Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Rừng phòng hộ Dầu Tiếng tiếp tục bị tàn phá
Thứ tư: 05:22 ngày 25/05/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Cây rừng vừa bị lâm tặc cưa đứt, tiết ra chất nhựa có màu trông như đang rỉ máu là hình ảnh có thể nhìn thấy khắp nơi trong rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Có lúc, những kẻ phá rừng ngang nhiên hành sự công khai giữa ban ngày. Nhiều cây rừng gần đường bị chúng “ưu tiên” đốn hạ cho tiện bề vận chuyển. Và nhiều cây rừng ở đoạn rừng giáp với sông Sài Gòn đã bị “ken” gốc đang ngắc ngoải chờ chết.

Một cây bị ken gốc ngay bên vườn điều.

Vừa qua, người viết bài đã cho xe chạy theo con đường sỏi phún cặp khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 59, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) hướng về khu vực P25. Đi được khoảng nửa cánh rừng, tôi rẽ vào lối mòn, tìm đường tắt ra xóm nhà cặp bờ sông Sài Gòn thuộc tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm. Gọi là đi tắt, nhưng thật ra phải chạy xe xuyên rừng hơn 10km mới đến được bờ sông. Tiến vào rừng được hơn 1km, tôi đã phát hiện một cây rừng bị đốn hạ ngay bên lối mòn xe chạy. Dùng thước đo, thấy gốc cây này có đường kính 21cm, phần thân cây còn lại đó nhưng phần gốc và bộ rễ đã bị bứng đi mất. Theo người dân địa phương, những cây bị diệt tận gốc rễ như vậy thường là cây giáng hương. Tự nghĩ, ngay bên đường mòn thường xuyên có xe qua lại mà còn vậy, thì ở những chỗ vắng vẻ, bọn lâm tặc còn lộng hành cỡ nào! Trong khu rừng, bên cạnh những lối mòn xe chạy là vô số những ngã rẽ tự phát nhỏ hơn. “Các lối đi này phần lớn là do mấy tay trộm gỗ dọn phá để vận chuyển cây ra ngoài”- một người dân có hơn 30 năm gắn bó với khu rừng nói. Quả không sai, khi tiếp tục tiến sâu thêm một đoạn vào rừng, tôi chọn một ngã rẽ bất kỳ để đi. Đi chưa được 200m thì phát hiện có ít nhất 4 cây rừng đã bị cưa gốc, mỗi cây có đường kính hơn 20cm, tất cả đều chưa kịp lấy đi. Theo dấu tích để lại tại một hiện trường khác cũ hơn, nhiều cây bị đốn hạ trước đó đã được mang đi. Có thể suy luận, bọn lâm tặc cắt cây để đó, không phải bỏ. Đây là một chiêu trong chuỗi hành động trộm gỗ theo kiểu tạo thế cho thuận đường, cưa xong thì “xử” luôn, còn nếu xa đường vận chuyển thì cứ đốn hạ để đó, chờ cho cây khô nhẹ bớt trọng lượng sẽ “xử” sau. Tuy nhiên, dùng cách này đồng nghĩa với chấp nhận nguy cơ rủi ro cao, chẳng hạn như bị “đồng nghiệp” phỗng tay trên. Thế nên, mỗi tay phá rừng đều chủ động ưu tiên “đánh nhanh rút gọn” những cây rừng gần đường. Trong rừng cấm, những cây gần đường thường là cây to, đẹp và có giá trị cao.

Quay trở ra lối đi chính để tắt rừng về xóm nhà tổ 19, rất dễ dàng nhận ra những cây cỡ nhỏ (đường kính từ 8-12cm) ở nhiều đoạn hai bên đường vừa mới bị “hạ sát”. Những thân cây đứt lìa khỏi gốc nằm cặp đường. Bọn phá rừng không ra tay tập trung một chỗ, mà chia ra triệt hạ cây rừng rải rác ở nhiều nơi. Khu vực cây rừng bị tàn sát mạnh tay nhất phải kể đến là hai bên đường xe lớn, đoạn gần ra đến bìa rừng giáp với sông Sài Gòn mà người dân địa phương thường gọi là đường be (đoạn cuối gần đến khu vực P25 chỉ có một bên còn rừng). Khảo sát một đoạn đường be khoảng 3km hướng từ xóm nhà ngược lên thượng nguồn của dòng sông đã có thể phát hiện nhiều cây rừng đang bị “chảy máu” ngay gần đường be. Dấu vết tại hiện trường khai thác vẫn còn mới, có thể chỉ cách thời điểm tôi đến chừng vài tiếng đồng hồ. Bởi nhựa cây vẫn còn đang âm ỉ chảy trong khi cành, lá cây, kể cả mạt cưa bỏ lại vẫn còn tươi. Cây rừng bị triệt hạ được công khai tập kết thành nhiều điểm ngay giữa lòng, lề đường.

Đám đất khoảng 1 ha nằm lọt thỏm giữa khu rừng.

