Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Một cựu chiến binh từng đi suốt chiều dài cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, có giấy chứng nhận thương tật nhưng cho đến nay, sau 28 năm, khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ông vẫn chưa được nhận một đồng nào theo chế độ quy định.

|
Ở tuổi 79, ông Nguyễn Trung Dung vẫn kiên trì chờ đợi câu trả lời của cơ quan có trách nhiệm.
“Tôi sinh năm 1937 tại tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1956, lúc vừa tròn 19 tuổi, tôi tham gia quân đội và đóng quân ở khu tự trị Thái – Mèo, thuộc địa bàn hai tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang hiện nay” - ông Nguyễn Trung Dung, hiện ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành mở đầu câu chuyện binh nghiệp của mình. Theo lời kể của ông, năm 1959- khi hoà bình đã lập lại hoàn toàn trên miền Bắc, ông được điều chuyển sang một đơn vị quân đội làm kinh tế và được giao nhiệm vụ dạy bồi dưỡng văn hoá cho cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương.
Sau một thời gian tham gia dạy học, với kiến thức về khoa học tự nhiên, ông được điều sang một cơ quan chuyên về chế tạo vũ khí (đơn vị này có tên gọi là X2) trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 1970, cuộc kháng chiến của quân dân hai miền Nam-Bắc để thực hiện mục tiêu thống nhất đất nước đã trở nên ngày càng khốc liệt. Do yêu cầu của tình hình lúc ấy, ông Dung lại được điều trở lại một đơn vị chính quy. Đơn vị của ông đóng quân tại tỉnh Nghệ An để chuẩn bị cho chiến dịch Khe Sanh (một trong những địa danh nổi tiếng ác liệt thời chiến tranh chống Mỹ). “Khoảng tháng 2 năm 1970, sau nhiều ngày đêm hành quân vô cùng vất vả, đơn vị của tôi đã đặt chân đến Quảng Trị, nơi có giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt đất nước.
Tại đây, toàn bộ anh em chiến sĩ ngày đêm khẩn trương đóng những chiếc bè làm bằng thân cây chuối để vượt sông tham gia chiến đấu. Nhưng sau đó, do tình hình chiến trường thay đổi từng giờ, cấp trên ra lệnh cho chúng tôi không vượt sông bằng bè chuối nữa mà mỗi người tự bơi qua sông cho nhanh. Mặt khác, nếu tập trung vượt sông bằng bè thì sẽ dễ làm mồi cho máy bay địch ném bom” – ông Dung kể lại câu chuyện năm xưa.
Cũng theo lời ông kể, sau mỗi đợt chiến đấu, những người lính còn sống sót lại bơi trở về bờ sông phía Bắc. Chiến trường ngày càng khốc liệt, đơn vị của ông Dung tiếp tục tham gia những trận đánh nổi tiếng như ở mặt trận đường 9 Nam Lào, trận đánh làng Vây… Cứ sau mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch lớn, nhiều đơn vị quân chính quy được ra miền Bắc học tập chính trị. Sau khi tham dự lớp bồi dưỡng chính trị ngắn hạn tại Thanh Hoá, ông và nhiều đồng đội khác lại được điều vào chiến trường Tây Nguyên tham gia trận đánh Buôn Mê Thuột và một số trận khác tại tỉnh Bình Phước.
“Tôi không thể nào quên được trận đánh tại tỉnh Phước Long. Quân giải phóng, quân chính quy miền Bắc bị tổn thất rất lớn trong trận đánh này. Giải phóng Phước Long, chúng tôi được lệnh tiến về khu vực gia Bình Triệu (TP Hồ Chí Minh ngày nay). Trưa ngày 30.4.1975, sau khi lá cờ chiến thắng tung bay ngạo nghễ trên nóc dinh Độc Lập, toàn đơn vị được lệnh tập trung chốt quân ở gần Trung tâm Huấn luyện Quang Trung của chế độ Việt Nam cộng hoà” – ông Dung kể tiếp.
Sau ngày 30.4, khi Bắc-Nam đã nối liền một dải, cũng như bao người lính khác, ông Dung nghĩ: đã đến lúc mình được giã từ vũ khí để trở về quê hương sau gần 20 năm đi suốt chiều dài của cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, sau đó ông được điều đến công tác tại Kà Tum, thuộc xã Tân Đông, huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh và ông lại tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Ngày 20.3.1978, trong lúc làm nhiệm vụ tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên, ông Dung bị trúng pháo của quân Khmer đỏ. Trong rất nhiều vết thương trên cơ thể, có một vết ở đầu (chính vết thương này đã làm ảnh hưởng tới trí nhớ của ông, khiến ông cứ lúc nhớ, lúc quên). Trong lúc điều trị ở Quân Y viện Tây Ninh, ông được một vị lãnh đạo tỉnh lúc đó là ông Sáu Thượng (Đặng Văn Thượng) vào thăm hỏi, động viên. Khi sức khoẻ tương đối ổn định, ông được ông Sáu Thượng tạo điều kiện cho chuyển ngành sang làm việc tại Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ). Một thời gian sau, ông chuyển công tác sang Ban Cải tạo công thương nghiệp tỉnh cho đến năm 1983 thì nghỉ hưu (do sức khoẻ yếu).
