Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 đặt mục tiêu tăng số lượng xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt tiêu chuẩn lên 50% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020. Hiện tại, không thể phủ nhận là số lượng các khu vui chơi dành cho thiếu nhi trên địa bàn tỉnh phát triển khá nhanh so với 5 năm trước đây. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì vẫn còn khá mỏng, tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị và phần nhiều là hình thức kinh doanh kết hợp với các dịch vụ dành cho nhiều lứa tuổi.

|
Dây điện chắp vá cùng thanh nối các toa tàu đã rỉ sét khó bảo đảm an toàn cho trẻ.
Rộng chỗ cho các mô hình kinh doanh tự phát
Tại các địa điểm công cộng, tập trung đông đúc người sinh hoạt hằng ngày có thể thấy rất thiếu chỗ cho trẻ vui chơi. Như ở công viên 30.4 nằm tại khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh; khi người lớn đến đây tập thể dục, các em nhỏ đi theo ông bà cha mẹ thường chỉ biết quanh quẩn nghịch phá những dụng cụ thể dục được lắp đặt quanh đó.
Một số nơi công cộng khác thường tập trung đông đúc trẻ em tuy có bố trí các thiết bị vui chơi, nhưng chúng chưa được khai thác triệt để, chẳng hạn như ở Trung tâm Học tập, sinh hoạt thanh thiếu nhi tỉnh, các thiết bị trò chơi ngoài trời gần như bỏ không hằng ngày, chỉ dịp lễ tết mới hoạt động.
Sân chơi thiếu nhi không chỉ là nơi để các em vui chơi, giải trí mà còn là không gian để các em tìm hiểu môi trường xung quanh, góp phần phát triển trí tuệ, thể chất. Hiện nay, ngoài một số khu vui chơi trẻ em do tư nhân thành lập vừa được đưa vào sử dụng cách đây không lâu như Cana Kids (huyện Hoà Thành);
Công viên nước trong khu du lịch Long Điền Sơn, khu vui chơi La La (phường 3, thành phố Tây Ninh), một số khu vui chơi còn lại đều được xây dựng cách đây khá lâu, trang thiết bị đều trong tình trạng cũ kỹ, xuống cấp như khu vui chơi Ước Mơ Tuổi Thơ (do Công ty Cơ khí Tây Ninh chuyển giao cho Thị xã, nay là thành phố Tây Ninh), điểm vui chơi trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá tỉnh…
Gần đây, để gia tăng sức cạnh tranh và thu hút lượng khách gia đình sử dụng dịch vụ, một số quán cà phê đã mạnh dạn đầu tư thêm các hạng mục vui chơi, giải trí cho trẻ em, điển hình như các quán Ong Vàng, Bằng Lăng, Đồng Lan…
Các loại hình kết hợp này góp phần làm phong phú thêm các hoạt động vui chơi cho trẻ em tại địa phương. Tại một số khu vực có khu công nghiệp tập trung đông đúc lượng công nhân sinh sống cũng xuất hiện một số hình thức kinh doanh dịch vụ trò chơi giải trí dành cho con em công nhân như đu quay, thú nhún, tàu điện… Nhưng đây chỉ là các mô hình nhỏ lẻ và hoạt động theo kiểu rày đây mai đó.
Hiện nhu cầu cho trẻ vui chơi của các bậc cha mẹ cũng gia tăng với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn, đa dạng hơn. Vì thế, phần lớn loại hình dịch vụ vui chơi giải trí dành cho trẻ em đang có ở tỉnh nhà chưa thoả mãn được nhu cầu của số đông.
Cho trẻ chơi mà lo lắng
Phần lớn các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em đang hoạt động trong tỉnh chủ yếu là phục vụ cho mục đích kinh doanh, nên việc đầu tư, chăm chút trang thiết bị trò chơi, bảo đảm tính an toàn chưa được chú trọng lắm.
Nhiều thiết bị điện cơ ít được bảo dưỡng nên tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho trẻ. Không ít người được giao vận hành máy móc, trực tiếp trông coi trẻ ở sân chơi là lao động tay ngang, nên nếu có sự cố xảy ra, khó mà xử lý tình huống.
Chị Thuỳ Vân, một người dân ngụ tại thành phố Tây Ninh cho biết, chị có con nhỏ đang học lớp 2, tuy nhà ở khu vực trung tâm Thành phố nhưng những dịp cuối tuần chị không biết phải cho con đi đâu chơi. Trước đây, chị thường đưa bé đến khu vui chơi Ước Mơ Tuổi Thơ.
Nhưng sau vài lần đến đây, nhận thấy các thiết bị trò chơi đã quá cũ kỹ, không biết sẽ hỏng hóc lúc nào, chị đâm sợ, không dám đưa con đến chơi nữa. “Thôi đành để bé giải trí bằng cách chơi game trên máy tính bảng cho an toàn”- chị Vân nói.
Phóng viên cũng đã thử tham gia trò chơi rồng siêu tốc tại khu vui chơi Ước Mơ Tuổi Thơ. Đoàn tàu quá cũ kỹ, khi lướt chạy với tốc độ cao phát ra những âm thanh khá lớn cho thấy phần tiếp nối giữa đáy tàu với đường ray đã có dấu hiệu bị bào mòn.