Trong lúc tôi tập trung quay lại cảnh nhiều cây rừng đang nằm la liệt tại một điểm tập kết chỗ ngã ba đường bất ngờ nghe có tiếng cây đổ. Lập tức, tôi đề máy xe mô tô phóng thẳng về hướng đó. Cách điểm cần đến khoảng 200m đã thấy một cây rừng ngã ra đường. Đến nơi thì không thấy người đâu, chỉ thấy cây lim vừa bị hạ, vết cưa hãy còn mới. Kế bên, một cây lim khác cũng vừa bị cưa đứt quá nửa thân nhưng chưa đổ. Chứng tỏ kẻ phá rừng đã phát hiện có “hơi hám” người lạ ngay từ lúc tôi vừa đề máy xe. (Trong rừng chỉ cần một tiếng động nhỏ là có thể phát hiện từ xa). Tự trách mình quá sơ suất, tôi đành lần theo đường be tiến xa hơn, đi được một đoạn nữa thì phát hiện lại có một cây gỗ lim cỡ lớn nằm ngay lòng đường. Căn cứ dấu vết để lại thì cây này cũng vừa mới bị hạ, cành lá chưa kịp héo. Bước sang lề đường để quan sát rộng hơn, tôi thật không thể tin nổi khi chứng kiến sự lộng hành của lâm tặc. Cảnh tượng bày ra trước mắt giống như một bãi cao su đang thanh lý. Thêm một cây gỗ lim nữa thân lìa khỏi gốc và nhiều cây rừng khác gần đó cũng cùng chung số phận. Tiếp tục đi thêm một đoạn, lại phát hiện có đống cây để giữa đường, có vẻ như chúng mới được thả xuống đây. Gần đó là một đống cây cỡ nhỏ hơn nằm bên lề đường. Rẽ ra hướng sông, đến khu vực gần rừng le, tiếp tục nhìn thấy có 2 cây đường kính cỡ 25cm- nghi là giáng hương bị diệt tận gốc rễ. Cách đó không xa, có thêm nhiều cây gỗ màu đỏ sậm bị cắt ngang gốc, có cây đường kính lên đến 28cm. Đi ngược lại về hướng P25, đến điểm gần hết rừng phía bên trái đường be lại thấy một cây đường kính 50cm bị đốn hạ, có lẽ chỉ cách đó vài ngày đang chờ khô. Từ đường be, chạy tắt rừng thêm khoảng 1km nữa mới đến được khu nhà dân nói trên. Có nhiều lối rẽ để đến được đó, tôi chọn ngẫu nhiên một lối. Thật không thể ngờ là giữa ban ngày mà những cây rừng cặp hai bên lối nhỏ cũng bị “bức tử” vô số. Những thân cây mới lìa khỏi gốc được chất thành đống hẳn hoi ngay bên đường, tất cả như đã được tính toán chọn lựa kỹ- toàn cây tròn đều, suôn, đẹp. Có cây phần ngọn vẫn còn treo dính, xỉa thẳng ra giữa đường, nếu không để ý thì người chạy xe rất dễ bị va vào đầu. Những loại cây có giá trị dù còn nhỏ- đường kính chỉ 7cm cũng không được buông tha. Khảo sát đến đây, tôi đã hoàn toàn tin rằng tình trạng lâm tặc lộng hành trong rừng phòng hộ không chỉ diễn ra duy nhất tại đoạn đường này. Tôi quyết định chuyển hướng ra bìa rừng gần xóm nhà để thu thập thêm thông tin.

Những cây có gỗ màu đỏ sậm, đường kính từ 20 đến 30cm thường bị lâm tặc cưa trộm.

Đến bìa rừng, nơi cách nhà dân đầu tiên của xóm dân cư thuộc tổ 19 khoảng 400m, cảnh đầu tiên tôi trông thấy là vài cây rừng cỡ lớn đã chết khô ngay trong đám mì. Nhiều cây khác cặp theo đó đã bị “ken” gốc. Có cây chỉ bị chặt vài nhát, chờ cho “khô máu” chết dần, giống như những cây cùng chung số phận hiện đã chết khô gần đó; có cây bị “ken” gốc hoàn toàn. Thực tế, cây rừng đã bị “ken” thì sớm muộn gì cũng phải chết. Tại hiện trường là một rẫy mì có nơi khuyết sâu vào đất rừng một đoạn khá dài và có dấu hiệu chưa dừng lại ở đó. Chưa hết, trong quá trình khảo sát, tôi còn phát hiện một đám đất trống khoảng 1 ha vừa mới thu hoạch mì xong, tứ cận toàn là rừng tự nhiên.

Lần theo bìa rừng, đi đến đoạn giáp với những đám điều lớn, lại thấy tình trạng cây rừng bị “ken” chờ chết tương tự. Đoạn rừng giáp với những đám mì hoặc cây trồng lâu năm như thế khá dài, trải dọc theo bờ sông Sài Gòn hàng cây số, chắc không cần phải đi hết mới đủ báo động vấn nạn “ken” cây, diệt rừng, lấn đất!

Không phân biệt cây lớn, nhỏ, hễ có giá trị là cứ cưa.

Thiết nghĩ, trước thực trạng cây rừng bị “bức tử” một cách “tốc độ”, vô tội vạ dưới nhiều hình thức đáng lo ngại như đã kể trên, nếu như cơ quan chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn triệt để thì liệu rồi những cánh rừng phòng hộ Dầu Tiếng- nhất là ở tiểu khu 59 sẽ còn trụ được bao lâu?

Dạ Minh

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh