Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO)- Mới đây, UBND huyện Tân Châu tổ chức hội thảo đánh giá máy móc phục vụ cơ giới hóa cây mì do ông Trần Quốc Hải, một người dân ở xã Suối Dây chế tạo. Đến dự có ông Nguyễn Minh Hiệp- Phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ Tây Ninh, ông Nguyễn Hòa Bình- Phó chủ tịch UBND huyện Tân Châu.

Được sự khuyến khích của UBND tỉnh và huyện Tân Châu, ông Trần Quốc Hải đã tìm hiểu, đầu tư sản xuất các loại máy trồng, chăm sóc mì.
![]() |
Vận hành máy chăm sóc mì do ông Trần Quốc Hải chế tạo. |
Đối với máy trồng mì, khi vận hành máy sẽ thực hiện đồng bộ 5 thao tác như: cắt hom, vun hàng, trồng hom mì, bón phân và phun thuốc tiền nẩy mầm. Đối với máy chăm sóc mì, máy sẽ thực hiện 4 thao tác khi vận hành, như đánh cỏ, bón phân, vun gốc và phun thuốc nẩy mầm.
Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã đến xem thực tế 2 ha mì do ông Trần Quốc Hải áp dụng cơ giới hóa để trồng. Sau 45 ngày, chiều cao cây mì đạt trung bình 25cm, tỷ lệ nẩy mầm đạt 95%.
Tại buổi hội thảo, có nhiều ý kiến đóng góp và tìm hiểu thêm để ông Trần Quốc Hải hoàn thiện hơn chiếc máy phục vụ cơ giới hóa cho cây mì.
Đánh giá về máy cơ giới hóa do ông Trần Quốc Hải chế tạo, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Châu Nguyễn Hòa Bình cho biết, qua kiểm tra thực tế từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, chiếc máy này thực hiện rất hiệu quả. Hiện tại cây mì phát triển rất tốt.
Ông Bình cũng cho biết thêm, trong năm 2016, trên địa bàn huyện Tân Châu có khoảng 200 ha mì trồng theo hướng cơ giới hóa của ông Trần Quốc Hải. Về hiệu quả kinh tế, sau thu hoạch mới có thể đánh giá chính xác và xem xét có phù hợp để khuyến khích nông dân trồng mì theo cách này hay không.
Chí Thành