Cũng tình trạng tương tự là các trang thiết bị trò chơi tại khu vực phía trước của Trung tâm Văn hoá tỉnh. Mô hình trò chơi này là của một đơn vị tư nhân đến đây thuê mặt bằng để hoạt động kinh doanh. Sau một thời gian, các mô hình đã trở nên quá cũ kỹ. Một phụ nữ từng cho con đến vui chơi tại đây bày tỏ sự lo lắng: “Tôi thấy mấy thiết bị trò chơi ở đây đều xuống cấp hết rồi, tuổi thọ của chúng chắc phải hơn chục năm”.
Chỉ cho tôi xem một chiếc xe điện đã hư hỏng nặng, chị nói thêm: “Chiếc xe đó đã hư từ lâu rồi, không còn dùng được mà họ có chịu đem bỏ đâu”. Quan sát các thiết bị trò chơi tại đây, không khó để nhận ra nhiều cái đang trong tình trạng xuống cấp, phần sơn bị bong tróc, lộ ra nhiều mảng rỉ sét. Một số thiết bị điện nằm chỏng chơ giữa lối đi với mớ dây điện đầy những đoạn chắp vá bằng băng keo đen. Một mớ dây điện đã hư hỏng lớp vỏ bọc nằm cạnh các thanh kết nối toa tàu đã rỉ rét. Nhiều khu vực trò chơi không có rào chắn, hoặc có thanh chắn nhưng tạm bợ, không bảo đảm an toàn.
Ở một vài địa phương có khu công nghiệp trong tỉnh, người ta lập ra các điểm vui chơi nhắm vào nhu cầu của các bậc cha mẹ công nhân có con nhỏ. Tận dụng bãi đất trống gần khu công nghiệp, những người kinh doanh cho lắp đặt các thiết bị trò chơi tàu lửa, đu quay, thú nhún... phục vụ trẻ em với mức giá từ 5.000 đồng trở lên cho một cháu, một lượt chơi.
Mức giá này tương đối phù hợp với túi tiền của người lao động nông thôn, nên những dịp cuối tuần, tại các khu vui chơi trên có khá đông trẻ em tham gia. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không khỏi lo âu về mức độ an toàn của những thiết bị trò chơi tại các điểm tự phát như vậy.
Lo thì lo nhưng cũng đành chịu, vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác- như lời của một bậc phụ huynh chia sẻ: “Cuối tuần mà cho bé ở nhà mãi cũng tội nên hai vợ chồng tôi tranh thủ cho con ra đây chơi, thấy bé háo hức mình cũng vui. Còn về mức độ an toàn của trò chơi thì chắc là… hên xui thôi!”.
|
Một em nhỏ chơi trên thiết bị đã xuống cấp.
Nhu cầu bức thiết
Khác với những khu vui chơi ngoài trời, khu vui chơi trong nhà có nhiều ưu điểm nổi trội hơn trong việc gia tăng độ bền cho các thiết bị, tăng thời gian hoạt động, bảo đảm mỹ quan, văn minh, vệ sinh. Thời gian khai thác của mô hình trò chơi này cũng nhiều hơn.
Từ những ưu điểm trên, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư vào việc kinh doanh các khu vui chơi giải trí trong nhà như khu vui chơi thiếu nhi Cana Kids vừa được khai trương vào tháng 9.2015. Có thể nói đây là nơi cung cấp các trò chơi phát triển trí tuệ cho trẻ và là một địa điểm vui chơi an toàn dành cho các bé.
Tại khu du lịch Long Điền Sơn, khu công viên nước cũng là một điểm đến lý tưởng với nhiều hạng mục dành cho trẻ em. Với sự đầu tư đúng mức như thế, tất nhiên giá cả dịch vụ ở đây không rẻ, các bậc cha mẹ muốn cho trẻ được vui chơi an toàn, có điều kiện phát triển năng khiếu, trí tuệ, ắt phải chấp nhận “tiền nào của nấy”.
Chính vì thế, trong khi sân chơi cho trẻ em còn rất thiếu, nhưng những khu vui chơi có chất lượng, bảo đảm an toàn cho trẻ vẫn chưa được phát huy, khai thác hết công suất.
Ngoài hai khu vui chơi có thể nói là “cao cấp” nêu trên, khu vui chơi La La cũng là địa điểm được nhiều người chọn lựa để đưa con trẻ đến giải trí vào mỗi buổi tối. Tuy nhiên, số lượng trò chơi tại đây chưa thật phong phú, mới lạ và chỉ phù hợp đối tượng trẻ trong độ tuổi mầm non.
Ở một số quán cà phê trang bị thêm khu vui chơi ngoài trời dành riêng cho trẻ em, các trò chơi miễn phí chưa thật thu hút khách hàng nhí. Số lượng trò chơi nghèo nàn, chỉ vài trò quen thuộc như đu quay, cầu tuột, xích đu khiến trẻ mau chán. Thêm nữa, đa phần các dụng cụ trò chơi vận động đều đặt trên nền xi măng, không bảo đảm an toàn cho trẻ. Sau một thời gian không được tu bổ, chúng cũng đang dần xuống cấp.
Từ thực tế trên có thể thấy sân chơi cho trẻ nói chung, các khu vui chơi- đúng quy chuẩn, an toàn cho trẻ nói riêng vẫn là một nhu cầu có thật và bức thiết, đáng được quan tâm đặc biệt trong công tác giáo dục, chăm sóc thiếu nhi, nhằm giúp các em phát triển một cách toàn diện.
HOÀNG KHA