Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Có thể nói giải pháp “sống chung với… buôn bán trên lề đường, vỉa hè” là giải pháp mới, chủ đạo mang tính định hướng của vấn đề này. Giải pháp này thực chất cũng là việc tạo điều kiện cho chính người dân tự quản việc sử dụng lề đường, vỉa hè.

Nhiều năm qua, cũng như các đô thị trên cả nước, thành phố Tây Ninh luôn phải “loay hoay” với việc giải quyết vấn đề người dân “lấn chiếm lòng, lề đường” để hoạt động kinh doanh. Thực tế cho thấy việc giải quyết vấn đề trên gần như là “nhiệm vụ bất khả thi” trong công tác quản lý trật tự đô thị.
Gần đây, một giải pháp được đưa ra với mong muốn biến tình trạng “bất khả thi” trở thành “khả thi”: Đó là giải pháp thu phí sử dụng lề đường, vỉa hè. Tuy nhiên, giải pháp này hiện còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc “rộng đường dư luận”, Báo Tây Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông TRẦN HỮU HẬU (ảnh), Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh.
|
(Chủ tịch UBND Thành phố Tây Ninh Trần Hữu Hậu. Ảnh- Tố Tuấn)
- Thưa ông Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh, gần đây khi HĐND tỉnh đưa vấn đề thu phí vỉa hè, lề đường ra lấy ý kiến các ngành thì có nhiều ý kiến không đồng tình, trong khi trước đó vào khoảng giữa tháng Tư năm nay, khi HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri Thành phố về chuyên đề này, hầu hết cử tri là cư dân đô thị đều bày tỏ sự đồng thuận. Là người đứng đầu chính quyền Thành phố, ông nhận định về việc buôn bán trên vỉa hè, lề đường như thế nào?
- Tôi nhận thấy, do đời sống còn nhiều khó khăn, không chỉ ở Tây Ninh, mà ở các đô thị lớn nhỏ, lề đường, vỉa hè đang là nơi mưu sinh của không ít người. Không ít những gánh bún, xôi; xe mì, hủ tiếu, tạp hoá… là nguồn nuôi sống cả gia đình, giúp cho nhiều em được học hành đến nơi đến chốn. Và, giúp đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu đa dạng của nhiều tầng lớp dân chúng.
Thực trạng đó rõ ràng là chiếm dụng lề đường, vỉa hè để kinh doanh; thể hiện qua việc những cửa hàng bày hàng hoá, bảng quảng cáo lấn ra vỉa hè; nhất là loại hình kinh doanh ăn uống vào chiều, tối; các loại xe bán hàng lưu động (xe đẩy, xe đạp, xe gắn máy…); các loại gánh hàng… đậu, đứng, ngồi lung tung trên lề đường vỉa hè, nhất là những nơi công cộng, đông người qua lại (công viên, cổng chợ, các khu văn hoá, thể thao, vui chơi, giải trí…). Những hình thức kinh doanh ấy làm cho bộ mặt đường phố, đô thị rất nhếch nhác, kém mỹ quan vì nó; kèm theo đó là việc xả rác bừa bãi gây mất vệ sinh, chiếm mất hoặc thu hẹp lối đi dành cho người đi bộ; thậm chí lấn sâu xuống lòng đường… gây mất an toàn giao thông
- Nói như thế tức là ông Chủ tịch thừa nhận có việc lấn chiếm vỉa hè, lề đường để hoạt động kinh doanh ở Thành phố ta. Vậy trong thời gian qua Thành phố đã xử lý tình trạng vi phạm ấy như thế nào, hiệu quả ra sao?
- Vâng, thực trạng ấy là không thể phủ nhận, tuy nhiên việc xử lý là rất khó khăn. Bởi lẽ đó là “nguồn sống” nên người dân phải tìm mọi cách để “bám” vào, trong khi việc tuyên truyền, vận động của chính quyền đoàn thể không có tác dụng bao nhiêu, còn việc “dọn dẹp” thì… lực lượng chức năng quá mỏng, ở TP Tây Ninh chỉ có 3 cán bộ Thanh tra giao thông; 14 cán bộ, nhân viên trật tự đô thị (mặc dù biên chế cho tới 17 người). Về phía lực lượng xã, phường thì không chỉ ít mà còn phải làm rất nhiều việc khác. Bên cạnh đó là việc kinh phí hoạt động giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường rất hạn chế.
