Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề kỹ thuật cao vẫn còn thiếu, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại khi sử dụng.

|
Công nhân dệt may làm việc trong một khu công nghiệp của tỉnh (ảnh minh hoạ).
Tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh được tổ chức hôm 11.5 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bản dự thảo “Chương trình phát triển nguồn nhân lực Tây Ninh giai đoạn 2016 – 2020”. Bản dự thảo được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao và các thành viên tham dự cuộc họp đã đóng góp một số ý kiến cho bản dự thảo quan trọng này.
UBND tỉnh nhận định: 5 năm qua, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được đầu tư theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Toàn tỉnh hiện có 131 trường mầm non, mẫu giáo; 262 trường tiểu học; 107 trường trung học cơ sở; 32 trường trung học phổ thông. Trong đó có 117 trường đạt chuẩn quốc gia (22 trường mầm non, 55 trường tiểu học, 34 trường THCS, 6 trường THPT). Đến nay tỷ lệ giáo viên vượt chuẩn về văn bằng đạt gần 70%.
Mạng lưới dạy nghề được mở rộng, hoàn thành việc nâng cấp Trường trung cấp Nghề Tây Ninh lên thành cao đẳng. Toàn tỉnh hiện có một trường cao đẳng nghề công lập, một trường trung cấp nghề công lập, 2 trung tâm giới thiệu việc làm công lập, 6/10 trung tâm giáo dục thường xuyên tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Một số trung tâm thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng; 202 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tham gia dạy nghề. Ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, cung cấp nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Các ngành nghề đào tạo đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ người học nghề tìm được việc làm phù hợp với nghề đào tạo đạt 97%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề tăng từ 45% (năm 2010) lên 60% (năm 2015).
Lực lượng lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế không ngừng được nâng cao về số lượng và kỹ năng nghề nghiệp. Năm 2015, ước tính các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thu hút khoảng 100.000 lao động vào làm việc- tăng gấp 2 lần so với năm 2011.
VẪN THIẾU LAO ĐỘNG TAY NGHỀ KỸ THUẬT CAO
Ngoài những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2011 – 2015 cũng còn không ít hạn chế. Thông tin từ UBND tỉnh cho biết, giai đoạn này còn một số nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó lĩnh vực giáo dục và đào tạo 4 nhiệm vụ, dạy nghề 2 nhiệm vụ. Cụ thể là đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không đạt kế hoạch đề ra do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Đề án xây dựng ký túc xá sinh viên tạm dừng do Trung ương không tiếp tục phân bổ vốn cho tỉnh. Đề án nâng cấp Trường cao đẳng sư phạm Tây Ninh lên đại học và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật lên cao đẳng đã trình lên Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được phê duyệt. Hiệu quả thực hiện 3 đề án đào tạo của tỉnh còn hạn chế. Trong việc tuyển chọn cán bộ, công chức tham gia lớp tạo nguồn chức danh bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND cấp xã đến nay còn một số trường hợp chưa bố trí được vì không có biên chế. Việc chọn cán bộ, công chức đi đào tạo tại các cơ sở nước ngoài còn gặp khó khăn do vướng về trình độ ngoại ngữ. Chủ trương thu hút các nguồn lực ngoài khu vực Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế, chỉ có một số ít ở cấp học mầm non. Số lượng dự án liên quan đến giáo dục, đào tạo thu hút được không đáng kể. Kế hoạch xây dựng trường đại học tư thục (Trường đại học Khai Minh và Trường đại học Đông Nam) không triển khai thực hiện được do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Tương tự, kế hoạch xây dựng Trường cao đẳng Văn hoá – Thể thao và Du lịch cũng chưa thực hiện được. Trong giai đoạn vừa qua, tỉnh chưa thống kê và đánh giá được kết quả nhân lực qua đào tạo theo bậc đào tạo, nhân lực qua đào tạo ở các ngành, lĩnh vực để làm cơ sở dự báo cung cầu lao động, nhu cầu đào tạo nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh dự kiến là 1.133,8 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 1.020 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 113,8 tỷ đồng. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ lao động có kỹ năng và tay nghề kỹ thuật cao vẫn còn thiếu, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại khi sử dụng. Số lượng người có học hàm, học vị được thu hút về tỉnh không nhiều, do không phù hợp với ngành nghề thu hút của tỉnh và số biên chế của tỉnh còn ít đã hạn chế chỉ tiêu thu hút nhân lực vào cơ quan Nhà nước. Nhân lực ngành y tế còn thiếu nhiều bác sĩ, nhất là các ngành khó thu hút như lao, phong, tâm thần… Tình trạng bác sĩ bỏ việc để ra làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân vẫn còn xảy ra.
TRÁCH NHIỆM CỦA MỖI NGÀNH
Xung quanh vấn đề phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu đề ra là tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, hình thành đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, thực hiện các chính sách để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là nhân lực khoa học - công nghệ, cán bộ quản lý, kinh doanh và công nhân kỹ thuật lành nghề.
