Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa mưa lũ
Thứ sáu: 01:13 ngày 11/11/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thường xuyên vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hoá chất như cloramin B hoặc viên aquatabs hoặc những hoá chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt…

Bè tự chế của chị Đẹp.

Năm nay, mưa lũ kéo dài nhiều ngày khiến cho không ít nơi trong tỉnh bị ngập nặng. Không chỉ những vùng trũng thấp ở nông thôn, ven sông Vàm Cỏ Đông mà nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố Tây Ninh cũng xảy ra tình trạng ngập lụt. Điển hình như các tổ 12, 13, 14 thuộc khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh.

Gần một tháng nay, hàng chục hộ dân ở khu phố này phải chịu cảnh “sống chung với lũ”. Nhiều nơi nước đọng không thoát được, tạo thành ao tù giữa khu dân cư. Các hẻm dẫn vào nhà dân cũng trở nên lầy lội, trơn trợt. Có nơi rác thải bị ngập nước, bốc mùi làm cho không khí bị ô nhiễm.

Sau vài ngày bớt mưa, nước ngập ở nhiều nơi đã rút đi, nhưng con đường vào nhà chị Thân Thị Đẹp (44 tuổi, ngụ nhà số 121, hẻm 11, đường Huỳnh Tấn Phát) vẫn còn ngập khoảng 20cm, có chỗ sâu đến 30cm. Chị Đẹp cho biết, nước đọng vũng hơn tháng nay, là nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản. Chiều tối, muỗi bay vô đậu đen cả tường và cột nhà. Gia đình chị phải dùng nhang muỗi và thuốc xịt muỗi thường xuyên để… “tự vệ”. Nhưng biện pháp đối phó này dường như không mấy tác dụng đối với lượng muỗi dày đặc như vậy. Chị Đẹp rất lo sợ muỗi đốt sẽ gây bệnh cho người thân trong gia đình hoặc dễ lây lan thành dịch do người dân ở sát nhà nhau.

Chị Đẹp cho biết thêm, ngoài nạn muỗi, còn có tình trạng nước tràn ngập những hầm nước thải, hố xí sau các nhà dân. Vì vậy khi ra vào, người ta buộc phải lội xuống nước bẩn ô nhiễm, lâu ngày bị lở cả chân. Cách đây khoảng 10 ngày, lúc nước ngập sâu, chị Đẹp tự “chế tạo” bè bằng vật nổi để di chuyển. Các hộ khác cũng làm vậy. Nhờ có bè mọi người trong hẻm đỡ cái cảnh lội nước, trẻ con đi học được khô ráo sạch sẽ.

Cách nhà chị Đẹp không xa là nhà của bà Tăng Thị Đáng (65 tuổi, ngụ nhà số 95, hẻm 15, đường Huỳnh Tấn Phát). Con đường dẫn vào nhà bà Đáng là một trong những điểm ngập nặng trong khu phố. Nhiều hôm nước tràn cả vào nhà bà cao hơn 2 tấc. Gần đây, tuy nước đã rút nhưng con đường này vẫn còn đọng nhiều vũng nước, lầy lội, là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi.

Đáng quan tâm là trong mùa lũ, những khu chợ đông đúc cũng bị ngập khi mưa to kéo dài. Điều kiện vệ sinh ở chợ vốn đã kém lại thêm bị ngập làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng hơn. Điển hình là chợ Long Hải thuộc xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Mùa mưa năm nay khiến cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ điêu đứng vì chợ “đã dơ còn ngập” nên rất vắng khách. Sau mưa, trời nắng làm cho nơi tập kết rác chợ hết sức nhếch nhác, bốc mùi hôi thối. Một tiểu thương cho biết, chợ Long Hải thường ngập vào mùa mưa do chợ thiếu hệ thống cống thoát nước. Bà con tiểu thương rất mong trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ thực hiện đường cống thoát nước cho khu chợ này.

Một hộ dân bị ngập nước ở ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng.

Trước tình hình nhiều nơi bị ngập nước, việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu dân cư này là hết sức cần thiết. Bác sĩ Biện Văn Tư – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo người dân sống ở vùng lũ, ngập nước cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong và sau lũ như thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thường xuyên vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hoá chất như cloramin B hoặc viên aquatabs hoặc những hoá chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Phun hoá chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Trong môi trường úng lụt nên đi ủng để phòng nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh... Đồng thời cần hết sức tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn để phòng nguy cơ sốt rét, sốt xuất huyết. Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày để phòng bệnh. Tăng cường giám sát, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ nhỏ trong vùng lũ.

THUỲ DƯƠNG – NGỌC DIÊU

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh