Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Cộng tác viên dân số là những người trực tiếp tuyên truyền các chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình, đưa các hoạt động truyền thông dân số- chăm sóc sức khoẻ sinh sản tới người dân; giúp thu thập, cập nhật số liệu dân số nhanh chóng, chính xác, góp phần nâng cao chất lượng dân số…

Cộng tác viên dân số tiêu biểu nhận bằng khen tại hội nghị tổng kết công tác DS - KHHGĐ tỉnh Tây Ninh năm 2015. (ảnh: Hoàng Kha).
Mạng lưới cộng tác viên (CTV) dân số giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông dân số- kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) ở cộng đồng. Đội ngũ CTV dân số phân bố rộng khắp ở các địa bàn dân cư ở mỗi địa phương. Công việc của CTV dân số- nếu làm hết trách nhiệm thì không hề nhẹ nhàng, thế nhưng hiện nay mức thù lao dành cho họ còn khá khiêm tốn- chỉ 115.000 đồng/người/tháng (bao gồm 100.000 đồng từ nguồn quỹ Chương trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ và 15.000 đồng từ ngân sách của tỉnh).
Công việc không nhàn, thù lao không xứng
Là người gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với đội ngũ CTV cơ sở, bà Lê Ngọc Thu- cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Trạch (huyện Gò Dầu) quá thấu hiểu nỗi vất vả của CTV dân số. Theo bà Thu, CTV dân số đích thị là những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Vào mỗi đợt truyền thông, đội ngũ CTV phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Muốn việc tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi CTV dân số phải tốn không ít thời gian và công sức. Nhiều địa bàn có dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn, CTV dân số khá vất vả khi cất công đến tận nhà gặp đối tượng cần tuyên truyền. Có nhiều trường hợp, CTV phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục đối tượng. CTV dân số còn phải thường xuyên sâu sát địa bàn để kịp thời cập nhật số liệu dân số kịp thời, chính xác. Mức thù lao mà họ nhận được rõ ràng không tương xứng với công sức và cả chi phí đi lại họ đã bỏ ra. Có thể nói, đa số CTV dân số chịu khó lăn lộn với công việc- chủ yếu là do ở tấm lòng, sự nhiệt tình của bản thân.
Gắn bó với công tác dân số đã hơn 10 năm qua, bà Lưu Thị Hoài- CTV dân số ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu trải lòng: mức thù lao 115.000 đồng/tháng không đủ tiền chi xăng xe thường xuyên đi đến các hộ dân. Nhiều lúc bà còn phải tự bỏ tiền túi. Nhưng cũng vì từ đầu đã gắn bó với công tác này- bằng tinh thần tình nguyện vì cộng đồng là chính, nên dù chế độ rất thấp bà vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy thế, bà cũng mong Nhà nước nên có mức thù lao hỗ trợ phù hợp hơn để những người làm công tác dân số như bà có điều kiện hoạt động tốt hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gò Dầu thừa nhận: mức thù lao dành cho CTV dân số hiện tại là chưa thoả đáng, các chế độ đãi ngộ dành cho lực lượng này cũng… không có. Trong khi đó, đời sống của nhiều CTV dân số còn không ít khó khăn. Chẳng trách nhiều người không thể gắn bó lâu dài với công việc này, dẫn đến tình trạng đội ngũ CTV dân số thường xuyên thay đổi; điều đó cũng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động DS-KHHGĐ.
Trong những năm qua, Tây Ninh đã hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ. Qua đó góp phần quan trọng vào việc ổn định, phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tây Ninh được đánh giá có mức sinh thấp và hợp lý, đạt 15,12%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì ở mức dưới 1%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 5,95%; mô hình gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi trong xã hội. Đóng góp vào kết quả đó, phải kể đến công sức của CTV dân số- những người được xem là cầu nối giữa người dân với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ. Với lòng nhiệt tình, sự kiên trì, không ít CTV dân số vẫn ngày ngày miệt mài với công việc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách dân số.
Điều đáng nói hơn là trong thời gian gần đây, khoản thù lao dành cho CTV dân số vốn đã thấp, lại còn chậm. Từ đầu năm đến nay, hơn 2.000 CTV dân số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận được khoản thù lao này. Bà Nguyễn Thị Ô - CTV dân số tại ấp Long Đại, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành là một trong số đó. Bà Ô chia sẻ: “Những năm qua, CTV chúng tôi vẫn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, tuy khoản tiền bồi dưỡng nhận được rất ít. Vậy mà, từ đầu năm đến nay, thù lao còn chưa được nhận khiến nhiều người cũng nản lòng. Mặc dù, đa phần CTV dân số gắn bó với công việc chủ yếu xuất phát từ tâm lý muốn đóng góp cho cộng đồng xã hội, nhưng nếu được sự quan tâm, chia sẻ khó khăn nhiều hơn từ các cấp quản lý, chúng tôi sẽ có thêm động lực để làm tốt công việc của mình”.
Thực tế, đội ngũ CTV dân số là lực lượng tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về DS – KHHGĐ. Họ cũng góp phần quan trọng trong việc thu thập thông tin ở cơ sở, giúp chính quyền nắm được tình hình dân số ở các xã, phường, mức độ biến động dân số của từng địa bàn. Các chỉ tiêu DS - KHHGĐ có triển khai đạt hay không, phần lớn phụ thuộc vào hiệu quả làm việc của đội ngũ CTV. Thù lao đã thấp, lại còn chậm trễ không khỏi tác động tiêu cực đến tâm lý của đội ngũ làm công tác này, đương nhiên cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng công tác DS - KHHGĐ.
Theo ông Lê Thanh Tịnh - Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện Hoà Thành, tình trạng đội ngũ CTV dân số giảm nhiệt huyết với công việc do thù lao cấp chậm đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu dân số tại địa phương. Một số xã, công tác dân số bị ngưng trệ, những cuộc họp giao ban CTV định kỳ không được triển khai, công việc được giao thực hiện chậm trễ hơn trước. Ông Tịnh bày tỏ sự lo lắng: “Nếu cứ để tình trạng này kéo dài mà không có những chính sách quan tâm hỗ trợ, động viên kịp thời, thoả đáng thì khó duy trì được đội ngũ CTV. Từ đó, hoạt động tuyên truyền sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến các đề án nâng cao chất lượng dân số chung trên địa bàn. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại nhất khi CTV không mặn mà với công tác là vấn đề số liệu cập nhật từ cơ sở không còn đáng tin cậy nữa”.
Tại huyện Dương Minh Châu, việc chậm trễ các khoản trợ cấp cho CTV dân số bước đầu đã dẫn đến sự biến động trong đội ngũ này. Ông Trần Hữu Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ huyện cho biết, hiện nay toàn huyện có 182 CTV dân số. Những năm qua, đội ngũ này vẫn hoạt động đều đặn, tích cực, nhưng riêng 6 tháng đầu năm 2016 đã có 8 CTV xin ngưng công tác.
Ông Thiện nói: rất khó để tìm được CTV dân số mới khi tiền trợ cấp chẳng có bao nhiêu, trong khi công việc của một CTV dân số không phải ai cũng có thể làm được, vì cần phải nắm được địa bàn dân cư và còn phải có khả năng tuyên truyền. Việc đào tạo CTV dân số tốn khá nhiều thời gian và công sức. Hiện tại, Trung tâm đang triển khai công tác đổi sổ ghi chép ban đầu về DS - KHHGĐ (Sổ A0), tình trạng một số CTV rời bỏ công việc sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc này nói riêng, công tác dân số nói chung. Hiện nay, chủ trương của Trung tâm DS - KHHGĐ vẫn là tích cực vận động tinh thần vì xã hội của CTV, để họ tiếp tục gắn bó với công việc trong khi chờ ngân sách từ Trung ương.
“Nhiều CTV thường xuyên hỏi thăm về vấn đề trợ cấp, tôi cũng có giải thích cặn kẽ cho họ hiểu, đây là tình hình chung của toàn tỉnh và động viên mọi người cố gắng hoàn thành tốt công tác. May là CTV dân số đến với công việc từ nhận thức muốn đóng góp cho xã hội, nên họ cũng dễ dàng thông cảm khó khăn chung của địa phương”. Chị Hồ Quỳnh Như - cán bộ chuyên trách DS - KHHGĐ thị trấn Dương Minh Châu chia sẻ.
|
Cộng tác viên dân số xã Phước Trạch tuyên truyền hoạt động DS-KHHGĐ đến người dân (ảnh: Châu Pha).
Khó khăn còn đó
Xung quanh vấn đề trên, bà Phan Thị Ngọc Liên- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, nguyên nhân việc chi trả thù lao chậm là do nguồn kinh phí cho hoạt động DS-KHHGĐ từ Trung ương vẫn chưa được phân bổ về. Tình hình chi trả thù lao chậm trễ cho CTV kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của đội ngũ này, dẫn đến nhiều CTV muốn bỏ việc hoặc không còn nhiệt tình với công tác. Trong 6 tháng đầu năm, đội ngũ CTV có nhiều biến động, đã có gần 10% CTV dân số xin nghỉ, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công tác DS-KHHGĐ. Để giải quyết khó khăn, Chi cục đã tham mưu với Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh tạm ứng ngân sách địa phương để chi trả trước cho CTV dân số trong khi chờ nguồn kinh phí từ Trung ương. Tuy nhiên, bà Liên cũng bày tỏ băn khoăn: nguồn kinh phí tạm ứng có hạn, do đó rất khó để chi trả trong một lần cho đủ được. Mặt khác, năm 2016, kinh phí hoạt động DS-KHHGĐ từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ đã không còn được đầu tư, vì vậy công tác dân số sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của cấp tỉnh và chính quyền địa phương để công tác DS-KHHGĐ đạt được hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng ở địa phương.
Thông qua việc tổ chức giám sát thực trạng hoạt động của hệ thống CTV cơ sở ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vào cuối tháng 3.2016, Ban Văn hoá- Xã hội HĐND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp kiến nghị với UBND tỉnh như: để tăng thêm mức thù lao cho CTV trên các lĩnh vực, cần xem xét các cơ chế cho CTV có khả năng đảm nhận thêm nhiệm vụ ở các lĩnh vực khác nhau, qua đó CTV có thể được hưởng nhiều mức thù lao khác nhau, giúp tăng thu nhập cho hệ thống CTV; đề nghị xem xét khoản kinh phí chi thù lao cho CTV qua hệ thống UBND cấp huyện để việc chi trả thù lao cho CTV được thuận lợi và đúng thời hạn.
Tuy nhiên, đó chỉ mới là kiến nghị, còn mọi sự có thay đổi hay không thì vẫn cứ phải… chờ.
CHÂU PHA - HOÀNG KHA