Để thực hiện được mục tiêu nói trên, UBND tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành có liên quan. Chẳng hạn, đối với ngành Giáo dục, một số chỉ tiêu đáng chú ý như: huy động 85% trẻ từ 3 đến 5 tuổi đến lớp, duy trì 99% trẻ 5 tuổi đến lớp, 75% trường mầm non tổ chức loại hình bán trú; trong giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ học sinh tiểu học học hai buổi một ngày đạt 85%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT và trung cấp nghề đạt 90% trở lên… Đối với lĩnh vực dạy nghề, UBND tỉnh giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tập trung đào tạo giáo viên đáp ứng cho các trường nghề; đào tạo công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá trên lĩnh vực đào tạo nghề giai đoạn 2016-2020, bảo đảm số lao động có việc làm tăng thêm hằng năm khoảng 17.000 người, khuyến khích người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động làm việc trong các khu vực kinh tế theo hướng từ khu vực nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ…
Về nhân lực ngành Y tế, Sở Y tế có nhiệm vụ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực của ngành đến năm 2020 và năm 2025, ưu tiên đào tạo nâng cao tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân. Trong những năm tới, tập trung nâng cấp, sửa chữa Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, tiếp tục nâng cấp mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 bệnh viện đa khoa huyện Hoà Thành, Châu Thành và Dương Minh Châu, 2 bệnh viện chuyên khoa (Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng). Ngành cần chú ý xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực y tế để kịp thời bổ sung, thay thế số bác sĩ về hưu, bác sĩ chuyển công tác nhằm đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, Tây Ninh đạt 7 bác sĩ/vạn dân.
Về phía Sở Nội vụ: có nhiệm vụ dự báo nhu cầu đào tạo cho giai đoạn tới để có định hướng, chính sách phù hợp với vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng đào tạo trình độ trung cấp, đại học cho cán bộ công chức cấp xã phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu phát triển của tỉnh; đào tạo trình độ đại học, sau đại học cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện; thực hiện chính sách đào tạo và thu hút nhân tài của tỉnh Tây Ninh.
Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh có nhiệm vụ xây dựng Đề án “Giải quyết lao động cho các khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kết nối thông tin về cung cầu lao động; dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; phối hợp tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo nghề cho người lao động; hạn chế tiếp nhận các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông làm việc có tính chất nghề nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp nhận thiết bị và công nghệ tiên tiến; quan tâm mời gọi đầu tư hạ tầng xã hội, thiết chế văn hoá phục vụ cho đời sống của người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà ở, khu sinh hoạt thể thao và nhà trẻ, trường mẫu giáo cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu kinh tế.
NGHĨ VỀ NHỮNG CON SỐ
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thật ra không phải là điều gì mới mẻ. Chủ trương phát triển nguồn nhân lực đã có từ lâu và đã được thực hiện qua nhiều giai đoạn (thường theo nhiệm kỳ 5 năm). Có một thực tế là giữa đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo đã, đang và sẽ còn nhiều điều phải bận tâm. Mâu thuẫn giữa cung và cầu khiến cho hàng chục, hàng trăm ngàn người có trình độ từ trung cấp cho đến tiến sĩ phải lâm cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, tại các cơ quan Nhà nước, các vị trí gần như không còn một chỗ trống. Nếu có người nghỉ hưu hay nghỉ việc, lập tức có người khác “điền vào chỗ trống” ngay. Vậy nên, đào tạo thì cứ đào tạo, song có việc làm hay không, vị trí việc làm cho phù hợp với ngành nghề được đào tạo hay không, lại là một câu chuyện khác và đó là một câu chuyện dài.
Ở một khía cạnh khác, trong bản dự thảo phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2020, có nhiều con số từng gây hoài nghi. Ví dụ, trong giai đoạn 2011 – 2015, bình quân mỗi năm tạo ra 20.000 chỗ làm, hiện tại có khoảng 100.000 lao động đang làm trong các khu, cụm công nghiệp… Trong các kỳ họp HĐND tỉnh trước đây, tại các phiên thảo luận tổ hoặc chất vấn trực tiếp ở hội trường, một số đại biểu bày tỏ sự nghi ngờ những con số trong bản báo cáo. Bởi làm sao có thể năm nào cũng tạo ra 20.000 chỗ làm một cách “ngon lành” như vậy? Không biết có phải vì vậy mà trong bản dự thảo lần này (phần nói về kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020), số người có việc làm hằng năm hạ xuống còn 17.000. Hay như thống kê tỷ lệ lao động qua đào tạo, trong vòng 5 năm, tỷ lệ này tăng đến 15%! Nếu con số vừa nêu bảo đảm tính chân thực, có độ tin cậy cao thì có thể coi là một bước tiến không nhỏ của tỉnh ta trong lĩnh vực này.
VIỆT ĐÔNG
Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo chiếm 70%; giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 1,8%, số lao động có việc làm tăng thêm hằng năm khoảng 17.000 lao động. |