Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Sau sáp nhập, mỗi xã, phường, đặc khu sẽ có một trung tâm hành chính công
Thứ bảy: 10:15 ngày 03/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ Nội vụ cho biết, sau sáp nhập xã, kết thúc hoạt động cấp huyện, mỗi xã, phường, đặc khu sẽ có 1 trung tâm hành chính công để tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; giải quyết các thủ tục hành chính...

Sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ hình thành các đơn vị hành chính cấp xã mới bao gồm xã, phường và đặc khu.

Cụ thể, đặc khu là chính quyền địa phương cấp xã có cơ cấu tổ chức gồm HĐND và UBND. Trong đó, HĐND cấp xã thành lập 2 ban là ban pháp chế và ban kinh tế - xã hội.

Sau sắp xếp, sẽ có 13 đặc khu: Phú Quốc, Thổ Châu, Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo.

Mỗi đặc khu có 1 trung tâm hành chính công. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Bộ Nội vụ cho biết, UBND cấp xã (trong đó có đặc khu tại hải đảo) tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo. 

Cụ thể gồm có: Văn phòng HĐND và UBND; phòng kinh tế (đối với xã, đặc khu) hoặc phòng kinh tế, hạ tầng và đô thị (đối với phường và đặc khu Phú Quốc); phòng văn hóa - xã hội; và trung tâm phục vụ hành chính công.

Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã giữ nguyên trạng (không sắp xếp) thì có thể không tổ chức phòng chuyên môn. Chính phủ dự kiến bố trí tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND và một số công chức cho UBND cấp xã nơi không tổ chức phòng chuyên môn và giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định cụ thể đối với từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn.

Như vậy, các xã, phường, đặc khu sau sáp nhập sẽ có 1 trung tâm hành chính công. Dự kiến trung tâm sẽ có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử; tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính và được cung ứng các dịch vụ công trực tiếp đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trung tâm này cũng phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương tổ chức theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh hoặc khu vực để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã.

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ cho biết việc tổ chức các Trung tâm phục vụ hành chính công mới đang là đề xuất ban đầu. Các cơ quan đang nghiên cứu và đưa ra những quy định cụ thể trong Nghị định của chính phủ về các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh và cấp xã. 

Theo đó, nghị định này sẽ quy định cụ thể về việc đánh giá các chỉ số như quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn cụ thể theo từng lĩnh vực của từng địa bàn. 

Hiện Bộ Nội vụ đang tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương về nội dung này để chọn mô hình phù hợp, gắn với yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tại từng địa bàn. 

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục