Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đông Hà là ấp nằm ở vị trí Đông Bắc xã Tân Đông, huyện Tân Châu. Ấp có 354 hộ với trên 1.200 nhân khẩu, người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, một số làm nghề buôn bán nhỏ.

Những năm gần đây, do dịch bệnh khảm lá nên cây khoai mì cho năng suất giảm. Một số loại cây trồng khác như: chuối già Nam Mỹ, cao su… giá cả không ổn định. Từ đó một số nông dân trên địa bàn ấp Đông Hà chuyển đổi trồng một số loại cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có mô hình trồng mít ruột đỏ Indo.
Bà Bùi Thị Tuyết Ngân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông cho biết: “Trên địa bàn ấp có trên 200 ha cây mít ruột đỏ Indo, trong đó, có khoảng 120 ha đang thu hoạch. Theo tính toán của người dân, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha”.
Ông Nguyễn Gia Nam, ngụ tổ 9, ấp Đông Hà, là hộ nông dân trồng mít ruột đỏ Indo được UBND huyện Tân Châu công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm 2024.
Ông Nguyễn Gia Nam cho biết, trước đây, ông trồng cây khoai mì rồi chuyển qua trồng cây chuối già Nam mỹ, nhưng hiệu quả kinh tế không cao do gặp khó khăn vì dịch bệnh khảm lá mì, giá chuối trái cũng rất bấp bênh. Do đó, ông quyết tâm tìm hướng đi khác để phát triển kinh tế gia đình. Lên mạng internet thấy có người trồng cây mít phát triển kinh tế cao, ông cùng một số nông dân trong ấp đi thực tế ở các tỉnh miền Tây để tìm hiểu cách trồng, thổ nhưỡng xem có thích hợp với vùng đất địa phương không. Khi nhận thấy vùng đất này có thể thích hợp để trồng cây mít, ông quyết định mua gần 2.000 cây giống mít Indo về trồng thử nghiệm trên 2 ha.
Theo ông Nam, cây mít ruột đỏ Indo có độ ngon, ngọt cao hơn so với các loại mít khác. Sau 2 năm trồng, cây mít cho thu hoạch vụ đầu tiên, ước tính mỗi ha cho 30 tấn trái/năm, trừ chi phí mỗi năm ông thu lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/ha. Hiện nay, tổng diện tích trồng mít của ông trên 12 ha, gồm 4 ha đang cho trái, 4 ha được 18 tháng đang chuẩn bị cho trái và 4 ha mới trồng khoảng một năm tuổi.
Ngoài ông Nguyễn Gia Nam, ở ấp Đông Hà còn nhiều hộ cũng trồng cây mít ruột đỏ Indo. Ông Nguyễn Quý Thuật là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng sang cây mít ruột đỏ Indo. Ông Thuật cho biết: “Loại cây này rất dễ trồng và không mất nhiều thời gian chăm sóc. Trong số nhiều giống mít hiện có, mít Indo ruột đỏ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ mang lại lợi nhuận cho người trồng, loại trái này cũng được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ vị ngọt, ruột đỏ mọng và mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, giống mít Indo ruột đỏ thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, cây phát triển tốt, cho trái đều và to, năng suất cao”.
Theo ông Thuật, khi trồng mít ruột đỏ Indo quan trọng nhất là khâu chọn giống. Giống phải rõ nguồn gốc, mua tại cơ sở có đăng ký với cơ quan chức năng, mật độ trồng thích hợp để giúp dễ quản lý, chăm sóc. Xử lý đất trước khi trồng như bón vôi, bón lót phân hữu cơ, chú ý phòng trừ côn trùng hại cây con; bảo đảm tưới đủ nước vào mùa khô và tránh bị ngập úng vào mùa mưa, tốt nhất là sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước phun tại gốc; sử dụng phân hữu cơ sinh học giúp cho đất tơi xốp, cân bằng độ pH giúp hệ thống rễ cây phát triển dễ dàng với nhiều rễ con, không độc hại cho người và giảm ô nhiễm môi trường.
Bà Bùi Thị Tuyết Ngân- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Đông cho biết, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã vận động các hộ trồng mít thành lập hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp phân phối cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua với giá cả tốt nhất. Ngoài ra, khi tham gia hợp tác xã, nông dân sẽ được hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống bảo đảm chất lượng.
Theo bà Ngân, việc thành lập hợp tác xã không chỉ tạo điều kiện để nông dân cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất, ổn định đầu ra mà còn hướng đến việc cấp mã số vùng trồng, phục vụ mục tiêu xuất khẩu của cho nông dân sau này.
Chí Thành