Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Thông tin Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương điều chỉnh tăng giá bán điện lên 7,5% kể từ ngày 16.3.2015 đã khiến nhiều người dân thuộc nhiều thành phần trong xã hội đặc biệt quan tâm. Thử làm cuộc khảo sát nho nhỏ để tìm hiểu phản ứng của người dân và các doanh nghiệp xung quanh vấn đề có liên quan, chúng tôi đã ghi nhận được một điều giống nhau giữa họ: giá điện không phải là mối bận tâm duy nhất.

|
“Nếu điện tăng giá 7,5% thì mỗi tháng doanh nghiệp chúng tôi phải tốn thêm hơn 200 triệu đồng cho khoản chi phí điện sản xuất”- ông Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất- thương mại- xuất nhập khẩu Đỗ Phủ (Công ty Đỗ Phủ) ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu chia sẻ mối quan tâm của mình như thế.
Theo ông, nhà máy chế biến khoai mì của công ty hiện có công suất gần 200 tấn mì/ngày, mỗi tháng nhà máy phải trả tiền điện khoảng gần 3 tỷ đồng. Trước thông tin điện tăng giá, lãnh đạo Công ty Đỗ Phủ phải “đau đầu” tính toán lại việc sản xuất để sao cho có hiệu quả kinh tế, nhưng giá sản phẩm bột mì lại không thể tăng do phải bảo đảm tính cạnh tranh.
Giám đốc của một công ty chế biến gỗ xuất khẩu tại thành phố Tây Ninh cũng bày tỏ mối lo ngại về việc điện tăng giá sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm của công ty mình. Mỗi tháng tiền điện sản xuất tại công ty chiếm hơn 100 triệu đồng, nên việc điện tăng giá 7,5% khiến vị giám đốc này lo lắng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Điều đó chắc chắn gây ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất (đồng nghĩa với sự sụt giảm về lợi nhuận kinh doanh). Trong khi đó, hợp đồng đã ký với các đối tác nước ngoài vẫn là “giá chết” bởi không thể tuỳ tiện nâng giá sản phẩm. Muốn tăng giá cần có thời gian- có thể từ nửa năm hoặc cả năm sau đó.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Tuấn- một chủ vườn mãng cầu tại thành phố Tây Ninh cho biết, với 1 ha mãng cầu, mỗi tháng anh chi hơn 700.000 đồng cho khoản điện bơm tưới vườn. Qua báo đài, anh cũng có biết thông tin về vụ điện tăng giá 7,5%. Anh cho rằng, giá điện tăng mỗi tháng anh chỉ phải trả thêm vài chục ngàn đồng tiền điện, điều này không làm anh lo lắng bằng việc giá cả phân bón có thể sẽ tăng theo giá điện trong thời gian tới.
Chi phí phân bón phục vụ chăm sóc vườn mới là mối bận tâm lớn đối với những nông dân trồng mãng cầu như anh. Giữa lúc giá mãng cầu mai này như thế nào còn chưa ai biết được, anh Tuấn chỉ hy vọng giá phân bón đừng “đu” theo giá điện là anh mừng rồi, song điều này có vẻ… sẽ khó được như mong muốn.
Một nông dân đang tưới rẫy mì rộng khoảng 5 ha gần vườn mãng cầu của anh Tuấn cũng bày tỏ mối lo tương tự. Theo lời anh, mỗi ha mì mỗi tháng anh phải tưới 6 ngày, mỗi ngày bình quân tốn khoảng 12 kWh điện. Vậy một ha mì mỗi tháng tiêu thụ khoảng hơn 70 kWh điện, với giá điện hiện nay khoảng 1.400 đồng/kWh thì mỗi ha anh chỉ tốn gần 100.000 đồng cho việc tưới mì. Giá điện có tăng thêm 7,5% thì tính ra số tiền anh phải chi thêm cho việc tưới mì cũng không lớn.
Thế nhưng nếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên thì lại nảy sinh vấn đề, bởi nhà nông phải gánh thêm chi phí sản xuất, trong khi giá mì vào mùa thu hoạch “ai mà biết trước được”.
Chủ một quán cà phê ở thành phố Tây Ninh cho rằng anh cũng không tránh khỏi khó khăn trong việc kinh doanh khi điện tăng giá trong thời gian tới. Hiện tại mỗi tháng, quán của anh chi tiền điện khoảng 5 triệu đồng, khi giá điện tăng tuy quán chỉ phải tốn thêm tiền điện vài trăm ngàn đồng nhưng còn giá cà phê, giá nước đá… liệu có “ăn theo” giá điện hay không? Nếu chúng đều tăng, dĩ nhiên sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến lợi nhuận của quán, bởi hiện nay các quán cà phê đang cạnh tranh giá cả với nhau khá quyết liệt để mong giữ được khách hàng, việc tăng giá rất dễ mất khách.
|
Anh Thân, một người chạy xe ôm lại lo lắng điện tăng giá sẽ là dịp để nhiều mặt hàng thiết yếu của đời sống cũng tăng lên, chắc chắn gây bất lợi cho những người lao động có thu nhập thấp. Theo lời anh Thân, công việc chạy xe ôm rất vất vả nhưng thu nhập lại rất bấp bênh, mỗi tháng anh chỉ kiếm được trên dưới 3 triệu đồng.
Vợ anh đi làm công nhân mỗi tháng gần 4 triệu đồng. Với thu nhập như thế, vợ chồng anh cũng phải tằn tiện lắm mới nuôi nổi 2 đứa con ăn học. Thời gian qua, gia đình anh chi tiền điện chưa đến trăm ngàn đồng/tháng, nhưng trước tin điện tăng giá anh vẫn cảm thấy không yên tâm. Khi các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá mà thu nhập của hai vợ chồng vẫn vậy, chắc chắn gia đình anh sẽ càng chật vật, khó khăn hơn.
Một vị lãnh đạo UBND xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) cho biết, đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện đang được Nhà nước hỗ trợ tiền điện hằng tháng thì việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ. Bởi lẽ mức hỗ trợ tiền điện dành cho các hộ nghèo theo chuẩn Trung ương hiện là 48.000 đồng/tháng, còn với các hộ nghèo theo chuẩn địa phương và hộ cận nghèo là 30.000 đồng/tháng. Thời gian qua, những đối tượng trên hầu như đều không than phiền gì về giá điện.
Qua tìm hiểu thì ở các hộ gia đình ít người, chỉ sử dụng điện để thắp sáng, xem tivi, xài quạt máy, khoản hỗ trợ của Nhà nước đủ giúp họ thanh toán tiền điện hằng tháng. Riêng các hộ đông con có phần thiếu hụt đôi chút. Khi điện tăng giá, khoản hỗ trợ cho các đối tượng trên có tăng lên hay không còn phải chờ quyết định của Nhà nước.
Nhìn chung, khi giá điện tăng lên 7,5% (từ ngày 16.3.2015), có lẽ thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có nỗi lo của những người thu nhập thấp. Nỗi lo của họ là có cơ sở, bởi xưa nay, giá cả thị trường vẫn thường “ăn theo” giá điện.
THIÊN TÂM