Do tình hình và khả năng như trên nên công tác xử lý, dọn dẹp việc sử dụng lề đường, vỉa hè chủ yếu là làm theo “đợt”; ở những khu vực trọng điểm thì làm theo “giờ cao điểm”. Thực tế cho thấy, làm như thế chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”; xong “đợt”, thậm chí khi lực lượng chức năng vừa đi qua thì… đâu lại vào đấy. Đồng thời việc “dọn dẹp” còn tạo ra sự phản cảm, đánh mất hình ảnh chính quyền “của dân, vì dân” bởi việc lực lượng chức năng giằng co xe đẩy, quang gánh, ghế, bàn… với dân; dân khóc lóc, van xin người đi dẹp… Sau đó thu xong đem về chất đống, bỏ cho hư hỏng rất lãng phí; trong khi, với nhiều người dân đó là một phần không nhỏ của “gia tài”.
- Nói tóm lại là… chính quyền, ngành chức năng Thành phố gần như…“bó tay”, thưa ông Chủ tịch?
- Cũng có thể kết luận như thế nếu chỉ làm theo kiểu cũ, tức là “dọn dẹp”, rồi lại “dọn dẹp” nữa… Tuy nhiên, trong nước ta hiện nay ở nhiều đô thị, nhất là các đô thị đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều đã thực hiện thu phí sử dụng vỉa hè, lề đường như một cách quản lý trật tự đô thị.
- Vậy là từ chỗ “không quản lý được thì cấm”, nay đã tới chỗ “sống chung với… buôn bán trên lề đường, vỉa hè”?
- Đúng như thế. Có thể nói giải pháp “sống chung với… buôn bán trên lề đường, vỉa hè” là giải pháp mới, chủ đạo mang tính định hướng của vấn đề này. Giải pháp này thực chất cũng là việc tạo điều kiện cho chính người dân tự quản việc sử dụng lề đường, vỉa hè. Hay nói cách khác là “lấy dân quản dân”.
- Ông Chủ tịch có thể nói rõ hơn, cụ thể hơn về “giải pháp chủ đạo” ấy?
- Theo tôi, tuỳ theo mỗi “loại” lề đường, vỉa hè mà có cách tổ chức thực hiện phù hợp. Nhưng nói chung “đã sử dụng thì phải nộp phí”; đồng thời phải chấp hành các quy định về giới hạn khu vực được sử dụng; bảo đảm vệ sinh, bày trí việc buôn bán bảo đảm mỹ quan… Ví dụ, đối với các cửa hàng trên các tuyến phố; các công viên; các khu công cộng thì có những nơi thu thường xuyên, ổn định; có những nơi thu theo thời điểm lễ tết, ngày có sự kiện… Về phía các lực lượng Thanh tra giao thông, Trật tự đô thị và các phường, xã sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở và xử lý những trường hợp vi phạm quy định, cam kết.
- Còn việc “lấy dân quản dân” là sao?
- Đơn giản thôi. Chẳng hạn khi anh đã chấp nhận “thuê” tức là đóng phí để sử dụng đoạn vỉa hè trước cửa hàng của anh, thì anh đâu có để cho ai đến chiếm dụng “án mặt tiền” của anh. Nghĩa là không ai khác, chính người sử dụng vỉa hè, lề đường sẽ có trách nhiệm quản lý trật tự tại chỗ họ sử dụng, không cần lực lượng nào đến giằng co, quăng quật bàn ghế, bảng hiệu gì cả…
- Như thế, liệu giải pháp “sống chung” có khả thi, hiệu quả hơn kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” không, thưa ông Chủ tịch?
