Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cuối cùng, vợ chồng ông N đã nhận rõ việc làm sai trái của mình và trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị đến cuối năm 2013 sẽ lấy lại đất sản xuất.

Cuối cùng, vợ chồng ông N đã nhận rõ việc làm sai trái của mình và trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị đến cuối năm 2013 sẽ lấy lại đất sản xuất.
(BTN)- Ông T.V.N (SN 1970, thường trú ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu) làm đơn đề nghị UBND xã Tân Hội giải quyết về việc tranh chấp hợp đồng thuê 5 ha đất với gia đình ông N.V.A, ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Châu. Trong đơn ông N trình bày: Năm 2009, vợ chồng ông có làm hợp đồng cho ông A thuê mướn 5 ha đất thuộc địa phận ấp Hội Thạnh để sản xuất, và quy định chỉ được trồng mía, không được trồng mì. Thời hạn cho thuê là 5 năm với tổng số tiền là 119.250.000 đồng, và ông N đã nhận đủ số tiền thuê đất. Nhưng trong tháng 11.2012, ông N.V.A lại phá bỏ mía, chuyển sang trồng mì. Vợ chồng ông N cho là ông A vi phạm hợp đồng, vì vậy khi ông A đang tổ chức trồng mì thì gia đình ông N đến cản trở. Hai bên cãi nhau rất căng thẳng ở ngoài rẫy, khiến Công an xã Tân Hội đã phải đến can thiệp, ngăn chặn, không để chuyện đáng tiếc xảy ra.
Sau khi nghiên cứu hợp đồng thuê đất và đơn đề nghị giải quyết của ông N, ngày 3.12.2012 Hội đồng hoà giải xã đã tổ chức mời vợ chồng ông N và ông A đến làm việc. Ông N.V.A trình bày: Đơn khiếu nại của ông T.V.N là không đúng sự thật. Trong hợp đồng của hai bên quy định ông N cho ông A thuê 5 ha đất để sản xuất trong thời hạn là 5 năm, từ năm 2009 cho đến năm 2014, hoàn toàn không ghi việc quy định “chỉ được trồng mía, không được trồng mì”. Hợp đồng hai bên ghi rõ là “Hợp đồng mướn đất sản xuất”. 3 năm qua gia đình ông A trồng 5 ha mía, nhưng do mía bị chết gốc nhiều nên phải cày bỏ để trồng mì. Theo ông N.V.A, thực ra do 5 ha đất này là đất trảng thấp, mùa mưa ngập nước, làm ăn khó khăn, nên ông N mới cho mướn. Hiện nay khu vực này đã có kênh mương thoát nước, đất rẫy không còn bị ngập, sản xuất thuận lợi hơn, gia đình ông N muốn phá vỡ hợp đồng, đòi lại đất để sản xuất. Ông A nói: “Nếu gia đình ông N gặp khó khăn thì phải bàn bạc với vợ chồng tôi đàng hoàng, không nên kiếm chuyện vô lý gây mất đoàn kết”.
Đại diện các ban, ngành, đoàn thể đã phân tích: Hợp đồng của hai vợ chồng ông N với ông A là “Hợp đồng thuê đất sản xuất” không quy định phải trồng cây gì, không được trồng cây gì. Trong 5 năm thuê mướn đất, ông A có quyền sản xuất trồng bất cứ loại cây gì. Ông A phải có trách nhiệm chăm sóc cho đất, không được làm biến dạng hoặc huỷ hoại đất. Về phía ông N, nếu muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải bàn bạc, thoả thuận với ông A và phải bồi thường thiệt hại cho ông A. Trường hợp hai bên không giải quyết được thì đưa ra toà án giải quyết. Gia đình ông N gây sự và cản trở gia đình ông A sản xuất là sai. Được biết, hiện nay gia đình ông N đang gặp khó khăn, nợ nần nhiều, con cái đã lớn nhưng chưa có việc làm, nếu ông N muốn lấy lại đất để sản xuất thì nên bàn bạc thoả thuận với ông A. Để giữ gìn tình làng nghĩa xóm, ông A nên thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông N và tạo điều kiện giúp đỡ cho ông N. Ông N.V.A đã nói rất chân tình: “Tôi không muốn mất đoàn kết xóm làng và cũng thông cảm với hoàn cảnh của ông N, tôi đã cày bừa làm đất, đang trồng mì dở dang và sẽ tiếp tục trồng vụ mì năm 2013. Nếu ông N thực hiện đúng hợp đồng để gia đình tôi sản xuất tới năm 2014 thì tôi sẽ hỗ trợ thêm cho gia đình ông N 100 triệu đồng. Trường hợp cuối năm 2013 tôi thu hoạch mì xong, ông N muốn lấy lại đất (trước 1 năm) thì phải bồi thường cho tôi 40 triệu đồng”.
Cuối cùng, vợ chồng ông N đã nhận rõ việc làm sai trái của mình và trình bày hoàn cảnh khó khăn, đề nghị đến cuối năm 2013 sẽ lấy lại đất sản xuất và chấp nhận bồi thường cho ông A 30 triệu đồng. Trước sự hoà giải có lý có tình của ban, ngành, đoàn thể địa phương, ông A và ông N đã vui vẻ thoả thuận ký vào biên bản.
CÔNG HUÂN