Năm 1988- tức 5 năm sau ngày nghỉ hưu, ông Dung làm thủ tục để được công nhận là thương binh. Ngày 20.5.1988, UBND phường 2, thị xã Tây Ninh (nơi ông Dung sống vào thời điểm đó) có biên bản đề nghị xác nhận thương binh cho ông. Ngày 26.5.1988, tại biên bản giám định thương tật, Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Tây Ninh xác định tỷ lệ thương tật của ông Nguyễn Trung Dung là 61%, xếp hạng thương binh loại 2/4. Ngày 22.8.1988, Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cấp cho ông Dung “Phiếu lập sổ và trợ cấp thương tật” đồng thời ghi ông Dung “được hưởng trợ cấp thương tật kể từ ngày 1.5.1988”. Tiếp đến, ngày 14.10.1988, Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp thương tật và cấp sổ thương binh đối với ông Nguyễn Trung Dung.
Tuy nhiên, sau thời điểm đó (và cho đến nay) không hiểu lý do gì ông Dung vẫn chưa được cấp thẻ thương binh, sổ thương binh và cũng chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Đợi mãi không được, ông viết đơn khiếu nại gửi Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7. Ngày 28.4 vừa qua, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 7 đã có công văn trả lời, hướng dẫn ông Dung đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Tây Ninh để thực hiện quyền khiếu nại cho đúng quy định. Tháng 8.2016, ông Dung lại có đơn gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đề nghị cơ quan này xem xét trường hợp của ông. Sau đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đề nghị ông nên đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét giải quyết nguyện vọng.
Trước khi ông Dung gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền, ngày 17.5.2016, ông Dư Phước Hiệp- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Vinh, huyện Châu Thành thay mặt Hội đã gửi một văn bản đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, trả lời cụ thể về trường hợp của ông Dung, bởi ông nay đã cao tuổi, thường xuyên bệnh tật, lúc nhớ lúc quên. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Hiệp cũng đã cất công đưa ông Dung đến Phòng Người có công của Sở để hỏi thì được một cán bộ ở đây trả lời: “Các lãnh đạo tiền nhiệm đã nghỉ hết rồi, cháu không giải quyết được. Chú (ông Dung) là người của quân đội thì sang Tỉnh đội để giải quyết”.
Nói về trường hợp của ông Nguyễn Trung Dung, ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Vinh chia sẻ: “Ông Dung đã chờ đợi gần 30 năm rồi. Chính bản thân tôi đã chở anh ấy xuống các cơ quan liên quan để hỏi. Nếu hồ sơ có gì khúc mắc, chưa rõ thì cấp có thẩm quyền, ngành chức năng cũng nên có câu trả lời để ông Dung và Hội biết, bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định hiện hành”.
|
Một vết thương còn hiện rõ (lõm sâu) trên đầu ông Dung.
Về phía người trong cuộc, ông Dung bày tỏ nguyện vọng: “Tôi nay đã 79 tuổi. Cuộc đời tôi, trừ thời gian bị gián đoạn hoặc làm công tác khác, tôi có 18 năm tham gia quân đội. Trải qua khói lửa của hai cuộc chiến tranh, giờ sức khoẻ yếu lắm rồi, chắc không còn được bao lâu nữa. Mong Nhà nước có một câu trả lời, tôi có được hưởng chế độ hay không, nếu không thì vì sao, nếu có thì khi nào để tôi thanh thản ra đi”.
Đem trường hợp của ông Dung đến Phòng Người có công thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để hỏi, phóng viên Báo Tây Ninh nhận được câu trả lời: “Trưởng phòng đã nhận được đơn và sẽ xem xét trả lời gia đình sau”. Vị đại diện Phòng cũng trao đổi thêm, theo quy định, vào thời điểm năm 1988, sau khi hoàn thiện hồ sơ của ông Dung, tỉnh gửi ra Bộ Thương binh và Xã hội. Nếu hồ sơ còn thiếu, chưa hợp lệ thì Bộ sẽ trả lại để bổ sung. Còn nếu như hồ sơ hợp lệ, Bộ đồng ý thì Sở Thương binh – Xã hội là nơi cấp thẻ thương binh để chi trả chế độ theo quy định. Hiện nay, những người lập hồ sơ cho ông Dung đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nên… chưa biết xử lý như thế nào.
Ngày 9.4.2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì có 8 trường hợp được xem xét là thương binh. Trong đó có một số trường hợp: chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hoá và các trường hợp đảm bảo chiến đấu; hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không khuất phục, kiên quyết đấu tranh, để lại thương tích thực thể; làm nghĩa vụ quốc tế mà bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ…
Điều 28 của Nghị định này quy định trách nhiệm lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận bị thương và giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh, trong đó ghi rõ: cơ quan, tổ chức, đơn vị, chính quyền địa phương có người bị thương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Hồ sơ hưởng thương binh, theo quy định của Nghị định 31, gồm: giấy chứng nhận bị thương, biên bản giám định thương tật của Hội đồng Giám định y khoa và quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp, phụ cấp thương tật.
Đối chiếu với quy định trên, hồ sơ thương binh của ông Nguyễn Trung Dung đã thoả mãn các yêu cầu. Cụ thể, ông Dung đã được Sở Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp thương tật và cấp sổ thương binh ngày 14.10.1988. Thế nhưng điều khó hiểu là tại sao sau 28 năm- kể từ ngày có quyết định, ông Nguyễn Trung Dung vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào? Câu hỏi này hiện vẫn chưa có một lời giải đáp rõ ràng và thoả đáng.
VIỆT ĐÔNG