nhiều năm nay là tình trạng khu C, D Trung tâm thương mại Long Hoa ngổn ngang, vẫn đang “nằm chờ” nhà đầu tư triển khai xây dựng. Nếu khu này được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh thì ngoài việc thay đổi hoàn toàn bộ mặt Trung tâm thương mại Long Hoa, nó còn thúc đẩy sự phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ của người dân địa phương- mà đây chính là thế mạnh của huyện Hoà Thành thời gian qua cũng như về sau.
THẾ NHÂN