-Tôi tin là giải pháp mới này có hiệu quả. Cụ thể là: người sử dụng, nộp phí sẽ tăng trách nhiệm, tự “bảo vệ” khu vực của mình, không để người khác đến bán; do đó giảm thiểu tình trạng lôn xộn. Để bảo đảm “bộ mặt” nơi kinh doanh của mình, đồng thời chấp hành quy định (nếu không sẽ bị xử phạt nghiêm), người sử dụng lề đường, vỉa hè phải bố trí, sắp xếp việc mua bán theo quy định, phải giữ vệ sinh…; do đó cải thiện được mỹ quan đô thị. Lực lượng chức năng sẽ nhẹ đi rất nhiều do chủ yếu tập trung vào những người đã được sử dụng lề đường, vỉa hè; lại có những quy định rõ ràng, cụ thể nên xử lý dễ hơn. Mặt khác, có thêm nguồn thu để hỗ trợ cho các lực lượng chức năng tăng cường hoạt động.
- Lãnh đạo Thành phố đã thấy rõ sự lợi hại của việc thu phí sử dụng vỉa hè, lề đường; cư dân đô thị cũng tỏ ra đồng thuận qua các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề của HĐND tỉnh trước đây; vậy ông Chủ tịch có thể cho biết trong thời gian qua Thành phố đã chuẩn bị gì cho cuộc “sống chung” sắp tới?
- Vừa qua, Thành phố đã lập phương án thu phí sử dụng lề đường, vỉa hè, trình xin tỉnh nhưng chưa được duyệt, do có ý kiến là phải chờ Luật Phí và lệ phí. Trước đó, từ năm 2013, Thành phố đã đề xuất tổ chức “Phố ăn đêm” tại công viên ven rạch Tây Ninh, theo phương thức thu phí sử dụng vỉa hè để lập lại trật tự và tạo một “điểm đến” lịch sự, hấp dẫn cho người dân và du khách. Hiện tại, ngành chức năng tỉnh đang xem xét việc tổ chức “Phố ăn đêm”.
- Đối với dự thảo Luật Phí và lệ phí mà Quốc hội đã đưa ra thảo luận tại kỳ họp giữa năm 2015 vừa qua và dự kiến sắp tới Quốc hội sẽ thông qua; là một người từng là đại biểu Quốc hội, và đang là người đứng đầu chính quyền thành phố Tây Ninh, ông Chủ tịch có ý kiến gì đối với dự thảo Luật nói trên?
- Tôi nhận thấy vấn đề phí và lệ phí là việc ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống nhân dân trên rất nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, do đó nhất thiết phải “luật hoá” việc thu phí, lệ phí. Đặc biệt là trong cơ chế kinh tế thị trường và giai đoạn tăng tốc đô thị hoá hiện nay, việc quản lý sử dụng vỉa hè, lề đường là một yêu cầu khách quan, tất yếu có tính cấp thiết, nếu không muốn nói là vấn đề bức xúc. Từ đó, tôi nghĩ rằng rất cần quy định trong Luật Phí và lệ phí nội dung về thu phí sử dụng lề đường, vỉa hè để góp phần lập lại trật tự, tạo mỹ quan đô thị.
|
Một đoạn vỉa hè đường CMT8- thành phố Tây Ninh bị lấn chiếm. Ảnh: Nghiêm Khánh
- Có ý kiến cho rằng, lề đường vỉa hè là công trình công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của tất cả mọi người, vậy nếu ta thu phí sử dụng lề đường vỉa hè thì chỉ có người đóng phí có quyền sử dụng, như thế có làm ảnh hưởng hạn chế quyền sử dụng hè phố của mọi công dân khác không?
- Trước hết, về mặt pháp lý thì việc thu phí lề đường đã được quy định từ lâu, tại Pháp lệnh phí và lệ phí (Số 38/2001/PL-UBTVQH10, ngày 28 tháng 8 năm 2001); và mới đây, “Phí sử dụng hè đường, lòng đường, lề đường” cũng được quy định trong Thông tư 02/2014/TT-BTC, ngày 2 tháng 1 năm 2014 của Bộ Tài chính “hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Như trên đã nói: Việc thu phí này đi kèm theo là những quy định chặt chẽ, trong đó dành ra khoảng trống phù hợp cho người đi bộ chứ không phải được sử dụng hết; đồng thời, có những vị trí còn quy định rõ những khoảng thời gian trong ngày được sử dụng… Như vậy, mọi công dân không bị “tước quyền sử dụng hè phố” như trong thực tế đã và đang bị ở không ít nơi.
- Xin cảm ơn ông Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh.
NGUYỄN TẤN HÙNG
(Thực hiện)